Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 14/08/2017, 14:02 (GMT+7)
Học thuyết kinh tế mác-xít là cơ sở lý luận của công nghiệp hóa, hiện đại hóa - điều không thể bác bỏ

Nhiều vấn đề lý luận liên quan đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học nghiên cứu và trình bày ở những mức độ khác nhau. Đó là cơ sở lý luận cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay; đồng thời, bác bỏ ý kiến cho rằng, học thuyết kinh tế học mác-xít đã lỗi thời.

Để nghiên cứu chủ nghĩa tư bản, C. Mác bắt đầu từ hàng hóa và chỉ ra rằng, chính những quan hệ giá trị - quy luật giá trị là tiền đề kinh tế cho sự ra đời của chủ nghĩa tư bản. Với việc phân tích giá trị và quy luật giá trị, C. Mác đã chứng minh quan hệ giá trị đã làm cho con người tách khỏi những lệ thuộc cá nhân, gắn kết họ lại trong quan hệ xã hội, tạo lực đẩy cho sự phát triển kinh tế. Quy luật giá trị chính là một sức mạnh kinh tế, chỉ ra hướng phát triển là nên làm những gì có lợi, theo tiếng gọi của thị trường. Nó gợi mở tư duy về tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao năng lực cạnh tranh, ưu tiên cho các cực tăng trưởng mà hiện nay chúng ta đang bàn đến trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bộ “Tư bản” của C. Mác không chỉ trình bày một trong hai phát kiến lớn nhất của Ông là Học thuyết giá trị thặng dư mà còn trình bày những phạm trù và quy luật của kinh tế thị trường, là bộ sách lớn nhất về “kinh tế thị trường” mà ngày nay những nhà kinh tế học mác-xít cần phải dựa vào để tổng kết thực tiễn kinh tế thị trường hiện đại. Những nguyên lý về sản xuất hàng hóa, thị trường, quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, thị trường vốn, tín dụng, tích lũy vốn, tuần hoàn, chu chuyển vốn, quy luật lưu thông tiền tệ cho đến nay vẫn không ai bác bỏ được. Nó cũng đã bác bỏ luận điểm cho rằng, cơ chế thị trường mà chúng ta đang xây dựng để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa không có gì có thể học được ở C. Mác, rằng học thuyết kinh tế Mác đã lỗi thời!

C. Mác đã dành phần lớn bộ “Tư bản” để phân tích sự vận động của tư bản (cả tư bản cá biệt và tư bản xã hội) trong cơ chế thị trường. Luận điểm quan trọng của Ông là sự lớn lên của tư bản, thông qua cơ chế không ngừng biến phần lớn giá trị thặng dư thành tư bản phụ thêm (tích lũy). Với tiêu chí số một là giá trị thặng dư, việc tăng tốc quá trình tuần hoàn và chu chuyển của tư bản, trong đó các yếu tố tăng vòng quay của đồng vốn, không ngừng tích lũy, thay đổi cấu tạo hữu cơ của tư bản, dùng lao động sống để đánh thức tiềm năng của lao động vật hóa,… là yếu tố sống còn đối với mỗi nhà tư bản cũng như nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nếu gạt bỏ yếu tố tư bản chủ nghĩa, chúng ta có thể thấy rằng, đó là cơ chế đích thực để phát triển kinh tế. Nó còn cho thấy, tăng tích lũy, tăng đầu tư vốn, thay đổi kết cấu kỹ thuật của sản xuất là cơ sở của sự tăng trưởng. Và chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức ở nước ta hiện nay chính là chuyển từ nền kinh tế không có tích lũy (tái sản xuất giản đơn) sang nền kinh tế có tích lũy (tái sản xuất mở rộng theo chiều rộng và chiều sâu) với quy mô ngày càng lớn. Học thuyết tái sản xuất mác-xít cũng gợi mở nhiều điều về mối quan hệ giữa tích lũy với tiêu dùng, giữa tích tụ và tập trung vốn, cũng như những cân đối lớn trong nền kinh tế quốc dân. Thế mà, có ý kiến cho rằng, công cuộc xây dựng đất nước ngày nay, chúng ta không học được gì từ học thuyết kinh tế của C. Mác!

