QPTD -Thứ Bảy, 18/05/2019, 07:43 (GMT+7)
Binh đoàn 12 phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn trong giai đoạn mới

Vinh dự, tự hào được kế tục và phát huy truyền thống của Bộ đội Trường Sơn anh hùng, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 12 (Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn) luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động hội nhập, phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 19-5-1959, Đoàn công tác quân sự đặc biệt (Đoàn 559) - đơn vị tiền thân của Binh đoàn 12 ngày nay - được thành lập, có nhiệm vụ mở tuyến chi viện chiến lược đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, vận chuyển hàng quân sự chi viện cho miền Nam và tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc.

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại buổi gặp mặt đại biểu cựu chiến binh Bộ đội Trường Sơn nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống.

Nhận thức rõ vị trí đặc biệt quan trọng của nhiệm vụ được giao, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 đã cùng quân và dân ta vượt lên mưa bom, bão đạn để mở đường đưa lực lượng, vũ khí vào chiến trường miền Nam. Với tinh thầnXẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, “Sống bám trụ cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Mặt đường là trận địa”,… Bộ đội Trường Sơn đã kiên cường bám trụ, vừa xây dựng, vận chuyển, vừa huấn luyện, chiến đấu đã đánh bại chiến tranh ngăn chặn khốc liệt của kẻ thù, kiên quyết giữ vững mạch máu giao thông, để tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh không ngừng phát triển1, trở thành tuyến đường huyền thoại, huyết mạch nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, biểu tượng của khát vọng cháy bỏng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Trong 16 năm (1959 - 1975), Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển hơn một triệu tấn vũ khí, phương tiện, vật chất và hàng hóa chi viện cho các chiến trường; vận chuyển, bảo đảm hành quân cho hơn 2 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ vào miền Nam chiến đấu và đưa hàng vạn thương binh, bệnh binh ra miền Bắc. Đồng thời, tổ chức đánh hàng nghìn trận, bắn rơi hơn 2.400 máy bay các loại, tiêu diệt hàng chục nghìn sinh lực địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch, góp phần quan trọng, quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn. Ghi nhận chiến công và thành tích vẻ vang đó, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; 82 đơn vị, 51 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và hàng trăm lượt đơn vị, hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng huân chương, huy chương các loại.

Đất nước thống nhất, Bộ đội Trường Sơn được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ chuyển sang xây dựng kinh tế kết hợp củng cố quốc phòng với tên gọi Binh đoàn 12. Trên mặt trận mới, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng của Binh đoàn đã không ngừng phát huy truyền thống của Bộ đội Trường Sơn anh hùng, có mặt ở khắp mọi miền đất nước, chủ yếu là những nơi khó khăn, gian khổ, vùng sâu, vùng xa, biên giới, triển khai xây dựng hàng nghìn công trình, dự án, trong đó có nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước và nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào và Cam-pu-chia. Binh đoàn đã từng bước hội nhập, phát triển, trở thành một doanh nghiệp Quân đội có uy tín, thương hiệu trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy điện, thủy lợi; đơn vị dự bị công binh cầu đường chiến lược của Bộ Quốc phòng.

Hơn 10 năm trở lại đây, Binh đoàn chuyển thành doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng, tự chủ hạch toán trong sản xuất, kinh doanh. Trước khó khăn, thách thức do chuyển đổi cơ chế hoạt động, sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường; thiết bị, máy móc phần lớn đã cũ, thiếu đồng bộ; trình độ, kinh nghiệm quản lý kinh tế của đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, chủ động, nhạy bén đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đổi mới, sắp xếp tổ chức lại bộ máy phù hợp với mô hình tổ chức hoạt động; xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng ngành nghề với định hướng “Lấy xây dựng cơ bản làm chủ yếu, trong đó xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông là trung tâm, kết hợp với kinh doanh tổng hợp”. Cùng với đó, Binh đoàn tích cực đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại; chủ động tiếp cận thị trường; đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và luôn coi trọng “chữ tín” với khách hàng. Binh đoàn đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để đổi mới trang thiết bị, công nghệ; trong đó, có nhiều thiết bị thi công cầu, đường, thủy điện, thủy lợi, các công trình sân bay, bến cảng theo công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu thi công các công trình lớn trong nước và quốc tế, như: máy cắm bấc thấm, đóng cọc cát xử lý nền yếu; công nghệ khoan cọc nhồi, dầm dự ứng lực khẩu độ lớn, đúc hẫng cân bằng trong thi công cầu; khoan tự hành, trạm trộn bê tông lạnh, công nghệ thi công bê tông đầm lăn trong thi công công trình thủy điện; dây chuyền công nghệ thi công đường cao tốc và một số loại xe máy thi công đào đắp, vận chuyển công suất lớn, v.v. Về con người, Binh đoàn từng bước sắp xếp, cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đảm bảo “tinh, gọn, mạnh, hiệu quả”; trong đó, ưu tiên tuyển chọn đội ngũ cán bộ, người lao động có tay nghề, kỹ thuật cao.

Công trình thủy lợi hồ Tả Trạch (tỉnh Thừa Thiên - Huế) do Binh đoàn thiết kế và thi công

Với định hướng đúng đắn và sự nỗ lực phấn đấu, Binh đoàn đã từng bước vươn lên tự khẳng định mình. Trong 30 năm (1989 - 2019) xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, tự hạch toán, giá trị sản xuất của Binh đoàn không ngừng tăng trưởng (bình quân 15%/năm); thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách với Nhà nước; đạt chỉ tiêu lợi nhuận, góp phần quan trọng củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng đất nước. Binh đoàn đã thi công và bàn giao đưa vào sử dụng hàng nghìn công trình trên khắp mọi miền Tổ quốc; trong đó, có nhiều công trình trọng điểm quốc gia. Tiêu biểu như: Đường Bắc Thăng Long - Nội Bài; đường cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Hà Nội - Thái Nguyên; Quốc lộ 5; Quốc lộ 1A; cầu và đường dẫn cầu Bãi Cháy - Quảng Ninh, Hầm đường bộ Hải Vân; Đường Trường Sơn Đông; đường tuần tra biên giới; Quốc lộ 78 (Cam-pu-chia); sân bay Buôn Ma Thuột, sân bay Vinh; sân bay Savanakhet (Lào). Ngoài ra, Binh đoàn còn tham gia xây dựng các hạng mục quan trọng của Nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu; thủy điện Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, làm Tổng thầu xây dựng Nhà máy thủy điện Srêpok3 (Đắk Lắk); Dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, kè biển Khu Quân cảng Cam Ranh; đường Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng); Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất; Bệnh viện 175/Bộ Quốc phòng; dự án Hồ chứa nước Ea Hleo 1 (Đắk Lắk) và nhiều công trình dân dụng, công nghiệp khác. Nhiều công trình do Binh đoàn thiết kế, thi công được Bộ Giao thông Vận tải tặng “Huy chương vàng công trình chất lượng cao”. Đặc biệt, hiện nay, Viện Khảo sát thiết kế - Binh đoàn 12 với tên gọi doanh nghiệp là Công ty Tư vấn và khảo sát thiết kế xây dựng - Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn được đánh giá cao, đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng năng lực tư vấn thiết kế của Việt Nam.

Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, Binh đoàn luôn chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, chăm lo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh với công tác dân vận, công tác chính sách xã hội và hậu phương Quân đội, tham gia giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị địa phương, thiết thực góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trên các địa bàn hoạt động.

Trong suốt quá trình xây dựng, trưởng thành, Binh đoàn luôn giữ vững và phát huy cao độ truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng. Ở bất cứ nơi đâu, từ Trường Sơn, Tây Nguyên đến các địa bàn xa xôi, hẻo lánh, biên giới, hải đảo và trong bất cứ hoàn cảnh nào, Binh đoàn đều chủ động khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vững vàng hội nhập, phát triển. Qua đó, góp phần khẳng định uy tín, ý thức, trách nhiệm chính trị của Quân đội trong việc quán triệt và thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, Binh đoàn đang tích cực chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sang Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, sản xuất kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp và quy định của Bộ Quốc phòng. Phát huy truyền thống 60 năm Bộ đội Trường Sơn, thực hiện chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất” trong tình hình mới, Binh đoàn tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế của Đảng, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 520-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”. Trên cơ sở đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; quyết liệt thực hiện cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động theo Đề án 80 của Chính phủ và tinh thần Nghị quyết 425-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương. Mặt khác, Binh đoàn tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chiến lược phát triển, chiến lược sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh liên doanh, liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh. Toàn Binh đoàn nhất quán về tư tưởng, phương châm hành động: “Sản xuất kinh doanh có hiệu quả là nhiệm vụ hàng đầu, xây dựng Đảng là then chốt; gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả chính trị - xã hội; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, không ngừng nâng cao thu nhập, đời sống người lao động”. Đồng thời, tiếp tục kiên trì định hướng lấy xây dựng cơ bản là chủ yếu, đa dạng hóa sản phẩm, ngành nghề và công trình xây dựng, lấy xây dựng công trình giao thông vận tải (cầu, đường, sân bay, bến cảng, thủy điện, thủy lợi) là trọng tâm, mở rộng và nâng cao năng lực xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp, xây dựng nhà cao tầng, cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, nhà máy lớn.

Bản chất, truyền thống tốt đẹp và những chiến công vang dội của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn anh hùng trên tuyến chi viện chiến lược đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh sẽ còn lưu giữ mãi mãi. Đó chính là nền tảng vững chắc, động lực thôi thúc cán bộ, chiến sĩ, người lao động Binh đoàn 12 (Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn) kế tục, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Thiếu tướng, TS. NGUYỄN ANH TUẤN, Tư lệnh Binh đoàn

____________

1 - Trong 16 năm, Bộ đội Trường Sơn đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, có tổng chiều dài gần 2 vạn ki-lô-mét đường ô tô, 1.400km đường ống dẫn xăng dầu, 3.140km “đường kín” cho xe chạy ban ngày và xây dựng hàng nghìn cầu, cống, ngầm, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)