Thứ Bảy, 23/11/2024, 08:29 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Chiến dịch Phòng không 1972 đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ, chủ yếu bằng máy bay B.52 tập trung vào Hà Nội, Hải Phòng là đỉnh cao nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không của quân và dân ta. Thắng lợi đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc đối với các nhà trường quân đội; trong đó, “nhà trường gắn với chiến trường” là một trong những bài học có ý nghĩa thiết thực.
Học viện Phòng không - Không quân (PK-KQ), tiền thân là Trường Sĩ quan Cao xạ, thành lập ngày 16-7-1964, trong bối cảnh đế quốc Mỹ chuẩn bị tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc; công tác phòng không được Đảng ta xác định là nhiệm vụ “cấp bách, khẩn trương”. Theo quyết định của Bộ Quốc phòng, Trường Sĩ quan Cao xạ có nhiệm vụ vừa củng cố tổ chức, vừa tiếp tục đào tạo sĩ quan khóa 5 và khóa 6 (chuyển tiếp từ Trường Sĩ quan Pháo binh); đồng thời, mở rộng đối tượng đào tạo, như: sĩ quan cao xạ dã chiến, yếu địa (sơ cấp); bổ túc sĩ quan cao xạ; nghiên cứu kỹ thuật, chiến thuật đại đội pháo phòng không (PPK) cho giáo viên pháo cao xạ của toàn quân.
Ngày 05-8-1964, đế quốc Mỹ liều lĩnh dùng không quân đánh phá miền Bắc XHCN. Tình hình đó đặt ra yêu cầu đối với Nhà trường phải đào tạo nhanh, nhiều cán bộ cho chiến trường. Do đó, sau khi thành lập, Nhà trường khẩn trương chuyển nhiệm vụ từ huấn luyện dài hạn sang huấn luyện ngắn hạn là chủ yếu và trực tiếp tham gia chiến đấu đối không. Cùng với đào tạo cán bộ PPK, các chuyên ngành ra-đa, tên lửa cũng lần lượt được thành lập và tích cực tổ chức đào tạo, tập huấn để cung cấp cán bộ cho các chiến trường.
Trong giai đoạn 1970 - 1972, Nhà trường thực hiện chủ trương: bổ túc cán bộ là chính; đồng thời, coi trọng đào tạo dài hạn phục vụ yêu cầu xây dựng Quân đội lâu dài. Công tác đào tạo tiến hành theo phương hướng: “Cơ bản, tương đối hệ thống, toàn diện, trọng điểm và thiết thực”, với phương châm là: “Thực sự, thực tế, cơ bản, ứng dụng, toàn diện, an toàn và tiết kiệm”. Theo đó, Nghị quyết của Đảng ủy Nhà trường xác định: phải tập trung học cái cần thiết; cái cần trước học trước, cái cần sau học sau, vừa huấn luyện đào tạo, vừa sẵn sàng chiến đấu. Thực hiện 3 sát là: sát chức trách, sát đối tượng và sát chiến trường; tăng cường huấn luyện theo phương án tác chiến; huấn luyện từ đơn giản đến phức tạp, tập trung đi sâu giải quyết vướng mắc giữa lý luận và thực tế, giữa chiến đấu và huấn luyện. Nhà trường còn chủ động tổ chức các trận địa pháo 100mm, 57mm và 37mm để chiến đấu bảo vệ mình; đồng thời, thông qua đó nâng cao bản lĩnh và khả năng thực hành chiến đấu của cán bộ, giáo viên, học viên. Chương trình, nội dung đào tạo tập trung vào các vấn đề trọng điểm, thiết thực, lấy huấn luyện thực hành, huấn luyện chỉ huy chiến đấu, chỉ huy bắn, chỉ huy hiệp đồng, chỉ huy cơ động là chủ yếu. Đào tạo chuyên sâu theo chức trách của cán bộ trung đội trưởng; đồng thời, thành thạo cấp tiểu đội và hiểu biết cấp đại đội.
Trong Chiến dịch Phòng không 1972, lực lượng phòng không của Quân chủng PK-KQ tham gia gồm: 04 trung đoàn ra-đa, 04 trung đoàn không quân, 05 trung đoàn tên lửa phòng không, 16 trung đoàn và 22 tiểu đoàn PPK độc lập, cùng với các lực lượng phòng không khác tạo thành thế trận phòng không vững chắc, một lưới lửa phòng không dày đặc, tạo nên chiến công vẻ vang, một “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Trong chiến công đó, Trường Sĩ quan Cao xạ có sự đóng góp quan trọng, không chỉ đào tạo được nhiều cán bộ cung cấp cho các đơn vị, mà cán bộ, học viên Nhà trường còn trực tiếp chiến đấu bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Chỉ tính riêng năm 1972, Nhà trường đã cung cấp cho các chiến trường 1.153 cán bộ (786 cán bộ quân sự, 367 cán bộ chính trị). Ngoài ra, Nhà trường còn cử 80 đồng chí cán bộ, giáo viên bổ sung cho các đơn vị.
Kết quả mà Nhà trường đạt được gồm nhiều yếu tố; trong đó, có một yếu tố quan trọng là: lãnh đạo, chỉ huy Nhà trường đã quán triệt và thực hiện tốt chủ trương: “nhà trường gắn với chiến trường”, đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng phòng không và nhiệm vụ tác chiến đang đặt ra. Do yêu cầu của chiến trường, Nhà trường đã tổ chức cho các tiểu đoàn học viên PPK, tên lửa, đại đội ra-đa đi chiến đấu nhiều đợt trên các chiến trường. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, đầu tháng 4-1972, Nhà trường đã tổ chức 2 tiểu đoàn (Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 6) với đầy đủ vũ khí, trang bị, khí tài đi chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, Nhà trường còn tổ chức 02 đại đội PPK đi huấn luyện dã ngoại dài ngày kết hợp chiến đấu ở Thanh Hoá, Ninh Bình... Đại đội ra-đa cũng hành quân vào Thanh Hoá để luyện tập thực hành (bắt mục tiêu thật) theo chức trách đào tạo... Đến cuối năm 1972, Nhà trường đã tổ chức cho 03 tiểu đoàn PPK và 01 tiểu đoàn tên lửa trực tiếp đi chiến đấu trên các chiến trường.
Phát huy hiệu quả từ bài học: “nhà trường gắn với chiến trường”, Nhà trường đã đề nghị và được Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ phê duyệt kế hoạch luân phiên cử cán bộ, giáo viên đi thực tế, đảm nhiệm chức vụ tương ứng tại các đơn vị; đồng thời, tăng cường cử các tổ giáo viên đi nghiên cứu thực tế ở các đơn vị đang chiến đấu và dự hội nghị tổng kết các đợt hoạt động chiến đấu do Quân chủng hoặc các sư đoàn, trung đoàn tổ chức. Vì thế, cán bộ, giáo viên của Nhà trường luôn có kiến thức thực tế để vận dụng vào giảng dạy. Từ những bài học kinh nghiệm rút ra ở Hội nghị chuyên đề “PPK bắn máy bay bổ nhào” và nghiên cứu từ thực tế chiến đấu, tổ giáo viên xạ kích chiến thuật đã biên soạn chuyên đề “PPK cỡ nhỏ đánh máy bay bổ nhào” được Ban Giám hiệu phê chuẩn, dùng làm tài liệu giảng dạy chính thức của Nhà trường. Những số liệu về tính toán phần tử bắn, cách bố trí đội hình chiến đấu do giáo viên Nhà trường tổng kết đã được ghi vào cuốn “Sổ tay Sĩ quan Cao xạ”. Nhà trường còn nghiên cứu, biên soạn tài liệu chuyên đề: Đánh máy bay ban đêm và bắn máy bay trinh sát, được Bộ Tư lệnh Quân chủng thống nhất sử dụng làm nội dung tập huấn cho các lớp cán bộ của Quân chủng và giảng dạy cho các lớp bổ túc, đào tạo của Nhà trường.
Việc quán triệt và thực hiện chủ trương: “nhà trường gắn với chiến trường” trong giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc là bài học kinh nghiệm quý giá cho các thế hệ giáo viên, học viên Học viện PK-KQ. Đó là:
1. Trong chiến tranh, nhiệm vụ huấn luyện quân sự, đào tạo, bổ túc cán bộ luôn đòi hỏi nhanh hơn, chất lượng cao hơn, thời gian ngắn hơn. Vì vậy, phải chú trọng kết hợp giữa huấn luyện, đào tạo với chiến đấu một cách linh hoạt và sáng tạo.
2. Thực tiễn cho thấy, chiến đấu là môi trường huấn luyện, đào tạo, rèn luyện cán bộ, học viên một cách thực sự, thực tế nhất. Thông qua chiến đấu để kiểm nghiệm lý luận, khắc phục những hạn chế trong công tác đào tạo, huấn luyện ở nhà trường. Vì thế, kết hợp giữa huấn luyện, đào tạo với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu là yêu cầu cần được quán triệt, thực hiện ở tất cả các đối tượng, thành phần, nhiệm vụ.
3. Trên cơ sở các trận đánh điển hình, cần rút ra những bài học cụ thể về lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức chiến đấu..., làm cơ sở để nâng cao trình độ, khả năng chiến đấu của các đơn vị phòng không trong điều kiện mới.
Ngày nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra cho bộ đội PK-KQ những yêu cầu mới rất nặng nề. Quân chủng PK-KQ được xác định là một trong những lực lượng xây dựng theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, làm nòng cốt trên mặt trận đối không. Vì vậy, nhiệm vụ đào tạo của Nhà trường cũng đặt ra những yêu cầu mới cao hơn, nhất là trong đào tạo, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị hiện đại, tổ chức huấn luyện chiến đấu và nghiên cứu nghệ thuật tác chiến PK-KQ.
Quán triệt sâu sắc tình hình, nhiệm vụ, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước và Quân đội về công tác giáo dục - đào tạo trong tình hình mới, Học viện PK-KQ đang đẩy mạnh xây dựng Học viện theo hướng “Cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại”, đạt năm tiêu chuẩn nhà trường chính quy. Cùng với đổi mới nội dung, chương trình, quy trình, phương pháp giảng dạy, Học viện luôn coi trọng nghiên cứu, vận dụng những bài học kinh nghiệm truyền thống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; trong đó, bài học “nhà trường gắn với chiến trường” luôn được quan tâm nghiên cứu, vận dụng vào quá trình đào tạo.
Từ thực tế triển khai Đề án 63 với yêu cầu phải tăng thời gian thực hành cho học viên phân đội, Học viện luôn bám sát thực tế nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu của đơn vị để nghiên cứu “đổi mới căn bản quy trình, chương trình huấn luyện, thực tập, diễn tập cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội”. Năm 2011, Học viện đề nghị Quân chủng cho các đơn vị học viên PPK và tên lửa năm thứ 3 đi bắn đạn thật trong đội hình của các đơn vị; kết quả, cả 04 đơn vị của Học viện (02 đại đội PPK, 01 tiểu đoàn tên lửa, 01 trung đội tên lửa tầm thấp) đều đạt loại giỏi. Bên cạnh đó, Học viện thực hiện đột phá “Xây dựng đội ngũ giảng viên, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa”. Bám sát yêu cầu, sự phát triển của Quân chủng, 3 năm vừa qua đã có hàng trăm lượt cán bộ của Học viện được đi học chuyển loại vũ khí, khí tài mới, thực tập chức trách chỉ huy và tham gia các đợt tập huấn, diễn tập trong và ngoài nước. Công tác biên soạn giáo trình, tài liệu, nghiên cứu khoa học của Học viện cũng có sự phát triển mới, luôn bám sát thực tiễn yêu cầu, nhiệm vụ đang đặt ra. Học viện còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng, nhất là mô phỏng vũ khí, khí tài mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Học viện PK-KQ đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng ngàn cán bộ cung cấp cho các đơn vị; đồng thời, đội ngũ cán bộ, giáo viên, học viên của Học viện còn trực tiếp chiến đấu trên một trăm trận, bắn rơi 91 máy bay Mỹ... Ghi nhận những thành tích đó, Học viện đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Hướng tới kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, cán bộ, học viên, công nhân viên Học viện PK-KQ tiếp tục phát huy bài học “nhà trường gắn với chiến trường”, quyết tâm “dạy tốt, học tốt, rèn luyện tốt”, phấn đấu đạt thành tích cao nhất trong giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện, xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và truyền thống của đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Thiếu tướng, TS. TRẦN VĂN THANH
Giám đốc Học viện Phòng không - Không quân
hà nội - điện biên phủ trên không
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội