Thứ Bảy, 23/11/2024, 08:16 (GMT+7)
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng, phát động phong trào thi đua yêu nước thông qua Lời kêu gọi Thi đua ái quốc gửi quốc dân, đồng bào trong bối cảnh đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi sự đồng tâm, hiệp lực, nỗ lực vươn lên của mỗi người dân đối với vận mệnh của dân tộc. Trong tổ chức phong trào thi đua, Người đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, học tập lẫn nhau, thúc đẩy phong trào thi đua ngày càng phát triển. Người chỉ rõ: “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung cho cả dân tộc. Chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi... Sáng kiến và kinh nghiệm cũng như những con suối nhỏ chảy vào sông to, những sông to chảy vào bể cả. Không biết quý trọng sáng kiến và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc”1.
Từ Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào Thi đua Quyết thắng trong Quân đội đã ra đời, gắn kết chặt chẽ với phong trào thi đua yêu nước và các phong trào, cuộc vận động của các cấp, các ngành, các tổ chức, lực lượng, tạo không khí thi đua sôi nổi trên các lĩnh vực công tác. Để phong trào thi đua không ngừng phát triển, lan tỏa, thấm sâu vào mọi hoạt động của các cơ quan, đơn vị, công tác xây dựng, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong toàn quân thường xuyên được chú trọng, bằng nhiều mô hình hay, việc làm thiết thực, thúc đẩy mọi tổ chức và cán bộ, chiến sĩ không ngừng phấn đấu vươn lên, trở thành những tấm gương sáng ngời phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang và bản chất cách mạng của Quân đội ta.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, việc xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến đã có bước phát triển mới cả về diện rộng và chiều sâu, cả trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Ban Chỉ đạo xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến được thành lập từ cấp Bộ Quốc phòng đến các đơn vị cơ sở, thực hiện chức năng tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng, phát hiện, bồi dưỡng, nhân điển hình tiên tiến; lập kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, điều kiện cụ thể của cơ quan, đơn vị; xác định tiêu chí của điển hình tiên tiến và lộ trình, thời gian, biện pháp tiến hành. Do vậy, việc xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến đã được thực hiện nghiêm túc ở cả ba khâu: phát hiện, xây dựng và nhân rộng; hướng vào những tập thể, cá nhân trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác ở nơi biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa; những tập thể, cá nhân hoạt động tích cực trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” và những quan điểm sai trái, thù địch, v.v.
Các cơ quan, đơn vị đã kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua với điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng thời, tạo điều kiện, môi trường để điển hình tiên tiến “tôi luyện”, khẳng định mình trong thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, khó khăn, phức tạp; tham gia các hội thi, hội thao; giúp dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Công tác sơ kết, tổng kết, bình xét khen thưởng được tiến hành kịp thời, công khai, dân chủ, chặt chẽ từ cơ sở; bảo đảm điển hình tiên tiến thực sự là những tập thể, cá nhân xuất sắc, xứng đáng được suy tôn. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến đã được chú trọng đổi mới, đa dạng hóa để lan tỏa và nhân rộng điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt” trong phong trào Thi đua Quyết thắng.
Tổng kết 5 năm (2011-2015) thực hiện Kế hoạch xây dựng, nhân điển hình tiên tiến trong Quân đội, toàn quân đã có trên 14.000 điển hình tiên tiến được biểu dương, tôn vinh ở cấp cơ sở; trên 5.000 điển hình tiên tiến được biểu dương, tôn vinh ở cấp trên cơ sở và trên 500 điển hình tiên tiến được biểu dương, tôn vinh cấp Bộ Quốc phòng2. Qua đó khẳng định, công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến đã tạo sức lan tỏa và động lực mạnh mẽ để khơi dậy trong mọi cán bộ, chiến sĩ ý chí tiến công, sức sáng tạo, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, lập nhiều thành tích trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Tuy vậy, công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào Thi đua Quyết thắng còn một số hạn chế cần khắc phục, như: nhận thức về điển hình tiên tiến và công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến ở một số cán bộ, chiến sĩ chưa đầy đủ, cụ thể; quy trình phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến chưa thật sự bài bản, chủ động; việc tuyên truyền, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm có lúc, có nơi còn đơn giản, chưa có sức thuyết phục. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế đó là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chỉ huy, nhất là ở cơ sở chưa sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ; nội dung, biện pháp còn chung chung, thiếu thực tế; cơ chế, chính sách đối với những điển hình tiên tiến còn bất cập, v.v.
Để công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào Thi đua Quyết thắng theo tư tưởng Hồ Chí Minh đạt hiệu quả, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua yêu nước, nhất là Chỉ thị 34-CT/TW, ngày 07-4-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; Chỉ thị 507-CT/QUTW, ngày 09-7-2014 của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; Luật Thi đua, khen thưởng; Kế hoạch 510/KH-CT, ngày 22-4-2011 của Tổng cục Chính trị “Về xây dựng và nhân điển hình tiên tiến trong Quân đội”; Kế hoạch 471/KH-CT, ngày 27-3-2017 của Tổng cục Chính trị “Về tuyên truyền các phong trào thi đua, điển hình tiên tiến, mô hình mới, nhân tố mới trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng”,… nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ, chiến sĩ toàn quân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào Thi đua Quyết thắng. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chức năng và đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng đối với công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trước hết phụ thuộc vào nhận thức, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và sự hướng dẫn, tổ chức thực hiện của cơ quan chức năng, đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng ở các cấp. Thực tế cho thấy, quan niệm về điển hình tiên tiến ở một số đơn vị chưa đúng, còn đồng nhất giữa điển hình tiên tiến với người có thành tích; giữa xây dựng điển hình với xây dựng đơn vị điểm, v.v. Vì vậy, cần thống nhất nhận thức: mục đích của phong trào Thi đua Quyết thắng là nhằm phát huy cao độ tính tự giác của mọi cán bộ, chiến sĩ để phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ; việc xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến là biện pháp thực tiễn, lấy quần chúng để động viên quần chúng, lấy phong trào để nuôi dưỡng, thúc đẩy phong trào. Trên cơ sở đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần thực hiện tốt “ba trực tiếp”: trực tiếp chỉ đạo xây dựng kế hoạch; trực tiếp tổ chức triển khai kế hoạch; trực tiếp kiểm tra đánh giá kết quả và sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng. Kế hoạch xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến phải bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị và phong trào Thi đua Quyết thắng trong toàn quân; có chủ trương biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát, đúng; phân công trách nhiệm cụ thể. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện và có biện pháp thích hợp kịp thời uốn nắn những sai sót, lệch lạc trong tổ chức phong trào.
Hội đồng (tổ) Thi đua - Khen thưởng phải nêu cao trách nhiệm tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo, chỉ huy đơn vị về công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện nhân tố mới trong xây dựng và giữ vững điển hình tiên tiến. Chú trọng làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm các phong trào, đợt thi đua và đề xuất nội dung, biện pháp xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến sát với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm của đơn vị. Cơ quan chính trị các cấp cần chủ động thực hiện tốt vai trò tham mưu, giúp cấp ủy chỉ huy xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Đồng thời, phối hợp với cơ quan báo chí kịp thời phổ biến, tuyên truyền những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến đến mọi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và toàn quân. Thường xuyên theo dõi, giúp đỡ để các điển hình tiên tiến tiếp tục lập thêm nhiều thành tích mới, xứng đáng là tấm gương để mọi người học tập, làm theo. Kiên quyết khắc phục tình trạng gò ép, “chạy” thành tích, hoặc “chia thành tích” trong xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến.
Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa phát hiện với bồi dưỡng, rèn luyện điển hình tiên tiến. Đây là biện pháp quan trọng trong xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến ở đơn vị cơ sở. Thực hiện tốt biện pháp này sẽ khắc phục được tình trạng thụ động, ngồi chờ điển hình xuất hiện để tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm. Do đó, các cơ quan, đơn vị phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, khảo sát, thẩm định, lựa chọn, bảo đảm sát với tình hình thực tiễn và có tính khả thi cao, thể hiện rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian, lộ trình xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Thường xuyên bám sát các phong trào thi đua, kịp thời phát hiện những tập thể, cá nhân có cách làm sáng tạo, hiệu quả; quan tâm, tạo điều kiện cho các điển hình được thử thách trong môi trường khó khăn, phức tạp, việc khó, việc mới,… để họ khẳng định trong thực tiễn. Qua đó, phát triển từ nhân tố mới lên điển hình tiên tiến một mặt và tiến tới điển hình tiên tiến toàn diện.
Việc bồi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến cần có quan điểm đúng mức, tránh dồn hết đầu tư cho điển hình mà không quan tâm tới toàn bộ phong trào. Đặc biệt, trong phát hiện, xây dựng điển hình tiên tiến phải có phương pháp xem xét khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể, phát triển đối với thành tích của các điển hình. Quan tâm tới các đơn vị có bề dày truyền thống, nhưng hết sức coi trọng những nhân tố mới xuất hiện trong phong trào thi đua. Tập trung khai thác những mặt thành công, ưu điểm của điển hình, đồng thời cần chỉ ra những hạn chế, thiếu sót giúp các điển hình phấn đấu hoàn thiện, giữ vững thành tích, thúc đẩy phong trào thi đua phát triển.
Ba là, tích cực đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng điển hình tiên tiến. Tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào Thi đua Quyết thắng thực chất là tổng kết và phổ biến những bài học kinh nghiệm đặc sắc của các mô hình, điển hình đã được khẳng định trong thực tiễn. Qua đó, làm cho “người tốt, việc tốt” được lan tỏa, tạo hiệu ứng sâu rộng, lôi cuốn, cổ vũ để cái tốt ngày càng sinh sôi nảy nở, phát triển và hòa quyện với thực tiễn hoạt động của cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ. Muốn vậy, các cơ quan, đơn vị phải đổi mới mạnh mẽ, vận dụng đa dạng, linh hoạt các hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp với từng đối tượng. Kết hợp chặt chẽ tuyên truyền giữa “trong và ngoài”, chú trọng tuyên truyền ngay tại đơn vị. Cùng với việc tổ chức Đại hội Thi đua Quyết thắng, gặp mặt, tôn vinh điển hình tiên tiến, cần tăng cường tổ chức tọa đàm, trao đổi, tham quan điển hình tiên tiến; phát động phong trào thi đua đột kích hướng vào học tập, “đua đuổi” và vượt điển hình tiên tiến; mở các cuộc thi tìm hiểu về gương điển hình tiên tiến, v.v. Hệ thống báo chí trong Quân đội, đặc biệt là Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, Báo Quân đội nhân dân cần duy trì tốt chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng tuyên truyền về “người tốt, việc tốt”, những mô hình hay, cách làm sáng tạo, nhất là dịp trước, trong và sau các hoạt động tôn vinh, giao lưu; kết hợp với khai thác mặt tích cực của mạng xã hội để lan tỏa trong toàn quân. Tích cực đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức các lớp tập huấn cho hạt nhân viết về điển hình tiên tiến và đội ngũ báo cáo viên ở các cấp để tạo sự thống nhất nhận thức, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng; các hình thức sinh hoạt, hoạt động; các thiết chế văn hóa ở đơn vị để kịp thời phổ biến, tuyên truyền sâu rộng về điển hình tiên tiến.
Bốn là, giữ vững và phát huy vai trò của các điển hình tiên tiến. Xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến chỉ thực sự có hiệu quả khi họ giữ vững và phát huy được vai trò một cách thực chất, bền vững trong quá trình tổ chức phong trào thi đua. Họ không chỉ là hạt nhân của phong trào mà còn có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Do vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần chú trọng lập kế hoạch xây dựng, giữ vững gương điển hình tiên tiến với nội dung cụ thể, phương pháp khoa học. Trong đó, cần tập trung làm tốt công tác giáo dục, xây dựng động cơ, mục đích thi đua đúng đắn cho chủ thể làm công tác thi đua và các lực lượng, đối tượng tham gia thi đua, phấn đấu thành điển hình tiên tiến. Đồng thời, quán triệt để cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ: giữ vững và phát huy vai trò của điển hình tiên tiến là nhằm thúc đẩy phong trào thi đua phát triển không ngừng, làm xuất hiện, nhân rộng thêm nhiều điển hình tiên tiến. Vì thế, trong từng giai đoạn của phong trào thi đua cần điều chỉnh chỉ tiêu thi đua, tiêu chí phấn đấu cho điển hình tiên tiến theo hướng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, đảm bảo điển hình tiên tiến mới xuất hiện có chất lượng cao hơn, hoàn thiện hơn về mọi mặt.
Các cơ quan, đơn vị cần kết hợp chặt chẽ giữa động viên, khuyến khích với thực hiện hợp lý các chế độ, chính sách đãi ngộ, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần, tạo động lực giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò của các điển hình và tạo sức hút cho nhân tố mới phấn đấu vươn lên trở thành điển hình tiên tiến. Các tập thể, cá nhân được tôn vinh, khen thưởng không được thỏa mãn, dừng lại, bằng lòng với thành tích đạt được, mà phải xác định rõ trách nhiệm tiếp tục phấn đấu, rèn luyện để trở thành điển hình toàn diện hơn, xứng đáng với sự tôn vinh của tập thể.
Xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào Thi đua Quyết thắng là trách nhiệm của mọi tổ chức, lực lượng và cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội, trước hết là của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp. Với quan điểm đúng, quyết tâm cao, nội dung, hình thức, phương pháp khoa học, sát đúng, công tác này sẽ đạt hiệu quả thiết thực, tạo động lực thúc đẩy phong trào Thi đua Quyết thắng phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Thượng tướng NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam __________________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 404.
2 - 150 tập thể, cá nhân được biểu dương tại Hội nghị điển hình tiên tiến toàn quân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; 305 tập thể, cá nhân được biểu dương, tôn vinh tại Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ IX.
Nhân rộng điển hình tiên tiến,Thi đua Quyết thắng
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - thắng lợi của tư duy và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh 19/05/2019
Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn 19/05/2019
Binh đoàn 12 phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn trong giai đoạn mới 18/05/2019
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh với xây dựng thế trận hậu cần trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc 17/05/2019
Tỏa sáng tinh thần thanh niên xung phong Trường Sơn trong phong trào Thanh niên tình nguyện hiện nay 16/05/2019
Tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng đối với tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn 15/05/2019
Hội thảo khoa học cấp Quốc gia về “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh” 14/05/2019
Vận dụng bài học phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng Tuyến chi viện chiến lược 559 - Đường Trường Sơn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 13/05/2019
Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - biểu tượng sáng ngời của khát vọng độc lập, tự do và ý chí thống nhất đất nước 13/05/2019
Xuất quân Liên hoan tuyên truyền lưu động tại Km số 0 đường Hồ Chí Minh 13/05/2019