Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Năm, 04/08/2022, 08:37 (GMT+7)
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (07/8/1912 – 07/8/2022)
Đồng chí Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và Nhà nước

Gần 80 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Chí Công gắn liền với những sự kiện lịch sử oanh liệt của Đảng và nhân dân ta trong suốt thế kỷ XX. Đồng chí là tấm gương cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Đồng chí Võ Chí Công thăm hỏi bà con huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam (năm 1989). Ảnh: Tư liệu

Trên những chặng đường cách mạng

Đồng chí Võ Chí Công (tên khai sinh là Võ Toàn), nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, sinh ngày 07/8/1912 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Tam Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ (nay là thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Từ nhỏ, Đồng chí đã được giáo dục về lòng yêu nước, chí khí quật cường của dân tộc. Năm 14 tuổi, Đồng chí đã cùng thân phụ của mình tham gia các phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh trên tinh thần đòi quyền dân sinh, dân chủ.

Với lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, từ năm 1930 đến năm 1934, Đồng chí tham gia hoạt động trong các phong trào thanh niên yêu nước và cách mạng; được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (năm 1935) và được cử làm Bí thư Chi bộ ghép một số xã thuộc huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (năm 1936). Tháng 9/1939, Đồng chí được bổ sung làm Huyện ủy viên, sau đó được cử làm Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ. Trong thời gian này, địch khủng bố gắt gao, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của Tỉnh ủy, nhiều Tỉnh ủy viên bị địch bắt, trong đó có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Thiệu, khiến hoạt động của Tỉnh ủy Quảng Nam gần như bị ngưng trệ hoàn toàn. Trong hoàn cảnh đó, với ý chí và niềm tin sắt đá vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Võ Chí Công đã không quản ngại hiểm nguy, tích cực móc nối các tổ chức đảng của Huyện ủy Tam Kỳ và Tỉnh ủy Quảng Nam; đồng thời, tìm cách liên lạc với những người cộng sản trong Tỉnh với hy vọng phục hồi lại các tổ chức đảng. Nhờ sự kiên trì và quyết tâm cao độ của Đồng chí, tháng 3/1940, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam được thành lập và đồng chí Võ Chí Công được cử làm Bí thư Tỉnh ủy. Trên cương vị mới, bằng tài năng và nhiệt huyết cách mạng, Đồng chí đã trở thành hạt nhân trong việc vực dậy phong trào cách mạng ở Quảng Nam và được Đảng tín nhiệm cử vào Xứ ủy Trung Kỳ (vừa được tái lập tháng 10/1941), sau đó được tổ chức điều về giữ chức Bí thư liên Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (tháng 6/1942).

Là nhà lãnh đạo có uy tín của Đảng và quần chúng nhân dân, nên Đồng chí luôn là mục tiêu săn lùng của kẻ thù. Tháng 10/1943, Đồng chí bị địch bắt, giam cầm ở nhà lao Hội An, bị kết án tù chung thân và đày đi Nhà tù Buôn Ma Thuột. Mặc dù bị tra tấn rất dã man, nhưng Đồng chí luôn giữ vững chí khí của người cộng sản kiên cường, không hé răng nửa lời với địch. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, để mị dân, chúng buộc phải thả một số tù chính trị, trong đó có đồng chí Võ Chí Công. Được trả tự do, Đồng chí về Quảng Nam và được bổ sung vào Ủy ban Việt Minh của Tỉnh và tham gia bộ phận Thường trực của Ủy ban bạo động để lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh Quảng Nam. Khi Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) nổ ra, Đồng chí tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở tỉnh Quảng Nam; sau đó, được cử làm Trưởng ty Tư pháp liên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, kiêm Chính trị viên Trung đoàn 93. Từ năm 1946 đến năm 1952, Đồng chí được cử làm Phó ban Tổ chức cán bộ và Thanh tra Liên khu 5, rồi Bí thư Ban Cán sự Đông - Bắc Miên, Khu ủy viên Khu V và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng.

Sau Hiệp định Giơnevơ (năm 1954), đồng chí Võ Chí Công xin trở về miền Nam công tác, được phân công trở lại hoạt động tại Liên khu V, làm Phó Bí thư Khu ủy và sau đó là quyền Bí thư Khu ủy Liên khu V. Tại Đại hội lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960), Đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tiếp đó, được phân công làm Phó Bí thư Thường trực Trung ương Cục miền Nam và được bầu làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (năm 1962). Tháng 01/1964, Đồng chí được điều động trở lại Liên khu V để hoạt động, làm Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Liên khu V. Gần 30 năm lãnh đạo quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng và Khu V chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Võ Chí Công đã có nhiều cống hiến to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước. Những mốc son trên con đường hoạt động cách mạng trong thời kỳ này của Đồng chí đã được ghi vào lịch sử của Đảng ta, tô đậm trang sử kháng chiến oai hùng của quân và dân Nam Trung Bộ.

Năm 1975, sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đồng chí Võ Chí Công được cử làm Phó Ban đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam. Tháng 4/1976, Đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VI, được cử giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976), Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị; được Quốc hội bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng Ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam (năm 1978), rồi được cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tháng 4/1981). Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3/1983), Đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, Ban Bí thư, được phân công làm Thường trực Ban Bí thư. Tháng 12/1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí Võ Chí Công tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị; được Quốc hội khóa VIII bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ tháng 6/1991 đến 12/1997, Đồng chí là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Võ Chí Công mất ngày 08/9/2011, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với những đóng góp to lớn cho cách mạng, Đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý.

Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và Nhà nước

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Võ Chí Công được điều ra Trung ương công tác; được Đảng tín nhiệm cử giữ nhiều trọng trách quan trọng của đất nước.

Từ năm 1976 đến đầu năm 1977, Đồng chí giữ cương vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản trong tình hình kinh tế bao cấp, Nhà nước không đủ xăng dầu, phương tiện sản xuất cho ngành Hải sản hoạt động. Nhận rõ được ưu thế đất nước có bờ biển dài, ngư trường rộng lớn, nhiều tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản, Đồng chí đã xuống các cơ sở quốc doanh, các hợp tác xã nghề lâu năm để nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân của sự trì trệ, thua lỗ; đề xuất với Chính phủ những giải pháp thiết thực, giải quyết khó khăn cho ngành Hải sản, thực hiện cơ chế tự quản để phát triển sản xuất, xóa bỏ bao cấp. Do có sự đổi mới về quản lý và cách tổ chức, ngành Hải sản đã từng bước vươn lên trở thành một ngành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Năm 1978, trên cương vị phụ trách khối nông, lâm, hải sản và kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Đồng chí ngày đêm trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, làm thế nào để tháo gỡ khó khăn của hàng triệu nông dân trong các hợp tác xã. Đồng chí đã đi xuống nhiều cơ sở nắm tình hình, ra tận đồng ruộng gặp bà con xã viên, hỏi thăm công việc sản xuất và nhận rõ: nhiều hợp tác xã thực hiện khoán đến nhóm và người lao động đã đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho xã viên, như các hợp tác xã ở Vĩnh Phú, Hải Phòng. Từ thực tế đó, Đồng chí đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhận trách nhiệm chỉ đạo dự thảo Chỉ thị 100-CT/TW về khoán sản phẩm trong hợp tác xã nông nghiệp đến nhóm và người lao động. Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư ra đời là bước đột phá quan trọng trong nông nghiệp; phù hợp với lòng dân và được nhân dân phấn khởi đón nhận. Trên cơ sở đó, Trung ương đã ra Nghị quyết 10 (năm 1988) về đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, tạo động lực mới trong sản xuất, làm tăng năng suất và sản phẩm lao động, đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực đến đủ ăn và từng bước có dư để xuất khẩu.

Không dừng lại ở việc đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, đồng chí Võ Chí Công đã góp phần phát triển tư duy về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của đất nước. Là Trưởng Ban nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, Đồng chí đã tích cực xuống các cơ sở kinh tế, mở nhiều cuộc hội thảo, tập hợp ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các viện nghiên cứu, góp phần xây dựng, hoàn thiện trình Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 306-NQ/TW (tháng 4/1986) về bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở (bao gồm các cơ sở kinh tế quốc doanh, kinh tế tiểu thủ công nghiệp; kinh tế gia đình và thành phần kinh tế cá thể, tư nhân trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất và kinh tế cá thể trong nông nghiệp). Sự thành công của cơ chế khoán trong nông nghiệp và đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, có sự đóng góp to lớn của đồng chí Võ Chí Công, góp phần quan trọng để Đảng ta đề ra đường lối đổi mới đất nước một cách đúng đắn, vững chắc.

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào đổi mới hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là công tác lập hiến và lập pháp. Với trọng trách là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, sự góp ý của Hội đồng Nhà nước, đồng chí Võ Chí Công đã cùng Ủy ban tập hợp ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân; tập trung được nhiều chuyên gia, nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng Hiến pháp của một số nước, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam; kiên trì đấu tranh với những quan điểm sai trái trong việc sửa đổi Hiến pháp, giữ vững những điều cơ bản về dân chủ, về pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp sửa đổi năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, được Trung ương Đảng, Quốc hội thông qua, đánh dấu mốc lịch sử về công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng hệ thống pháp luật, quản lý mọi mặt hoạt động của đất nước, trong thành công đó có sự đóng góp rất quan trọng của đồng chí Võ Chí Công.

Trên cương vị là Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Võ Chí Công đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đổi mới công tác của Đảng. Ngày 08/5/1982, Đồng chí ký Chỉ thị số 02-CT/TW của Ban Bí thư khóa V, về việc chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp đợt 2. Trong đó, yêu cầu đại hội: “phải được chuẩn bị và tiến hành chu đáo, không được làm một cách hình thức, chiếu lệ”1; cần nắm vững tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, tiến hành tự phê bình và phê bình nghiêm túc; tập trung được trí tuệ của cán bộ, đảng viên và quần chúng từ dưới lên để đề ra những nghị quyết sát, đúng, có căn cứ thực tế vững chắc; bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ thật sự tài năng và đạo đức. Cùng với đó, Đồng chí luôn quan tâm đến việc giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ; thường xuyên chăm lo kiện toàn tổ chức và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đoàn; chăm lo giáo dục đoàn viên và thế hệ trẻ lý tưởng cộng sản chủ nghĩa để Đoàn làm tốt chức năng đội hậu bị tin cậy của Đảng, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vẻ vang của Đảng và của dân tộc. Những năm tháng là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Võ Chí Công đã tích cực đóng góp ý kiến với Đảng và Ban Chấp hành Trung ương đối với những vấn đề lớn, quan trọng về tăng cường sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Chí Công gắn liền với quá trình cách mạng, với những sự kiện lịch sử oanh liệt của Đảng và Nhân dân ta trong suốt thế kỷ XX. Đồng chí là tấm gương cao đẹp của một người cộng sản kiên cường, mẫu mực, là một trong những học trò xuất sắc của Chỉ tịch Hồ Chí Minh, với những phẩm chất cao quý: đó là: trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đó là, tấm gương sáng về tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, giản dị, khiêm tốn, sống có tình nghĩa, hết lòng yêu thương đồng chí, đồng bào, luôn phấn đấu hết mình vì lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của Nhân dân. Đó là, một nhà lãnh đạo xuất sắc, luôn suy nghĩ và hành động sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn, lấy kết quả của hoạt động trong thực tiễn làm thước đo chân lý; gắn bó mật thiết với nhân dân, trân trọng ủng hộ những sáng kiến của cán bộ, nhân dân và địa phương.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Võ Chí Công diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tưởng nhớ và biết ơn công lao, đóng góp to lớn của Đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời, học tập và noi theo tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, tài trí xuất sắc của một nhà lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

GS, TS. ĐÀM ĐỨC VƯỢNG, Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
___________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 43, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 430.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.