Thứ Sáu, 22/11/2024, 20:21 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Đại tướng Lê Trọng Tấn là một vị tướng xuất sắc của Quân đội và nhân dân ta. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đồng chí đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Quân đội; trong đó, những đóng góp cho xây dựng và phát triển Bộ Tổng Tham mưu là một trong những cống hiến nổi bật.
Sinh ngày 01-10-1914 tại Hà Nội, Đại tướng Lê Trọng Tấn là cán bộ được tôi luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng và trưởng thành từ chỉ huy phân đội, trung đoàn, rồi đại đoàn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1961, Đồng chí được bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu phó, phong quân hàm Thiếu tướng; tháng 6-1978, là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Với tầm nhìn và tư duy chiến lược sắc sảo, kinh nghiệm dày dạn về công tác tham mưu chỉ huy chiến đấu, đồng chí Lê Trọng Tấn đã cùng với Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) chỉ đạo xây dựng cơ quan BTTM vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tham mưu chiến lược trọng yếu của QĐND Việt Nam.
Đóng góp nổi bật của BTTM, trong đó, có phần công sức, trí tuệ của đồng chí Lê Trọng Tấn, đó là: giúp Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng (BQP), tham mưu cho Bộ Chính trị những vấn đề chỉ đạo chiến lược về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, QĐND, tiến hành chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Là một trong những người nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng BTTM vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cho nên, ngay khi về công tác tại BTTM, đồng chí Lê Trọng Tấn chú trọng trước hết vào xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị thuộc quyền có bản lĩnh chính trị vững vàng, giác ngộ sâu sắc về mục tiêu, lý tưởng cách mạng, kiên định lập trường giai cấp công nhân, hết lòng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, có tinh thần chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH. Đồng chí xác định: “Giáo dục bộ đội về chính trị và tư tưởng là vấn đề hàng đầu”1 và “để bộ đội có chất lượng chính trị mạnh... phải xây dựng Đảng bộ trong sạch, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ quán triệt nhiệm vụ đối với Tổ quốc”2. Không chỉ chăm lo xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, trên cơ sở thực tiễn phong phú, Đồng chí còn chỉ ra những yếu tố cơ bản để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Đó là: chăm lo xây dựng sự đoàn kết, thống nhất cao trong cấp ủy và người chỉ huy là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp để đơn vị hoàn thành mọi nhiệm vụ. Vì vậy, Đồng chí đặc biệt quan tâm chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị. Đồng chí thường căn dặn cán bộ cấp dưới rằng: “trong xây dựng đơn vị mạnh về chính trị, tất nhiên phải làm toàn diện, nhưng việc đoàn kết nội bộ, tôn trọng lẫn nhau, hết lòng vì cấp dưới… là đặc biệt quan trọng”3 và cán bộ phải có tác phong sâu sát, nêu cao dân chủ, gần gũi, thân mật, lắng nghe ý kiến của cán bộ, chiến sĩ, tôn trọng quần chúng. Trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đồng chí Lê Trọng Tấn đặc biệt quan tâm đến chất lượng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Điều này được thể hiện rõ khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới, Đồng chí thường khuyến khích cán bộ phát huy khả năng sáng tạo, tinh thần dũng cảm, dám nghĩ, dám đánh, dám chịu trách nhiệm trước cấp trên và cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền. Khi đánh giá, nhận xét, cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, Đồng chí luôn có thái độ công tâm, khách quan để lựa chọn những người có tài, có đức, được cơ quan và đơn vị tín nhiệm. Đồng chí yêu cầu “đã là cán bộ quân sự của Đảng - nhất là cán bộ ở cơ quan tham mưu chiến lược phải có lập trường tư tưởng vững vàng, có chứng kiến rõ ràng, trung thực, không dựa dẫm, hoặc chỉ nói cho vừa lòng cấp trên”4.
Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Đồng chí coi trọng xây dựng kiện toàn tổ chức, biên chế của BTTM, chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của BQP, với quan điểm nhất quán là phải bảo đảm hợp lý, giảm bớt khâu trung gian, những bộ phận mới phải thực sự cần thiết mới tổ chức, lấy yêu cầu nhiệm vụ và hiệu suất công tác làm chỉ tiêu để xây dựng tổ chức, biên chế. BTTM là cơ quan tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước, QUTƯ và BQP về công tác quân sự, quốc phòng, vừa tổ chức chỉ đạo, chỉ huy cấp dưới triển khai thực hiện; đồng thời, là cơ quan phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội trong thực hiện các chủ trương công tác của Đảng, Nhà nước và BQP. Thực hiện kế hoạch xây dựng Quân đội 5 năm lần thứ hai (1961 - 1965) của QUTƯ, với cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng, đồng chí Lê Trọng Tấn đã cùng Thủ trưởng BTTM chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất với QUTƯ, Bộ Chính trị nhiều kế hoạch quan trọng, như: Kế hoạch về xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) ở miền Bắc, Chỉ thị về xây dựng các LLVT cách mạng ở miền Nam (15-02-1961); Dự thảo chủ trương, phương châm của cách mạng miền Nam (02-1962 và 12-1962). Đồng thời, tập trung triển khai các kế hoạch, phương án bảo vệ miền Bắc, động viên thời chiến, phát triển lực lượng… và làm tròn nhiệm vụ quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và chiến đấu của LLVT ba thứ quân trên các chiến trường.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, Đồng chí đã nhiều lần dẫn đầu các đoàn cán bộ của BTTM trực tiếp vào chiến trường vừa nghiên cứu, theo dõi nắm tình hình, vừa trực tiếp truyền đạt nhiệm vụ, chỉ đạo, chỉ huy đơn vị thực hiện chủ trương, phương châm hoạt động và tác chiến. Đặc biệt, với tư duy chiến lược sắc sảo, tài năng quân sự lỗi lạc, ở cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng, Đồng chí đã được Bộ Chính trị, QUTƯ cử làm Tư lệnh nhiều chiến dịch lớn, như: Đường 9 - Nam Lào, Cánh Đồng Chum (năm 1971); Trị - Thiên (năm 1972); Huế - Đà Nẵng (năm 1975),… và trở thành một trong những Tư lệnh chiến dịch xuất sắc về tác chiến hiệp đồng binh chủng của Quân đội ta.
Đầu năm 1973, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và QUTƯ, BTTM đã thành lập “Tổ trung tâm” do đồng chí Lê Trọng Tấn phụ trách để nghiên cứu, đề xuất Kế hoạch giải phóng miền Nam. Đồng chí đã cùng Cơ quan BTTM đánh giá tình hình chiến trường, về Quân đội Ngụy quyền Sài Gòn và khả năng phản ứng của Mỹ; về hướng tiến công, mục tiêu trong từng giai đoạn và vấn đề tiến công và nổi dậy. Riêng “Kế hoạch giải phóng miền Nam” do BTTM soạn thảo đã được BQP thảo luận, chỉnh sửa để báo cáo Bộ Chính trị và chính thức được thông qua. Bám sát diễn biến chiến trường và với tầm nhìn chiến lược, Đồng chí đã mạnh dạn đề xuất Thường trực QUTƯ và Bộ Chính trị thành lập cánh quân phía Đông để cơ động tiến công Sài Gòn ngay sau Chiến dịch Huế - Đà Nẵng kết thúc thắng lợi. Thực tế đã chứng minh, đề xuất của đồng chí Lê Trọng Tấn là hoàn toàn đúng đắn và chính một đơn vị của cánh quân này đã đánh thẳng vào Dinh Độc Lập bắt sống toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn. Sau này, trong Hội nghị Tổng kết Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương: “Cánh quân phía Đông là sáng tạo của BTTM vì nó không có từ đầu trong Kế hoạch giải phóng miền Nam”5.
Sau khi đất nước thống nhất, trước yêu cầu mới của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Lê Trọng Tấn đã cùng với tập thể Đảng ủy và Thủ trưởng BTTM có nhiều biện pháp củng cố biên chế tổ chức, xây dựng BTTM vững mạnh toàn diện, nhằm đáp ứng tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng kế hoạch điều chỉnh lại thế bố trí lực lượng cho phù hợp với chiến lược phòng thủ bảo vệ Tổ quốc; chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng QĐND “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ngày càng vững chắc, nâng cao khả năng SSCĐ và chiến đấu của LLVT nhân dân.
Tháng 6-1978, trước nguy cơ xảy ra chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, với cương vị là Tổng Tham mưu trưởng, Đồng chí đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc BTTM chủ động nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch tác chiến theo phương châm “đánh nhanh, đánh sớm..., không cho địch đối phó”6 ở biên giới Tây Nam; đồng thời, có kế hoạch sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc. Trong đó, một mặt, chủ động điều chỉnh bố trí lực lượng và nhiệm vụ của một số đơn vị SSCĐ trên tuyến biên giới; mặt khác, bám sát thực tiễn của từng chiến trường, đánh giá đúng tình hình mọi mặt để dự kiến chính xác các tình huống chiến dịch, chiến lược; trên cơ sở đó, chuẩn bị chiến trường; bố trí thế trận linh hoạt; triển khai kế hoạch phòng thủ trên hướng biển, đẩy mạnh việc tiếp tế, chi viện cho hải đảo và các khu vực trọng điểm. Thực tiễn đã khẳng định, sự chỉ đạo của BTTM là đúng đắn, nhạy bén góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, trực tiếp là quân, dân trên tuyến biên giới Tây Nam và phía Bắc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Là Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, dù tuổi đã khá cao, nhưng Đồng chí vẫn trực tiếp bám sát chiến trường, chỉ huy chiến đấu, để lại tấm gương sáng cho toàn quân nói chung và cán bộ, chiến sĩ BTTM nói riêng về ý chí quyết chiến quyết thắng, lòng trung thành với Tổ quốc, tận tụy với nhiệm vụ được giao.
Quán triệt đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đồng chí thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của BTTM phải nắm vững chức năng, nhiệm vụ thời kỳ mới; tích cực nghiên cứu nắm vững tình hình, dự báo chiến lược; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện; đẩy mạnh việc nghiên cứu, tổng kết, phát triển khoa học nghệ thuật quân sự, nghệ thuật tác chiến trong điều kiện mới. Nhờ đó, năng lực, chất lượng công tác của từng cơ quan không ngừng được nâng lên; BTTM đã được QUTƯ, Bộ Chính trị tin tưởng giao nhiều trọng trách quan trọng, như: chuẩn bị nội dung để Bộ Chính trị ra Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 09-6-1985 về những vấn đề cơ bản của đường lối quân sự của Đảng trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN; tham gia nội dung về tăng cường sức mạnh quốc phòng trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội VI của Đảng, v.v.
Đồng chí Lê Trọng Tấn còn đóng góp quan trọng vào việc chỉ đạo xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật ở BTTM nói riêng, toàn quân nói chung. Trong thời gian là Phó Tổng Tham mưu trưởng, rồi Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Đồng chí đã chỉ đạo BTTM tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị thuộc quyền theo hướng “hợp lý, gọn, mạnh, cải tiến tác phong công tác, chăm lo đời sống cán bộ, chiến sĩ”7; coi trọng xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật để xây dựng BTTM thực sự chính quy, mẫu mực, tiêu biểu cho toàn quân. Cùng với đó, Đồng chí còn chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn các tài liệu quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của các cơ quan thuộc BTTM với các cấp, các ngành trong và ngoài Quân đội. Đồng thời, tham mưu trình BQP ban hành một số văn bản, nhằm củng cố nền nếp chính quy, chế độ sinh hoạt, học tập, lề lối, tác phong công tác cho đội ngũ cán bộ các cấp; cải tiến quan hệ hiệp đồng giữa các cơ quan và một số chế độ làm việc của BTTM. Chỉ đạo các cơ quan BQP phối hợp soạn thảo để Bộ ban hành hệ thống tài liệu về Điều lệnh, Điều lệ công tác tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật; hệ thống giáo trình về chiến thuật, chiến dịch, chiến lược của LLVT, v.v. Đồng chí yêu cầu cơ quan tham mưu nghiên cứu, vận dụng linh hoạt chủ trương của Nhà nước về bảo đảm chế độ, chính sách đối với Quân đội và hậu phương quân đội, nhằm tạo điều kiện để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.
Là nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc, Đại tướng Lê Trọng Tấn luôn toát lên phẩm chất cương trực, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Cùng với đó, trong con người Đại tướng luôn tỏa sáng lòng nhân hậu, vị tha và đạo đức cách mạng. Dù ở đâu, trên bất cứ cương vị nào, Đồng chí cũng được cán bộ và chiến sĩ hết lòng tin yêu, kính trọng. Tưởng nhớ và ngưỡng mộ tài năng, đức độ của Đại tướng Lê Trọng Tấn, cán bộ, chiến sĩ BTTM nguyện học tập, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, không ngừng nâng cao trình độ và năng lực công tác chuyên môn, xây dựng BTTM vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, cơ quan vững mạnh toàn diện. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” gắn với “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tô thắm truyền thống “Trung thành, mưu lược; Tận tụy, sáng tạo; Đoàn kết, hiệp đồng; Quyết chiến, quyết thắng” của BTTM Quân đội nhân dân Việt Nam. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Lê Trọng Tấn, là dịp để cán bộ, chiến sĩ BTTM nói riêng, toàn quân nói chung cùng nhau ôn lại công đức tài năng và tri ân vị Đại tướng đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân và Quân đội ta.
Trung tướng VÕ VĂN TUẤN, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam
Bí thư Đảng ủy BTTM - Cơ quan BQP ______________
1 - Đại tướng Lê Trọng Tấn - Tổng tập, Nxb QĐND, H. 2007, tr. 416.
2 - Đại tướng Lê Trọng Tấn người của những chiến trường nóng bỏng, Nxb Văn hóa, H. 2014, tr. 378.
3 - Đại tướng Lê Trọng Tấn người của những chiến trường nóng bỏng, Nxb Văn hóa, H. 2014, tr. 378.
4 - Bộ Tổng Tham mưu, 50 năm một chặng đường, Nxb QĐND, H. 1978, tr. 263.
5 - Đại tướng Lê Trọng Tấn - Tổng tập, Nxb QĐND, H. 2007, tr. 9.
6 - Lịch sử Cục Tác chiến (1945 - 2005), Nxb QĐND, H. 2005, tr. 751.
7 - Lịch sử Đảng bộ Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng, Tập 2, Nxb QĐND, H. 2011, tr. 7.
Lê Trọng Tấn,Bộ Tổng tham mưu
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội