Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Năm, 18/06/2020, 10:18 (GMT+7)
Báo chí cách mạng Việt Nam 95 năm đồng hành cùng dân tộc

Cách đây 95 năm, ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước và dân tộc, là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, không ngừng trưởng thành vững mạnh về mọi mặt, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Nhân dân ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo và nhân viên phục vụ Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960). Ảnh: TTXVN

“Binh chủng” tiên phong đặc biệt

Xuyên suốt hành trình bôn ba tìm đường cứu nước cũng như chuẩn bị thành lập Đảng để lãnh đạo cách mạng, Nguyễn Ái Quốc rất tâm đắc những quan điểm của V.I. Lênin về báo chí: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”1. “Báo chí là người tuyên truyền, cổ động, tổ chức chung, người lãnh đạo chung”2. Cuối năm 1924, khi về đến Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc bắt tay ngay vào việc xuất bản một tờ báo chính trị, đồng thời mở những lớp huấn luyện các thanh niên ưu tú để làm nòng cốt cho cách mạng sau này. Kể từ khi tờ Thanh niên ra đời, đến cuối năm 1929, báo chí cách mạng Việt Nam đã có trên 50 tờ báo và tạp chí là cơ quan của các cấp hội của Hội Việt Nam thanh niên cách mạng và 2 tổ chức Cộng sản là: Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng. Tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 03/02/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã thông qua một nghị quyết về báo chí. Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, báo chí đã thể hiện được vai trò đặc biệt quan trọng, tham gia tích cực vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng tiếp tục phát huy vai trò của một “binh chủng” quan trọng, động viên cổ vũ tinh thần yêu nước, quyết tâm đánh thắng quân xâm lược. Những bản tin, bài báo, bức ảnh chiến trường, phóng sự thu thanh từ các chiến trường trên các báo: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam,… thực sự là nguồn động viên to lớn và lời hiệu triệu lớp lớp thanh niên lên đường đánh giặc. Từ trong máu lửa chiến tranh, nhiều tác phẩm báo chí đã trở thành “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận. Trong kháng chiến với muôn vàn khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, cái chết luôn cận kề, nhưng những người làm báo đã ra trận với tư thế người chiến sĩ, vừa cầm bút, vừa cầm súng chiến đấu, đã sáng tạo nên những tác phẩm báo chí giàu sức sống, gắn kết triệu người trên cả nước, cùng hướng về một mục tiêu, đó là giải phóng đất nước, giữ vững độc lập dân tộc.

Bước sang thời kỳ đổi mới và hội nhập, đây là giai đoạn lịch sử có ý nghĩa trọng đại trong sự nghiệp phát triển của đất nước, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn của nhân dân, giữ vững định hướng chính trị, kịp thời phê phán, đấu tranh với những gì là cũ kỹ, lạc hậu, cản trở đổi mới, chống các hiện tượng tiêu cực, chống tham nhũng, lãng phí, những thói hư tật xấu trong xã hội, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần vào việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Báo chí đã phát hiện, cổ vũ, động viên nhân rộng các điển hình, nhân tố mới, tạo nên các phong trào hành động cách mạng sôi nổi trên mọi lĩnh vực, làm nên những thành tựu to lớn; đồng thời, là cầu nối quan trọng trong thông tin đối ngoại, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác với nhân dân các nước, góp phần nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trong cộng đồng thế giới. Báo chí còn là diễn đàn tin cậy, thể hiện ý chí, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, tham gia đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Chúng ta hiện có một hệ thống báo chí khá toàn diện với một đội ngũ những người làm báo hùng hậu: khoảng 50.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí; gần 1.000 cơ quan báo chí thuộc 04 loại hình báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử, trong đó có 165 cơ quan báo, 663 tạp chí, 23 cơ quan báo điện tử độc lập, 02 đài phát thanh - truyền hình quốc gia, 64 đài địa phương, 05 kênh truyền hình. Đa số các cơ quan báo chí đều đang nỗ lực để sử dụng được sức mạnh công nghệ làm báo mới.

Ra đời trong khói lửa các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, trưởng thành cùng bao thăng trầm của đất nước, lớp lớp những người làm báo đã làm nên truyền thống vẻ vang, đáng tự hào của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Điều sâu sắc nhất, thiêng liêng nhất, đó là làm báo là làm cách mạng, làm báo là để phục vụ đất nước và nhân dân, đúng như lời Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”3.

Đội ngũ người làm báo luôn đồng hành với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong suốt các thời kỳ cách mạng, nêu cao tinh thần cống hiến, sẵn sàng hy sinh, luôn có mặt trên tuyến đầu nóng bỏng nhất, quan trọng nhất của đất nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 400 nhà báo liệt sĩ, nhiều phóng viên hy sinh với tư thế người chiến sĩ trên mặt trận. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tinh thần sẵn sàng cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của những người làm báo tiếp tục được phát huy. Những ngày qua, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lực lượng báo chí đã bám sát cuộc chiến chống dịch bệnh quyết liệt chưa từng có. Báo chí được ví như một “binh chủng” đặc biệt, có nhiệm vụ thông tin tuyên truyền để người dân hiểu biết về dịch bệnh; tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng; động viên tinh thần quả cảm của các lực lượng tham gia chống dịch. Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh, nổi lên như điểm sáng, bài học quý cho thế giới trong trận chiến chống dịch Covid-19 là nỗ lực lớn của cả nước, trong đó có sự đóng góp quan trọng và rất đáng tự hào của báo chí.

“Mái nhà chung” của những “chiến binh”

Đồng hành cùng 95 năm phát triển của báo chí cách mạng, Hội Nhà báo Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Nhiệm vụ của Hội Nhà báo là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng”4. Thực hiện lời dạy của Bác, Hội Nhà báo Việt Nam đã thể hiện được vai trò “nhạc trưởng” trong tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hành nghề hợp pháp của hội viên, xứng đáng là “ngôi nhà chung” của hơn 25.000 hội viên, nhà báo trong cả nước.

Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh những ưu điểm, thành tích là cơ bản, hoạt động báo chí vẫn còn tồn tại một số khuyết điểm, hạn chế: một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, chưa chú trọng việc nêu gương, biểu dương, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt”, sa đà vào thông tin về mặt trái của xã hội, thiếu nhân văn, phản giáo dục; một bộ phận người làm báo lợi dụng danh nghĩa báo chí để vụ lợi, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, một số nhà báo tham gia mạng xã hội thiếu chuẩn mực và thiếu trách nhiệm; một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ; tình trạng “báo hóa tạp chí và trang thông tin điện tử” vẫn còn, làm vẩn đục môi trường thông tin, gây nhiều tác hại đối với xã hội; cơ chế chính sách chưa theo kịp thực tiễn của báo chí, truyền thông hiện đại.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, khi xã hội hiện đại ngày càng chịu áp lực của nhiều xu hướng, hiện tượng trong thời đại thông tin kỹ thuật số, thì tính chiến đấu, tính nhân văn của báo chí, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo càng phải được đề cao. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa có tính cấp bách vừa có tính cơ bản, lâu dài, luôn được thể hiện rõ nét trong hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam thời gian qua. Trong 8 nhiệm vụ mà Luật Báo chí 2016 quy định, Hội Nhà báo Việt Nam có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Trong nhiệm kỳ X, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành hai văn bản quan trọng: 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (năm 2017) và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam (năm 2019). Hai văn bản này có giá trị dẫn dắt lương tâm và trách nhiệm của những người làm báo trong thời đại mới. Ngay sau khi ban hành, Hội Nhà báo Việt Nam đã yêu cầu các cấp Hội tổ chức các đợt sinh hoạt, quán triệt hai văn bản này tới từng hội viên, nhà báo và đạt những kết quả quan trọng, từng bước chấn chỉnh kỷ cương trong hoạt động tác nghiệp. Việc thành lập Hội đồng xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo từ Trung ương đến địa phương; ban hành quyết định sinh hoạt hai chiều đối với phóng viên thường trú; áp dụng phần mềm theo dõi việc đăng, gỡ bài, sửa bài trên báo điện tử cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát,... đã góp phần chấn chỉnh kỷ cương, tạo bước chuyển rõ rệt, giảm đáng kể các sai phạm, tiêu cực trong hoạt động báo chí, đồng thời nêu cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo.

Đặc biệt, thời gian qua, khi có những trường hợp cản trở, hành hung, đe dọa, xúc phạm hội viên, nhà báo hành nghề đúng pháp luật, Hội Nhà báo Việt Nam đã kịp thời lên tiếng, cùng các cơ quan chức năng vào cuộc, kiên quyết đấu tranh bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp và các quyền lợi chính đáng của người làm báo, được dư luận đồng tình, đánh giá cao, khẳng định vai trò, uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng cao trong hoạt động báo chí và đời sống xã hội.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo luôn được chú trọng nhằm hướng tới nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn. Trong bối cảnh mới, các chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí được cải tiến, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng với hơn 500 lớp bồi dưỡng các loại hình báo chí trên cả nước. Các khóa học chủ yếu tập trung vào 3 mảng chính: kỹ năng nghiệp vụ cho các loại hình báo chí; các chuyên đề báo chí và bồi dưỡng phẩm chất đạo đức của nhà báo.

Hội Nhà báo Việt Nam vinh dự được Chính phủ giao nhiệm vụ tổ chức Giải báo chí Quốc gia hàng năm, tạo được sự lan toả mạnh trong đời sống xã hội; phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương tổ chức hàng chục giải báo chí toàn quốc chuyên ngành khác. Đặc biệt, ngày 08/4/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. Đây là chỉ thị rất quan trọng đối với Hội Nhà báo Việt Nam, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp của giới báo chí cả nước. Để ghi nhận những thành tựu to lớn, những đóng góp quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng giới báo chí và các cấp hội nhà báo trên toàn quốc. Đây là nguồn động viên lớn lao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí cả nước.

Xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn

Trong xu thế hội tụ công nghệ truyền thông hiện nay, hoạt động của các cơ quan báo chí chuyển dần sang mô hình cơ quan báo chí đa phương tiện, thực hiện nhiều loại hình báo chí, cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến truyền thông, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng của công chúng. Bên cạnh đó, báo chí công nghệ và xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo và cung cấp nội dung xuyên biên giới tiếp tục là những xu hướng công nghệ làm báo trong thời gian tới. Báo chí di động đang làm thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng báo chí. Việc nghe, đọc, xem báo chí trực tuyến dịch chuyển từ thụ động sang chủ động, hình thành xu hướng cung cấp, lan tỏa, kết nối thông tin dựa trên công nghệ, ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động báo chí, kéo theo sự sụt giảm của báo in. Trí tuệ nhân tạo ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong quy trình sản xuất và truyền tải sản phẩm báo chí, truyền thông. Trong thế giới thông tin phẳng, xu hướng cung cấp nội dung xuyên biên giới được thực hiện thông qua nhiều hình thức và công nghệ mới, thông qua kết nối internet và kết nối mạng 4G, 5G trên các thiết bị di động, v.v.

Trong bối cảnh bùng nổ của mạng xã hội, tin giả lan tràn, báo chí luôn phải đối mặt với nguy cơ bị mạng xã hội chi phối và lấn át, nhất là thông tin về các vấn đề, vụ việc nhạy cảm, phức tạp. Do được cập nhật những công cụ, tính năng công nghệ mới khiến việc chia sẻ thông tin dễ dàng hơn mà không cần kiểm chứng nguồn tin đã giúp mạng xã hội phát huy được thế mạnh về tốc độ đưa tin và khả năng liên kết, khiến báo chí mất dần vị thế là kênh thông tin chủ đạo. Sự phát triển của công nghệ truyền thông vừa tạo cơ hội vừa gây ra thách thức gay gắt đối với báo chí. Chưa bao giờ chúng ta có nhiều loại hình báo chí với đội ngũ những người cầm bút hùng hậu như hiện nay. Do đó, hơn lúc nào hết, báo chí cách mạng Việt Nam cần tiếp tục bắt kịp những xu hướng báo chí mới, khắc phục những khó khăn bất cập, hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả là “người thư ký” của thời đại. Các cơ quan báo chí, các cấp Hội cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo, định hướng thông tin của cơ quan chỉ đạo và cơ quan quản lý báo chí, theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành chỉ đạo, định hướng các vấn đề quan trọng, phức tạp nhạy cảm. Thực hiện tốt nguyên tắc trên sẽ tạo sự thống nhất, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong cung cấp thông tin và định hướng dư luận xã hội. Báo chí không thể thắng được mạng xã hội về tốc độ đưa tin, nhưng sẽ vượt trội mạng xã hội bằng sự chuẩn mực, tinh thần trách nhiệm, đạo đức làm nghề của các nhà báo. Độ tin cậy và sức thuyết phục là con đường sống của báo chí trong thời đại truyền thông kỹ thuật số.

Trong bất cứ giai đoạn nào, các cơ quan báo chí cần tiếp tục nêu bật những thành quả của đất nước trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, v.v. Báo chí cần đóng vai trò cốt lõi trong xây dựng môi trường thông tin lành mạnh với dòng chủ lưu là thông tin tích cực, tạo không khí tin tưởng, phấn khởi tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong các cơ quan báo chí. Nâng cao công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, khuyến khích đội ngũ những người làm báo không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, phát huy tốt sứ mệnh người làm báo. Đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; kiên quyết chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Các cơ quan báo chí cần phối hợp với Hội Nhà báo tăng cường các hoạt động bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ cho những người làm báo cả nước trong bối cảnh đời sống truyền thông và đời sống xã hội ngày càng phong phú đa dạng, sinh động với nhiều vấn đề mới phức tạp phát sinh trong hoạt động báo chí.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp chặt chẽ với Ban tuyên giáo Trung ương, Hội nhà báo Việt Nam đã làm việc với lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành, các cấp hội và các cơ quan báo chí với tinh thần dân chủ, thận trọng và khoa học để thực hiện nghiêm chỉnh Quyết định của Thủ tướng về quy hoạch, sắp xếp báo chí đến năm 2025. Đến nay có thể nói, về cơ bản, công tác quy hoạch báo chí đã thực hiện đúng lộ trình. Riêng về quy hoạch các cơ quan báo chí của các hội, ngày 04/3/2020, Bộ Thông tin và truyền thông đã trao giấy phép cho 18 tạp chí thuộc tổ chức hội thuộc diện quy hoạch, chuyển mô hình hoạt động theo hướng chuyên sâu. Tin tưởng rằng, sau khi có quy hoạch, sắp xếp, tổ chức lại, các cơ quan báo chí sẽ nhanh chóng ổn định, hoạt động hiệu quả hơn và tình trạng báo “lá cải”, giật gân câu khách sẽ được khắc phục. Như vậy, thực hiện quy hoạch, báo chí đang xốc lại đội ngũ, phát huy truyền thống tốt đẹp, giá trị chính thống của báo chí cách mạng trong dòng chảy thông tin, phục vụ lợi ích của cộng đồng, đất nước và nhân dân. Rõ ràng, việc quy hoạch là cần thiết để báo chí phát triển đúng hướng hơn, lành mạnh hơn, có ích hơn, tránh sự chồng chéo lãng phí cả con người, lẫn vật chất, hạn chế, ngăn chặn sai phạm, tiêu cực trong hoạt động báo chí. Mặt khác, việc sáp nhập sẽ liên quan đến các vấn đề bộ máy tổ chức, nhân lực, đời sống, công ăn việc làm của hàng nghìn nhà báo. Vì vậy, khi sáp nhập, cần tính toán kỹ lưỡng cách thức và bước đi cụ thể cho từng cơ quan báo chí. Để làm tốt được việc này, cần có sự thống nhất ngay trong nhận thức của các cơ quan lãnh đạo quản lý, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và bản thân người làm báo. Khi nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc quy hoạch, có cách thức và bước đi phù hợp, quan tâm thiết thực đến quyền lợi chính đáng của người làm báo, chúng ta sẽ thành công.

Năm 2020 là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Đại hội đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra vào cuối năm 2020 là sự kiện rất quan trọng, là ngày hội của giới báo chí và các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương. Trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, phát huy truyền thống vẻ vang 95 năm báo chí cách mạng Việt Nam, đội ngũ những người làm báo cả nước không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tăng cường đoàn kết, chung sức, đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

HỒ QUANG LỢI, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam
_________________

1 - Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2010), Nxb CTQG, H. 2013, tr. 46.

2 - Mác, Ăng ghen, Lênin, Hồ Chí Minh bàn về báo chí xuất bản, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 366.

3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 13, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 466.

4 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 166.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy vai trò của cơ quan lý luận hàng đầu Quân đội trong phát triển lý luận quân sự cách mạng thời kỳ mới
Là ngọn cờ lý luận quân sự, chính trị của Đảng trong Quân đội, suốt 75 năm qua, Tạp chí Quốc phòng toàn dân luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phát huy vai trò, vị thế đó và trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tạp chí tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, góp phần phát triển nền lý luận quân sự cách mạng của Đảng.