Để nghiên cứu sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, tức là quá trình công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa, C. Mác đã nghiên cứu ba giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản trong công nghiệp: hiệp tác giản đơn, công trường thủ công và đại công nghiệp cơ khí (máy móc và công nghiệp lớn). Điểm xuất phát lịch sử của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa là số đông người làm việc cùng một lúc, ở cùng một nơi, dưới sự điều khiển của một nhà tư bản. Như vậy, nội dung của quá trình sản xuất đã có sự thay đổi trong tổ chức lao động, đó là quá trình lao động xã hội trực tiếp, là hiệp tác. Hiệp tác và phân công trong công trường thủ công là hai giai đoạn kế tiếp nhau của cuộc cách mạng trong lao động, khi kỹ thuật sản xuất còn là thủ công. Nó xã hội hóa trực tiếp quá trình lao động và tạo ra sức sản xuất mới của lao động (sức sản xuất xã hội). Quá trình chuyên môn hóa lao động chính là cách thức tăng sức sản xuất cá nhân của con người lên và chuẩn bị những cơ sở cho sự thay đổi trong công cụ lao động. Hai giai đoạn này có thể xem như thời kỳ chuẩn bị để “cất cánh”. Cuộc cách mạng công nghiệp (công nghiệp hóa) đã đưa chủ nghĩa tư bản sang giai đoạn phát triển thứ ba - giai đoạn đại công nghiệp cơ khí. Lúc này, nền sản xuất xã hội đã có được cơ sở vật chất kỹ thuật trong tay mình là kỹ thuật cơ khí và nhờ kỹ thuật này đã giải phóng sức sản xuất cá nhân khỏi những giới hạn về thể chất tự nhiên của con người, tạo cơ sở để ứng dụng khoa học vào sản xuất, từng bước đưa khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Với quá trình công nghiệp hóa, nền kinh tế được đặt trên cơ sở công nghiệp và cùng với nó là quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất, thực hiện cuộc đại phân công lần thứ hai trong nền sản xuất xã hội, tách công nghiệp ra khỏi nông nghiệp và biến nó thành một ngành sản xuất độc lập. Đó là sự bùng nổ có tính dây chuyền trong quá trình công nghiệp hóa ở một số ngành mới ra đời, kéo theo những ngành khác xuất hiện. Nếu kinh tế hàng hóa lấy phân công lao động xã hội là cơ sở, thì chính công nghiệp hóa với những chuyển dịch trong cơ cấu nền sản xuất xã hội là nội dung vật chất của quá trình chuyển sang kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường. Đó cũng là nội dung chính của quá trình tăng năng suất lao động xã hội.

Quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất đòi hỏi để phát triển kinh tế (phương thức sản xuất) thì lực lượng sản xuất là nội dung, là yếu tố động nhất và quyết định nhất, mà trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa của chúng ta hiện nay thì phải thực hiện nhiều trình độ, từ trình độ cơ khí đến trình độ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0); trong đó phải chú trọng tận dụng thành tựu của cách mạng 4.0, chuyển dịch cơ cấu kinh tế (trong đó có cơ cấu thành phần kinh tế) mới thúc đẩy được lực lượng sản xuất phát triển. Chính trên cái nền của lực lượng sản xuất được công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo ra mà từng bước xây dựng quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp.

Bằng quan điểm duy vật lịch sử, C. Mác cũng đã chỉ ra mối quan hệ giữa cơ sở kinh tế và kiến trúc thượng tầng, xác định vai trò quyết định của cơ sở kinh tế và tính tích cực, chủ động của kiến trúc thượng tầng. Quan hệ này gợi mở ý tưởng về vai trò điều hành của Nhà nước với quá trình phát triển kinh tế mà ở nước ta hiện nay là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong điều kiện hiện nay, việc vận dụng học thuyết kinh tế Mác vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta cần phải lưu ý rằng: công nghiệp hóa mà C. Mác nghiên cứu là mô hình công nghiệp hóa cổ điển, lấy việc thay đổi trong sản xuất làm nền tảng và giải pháp cơ bản, coi tích lũy và đầu tư là nguồn gốc chính của sự tăng trưởng. Điều đó đòi hỏi ngày nay phải kế thừa và phát triển học thuyết kinh tế Mác về công nghiệp hóa vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế trí thức. Nếu chỉ kế thừa mà không phát triển để phê phán các ông thì không đúng với tinh thần và mong muốn của những người sáng lập ra học thuyết kinh tế mác-xít.

Trong số các nhà kinh điển, lịch sử đã trao cho V.I. Lê-nin một sứ mệnh đặc biệt, trực tiếp lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga. Mặc dù chủ nghĩa tư bản đã phát triển ở Nga và nước Nga Sa hoàng có trình độ phát triển công nghiệp đứng thứ năm châu Âu, song chính quyền Xô-viết do V.I. Lê-nin lãnh đạo đã phải đứng trước thù trong, giặc ngoài, nội chiến khốc liệt, đẩy nền kinh tế nước Nga trong những năm đầu của chính quyền Xô-viết tới tình trạng kiệt quệ. Trong bối cảnh đó, V.I. Lê-nin rất nhiều lần nhấn mạnh tới việc phải phát triển đại công nghiệp bằng mọi cách, lấy công nghiệp nặng làm nền tảng vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Đây thực chất là cuộc cách mạng công nghiệp, xây dựng cơ cấu tái sản xuất mà bộ phận nòng cốt là cơ khí và điện khí. Kế hoạch điện khí hóa nước Nga đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Dưới sự lãnh đạo của V.I. Lê-nin, những nguồn tài chính, vật chất, trí tuệ trong điều kiện còn khó khăn đã được ưu tiên để xây dựng các nhà máy điện và cơ khí với khẩu hiệu: “Chủ nghĩa xã hội là chính quyền Xô-viết cộng với điện khí hóa toàn quốc”.

Trong những năm nội chiến (1918 - 1921), nước Nga Xô-viết bắt buộc phải thực hiện chính sách “cộng sản thời chiến”, mà mục tiêu trước hết là giữ vững chính quyền Xô-viết non trẻ. Sau khi nội chiến kết thúc vào năm 1921, đứng trước một thực tế so với năm 1913, sản lượng đại công nghiệp giảm bảy lần, vận tải đường sắt giảm bốn lần, sản lượng nông nghiệp giảm hai lần, diện tích gieo trồng giảm 25 triệu héc-ta, số đầu súc vật giảm 30%, V.I. Lê-nin đã đề xướng và lãnh đạo thực hiện “chính sách kinh tế mới” (NEP), một quyết sách nhằm cứu vãn tình hình kinh tế Nga.

NEP đã chuyển hướng sự chú trọng vào những ngành làm cơ sở cho công nghiệp, thay vì tập trung sức phát triển công nghiệp nặng, trước hết là phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. V.I. Lê-nin cho rằng, phải khôi phục và phát triển kinh tế nông nghiệp, thay đổi quan hệ nhà nước với nông dân. Chính sách cộng sản thời chiến xóa bỏ kinh tế tư nhân và thủ tiêu kinh tế hàng hóa ở nông thôn đã triệt tiêu động lực phát triển của nền kinh tế, vi phạm quan hệ chính trị giữa giai cấp công nhân với nông dân. V.I. Lê-nin cho rằng, nền tảng vững chắc của chuyên chính vô sản chính là liên minh công - nông. Nếu để mất nông dân, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ gặp khó khăn, thậm chí thất bại. Vì vậy, khôi phục kinh tế nông thôn, tôn trọng lợi ích kinh tế của nông dân là cơ sở kinh tế của khối liên minh công - nông, là tạo ra nền tảng xã hội, chính trị cho chuyên chính vô sản.

Trong chính sách kinh tế mới, việc phát triển kinh tế hàng hóa, chấn hưng nông nghiệp, chính sách tô nhượng và chủ nghĩa tư bản nhà nước là những giải pháp để phát triển kinh tế ở những giai đoạn đầu, nhằm đưa nền kinh tế tới đại công nghiệp, v.v. Đây là một trong những cơ sở để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn mà Đảng ta đã xác định.

Hồ Chí Minh đã nêu một tấm gương sáng trong việc tiếp thu và vận dụng chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào thực tiễn Việt Nam, trên tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo, trong đó có những tư tưởng về công nghiệp hóa.

Một là, xác định mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là làm sao cho “dân giàu, nước mạnh”, “mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do”. Quán triệt quan điểm đó của Hồ Chí Minh, Đảng ta khẳng định: “Mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là thực hiện “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hai là, công nghiệp hóa phải bắt đầu từ nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Quan điểm lấy nông nghiệp làm điểm xuất phát được Hồ Chí Minh xác định ngay từ năm 1960, khi miền Bắc tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Người cho rằng: nước ta là nước nông nghiệp, muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính; phải cải tạo và phát triển nông nghiệp để tạo điều kiện cho việc công nghiệp hóa nước nhà, phải có một nền nông nghiệp phát triển thì công nghiệp mới phát triển mạnh. Khi nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp, Người chủ trương phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, coi trọng áp dụng những tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, đồng thời chú trọng sản xuất lương thực, thực phẩm và nông nghiệp xuất khẩu. Người còn khẳng định, chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội bằng cả hai chân, nông nghiệp và công nghiệp. Những tư tưởng trên đây thể hiện tính quy luật của những bước đi từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, quy luật bước khởi đầu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Quan điểm bắt đầu từ nông dân được Hồ Chí Minh giải thích: đa số dân ta là nông dân, mỗi việc đều phải dựa vào dân; nông dân là quân chủ lực của cách mạng, là bạn đồng minh chủ yếu, tin cậy nhất của giai cấp công nhân và là lực lượng cơ bản cùng giai cấp công nhân xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chủ trương phát triển nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn mà Đảng ta đã xác định trong các nghị quyết gần đây hoàn toàn phù hợp với chính sách kinh tế mới do V.I. Lê-nin khởi xướng và quan điểm, tư tưởng nói trên của Hồ Chí Minh.

Ba là, các biện pháp tạo động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa. Theo Hồ Chí Minh, sau khi xác định mục tiêu và điểm xuất phát thì yếu tố quyết định kết quả là ở hệ thống động lực của sự phát triển. Nó thể hiện ở các giải pháp sau: (i) Coi trọng yếu tố con người, con người là trung tâm của sự phát triển, tập trung sức phát triển giáo dục - đào tạo, quan tâm đến lợi ích cá nhân và lợi ích toàn xã hội. (ii) Đề cao công tác quản lý, Người cho rằng: trong công cuộc xây dựng nước nhà, việc quản lý kinh tế, tài chính là cực kỳ quan trọng. Người nhắc nhở: phải nắm vững quy luật phát triển của cách mạng, phải tính toán cẩn thận những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể, kế hoạch phải chắc chắn, cân đối. Chớ đem điều kiện chủ quan của mình thay cho điều kiện thực tế. (iii) Đẩy mạnh sản xuất phải đi liền với thực hành tiết kiệm: cả cuộc đời Hồ Chí Minh là mẫu mực về chăm lo phát triển sản xuất và tiết kiệm vì đời sống nhân dân; coi tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là điều kiện để cải thiện đời sống, khi đời sống được cải thiện lại tạo điều kiện để đẩy mạnh sản xuất hơn nữa.

Bốn là, phát động quần chúng đấu tranh khắc phục những yếu tố tiêu cực cản trở sự phát triển, quan trọng nhất là chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Những di huấn đó của Hồ Chí Minh hiện nay đang là vấn đề thời sự nóng bỏng trong việc đẩy lùi nguy cơ tham nhũng, buôn lậu, trong yêu cầu cải cách nền hành chính quốc gia để tạo điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ những vấn đề trình bày trên cho thấy cơ sở khoa học của việc tiếp tục học tập chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, học tập học thuyết kinh tế mác-xít nói riêng để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng đất nước, nhằm sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trên cơ sở đó, vừa kiên định với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc tính khoa học, cách mạng của nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Thiếu tướng, PGS, TS. NGUYỄN MINH KHẢI, Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.