Thứ Bảy, 14/09/2024, 07:40 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
V.I. Lê-nin là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Người đã vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết Mác thành học thuyết Mác - Lê-nin, mở ra trang sử mới cho cách mạng vô sản thế giới. Đó là sự thật không thể phủ nhận.
Kế tục tư tưởng, lý luận của C. Mác và Ph. Ăng-ghen về những tiền đề vật chất, về mối quan hệ giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan của cuộc cách mạng vô sản vào thực tiễn nước Nga, V.I. Lê-nin đã cùng với Trung ương Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga lãnh đạo các tầng lớp nhân dân và binh lính làm nên Cách mạng Tháng Mười (năm 1917), thực sự làm “rung chuyển thế giới”, mở đầu thời đại mới và mang lại con đường giải phóng cho các dân tộc trên thế giới. Sự kiện trọng đại này không chỉ chứng minh trên thực tế nguồn sức mạnh to lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trước các giai cấp áp bức, bóc lột, mà còn tạo nên một mẫu mực, điển hình về sự lựa chọn con đường đi đến thắng lợi của cuộc cách mạng vô sản.
Thế nhưng, kể từ sự kiện đó đến nay, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, cơ hội, xét lại vẫn không ngừng tìm mọi âm mưu, thủ đoạn để thủ tiêu những thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân loại; ra sức xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận tư tưởng, lý luận và vai trò to lớn của V.I. Lê-nin đối với cách mạng vô sản và tiến trình phát triển của nhân loại trong thế kỷ XX. Họ phê phán quan điểm của V.I. Lê-nin về thực hiện cách mạng bạo lực trong cuộc đấu tranh giành và giữ chính quyền của giai cấp vô sản; cho rằng, dùng “bạo lực là xóa bỏ dân chủ”, là “biện pháp cực đoan”, nguyên nhân làm tăng mâu thuẫn giai cấp, xã hội. Đồng thời, hết sức tán dương, cổ súy cho những cuộc cách mạng xã hội bằng phương pháp hòa bình như đã diễn ra ở một số nước tư bản trong thế kỷ XIX. Ngoài ra, các phần tử phản động, cơ hội còn gieo rắc luận điệu: “chủ nghĩa V.I. Lê-nin chỉ là lý thuyết cách mạng của một nước lạc hậu, với đại đa số dân cư là nông dân như nước Nga”, nên không có ý nghĩa phổ biến với các nước, càng không phù hợp với các nước tư bản chủ nghĩa phát triển. Trước sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, các thế lực thâm thù với cách mạng vô sản viện vào cái “khúc quanh” này của lịch sử để phủ nhận tính tất yếu của cách mạng vô sản và xuyên tạc rằng cách mạng xã hội trở thành “cái bướu thừa” của lịch sử, bác bỏ ý nghĩa quốc tế của Cách mạng Tháng Mười Nga, v.v. Dù bị chống phá quyết liệt, dai dẳng như vậy, nhưng có một sự thật lịch sử là, trong thế kỷ XX và đến thập niên đầu thế kỷ XXI, không có một nhà hoạt động chính trị nào trên thế giới mà học thuyết của mình lại được hàng triệu triệu người đồng tình, ủng hộ và vận dụng như V.I. Lê-nin, và cũng không có một nhân vật lịch sử nào mà tác phẩm của mình được xuất bản và dịch ra nhiều thứ tiếng, ở nhiều quốc gia, dân tộc với số lượng lớn như các tác phẩm của V.I. Lê-nin.
Người ta cố phủ nhận lý luận về bạo lực cách mạng của V.I. Lê-nin, nhưng điều đó là không thể. Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công năm 1917, V.I. Lê-nin và Chính quyền Xô-viết đã phải đương đầu với sự chống đối quyết liệt của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, cơ hội ở trong nước, điển hình là Causky - một phần tử cơ hội nguy hiểm nhất và là một trong những lãnh tụ của Quốc tế II. Causky đã phản bội học thuyết Mác và công khai chống lại tư tưởng cách mạng vô sản của các nhà kinh điển mác-xít. Trong tác phẩm “Chuyên chính vô sản”, Causky hoàn toàn phản đối việc dùng bạo lực của chính quyền Xô-viết để trấn áp sự phản kháng của giai cấp bóc lột nhằm giữ vững thành quả của cách mạng vô sản. Ông ta còn lợi dụng và khoét sâu việc C. Mác đề cập về khả năng giành thắng lợi cho cách mạng bằng phương pháp hòa bình như ở nước Anh và nước Mỹ vào những năm 70 của thế kỷ XIX, cho đó là hình mẫu và là quy luật phổ biến của cách mạng vô sản. Quan điểm phản động này của Causky đã và đang được các thế lực thâm thù với cách mạng vô sản trên thế giới viện dẫn để xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận vai trò lãnh tụ V.I. Lê-nin và ảnh hưởng của Người đối với Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga.
Phản bác sự chống phá đó, trong tác phẩm “Cách mạng vô sản và tên phản bội Causky”1, V.I. Lê-nin đã vạch rõ “trò bịp bợm” của Causky và khẳng định, ông ta đã “xuyên tạc” lịch sử mà quên đi vấn đề “chủ nghĩa tư bản trước độc quyền - mà thời kỳ cực thịnh chính là vào những năm 70 của thế kỷ XIX”. Khi đó, với những điều kiện kinh tế căn bản của nó nên chủ nghĩa tư bản ở Anh, Mỹ còn đang phát triển một cách hòa bình, bộ máy quan liêu và chủ nghĩa quân phiệt chưa phát triển. Nhưng khi chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa thì những điều kiện đó ở các nước tư bản không còn nữa. Do đó, theo V.I. Lê-nin, nhìn chung trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, giành thắng lợi cho cách mạng bằng phương pháp hòa bình rất ít có khả năng xuất hiện, vì chủ nghĩa quân phiệt của nó phát triển đến cao độ và phổ biến nhất. Và như vậy, bạo lực là tất yếu của mọi cuộc đấu tranh giành chính quyền trong lịch sử. Chính nhờ bạo lực mà giai cấp tư sản giành được chính quyền từ tay phong kiến và duy trì được địa vị thống trị của chúng trước áp lực đấu tranh ngày càng mạnh mẽ của giai cấp vô sản và quần chúng lao động. Giai cấp tư sản chiếm thiểu số trong xã hội chỉ có thể tồn tại ở địa vị thống trị, nhờ có bạo lực. Do đó, phải dùng bạo lực cách mạng để đập tan bạo lực phản cách mạng của giai cấp tư sản.
V.I. Lê-nin không chỉ là nhà lý luận thiên tài, mà còn là một lãnh tụ cách mạng với hoạt động thực tiễn phong phú và đầy bản lĩnh. Trong cao trào cách mạng của giai cấp công nhân ở châu Âu, tháng 3-1919, V.I. Lê-nin đã cùng lãnh tụ cách mạng các nước lập nên Quốc tế Cộng sản III để lãnh đạo phong trào cách mạng thế giới. Khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!” của C. Mác đã được V.I. Lê-nin bổ sung thành: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!”. Thông qua hoạt động của Quốc tế Cộng sản III, V.I. Lê-nin đã góp phần quan trọng trong xác định đường lối đấu tranh đúng đắn cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đấu tranh triệt để chống chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cải lương và chủ nghĩa cơ hội tả khuynh tồn tại trong một số đảng cộng sản các nước. Đồng thời, từng bước trang bị cho những người lao động ở các nước tư bản và các nước thuộc địa tư tưởng giải phóng xã hội, giải phóng dân tộc. Qua đó, giúp họ đoàn kết lại, tự giác vùng lên đấu tranh vì sự công bằng và giành lấy tự do, độc lập. V.I. Lê-nin chỉ rõ: “Không có sự cố gắng tự nguyện tiến tới sự liên minh và sự thống nhất của giai cấp vô sản, rồi sau nữa của toàn thể quần chúng cần lao thuộc tất cả các nước và các dân tộc trên toàn thế giới, thì không thể chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản được”3. Đoàn kết giai cấp công nhân thế giới, quan tâm giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa,… là những cống hiến to lớn của V.I. Lê-nin trong việc bảo vệ, phát triển chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân.
Chính từ nguồn cổ vũ lớn lao của Cách mạng Tháng Mười Nga, từ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa của Nhà nước Liên Xô (với sức mạnh về kinh tế và quốc phòng) đã trở thành nhân tố quan trọng gìn giữ hòa bình thế giới và cứu nhân loại khỏi thảm họa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy Nhà nước Liên Xô luôn ở trong vòng kiểm tỏa toàn diện của chủ nghĩa đế quốc, nhưng trong nhiều thập kỷ của thế kỷ XX, Liên Xô vẫn là trụ cột của hệ thống xã hội chủ nghĩa, là điểm tựa cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.
Đối với các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc ở phương Đông, V.I. Lê-nin coi đó là bộ phận hợp thành không thể tách rời trong cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản và quần chúng lao động toàn thế giới chống lại áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Người đã nêu ra khả năng phát triển không theo con đường tư bản chủ nghĩa đối với các nước lạc hậu sau khi tiến hành cách mạng vô sản thành công. V.I. Lê-nin khẳng định: “Với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ Xô-viết và qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ nghĩa cộng sản, không trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”4. Tư tưởng đó của V.I. Lê-nin có ý nghĩa lý luận và thực tiễn hết sức to lớn và sâu sắc đối với các nước châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh.
Đối với cách mạng Việt Nam, tư tưởng của V.I. Lê-nin về cách mạng vô sản đã mở ra chân trời mới, soi đường cho nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã vô cùng cảm động và hạnh phúc khi đọc tác phẩm “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề thuộc địa” của V.I. Lê-nin. Người nói: “Chủ nghĩa V.I. Lê-nin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”5. Từ đó, Người đi theo lãnh tụ V.I. Lê-nin, theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận cách mạng vô sản vào điều kiện cụ thể của Việt Nam và khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”6.
Vận dụng và phát triển lý luận cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đề ra và kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp nhuần nhuyễn vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp, xây dựng lý luận cách mạng giải phóng và phát triển dân tộc theo khuynh hướng vô sản, giải quyết thành công mối quan hệ giữa đất nước và thời đại, giữa dân tộc và quốc tế. Những luận điểm đó có giá trị lâu dài đối với cách mạng Việt Nam, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng ta được dẫn đường bởi chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây vừa là bài học lớn, xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong hơn 87 năm qua, vừa là cội nguồn dẫn đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới đất nước. Đó là những đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ và phát triển lý luận về cách mạng vô sản của Đảng ta trong thời đại mới.
Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn đang ra sức chống phá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phủ nhận vai trò của V.I. Lê-nin đối với cách mạng vô sản. Song, với bản chất cách mạng, khoa học và thực tiễn lịch sử không thể phủ nhận, chủ nghĩa Mác - Lê-nin vẫn đang hiện hữu và có sức sống mãnh liệt trong trái tim, khối óc của hàng triệu triệu người trên thế giới. Di sản tư tưởng, lý luận và vai trò của V.I. Lê-nin đối với cách mạng vô sản đã ghi tạc những dấu son chói lọi vào tiến trình phát triển của văn minh nhân loại.
ThS. NGUYỄN ĐỨC THẮNG
________________
1 - V.I. Lê-nin: C. Mác - Ph.Ăng-ghen - Chủ nghĩa Mác, Nxb Sự thật, H. 1976, tr. 350-360.
2 - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 38, Nxb Tiến bộ, M. 1977, tr. 463.
3 - Sđd, Tập 41, tr. 206.
4 - Chủ nghĩa Lê-nin và công cụộc đổi mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Nxb Thông tin lý luận, H. 1990, tr. 45.
5 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 563.
6 - Sđd, Tập 9, tr. 314.
V.I. Lê-nin,cách mạng vô sản
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận chính sách an sinh xã hội của Việt Nam 19/08/2024
Thực tiễn bác bỏ sự xuyên tạc về đường lối đối ngoại theo trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” 22/07/2024
Thói hàm hồ của những kẻ chống chủ nghĩa xã hội 18/07/2024
Thực tiễn bác bỏ những thông tin sai trái về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam 11/07/2024
Kiên quyết đấu tranh bác bỏ luận điệu xuyên tạc chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” của Việt Nam 28/06/2024
Không thể xuyên tạc tinh thần quốc tế trong sáng của những chiến sĩ “mũ nồi xanh” Quân đội nhân dân Việt Nam 26/06/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc về tự do báo chí ở Việt Nam 20/06/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận chính sách an sinh xã hội của Việt Nam
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân”