Thứ Bảy, 14/09/2024, 08:22 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, quyền con người đang là vấn đề được các nước hết sức quan tâm. Lợi dụng vấn đề này, các lực lượng thù địch với Việt Nam đẩy mạnh chống phá Đảng và chế độ ta. Chúng rêu rao rằng, “Quyền con người cao hơn chủ quyền quốc gia”. Sự thực có phải như vậy?
Chống phá nước ta về nhân quyền là một nội dung trọng tâm của các thế lực thù địch. Có điều, chúng ta cần thấy, lực lượng tham gia vào chiến dịch chống phá ta hiện nay có sự thay đổi theo hướng mở rộng về số lượng, thành phần, đối tượng. Đó là gồm các tổ chức phi chính phủ (“NGOS”) ở nước ngoài được các quốc gia “hà hơi tiếp sức”, hỗ trợ về chính trị, cung cấp tài chính,… như: tổ chức Nhà tự do (FH), Ân xá quốc tế (AI), Phóng viên không biên giới (RSF), Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ), Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW),... ngoài ra, còn có một số nghị sĩ chống cộng ở Nghị viện châu Âu, Ca-na-đa, Cộng hòa liên bang Đức, Ô-xtrây-li-a, các tổ chức, phần tử phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài và cả những kẻ cơ hội nhiều mầu sắc - chủ nhân nhiều trang mạng phi pháp, các tài khoản Facebook chống cộng, v.v. Thủ đoạn chính của họ vẫn là lợi dụng vấn đề dân chủ và quyền con người, thông qua cái gọi là các Báo cáo thường niên (hay “Phúc trình thường niên”) để xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ Nhà nước Việt Nam. Phải nói rằng, họ theo dõi rất sát tình hình Việt Nam và đặc biệt nhạy cảm đối với các vụ việc Nhà nước ta bắt giữ các đối tượng về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (theo Điều 88 Bộ luật Hình sự), chống người thi hành công vụ, gây mất trật tự trị an. Qua đó, họ “kêu gọi” Việt Nam thả hết các “tù nhân lương tâm”, “lên án” cơ quan chức năng bắt người vô lối, sai quy định. Họ nhai đi nhai lại kiểu lập luận cũ rích, rằng: “Chế độ Việt Nam là chế độ độc tài, toàn trị”; Nhà nước “Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng các quyền con người”, nhất là quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do in-tơ-nét,… là quyền “vốn có” của tất cả mọi người”(!)?
Không những thế, họ còn viện dẫn một cách sai lệch các quy định tại Chương II - Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân của Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để bao che, biện hộ cho những hành vi vi phạm pháp luật. Không ít nhà “chính trị”, “học giả” tự phong dựa trên một số câu chữ đã bị cắt xén, lập luận rằng: “Quyền con người cao hơn chủ quyền (quốc gia)”, “Quyền con người không biên giới”, v.v. Với lập luận đó, họ khuyến khích những hành động bất hợp pháp, tạo cớ cho các tổ chức nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam theo kiểu “kẻ tung, người hứng” giữa những lực lượng cực đoan, tổ chức phản động ở nước ngoài với những kẻ tự gọi là “người bất đồng chính kiến” trong nước. Chẳng hạn gần đây, lực lượng cực hữu ở Hoa Kỳ gây sức ép về chính trị, ra Luật áp đặt chế tài lên chính phủ nước họ, đồng thời áp đặt cho nước khác, trong đó có Việt Nam, với lý do vi phạm các quyền con người. Đó là Điều luật “Chịu trách nhiệm về nhân quyền toàn cầu Magnitsky Luật S.2943, trong “Luật Chuẩn chi ngân sách Quốc phòng năm 2017” của Hoa Kỳ (NDAA) 2017.
Vậy những việc làm và lập luận trên của họ có phù hợp với nhận thức chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người không? Bản chất chính trị của những lập luận đó là gì?
Trước hết, nhận thức chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người như thế nào? Về mặt lịch sử, dựa trên những văn kiện quan trọng, phổ cập nhất, đến nay các chuyên gia, học giả về quyền con người thường đề cập tới những văn kiện sau: “Bộ luật về quyền” (1689) của Anh; “Tuyên ngôn độc lập (1776) và Bộ luật về các quyền (1789) của Mỹ”, “Tuyên ngôn về “nhân quyền” (các quyền con người) và “dân quyền” (của công dân 1789) của Pháp; Hiến chương Liên hợp quốc, năm 1945; Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, năm 1948 và các công ước quốc tế về quyền con người được Liên hợp quốc thông qua. Trong đó, có 2 công ước cơ bản, là: “Công ước quốc tế về các quyền Dân sự, Chính trị” và “Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa”, năm 1966. Hai công ước trên cùng với Tuyên ngôn thế giới về quyền con người được cộng đồng quốc tế xem là “Bộ luật nhân quyền quốc tế”.
Theo đó, khái niệm quyền con người có hai nội dung cơ bản. Với tư cách là một giá trị triết học - nhân văn, quyền con người là một giá trị, gồm: (1). Nhân phẩm: được hiểu là những điều kiện về vật chất (ăn, ở, …) và tinh thần (được thừa nhận tư cách là một con người có các quyền theo quy định pháp luật,…). (2). Tự do: được hiểu là mọi người có quyền làm mọi điều mà pháp luật không cấm,…). (3). Bình đẳng: là mọi người có quyền như nhau, không phân biệt về giới tính, chủng tộc, vị thế xã hội, tài sản, v.v. (4). Tinh thần nhân đạo, khoan dung. (5). Trách nhiệm xã hội của mỗi người với cộng đồng: được hiểu là trong khi hưởng thụ các quyền, tất cả mọi người đều phải chịu sự hạn chế nhất định, nhằm: “Bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác” (Khoản 3, Điều 18, 19 - Công ước quốc tế về các quyền Dân sự, Chính trị, năm 1966). Như vậy, hoàn toàn không có chuyện quyền con người (quyền cá nhân) cao hơn chủ quyền; không có chuyện cá nhân có thể làm bất cứ điều gì mà có thể “quên” đi trách nhiệm xã hội. Nói cách khác, quyền con người ở đâu, quốc gia nào, chế độ xã hội nào cũng phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật quốc gia, không được xâm hại đến quyền của xã hội, quyền và lợi ích của người khác.
Với tư cách là một giá trị pháp lý, quyền con người là các quy định pháp luật (trong luật quốc gia và luật quốc tế) bảo vệ và bảo đảm nhân phẩm, các nhu cầu và lợi ích về vật chất, tinh thần của tất cả mọi người, đồng thời mỗi người phải có nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội. Như vậy, quan niệm này chỉ rõ: người dân là chủ thể của “quyền”, nhà nước là người tôn trọng và chịu trách nhiệm bảo vệ và bảo đảm “quyền”. Cần lưu ý rằng, theo các văn kiện cơ bản của Liên hợp quốc, khái niệm quyền con người không chỉ là quyền của cá nhân, mà còn là quyền của quốc gia, dân tộc và quyền của tập thể - quyền của nhóm, đặc biệt là những nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Về quyền quốc gia dân tộc, Điều 1, (Phần I), Công ước quốc tế về các quyền Dân sự, Chính trị năm 1966, quy định rằng: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá,…”. Quy định này mặc định rằng: bất cứ một quốc gia, nhà nước nào, đều có quyền xây dựng chế độ chính trị, hệ thống pháp luật mà không có bất cứ ai, quốc gia nào, thậm chí cả Liên hợp quốc cũng không có quyền can thiệp. Về quyền dân tộc tự quyết, Hội nghị nhân quyền quốc tế ở Viên (Áo) năm 1993 đã tái khẳng định: “Việc khước từ quyền tự quyết dân tộc là sự vi phạm quyền con người”1. Tại Hội nghị này, lần đầu tiên các thành viên đã thống nhất đưa ra khái niệm “tính đặc thù” của quyền con người. Văn kiện viết: “Cộng đồng quốc tế phải đối xử với các quyền con người trên phạm vi toàn cầu một cách công bằng,...(và) phải luôn ghi nhớ tầm quan trọng của tính đặc thù về dân tộc, khu vực cũng như bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hoá và tôn giáo; các quốc gia, không phân biệt hệ thống chính trị, kinh tế, văn hoá,...”2. Đây là cơ sở triết học - chính trị về sự khác biệt về quyền con người giữa các quốc gia - dân tộc. Điều này có nghĩa, không một ai được xem pháp luật của một quốc gia nào đó làm chuẩn mực để đánh giá, phê phán pháp luật nước khác là “không phù hợp với chuẩn mực nhân quyền quốc tế”, là “vi phạm nhân quyền”(!)
Về quyền tập thể và quyền của “nhóm xã hội” dễ bị tổn thương, theo quan niệm chung của cộng đồng quốc tế, quyền con người còn bao gồm “Quyền phát triển”. Theo đó, mọi người và mọi dân tộc đều có quyền được tham gia đóng góp và hưởng thụ thành quả từ sự phát triển về kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị, trong đó mọi quyền con người và các tự do cơ bản cần phải được thực hiện một cách đầy đủ. Quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương, gồm: Trẻ em (Công ước về quyền trẻ em, 1989); Nữ giới (Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ, 1979 (CEDAW); Người khuyết tật (Công ước về người khuyết tật, 2007). Về lý luận cũng như thực tiễn, việc bảo đảm quyền của những người trong nhóm xã hội này tất yếu phải tùy thuộc vào chính sách, pháp luật của nhà nước. Cả 3 công ước nói trên, Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn. Như vậy, luận điểm “Quyền con người cao hơn chủ quyền”, “Quyền con người không có biên giới”, nếu như không xuất phát từ động cơ chính trị xấu thì cũng là những nhận thức ấu trĩ về quyền con người.
Thứ hai, bản chất chính trị của những lập luận “Nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “Nhân quyền không biên giới” là gì ? Lập luận mà các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội, thoái hóa về tư tưởng, chính trị đang rao giảng, tuyên truyền nhằm: (1). Ở trong nước, chúng tạo chỗ dựa tinh thần - lý luận, pháp lý,… để cổ vũ cho các cá nhân, tổ chức (kể cả tổ chức ảo trên mạng) tiếp tục những hành động trái pháp luật, phá hoại an ninh quốc gia, gây rối trật tự công cộng, nếu có điều kiện sẽ gây bạo loạn lật đổ chế độ; đồng thời, vu cáo sự lãnh đạo của Đảng ta là “chế độ độc tài, đảng trị”, “phi nhân quyền”. (2). Ở nước ngoài, chúng lợi dụng lập luận nói trên để cổ vũ cộng đồng người Việt, nhất là những kẻ phản bội Tổ quốc, hận thù với cách mạng, phá hoại chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước ta. Điển hình là Nghị sĩ Hoa Kỳ gốc Việt (bang California) Janet Nguyễn đã “viết thư cho Tổng thống Hoa Kỳ” xuyên tạc cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân, đế quốc xâm lược, hòng gây áp lực với Chính phủ Mỹ hạn chế quan hệ với Việt Nam vì lý do “nhân quyền”. Phát biểu trong cuộc họp của Thượng viện bang California (tháng 2-2017), bà nghị “ngoại nhập” này đã xúc phạm cố Thượng nghị sĩ Tom Hayden và bà Jane Fonda - diễn viên điện ảnh nổi tiếng Hoa Kỳ (hai người đã từng đến Hà Nội tham gia phản đối chiến tranh Việt Nam). Hình ảnh cho thấy, chủ tọa đã ngắt lời nhiều lần, cuối cùng yêu cầu nhân viên an ninh cưỡng chế bà nghị sĩ (nhiều trang mạng gọi là “lôi cổ”) ra khỏi phòng họp. Như vậy, bản chất chính trị của những lập luận “Nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “Nhân quyền không biên giới” là từng bước, đi từ làm suy yếu về tư tưởng, chính trị, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, cô lập Việt Nam đến gây mất ổn định chính trị, xã hội, cuối cùng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta.
Thứ ba, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về mối quan hệ giữa chủ quyền quốc gia dân tộc với quyền con người như thế nào? Ngay từ Cương lĩnh đầu tiên (Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt), năm 1930, Đảng ta đã xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam vừa nhằm giành độc lập dân tộc, vừa giải phóng xã hội, đem lại các quyền con người và quyền công dân cho mọi người. Bước vào thời kỳ đổi mới, tháng 7-1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) ra Chỉ thị 12-CT/TW, khẳng định “Quyền con người là giá trị chung của nhân loại. Đó là thành quả đấu tranh lâu dài của nhân dân lao động và các dân tộc trên thế giới chống lại mọi áp bức, bóc lột” và “giải phóng con người (trong đó có việc đảm bảo các quyền con người) gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội; chỉ có dưới tiền đề độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thì quyền con người mới có điều kiện được đảm bảo rộng rãi, đầy đủ, trọn vẹn nhất”. Kế thừa các Cương lĩnh, đường lối, quan điểm về nhân quyền trước đó, Cương lĩnh năm 2011 của Đảng, tích hợp các giá trị của chế độ dân chủ với quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Trong đó, xác định mục tiêu là xây dựng một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; … con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; … có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. Thể chế hóa Cương lĩnh 2011, Hiến pháp năm 2013 đã dành cả Chương II, quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” một cách đầy đủ và tương thích với các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người.
Nhất quán với quan điểm trên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta đã sớm gia nhập, ký kết các công ước quốc tế về quyền con người. Năm 1982, Việt Nam đã gia nhập hai công ước quốc tế cơ bản: (1) “Công ước quốc tế về các quyền Dân sự, Chính trị”; (2) “Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa”. Đến nay, Việt Nam đã tham gia đầy đủ các công ước quốc tế về quyền con người. Như vậy, với Đảng ta, quyền con người gắn liền với chế độ xã hội; độc lập dân tộc là tiền đề của quyền con người. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: đặt lợi ích Quốc gia, Dân tộc ở vị trí “tối cao” trong các mục tiêu của Đảng. Quan điểm này là cơ sở để Việt Nam quan hệ với các quốc gia và tổ chức quốc tế, kể cả Liên hợp quốc. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ với trên 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 05/05 nước Thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Trong quan hệ, hai bên đều khẳng định nguyên tắc: tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, thể chế chính trị của nhau; tôn trọng chính sách, pháp luật của nhau, trong đó có quyền con người.
Có thể khẳng định: với Đảng, Nhà nước ta, cùng với chế độ dân chủ, quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôn trọng và bảo đảm quyền con người là trách nhiệm, đồng thời là chủ quyền của Nhà nước ta. Không thể có “Quyền con người cao hơn chủ quyền”, “Quyền con người không biên giới” tồn tại bên ngoài chế độ xã hội, nhà nước hiện hữu như các thế lực thù địch, những kẻ có hận thù với cách mạng, những kẻ phản bội, cơ hội,… trong và ngoài nước đang tuyên truyền.
TS. CAO ĐỨC THÁI
_________
1, 2 - Tuyên bố Viên và chương trình hành động - Wikipedia.
quyền con người,chủ quyền quốc gia,dân tộc
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận chính sách an sinh xã hội của Việt Nam 19/08/2024
Thực tiễn bác bỏ sự xuyên tạc về đường lối đối ngoại theo trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” 22/07/2024
Thói hàm hồ của những kẻ chống chủ nghĩa xã hội 18/07/2024
Thực tiễn bác bỏ những thông tin sai trái về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam 11/07/2024
Kiên quyết đấu tranh bác bỏ luận điệu xuyên tạc chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” của Việt Nam 28/06/2024
Không thể xuyên tạc tinh thần quốc tế trong sáng của những chiến sĩ “mũ nồi xanh” Quân đội nhân dân Việt Nam 26/06/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc về tự do báo chí ở Việt Nam 20/06/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận chính sách an sinh xã hội của Việt Nam
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân”