Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:36 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Đó là đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là sự mong muốn của nhân dân ta về Đảng và đã được thực tiễn khẳng định. Chỉ có luôn gìn giữ, phát triển những phẩm chất cao quý ấy, Đảng mới hoàn thành được sứ mệnh cao cả của mình là lãnh đạo dân tộc ta thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Đạo đức là một trong những hình thái sớm nhất của ý thức xã hội, bao gồm những chuẩn mực xã hội điều chỉnh hành vi của con người trong quan hệ với những người khác và với cộng đồng (gia đình, làng xóm, giai cấp, dân tộc hoặc toàn xã hội). Xã hội ngày càng phát triển theo hướng tiến bộ, văn minh, theo đó đạo đức cùng phát triển với nội hàm mới. Với tư cách ý thức xã hội tiến bộ, đạo đức lại góp phần cải biến, thúc đẩy xã hội phát triển.
Mỗi dân tộc, mỗi giai cấp có những chuẩn mực đạo đức theo nhận thức riêng. Đạo đức phong kiến đề cao sự phục tùng theo những quy ước, đạo lý đã được chuẩn hóa. Đạo đức tư sản coi trọng tự do cá nhân, lợi ích riêng của mỗi người. Chuẩn mực đạo đức vô sản mang bản chất giai cấp công nhân, đề cao ý thức trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng và toàn xã hội, hoàn thiện nhân cách, bản chất xã hội của con người, góp phần cải tạo xã hội cũ và tạo dựng xã hội mới tốt đẹp. Đạo đức vô sản có sự phát triển mới, không chỉ là chuẩn mực ứng xử của con người với con người và với cộng đồng, mà còn trở thành nội dung có ý nghĩa cải biến xã hội. V.I. Lê-nin cho rằng: “Đối với chúng ta, đạo đức phải phục tùng lợi ích của cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản”1. Và rằng “đạo đức đó là những gì góp phần phá hủy xã hội cũ của bọn bóc lột và góp phần đoàn kết tất cả những người lao động chung quanh giai cấp vô sản đang sáng tạo ra xã hội mới của những người cộng sản”2.
Nhận thức sâu sắc vai trò của đạo đức nói chung và đạo đức cách mạng của Đảng Cộng sản (ĐCS) nói riêng, trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - đã đề cao vấn đề đạo đức. Trong tác phẩm Đường cách mệnh (năm 1927), Nguyễn Ái Quốc đặt lên trước hết tư cách một người cách mệnh với 23 điều về tự mình rèn luyện, đối với người khác và đối với công việc. Tự mình rèn luyện đặt ra nhiều nội dung lớn, đặc biệt là phải “Cần kiệm”, “Cả quyết sửa lỗi mình”, “Vị công vong tư”, “Không hiếu danh, không kiêu ngạo”, “Nói thì phải làm”, “Giữ chủ nghĩa cho vững”, “Hy sinh”, “Ít lòng tham muốn về vật chất”, v.v. Đối với từng người thì khoan thứ; với đoàn thể thì nghiêm; với công việc phải xem xét hoàn cảnh kỹ càng, quyết đoán, dũng cảm, phục tùng đoàn thể. Đó thực sự là tuyên ngôn về đạo đức cách mạng và cũng là yêu cầu đặt ra về đạo đức đối với Đảng và mỗi người cách mạng.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ĐCS trở thành đảng cầm quyền. Đảng và chính quyền cách mạng non trẻ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; trong đó có cả thách thức về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên (CB,ĐV). Vì thế, Thư gửi Ủy ban nhân dân các cấp ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những căn bệnh hiện hữu trong bộ máy chính quyền, như: Trái phép, Cậy thế, Hủ hóa, Tư túng, Chia rẽ, Kiêu ngạo. Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy hy sinh, gian khổ, vấn đề rèn luyện đạo đức trong Đảng càng phải được đề cao. Năm 1947, trong Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh đã nêu ra 12 điều về tư cách của Đảng chân chính cách mạng và nhấn mạnh “Muốn cho Đảng được vững bền / Mười hai điều đó chớ quên điều nào”. Người đã phân tích sâu sắc đạo đức cách mạng “không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”3. Theo Bác, Đảng chân chính cách mạng phải thấm nhuần đạo đức cách mạng và coi đó là cái gốc để mỗi tổ chức đảng, CB,ĐV tự hoàn thiện mình. “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”4.
Tiến hành cách mạng XHCN và xây dựng CNXH là sự nghiệp mới mẻ chưa từng có ở Việt Nam nhằm cải biến xã hội cũ thành xã hội mới, nhân tố con người với những giá trị đạo đức mới càng có ý nghĩa quan trọng đặc biệt. ĐCS cầm quyền phải thực sự tiêu biểu cho đạo đức mới. Hồ Chí Minh nhiều lần đặt ra yêu cầu phải nêu cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Trong Di chúc, Người nêu rõ: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”5. Một khi Đảng đã mang trong mình phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, thì những yếu tố bảo thủ, lạc hậu, trì trệ sẽ được khắc phục; sự tiếp thu những cái mới, phù hợp với tiến trình phát triển của cách mạng và xu thế của thời đại luôn được Đảng ta bổ sung, hoàn thiện cả về bản lĩnh, trí tuệ, ý chí và năng lực lãnh đạo. Và khi đó, Đảng trở thành một Đảng văn minh, xứng đáng là đảng cầm quyền trong tiến trình cách mạng Việt Nam.
Sự thống nhất, hòa quyện những giá trị đạo đức và văn minh đã tạo cho Đảng có thêm sức mạnh và khẳng định vai trò trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng; làm cho uy tín của Đảng trong quần chúng nhân dân ngày được nâng cao; vị thế của Đảng trên trường quốc tế ngày càng thể hiện rõ nét. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch thông qua chiến lược “Diễn biến hòa bình” không ngừng công kích, chĩa mũi nhọn hòng làm mất uy tín của Đảng. Đặc biệt, chúng lợi dụng một số CB,ĐV có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để khuếch trương về sự “xuống cấp” đạo đức của Đảng, v.v. Những điều đó đang đặt ra cho Đảng những yêu cầu mới về phẩm chất, năng lực lãnh đạo; những giá trị về đạo đức, văn minh cần phải được nhận thức đúng, nâng tầm lên cho phù hợp với vai trò của một đảng cầm quyền và sự kỳ vọng của quần chúng nhân dân. Muốn vậy, mỗi CB,ĐV cần thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, hết lòng, hết sức vì sự nghiệp cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của đồng bào. ĐCS Việt Nam ra đời với sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng, giành độc lập dân tộc và phát triển đất nước theo con đường XHCN. Mục tiêu cao cả đó đã được xác định ngay từ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (tháng 02-1930). Độc lập - Tự do - Hạnh phúc là mục đích thiêng liêng của Nhà nước cách mạng do Đảng lãnh đạo. Mỗi CB,ĐV, công chức phải thấu hiểu sâu sắc lý tưởng cách mạng của Đảng để sống và làm việc thật sự với tinh thần phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Lý tưởng, mục tiêu của Đảng trở thành chuẩn mực đạo đức cách mạng, định hướng phấn đấu, rèn luyện của mỗi CB,ĐV, công chức. Ở mọi thời kỳ đấu tranh cách mạng, ĐCS Việt Nam đã và đang lãnh đạo toàn dân tộc phấn đấu vì những giá trị liêng liêng đó. Nhiều thế hệ đảng viên cộng sản đã đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, chấp nhận sự hy sinh trong hoạt động bí mật, trong lao tù của đế quốc, thực dân và trong chiến đấu trực diện với kẻ thù, cùng đồng bào, chiến sĩ giành chiến thắng. Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh, đạo đức cách mạng là biết đặt lợi ích của cách mạng, của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, trước hết, thật sự dĩ công vi thượng.
Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, đòi hỏi Đảng phải coi trọng việc giáo dục, rèn luyện lý tưởng vì nước vì dân, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân đối với mọi cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức ở tất cả các cấp, các lĩnh vực công tác. Là đảng duy nhất cầm quyền, nên Đảng càng cần phòng ngừa những biểu hiện độc đoán, chạy theo chức quyền, đặc quyền, đặc lợi, phai nhạt lý tưởng, tham muốn vật chất, hưởng thụ. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ CB,ĐV, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp như Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng chỉ ra đã kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, chậm được khắc phục, sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và năng lực cầm quyền của Đảng đòi hỏi phải tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng về mọi mặt. Trong đó, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng của đội ngũ CB,ĐV, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng được đặt lên hàng đầu; cán bộ cấp trên phải gương mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên phải gương mẫu trước quần chúng.
Hai là, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Cần phân biệt chủ nghĩa cá nhân với lợi ích cá nhân chính đáng. Lợi ích cá nhân chính đáng thuộc về quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được Hiến pháp và pháp luật công nhận, tôn trọng và bảo vệ. Hồ Chí Minh nhiều lần nêu rõ, không chế độ nào tôn trọng và chăm lo tới lợi ích chính đáng của con người như chế độ XHCN. Người cũng kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, bởi nó là mầm mống của các bệnh tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, hẹp hòi, v.v. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã chỉ rõ những biểu hiện về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc, có nguyên nhân từ tác động khách quan, nhưng chủ yếu là từ nguyên nhân chủ quan. Đó là, CB,ĐV thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm; giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống còn hình thức. Vì vậy, việc chỉnh đốn Đảng, sửa chữa khuyết điểm phải bắt đầu từ những vấn đề đó.
Xây dựng CNXH là quá trình loại bỏ mặt tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân; đồng thời, bảo vệ và quan tâm tới lợi ích chính đáng của cá nhân, làm cho nhân cách con người phát triển toàn diện, kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân chính đáng và lợi ích của tập thể. Để phòng ngừa chủ nghĩa cá nhân, đòi hỏi mỗi CB,ĐV phải tự mình rèn luyện theo chuẩn mực: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; các tổ chức đảng phải coi đây là nội dung lãnh đạo, giáo dục CB,ĐV một cách thường xuyên, liên tục, với mọi đối tượng. Đồng thời, phải tiếp tục quán triệt, học tập lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Theo đó, Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào. Nghĩa là ngay thẳng, không tư tâm, không làm việc bậy, không có gì phải giấu Đảng. Trí là không có việc làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm ; thấy khuyết điểm có gan sửa chữa; cực khổ, khó khăn, có gan chịu đựng, có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý không chính đáng. Liêm là không tham địa vị, không tham tiền tài. Thực hiện những điều đó đòi hỏi phải có quyết tâm cao, vì nó hoàn toàn do lòng mình mà ra.
Ba là, nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm. Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, ĐCS phải là tổ chức tiền phong, phấn đấu kiên cường để hiện thực hóa những mục tiêu thiêng liêng của cách mạng. Mọi hành động, việc làm gương mẫu của CB,ĐV có sức cảm hóa, thuyết phục để tập hợp, đoàn kết mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân vào trận tuyến đấu tranh. Trong cách mạng giải phóng dân tộc và kháng chiến, chính sự hy sinh xương máu của những người cộng sản là tấm gương sáng để quần chúng đi vào hành động cách mạng và vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong hòa bình, xây dựng CNXH, những người cộng sản luôn có mặt ở những nơi, những lĩnh vực khó khăn để tổ chức nhân dân xây dựng lại đất nước, đồng cam cộng khổ, chia sẻ khó khăn cùng nhân dân. Đảng khởi xướng, lãnh đạo công cuộc đổi mới vì sự phát triển đất nước, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân. Đó là điều mọi người dân Việt Nam đều thấy rõ ở đội tiền phong lãnh đạo của mình. Hiện nay, phần đông CB,ĐV vẫn giữ được tính tiền phong, gương mẫu trước quần chúng nhân dân, làm tròn vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo. Nhưng vẫn có không ít CB,ĐV, kể cả một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp không nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, nói không đi đôi với làm. Họ hô hào chống tham nhũng nhưng lại tham lam, trục lợi cho bản thân và gia đình. Sự tham lam đã tự giết chết nhân cách, danh dự hoặc nhắc nhở thực hành tiết kiệm nhưng bản thân lại lãng phí, ăn chơi, hưởng lạc; miệng nói chống quan liêu nhưng lại sợ đi thực tế tiếp xúc với nhân dân, thờ ơ, vô cảm với cuộc sống khó khăn của nhân dân. Những biểu hiện nói nhiều, làm ít, nói hay, làm kém, hứa rồi không làm đã tổn hại đến uy tín của Đảng, trái với bản chất cách mạng và mục tiêu của Đảng là vì nước, vì dân. Cần nhận rõ rằng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận CB,ĐV là nguy cơ đối với Đảng và là cơ hội để các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phá hoại Đảng, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng.
ĐCS Việt Nam là Đảng cách mạng và khoa học. Đảng luôn được xây dựng và tự chỉnh đốn để thực sự là đạo đức, là văn minh. Phẩm chất đó được bồi đắp trên cơ sở của lý luận cách mạng và khoa học là chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Mỗi CB,ĐV, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải nắm vững và tinh thông lý luận Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng sáng tạo trong thực hành công việc. Đồng thời, phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, năng lực thực tiễn giỏi, phương pháp, tác phong công tác khoa học, sâu sát cơ sở; lời nói đi đôi với việc làm, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, biết quan tâm, chăm lo đến người khác. Ngoài ra, cán bộ của Đảng còn phải nắm vững khoa học lãnh đạo, quản lý, khoa học chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học nghệ thuật quân sự, tri thức văn hóa, khoa học - công nghệ và những tri thức khác.
Dân tộc Việt Nam có truyền thống văn minh, văn hiến. ĐCS Việt Nam kế thừa và không ngừng bồi đắp những giá trị truyền thống đó. Văn minh, văn hiến là sự hội tụ hòa quyện các yếu tố văn hóa, trí tuệ, đạo đức và cái đẹp. Mỗi bước phát triển và thắng lợi của cách mạng, đất nước và dân tộc gắn liền với chuẩn mực đạo đức, văn minh của dân tộc và của Đảng. Đạo đức, văn minh sẽ chiến thắng những cái lạc hậu, bạo tàn, xấu xa, đảm bảo cho Đảng lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
PGS, TS. NGUYỄN TRỌNG PHÚC, ThS. NGUYỄN THỊ NHAN __________________
1 - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 41, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr. 368.
2 - Sđd - Tập 41, tr. 369.
3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 292.
4 - Sđd - Tập 5, tr. 292.
5 - Sđd - Tập 15, tr. 622.
Đảng là đạo đức,văn minh
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội