Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:24 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Đại thắng mùa Xuân 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên thống nhất, hòa bình, độc lập, tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đối với Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh, Đại thắng mùa Xuân 1975 còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng: là điểm hội tụ lịch sử của dân tộc và thời đại, ý chí và khát vọng mãnh liệt “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Thành phố là nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp và cũng là nơi kết thúc thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch lịch sử mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam, chấm dứt ách đô hộ của thực dân và đế quốc, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Những giá trị lịch sử bài học kinh nghiệm từ Đại thắng mùa Xuân 1975 là tài sản quý báu để Thành phố kế thừa, vận dụng và phát huy vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị chỉ rõ: “Thành phố cần tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, nỗ lực phấn đấu, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển Thành phố nhanh và bền vững với chất lượng và tốc độ cao hơn mức bình quân chung của cả nước, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á, góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.
Nhìn lại chặng đường 30 năm (1945 – 1975) trường kỳ kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đảng bộ, lực lượng vũ trang, nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã không ngừng tôi luyện và trưởng thành trong cuộc đấu tranh vô cùng khốc liệt chống lại kẻ thù xâm lược. Quân, dân Sài Gòn - Gia Định đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, kiên cường chiến đấu anh dũng trên cả ba mặt trận: chính trị, quân sự và binh vận, làm nên những chiến công vang dội, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tháng 7 năm 1976 , Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất đã ra Nghị quyết đổi tên Sài Gòn - Gia Định thành thành phố Hồ Chí Minh, một lần nữa khẳng định ý chí và nguyện vọng của quân, dân Thành phố một lòng đi theo con đường mà Bác Hồ kính yêu đã chọn. Thành phố vinh dự được mang tên Bác đã “cùng cả nước, vì cả nước” vững vàng, bền bỉ phấn đấu, tiếp tục nêu cao tinh thần cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực cùng cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sài Gòn là nơi bắt đầu và cũng là nơi kết thúc cuộc trường kỳ kháng chiến 21 năm của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Trước giải phóng, Sài Gòn được mệnh danh là “Hòn ngọc viễn Đông”, nhưng thực chất chỉ tập trung các hoạt động phục vụ cho bộ máy chiến tranh, nhằm thực hiện âm mưa chia cắt lâu dài đất nước ta. Sau Ngày giải phóng, chính quyền cách mạng phải đương đầu với vô vàn thử thách, như: thiên tai, chiến tranh biên giới Tây Nam; các thế lực trong và ngoài nước thường xuyên chống phá, tình hình thế giới có nhiều biến động; cùng với đó, sự thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý kinh tế, xã hội, đô thị… đã gây trở ngại cho quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta cũng như sự phát triển của Thành phố. Trong 10 năm đầu (l975 - 1985), Thành phố đã vượt qua một giai đoạn đầy khó khăn và phức tạp của những năm sau Ngày giải phóng, giữ vững ổn định chính trị, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế. Bước vào thời kỳ đổi mới, Thành phố đã nỗ lực vươn lên, phát triển sản xuất, từng bước khẳng định vị trí “đầu tàu kinh tế của cả nước”, cung cấp nhiều kinh nghiệm về đổi mới cơ chế quản lý, góp phần hình thành các chính sách đổi mới của Trung ương.
Sau giải phóng đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành riêng 03 Nghị quyết về thành phố Hồ Chí Minh: Nghị quyết số 01-NQ/TW, ngày 14-9-1982 về công tác của thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 18-11-2002 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 và Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10-8-2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Từ những định hướng chiến lược hết sức quan trọng này, Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân Thành phố đã nỗ lực không ngừng, kiên trì, quyết tâm thực hiện và đạt nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Qua 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, 30 năm cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới, thành phố Hồ Chí Minh luôn giữ vững ổn định chính trị, có nhiều bước tiến về kinh tế - xã hội; quy mô nền kinh tế tăng gấp nhiều lần, hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; nhân dân ngày càng tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,… góp phần quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước. Nổi bật ở một số nội dung sau:
Thứ nhất, kinh tế Thành phố không ngừng tăng trưởng, đóng vai trò là đầu tàu, động lực phát triển của cả nước.
Mặc dù chỉ chiếm 0,63% diện tích và 8,8% dân số so với cả nước, nhưng 40 năm qua, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển kinh tế Thành phố ngày càng ổn định. Giai đoạn 1976 - 1986, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Thành phố tăng bình quân 2,7% /năm; giai đoạn đổi mới, nhiều năm liền kinh tế của Thành phố tăng bình quân từ 10 - 12%/năm. Đặc biệt giai đoạn 2011 - 2015 kinh tế của Thành phố tăng trưởng ước đạt 9,6%, cao hơn 1,6 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Các thành phần kinh tế không ngừng được khuyến khích, phát triển; hiện nay, trên địa bàn Thành phố có trên 140.000 doanh nghiệp, hơn 250.000 hộ kinh doanh cá thể; hơn 5.330 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư khoảng 36,6 tỷ USD. Cơ sở vật chất, kỹ thuật của các ngành kinh tế trong những năm qua phát triển nhanh chóng. Tính đến năm 2014, Thành phố có 03 khu chế xuất và 13 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 37.748 ha; Khu công nghệ cao với tổng diện tích 913 ha, Công viên phần mềm Quang Trung có diện tích 43 ha… Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng dần qua các năm và đạt mức bình quân 35% GDP; đầu tư từ nguồn vốn ngân sách chiếm khoảng 13% đầu tư toàn xã hội; thu hút đầu tư nước ngoài đạt được kết quả đáng khích lệ (chiếm 1/3 tổng số dự án, 1/4 tổng mức vốn đăng ký của cả nước). Quy mô kinh tế của Thành phố chiếm hơn 1/5 quy mô kinh tế của cả nước; đóng góp trên 30% nguồn thu ngân sách quốc gia... Nhìn chung, phát triển kinh tế thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước thông qua các hoạt động đầu tư, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Đặc biệt, Thành phố đã đề xuất nhiều cơ chế chính sách xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, nhiều sáng kiến của Thành phố đã được nhân rộng trong cả nước và được triển khai hiệu quả tại các địa phương, như: ban hành các quy định tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo khuôn khổ pháp lý; hình thành nền sản xuất hàng hóa nhiều thành phần kinh tế tham gia; xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung; Chương trình bình ổn thị trường; Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, v.v.
Thứ hai, công tác quản lý và phát triển đô thị tiếp tục chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng được cải thiện, phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế, đời sống nhân dân và hội nhập quốc tế.
Không gian đô thị được mở rộng, phát triển hướng đến văn minh, hiện đại, mang lại nhiều tiện ích cho người dân Thành phố, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế. Các khu đô thị mới, như: Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, Tây Bắc… được đầu tư xây dựng hiện đại, hài hòa với không gian Thành phố, từng bước tạo nên diện mạo đô thị khang trang, hiện đại. Hiện nay, Thành phố đã hoàn thành công tác lập quy hoạch, bao gồm: điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng 24 quận, huyện; lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 phủ kín trên địa bàn.
Cùng với đó, hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư phát triển: Giai đoạn 2001 - 2014, Thành phố đã đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác nhiều công trình, tuyến đường giao thông quan trọng, như: đường Nguyễn Văn Linh, đường Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành – Dầu Giây, đường Phạm Văn Đồng; cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2; Hầm vượt Sông Sài Gòn… tạo bước đột phá trong phát triển đô thị. Hiện nay, một số tuyến đường sắt đô thị, như: Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương đang được triển khai xây dựng và sẽ đưa vào khai thác trong thời gian tới. Ngoài ra, Thành phố còn có nhiều nỗ lực trong việc cải tạo hệ thống kênh rạch trên địa bàn, nhất là Dự án vệ sinh môi trường nước Thành phố lưu vực Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Kênh Bến Nghé - Tàu Hũ - Kênh Đôi - Kênh Tẻ, góp phần khắc phục tình trạng ngập úng, tạo mỹ quan đô thị khang trang, sạch, đẹp.
Thứ ba, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ có nhiều tiến bộ.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về công tác phổ cập giáo dục, quy mô phát triển giáo dục được mở rộng ở các cấp học, bậc học, với gần 1.500 trường học, hơn l,3 triệu học sinh. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên được đào tạo cơ bản, có hơn 65.000 cán bộ, giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy. Cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học được đầu tư ngày càng hiện đại, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Các cơ sở đào tạo và dạy nghề phát triển nhanh, đa dạng; trên địa bàn Thành phố tập trung quy mô lớn hệ thống các cơ sở giáo dục và đào tạo bậc đại học, sau đại học; trình độ giáo viên đại học và cao đẳng chiếm 95% của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Khoa học và công nghệ chú trọng đi sâu nghiên cứu, ứng dụng, phục vụ các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; có nhiều thành tựu mới được đưa vào ứng dụng trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng,… tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ có chất lượng và sức cạnh tranh cao, phục vụ sản xuất và từng bước thay thế nhập khẩu.
Thứ tư, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội của Thành phố không ngừng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; các hoạt động mang đậm nét truyền thống của dân tộc, thể hiện lòng nhân ái, nghĩa tình, giúp đỡ người nghèo được chú trọng phát huy. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai rộng khắp. Đầu tư cho hoạt động văn học - nghệ thuật, các công trình văn hóa, chương trình biểu diễn nghệ thuật, triển lãm văn hóa phát triển cả về lượng và chất, với nhiều nội dung phong phú, đa dạng. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều tiến bộ, đầu tư trang thiết bị mới, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cấp, mở rộng các cơ sở y tế... góp phần nâng cao điều kiện và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Thành phố hiện có trên 105 bệnh viện các loại, trên 34 ngàn giường bệnh, đáp ứng nhu cầu khám và chữa bệnh cho 29 triệu lượt người (đạt 14,5 bác sĩ, 34 giường/10.000 dân).
Chương trình xây dựng nông thôn mới được lồng ghép với các chương trình an sinh xã hội, Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá đạt kết quả đáng kể. Thành phố đã hoàn thành Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 (2011 – 2015) hoàn thành trước 02 năm so với kế hoạch; phấn đấu cuối năm 2015, hạ tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 01% tổng số hộ dân Thành phố, đến năm 2020 không còn hộ nghèo. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa, đền ơn đáp nghĩa,... luôn được quan tâm, thực hiện với nhiều hình thức thiết thực, được lồng ghép với nhiều hoạt động nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn một số hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục, đó là: tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa ngang tầm với tiềm lực; khoa học công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố; đời sống nhân dân vẫn chưa hết khó khăn; hệ thống chính trị, nhất là tố chức cán bộ chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ.
Nhìn lại 40 năm qua, tuy có những giai đoạn thăng trầm, những khó khăn, thách thức, song thành phố Hồ Chí Minh vẫn vững vàng, năng động, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm quý trong đấu tranh cách mạng vào sự nghiệp xây dựng Thành phố ngày càng vững mạnh. Với những thành tựu đạt được, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý: “Thành phố Anh hùng”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”, Huân chương Sao vàng lần thứ Hai…
Từ thực tiễn trong chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong quá trình quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành xây dựng, phát triển Thành phố trong 40 năm qua, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm quý sau đây:
Một là, cách mạng thành công là do Đảng ta đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, biết phát huy tốt nhân tố con người, quán triệt sâu sắc bài học xuyên suốt: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.
Trong chiến tranh cách mạng “phát huy sức mạnh của dân tộc, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại”, Thành phố đã huy động mọi nguồn lực vật chất và tinh thần để giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Tổ quốc, biên giới, biển, đảo; tiếp tục xây dựng “thế trận lòng dân”, gắn chặt thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân, tiến hành đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.
Hai là, mọi đường lối, chủ trương, chính sách, phong trào hành động cách mạng chỉ thực sự thành công khi có sự tham gia trực tiếp của đông đảo quần chúng. Vì thế, các chủ trương, chính sách, quyết định phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị phải hướng đến lợi ích của nhân dân. “Tin dân, trọng dân, học dân, dựa vào dân, huy động sức mạnh của toàn dân”, nêu cao ý chí tự lực tự cường, bản lĩnh và trí tuệ, vững vàng kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy mọi nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng, phát triển Thành phố.
Ba là, trong tiến trình phát triển, phải luôn chủ động tìm tòi học hỏi cái mới, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của thời đại; nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, quy luật khách quan của thời cuộc và sự vận động, biến đổi không ngừng của thực tiễn cuộc sống để vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể và điều kiện đặc thù của Thành phố.
Bốn là, chăm lo xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác tốt; đẩy mạnh cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tạo sự đồng thuận quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Phát huy giá trị tinh thần của Đại thắng mùa Xuân 1975 và làm tròn sứ mệnh lịch sử trong thời đại mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nguyện chung sức, đồng lòng, đem hết sức lực, trí tuệ và trách nhiệm của mình để hoàn thành xuất sắc trọng trách nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó:
"Vì cả nước, cùng cả nước, thành phố Sài Gòn hôm qua đã được giải phóng.
Vì cả nước, cùng cả nước, thành phố Hồ Chí Minh hôm nay nhất định xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”1.
LÊ HOÀNG QUÂN, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ______________
1- Trích bài phát biểu của đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu lần thứ III của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh.
(Trích tham luận tại Hội thảo khoa học thành phố Hồ Chí Minh - 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập)
Thành phố Hồ Chí Minh,kinh nghiệm,xây dựng,phát triển
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội