Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:33 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Công tác hậu cần có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến tranh. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước khẳng định điều đó; đồng thời, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của ngành Hậu cần Quân đội.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là một trong những trận quyết chiến chiến lược có quy mô lớn nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Để đáp ứng yêu cầu rất cao của chiến lược, công tác hậu cần (CTHC) phải đảm bảo hàng trăm nghìn tấn vật chất, vũ khí, trang bị kỹ thuật trong điều kiện cơ động thần tốc của các đơn vị chủ lực và các chiến dịch tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, diễn ra liên tiếp, xen kẽ nhau, trong thời gian ngắn, trên không gian rộng, khắp chiến trường miền Nam, v.v. Đây là thách thức to lớn chưa từng có đối với CTHC và ngành Hậu cần Quân đội, nhưng với quyết tâm cao độ, hậu cần các cấp, các chiến trường đã chủ động phối hợp với các lực lượng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết hội nghị Quân ủy Trung ương (ngày 18-12-1972), Tổng cục Hậu cần đã xây dựng và triển khai Kế hoạch Hậu cần 3 năm (1973 - 1975), chủ động chuẩn bị cho “thời cơ lớn”. Trọng tâm là, củng cố, kiện toàn lực lượng hậu cần các cấp, tập trung xây dựng hậu phương, căn cứ địa tại chỗ; đẩy mạnh xây dựng, phát triển, hoàn thiện tuyến vận tải chiến lược, chiến dịch; điều chỉnh bố trí và mở rộng các căn cứ hậu cần; tổ chức vận chuyển, tăng cường chi viện vật chất hậu cần, kỹ thuật cho các chiến trường, v.v. Thực hiện chủ trương đó, việc chuẩn bị chiến trường về hậu cần được tiến hành toàn diện ở các cấp. Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký, chúng ta đẩy mạnh xây dựng, phát triển tuyến giao thông vận tải chiến lược, mở rộng, hoàn thiện mạng giao thông đường bộ, đường ống trên cả hai phía Đông và Tây Trường Sơn, đảm bảo cho vận chuyển bằng cơ giới quy mô lớn, liên tục trong cả năm; đồng thời, phát triển mạnh mạng đường chiến dịch trên các chiến trường. Chỉ trong 02 năm (1973 - 1974), Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng thêm hàng nghìn ki-lô-mét đường bộ, đường ống; các chiến trường cũng mở thêm gần 6.000 km đường ô tô nối với tuyến vận tải chiến lược, tạo nên hệ thống giao thông vận tải cơ giới thông suốt từ hậu phương lớn miền Bắc đến tất cả các chiến trường, địa bàn tác chiến, liên hoàn giữa tuyến chiến lược với tuyến chiến dịch và giữa các chiến trường, tạo khả năng cơ động cao để bảo đảm hậu cần (BĐHC) cho tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Mặt khác, hậu cần chiến lược chủ động tạo chân hàng và chỉ đạo điều chỉnh tổ chức vận tải ở hậu phương và Tuyến 559 theo hướng tổ chức các sư đoàn, trung đoàn ô tô, thực hiện vận tải tập trung quy mô lớn, đẩy mạnh chi viện chiến lược, đưa nhanh vật chất, phương tiện kỹ thuật ra phía trước. Từ đầu năm 1973 đến hết tháng 4-1975, hậu cần chiến lược đã vận chuyển cho các chiến trường lượng vật chất gấp gần 02 lần khối lượng vận chuyển của 13 năm trước đó, tạo dự trữ lớn tiếp cận các địa bàn trọng yếu, sẵn sàng bảo đảm cho tác chiến quy mô lớn khi có thời cơ chiến lược. Trong giai đoạn này, Tổng cục Hậu cần cũng tăng cường cho các chiến trường hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên hậu cần, cùng phương tiện, trang bị, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, nhất là cho xây dựng các binh đoàn chủ lực cơ động. Song song với chuẩn bị của hậu cần chiến lược, hậu cần các chiến trường cũng tập trung kiện toàn tổ chức lực lượng, đẩy mạnh xây dựng, củng cố căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần ở cả rừng núi và đồng bằng, tăng cường tạo nguồn, tạo nên thế vững, lực mạnh, nâng cao khả năng bảo đảm trên từng khu vực, hình thành thế trận hậu cần liên hoàn, vững chắc, cơ động cao, vừa bảo đảm cho tác chiến trước mắt, vừa chuẩn bị cho tiến công chiến lược khi có thời cơ, v.v. Đây là một thành công lớn về chuẩn bị và tổ chức chiến trường về mặt hậu cần, thể hiện rõ sự quán triệt và thực hiện phương châm “chủ động thấy trước, lo trước” trong CTHC; qua đó, tạo nên khả năng BĐHC to lớn cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Bám sát quyết tâm chiến lược và tình hình chiến trường, tháng 01-1975, Tổng cục Hậu cần chỉ đạo chuyển từ bảo đảm theo kế hoạch cơ bản năm 1975 sang bảo đảm theo kế hoạch thời cơ; trước hết tập trung chuẩn bị, bảo đảm cho Chiến dịch Tây Nguyên. Sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Chính trị quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa năm 1975. Quyết định đó đặt ra cho CTHC hàng loạt vấn đề phải giải quyết. Tuy nhiên, nhờ chuẩn bị lực lượng đủ mạnh, chuyển hướng kịp thời theo cách đánh thần tốc, táo bạo và bám sát các tình huống chiến dịch, chiến lược, nên lực lượng hậu cần đã khắc phục được khó khăn, giải quyết tốt vấn đề chiến trường “không gian rộng”, “thời gian ngắn”, “khối lượng vận chuyển lớn”, đáp ứng yêu cầu tác chiến cấp bách. Ở đây, một lần nữa hậu cần tại chỗ tiếp tục khẳng định vai trò hết sức to lớn và là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự “thần tốc” về BĐHC trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Trong 55 ngày đêm Tổng tiến công và nổi dậy, hậu cần chiến lược đã “thọc sâu, vươn xa” đến tất cả các hướng chiến trường, cùng hậu cần các quân khu, hậu cần các binh đoàn linh hoạt điều chỉnh tổ chức, chuyển hóa thế bố trí, đặc biệt đã vận dụng sáng tạo phương thức BĐHC tại chỗ và BĐHC cơ động trên cơ sở phát huy hậu cần tại chỗ kết hợp với bổ sung của tuyến chiến lược và tận dụng nguồn chiến lợi phẩm ngay trên chiến trường, nên bảo đảm kịp thời cho các cuộc hành quân thần tốc, các đòn tiến công chiến lược của các binh đoàn chủ lực và tiến công, nổi dậy ở địa phương, cơ sở trên khắp miền Nam. Trước tình hình vô cùng khẩn trương, phức tạp, chúng ta đã linh hoạt trong chỉ đạo tổ chức BĐHC và tập trung giải quyết tốt khâu trung tâm, then chốt của CTHC đó là vận tải. Ngành Hậu cần đã huy động, sử dụng có hiệu quả mọi phương thức, phương tiện vận tải, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm cơ động chiến lược, kịp thời đưa các binh đoàn, sư đoàn chủ lực cùng binh khí kỹ thuật và hàng chục nghìn tấn vật chất vượt quãng đường hàng nghìn ki-lô-mét đến các hướng chiến trường, đáp ứng thời cơ chiến lược và yêu cầu “thần tốc”, “chắc thắng”. Cùng với hậu cần chiến lược, hậu cần các chiến trường, các quân đoàn, quân chủng, binh chủng, đơn vị đã có nhiều biện pháp, hình thức sáng tạo trong tổ chức BĐHC, nhất là việc tổ chức lực lượng hậu cần cơ động mạnh, luôn bám sát lực lượng tác chiến, bảo đảm đầy đủ, kịp thời cho tiến công trong hành tiến và đột kích thọc sâu với tốc độ cao, v.v. Không những vậy, lực lượng hậu cần đã thực hiện tốt nhiệm vụ BĐHC cho hành quân vượt biển, tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và các đảo ở phía Nam của Tổ quốc, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, để lại những kinh nghiệm quý về công tác BĐHC tác chiến biển, đảo.
Thành công của CTHC trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 là tổng hợp của nhiều yếu tố. Về chiến lược, đó là kết quả của việc quán triệt, vận dụng sáng tạo đường lối quân sự của Đảng vào CTHC; kết quả của quá trình chuẩn bị chiến trường về hậu cần đúng hướng, kiên trì, toàn diện, chu đáo, với việc tập trung xây dựng hậu phương lớn miền Bắc, xây dựng các căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần tại chỗ ở khắp các chiến trường, tạo thế vững, lực mạnh, làm cơ sở kết hợp với hậu cần cơ động của các binh đoàn và hậu cần chiến lược tạo nên khả năng BĐHC to lớn, vững chắc, kịp thời. Đó còn là việc chủ động xây dựng và giải quyết tốt vấn đề giao thông vận tải trong chiến tranh; kết quả của việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, của hậu cần toàn dân và vai trò nòng cốt của Hậu cần Quân đội, v.v. Về chiến dịch và chiến thuật, đó là sự chỉ huy, chỉ đạo chuẩn bị trực tiếp và thực hành BĐHC linh hoạt, nhạy bén, kịp thời, trên cơ sở bám sát quyết tâm chiến lược, các tình huống tác chiến và phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” trong Tổng tiến công và nổi dậy; sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, thống nhất giữa hậu cần các cấp, sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương thức, biện pháp BĐHC phù hợp với yêu cầu tác chiến, nhất là kết hợp chặt chẽ, có hiệu quả phương thức BĐHC tại chỗ với BĐHC cơ động, hình thành thế trận BĐHC theo khu vực hoàn chỉnh, vững chắc, đáp ứng yêu cầu tiến công đồng loạt, liên tục, với tốc độ cao, v.v. Có thể nói, CTHC trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã có bước phát triển nhảy vọt về chất, quy mô, hình thức tổ chức, đáp ứng kịp thời cho tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, khá hiện đại; nhiều vấn đề về chỉ huy, chỉ đạo, tổ chức BĐHC đã được nâng lên thành nghệ thuật, v.v.
Thành công của CTHC trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, đến nay còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, cần được nghiên cứu, kế thừa, phát triển phù hợp với điều kiện mới của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, chúng ta cần quán triệt sâu sắc hơn nữa đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, quan điểm hậu cần toàn dân của Đảng. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần chiến tranh nhân dân, chủ động chuẩn bị trước một bước về hậu cần đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, chú trọng xây dựng hậu cần nhân dân rộng khắp làm cơ sở, hậu cần khu vực phòng thủ làm nền tảng, Hậu cần Quân đội làm nòng cốt; xây dựng và gắn kết chặt chẽ hậu cần tại chỗ với cơ động của hậu cần chiến lược, chiến dịch, hình thành các khu vực hậu cần hoàn chỉnh trên các hướng, địa bàn chiến lược, sẵn sàng huy động, bảo đảm cho quốc phòng. Để thực hiện tốt vấn đề này, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, gắn chiến lược phát triển kinh tế với chiến lược quốc phòng; chú trọng quy hoạch, phân vùng kinh tế, điều chỉnh bố trí dân cư, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng,... nhất là trên các địa bàn chiến lược, biên giới, hải đảo, v.v. Qua đó, từng bước xây dựng hậu phương, xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần vững mạnh ở từng địa phương, khu vực và phạm vi cả nước. Ngành Hậu cần, trước hết là hậu cần cấp chiến lược tiếp tục tham mưu cho Bộ Quốc phòng quy hoạch và triển khai xây dựng các căn cứ hậu cần chiến lược, chiến dịch, phù hợp với thế bố trí chiến lược mới; tham mưu cho các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội kết hợp quy hoạch, đầu tư xây dựng căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để huy động, động viên nguồn nhân lực, vật lực, phát huy cao nhất sức mạnh của hậu cần nhân dân bảo đảm cho quốc phòng trong điều kiện nền kinh tế thị trường, v. v.
Song song với xây dựng hậu cần nhân dân, hậu cần tại chỗ, tập trung xây dựng ngành Hậu cần Quân đội vững mạnh toàn diện, cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, ngày càng chính quy, hiện đại, đủ khả năng làm nòng cốt về BĐHC cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong mọi tình huống. Trước mắt, toàn quân tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 623-NQ/QUTƯ của Quân ủy Trung ương về “CTHC đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; trong đó, chú trọng đẩy mạnh xây dựng, kiện toàn tổ chức lực lượng hậu cần ở các cấp và từng bước hiện đại hóa trang bị, phương tiện hậu cần, nhất là trang bị vận tải, khí tài xăng dầu, trang bị quân y, đồng bộ với trang bị tác chiến của bộ đội, nhằm nâng cao khả năng cơ động và bảo đảm. Các đơn vị cần triển khai đồng bộ biện pháp nâng cao chất lượng công tác huấn luyện hậu cần. Chú trọng huấn luyện, diễn tập nâng cao năng lực tham mưu, chỉ huy, chỉ đạo BĐHC của cơ quan hậu cần các cấp, khả năng cơ động BĐHC theo các phương án, tình huống tác chiến bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, BĐHC cho tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chống chia cắt chiến lược; nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng hậu cần dự bị động viên, v.v. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh tổng kết, nghiên cứu phát triển lý luận hậu cần, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ, nghệ thuật quân sự, tổ chức biên chế, trang bị của lực lượng vũ trang và tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, v.v. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân tin tưởng giao phó.
Trung tướng DƯƠNG VĂN RÃ, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần
Hậu cần Quân đội,mùa Xuân 1975
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội