Thứ Ba, 26/11/2024, 00:03 (GMT+7)
Cách đây vừa tròn sáu thập niên, thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về mở con đường bí mật xuyên Trường Sơn để chi viện cho cách mạng miền Nam, đúng ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19-5-1959), Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn công tác quân sự đặc biệt (mang mật danh Đoàn 559), làm nhiệm vụ mở đường vào miền Nam dọc theo dãy Trường Sơn, vận chuyển hàng quân sự, đưa đón cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường đánh Mỹ. Từ đây, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn hình thành, mang tên gọi Đường Hồ Chí Minh và không ngừng phát triển, cùng sự phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nhận rõ sự lợi hại của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, đế quốc Mỹ đã tập trung mọi lực lượng, tìm đủ mọi biện pháp để tiến hành cuộc “chiến tranh ngăn chặn”, nhằm “chặt đứt” sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Thực hiện mục đích đó, Trường Sơn trở thành nơi mà đế quốc Mỹ thử nghiệm các chiến lược và thủ đoạn chiến thuật, cũng như các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất lúc đó. Địch đã sử dụng các loại máy bay, từ không người lái, OV.10, L.19, AC.130,… đến máy bay tiêm kích, cường kích, cùng “siêu pháo đài bay” B.52 đánh phá, với cường độ hủy diệt ác liệt, không kể ngày hay đêm, mùa khô hay mùa mưa, hòng ngăn chặn phương tiện vận tải, phá hủy cầu, cống, ngầm, đèo, đường ống xăng dầu và hệ thống thông tin, giao liên của ta. Chúng không từ bất cứ một thủ đoạn nào, từ sử dụng các loại bom từ trường, bom laser; dựng nên hàng rào điện tử Mac Namara, với những “cây nhiệt đới”, đến rải chất độc hóa học để phát quang, thả chất gây mưa, mù nhân tạo làm lầy lội mặt đường và gieo rắc bệnh tật cực kỳ nguy hiểm cho con người, v.v. Trong vòng 10 năm, kể từ khi ta tổ chức vận tải cơ giới đến khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, trên tuyến chi viện Trường Sơn, không quân địch đã sử dụng 733.000 lần chiếc máy bay, đánh phá 152.000 trận, ném xuống gần 4 triệu tấn bom đạn các loại. Cùng với đó, chúng tiến hành 1.235 vụ biệt kích, mở 120 cuộc hành quân càn quét, nống lấn, nhằm phá hoại tuyến vận tải chiến lược Đường Hồ Chí Minh1; điển hình như: cuộc hành quân Chenla1 (1970), Chenla2 (1971), tiến công ra ngã ba biên giới, Lam Sơn 719 (1971) đánh Đường 9 - Nam Lào,… với lực lượng hàng vạn quân, kéo dài trong nhiều tháng.
Như vậy, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành chiến trường máu lửa, ác liệt nhất, là nơi thử thách và khẳng định ý chí, quyết tâm đấu tranh thống nhất đất nước và trí tuệ, lòng dũng cảm, bản lĩnh Việt Nam.
Để thực hiện thắng lợi chủ trương chiến lược của Đảng và đáp ứng sự phát triển của tình hình, lực lượng trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh không ngừng được xây dựng, phát triển lớn mạnh. Nếu ngày đầu thành lập chỉ có Tiểu đoàn 301, với 440 cán bộ, chiến sĩ, thì đến năm 1970 đã phát triển thành liên binh đoàn, gồm 5 bộ tư lệnh khu vực (tương đương sư đoàn): 470, 471, 472, 473 và 571, gần 30 binh trạm, Sư đoàn bộ binh 968, hàng chục trung đoàn, tiểu đoàn binh chủng và bộ đội chuyên môn, quân số lúc cao nhất (năm1975) lên tới 90.000 người2. Ngoài ra, còn có hàng vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và thậm chí cả đồng bào các dân tộc nơi tuyến đường đi qua cùng tham gia hoạt động. Có thể nói, đây là nơi hội tụ hầu như tất cả các quân binh chủng của Quân đội - lực lượng nòng cốt quyết định sự sống còn của Đường Hồ Chí Minh, lực lượng chuyên trách đảm bảo giao thông của nhà nước - thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân. Điều đặc biệt là các thành phần lực lượng trên chủ yếu là từ miền Bắc đưa vào. Đây là minh chứng sống động cho mặt trận Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, thực sự là nơi hội tụ, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tình đoàn kết quân - dân; đồng thời, nêu cao tình đoàn kết quốc tế để biến khát vọng cháy bỏng và quyết tâm của Hồ Chủ tịch và cũng là của cả dân tộc Việt Nam - “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do, độc lập” trở thành hiện thực.
Từ những đường mòn len lỏi giữa rừng sâu, đèo cao, sau 16 năm (1959 - 1975), tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh được xây dựng gồm 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang ở cả phía Đông và Tây Trường Sơn vào đến tận chiến trường Đông Nam Bộ, với gần 17.000km đường cơ giới, trên 3.000km đường giao liên, gần 1.400km đường ống dẫn xăng dầu, hàng nghìn ki-lô-mét đường sông suối và đường dây thông tin tải ba kéo dài suốt dọc tuyến, trở thành huyết mạch nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Con đường huyền thoại này, không chỉ là tuyến vận tải quân sự, tuyến hậu cần chiến lược mà còn là một chiến trường tổng hợp, mặt trận chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch, trở thành một biểu tượng độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, biểu tượng về quyết tâm và ý chí sắt đá “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.
Sự ra đời, phát triển của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đã tạo bước ngoặt trong việc đưa sức mạnh của hậu phương ra tiền tuyến. Nếu như trong 05 năm đầu (1959 - 1964), ta mới chỉ chuyển hàng vào tới Khu V được hơn 2.500 tấn, thì từ năm 1966 đã bắt đầu chuyển tới Tây Nguyên và Nam Bộ. Để đáp ứng yêu cầu Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, trong 07 tháng mùa khô 1967 - 1968, toàn tuyến đã vận chuyển được 63.024 tấn hàng cho các chiến trường, bảo đảm vật chất cho bộ đội hành quân 31.054 tấn3. Chuẩn bị cho cuộc Tiến công chiến lược 1972, mùa khô 1971 - 1972, ta đã vận chuyển tổng cộng 64.785 tấn, đạt 145% kế hoạch. Trong hơn 02 năm chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chuyển cho các chiến trường 413.450 tấn vũ khí và hàng hóa các loại4, trong đó có cả vũ khí hạng nặng, v.v. Tổng cộng trong 16 năm, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển 1.349.060 tấn vũ khí và hàng hóa; 5.500.000 tấn xăng dầu5; đồng thời, bảo đảm cho hơn 1.100.000 lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân vào miền Nam chiến đấu, đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ chiến trường trở về hậu phương, trong đó có gần 310.000 thương binh, bệnh binh, lập nên kỳ tích, góp phần quan trọng vào những thắng lợi trên chiến trường, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Thực hiện phương châm “mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, Bộ đội Trường Sơn trực tiếp tổ chức đảm bảo giao thông vận tải, đánh địch tại chỗ, phối hợp với bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương trên các chiến trường tham gia một số chiến dịch, đập tan cuộc “chiến tranh ngăn chặn” của Mỹ và quân đội Sài Gòn. Trong 16 năm, các lực lượng trên toàn tuyến đã đánh khoảng 2.500 trận, tiêu diệt và làm bị thương gần 17.000 sinh lực địch, bắt 1.200 tù binh, gọi hàng trên 10.000 tên; bắn rơi 2.455 máy bay các loại, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh. Trong lời tuyên dương công trạng Bộ đội Trường Sơn tại buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (03-6-1976) đã khẳng định: “Suốt 16 năm qua, Bộ đội Trường Sơn đã không ngừng phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần quyết chiến quyết thắng, kiên quyết tiến công, chủ động tiến công, liên tục tiến công, vượt qua mưa bom, bão đạn, đạp bằng mọi khó khăn gian khổ, anh dũng mở đường thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ một cách đặc biệt xuất sắc, lập nên kỳ công trong lịch sử chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta''6. Để có chiến công liệt oanh này, hơn 02 vạn cán bộ, chiến sĩ và thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh, gần 03 vạn người bị thương tích và hàng ngàn người khác bị nhiễm chất độc da cam/diôxin, cùng biết bao cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và đồng bào các dân tộc trên địa bàn tuyến đường đi qua đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân để giữ vững huyết mạch giao thông chiến lược này. Đó là một minh chứng nữa cho khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, ý chí quyết tâm “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” - chân lý trường tồn của dân tộc Việt Nam.
Đánh giá về tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi trong Sổ vàng truyền thống của Bộ đội Trường Sơn: Đây là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Đường Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết gắn bó keo sơn của quân với dân, miền Bắc với miền Nam, giữa ý Đảng với lòng dân và tình đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia; của Đảng, Chính phủ và nhân Cu-ba - một đất nước ở bên kia bán cầu dành riêng cho tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh nói riêng, cho Việt Nam nói chung; một pho lịch sử bằng vàng để các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau học tập và noi theo.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày khai mở tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tự hào ôn lại chặng đường lịch sử chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của Tuyến vận tải chiến lược huyền thoại - một quyết định lịch sử mang tầm thời đại của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; đỉnh cao của nghệ thuật đảm bảo hậu cần, kỹ thuật trong chiến tranh giải phóng; nét độc đáo của một chiến trường với những hình thức tác chiến đa dạng, đủ loại về quy mô và cực kỳ linh hoạt, sáng tạo trong bố trí, sử dụng lực lượng có một không hai ở cả Việt Nam và trên thế giới. Đây là thành quả vĩ đại từ chính tâm nguyện cháy bỏng, ý chí kiên cường, lòng quả cảm và quyết tâm sắt đá được đúc kết, tôi luyện trong thử thách cam go, sinh tử suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc được kế thừa, phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh. Cao hơn và thiết thực hơn chính là những bài học lịch sử và kinh nghiệm thực tiễn được tổng kết, đúc rút từ đây vẫn còn nguyên giá trị, để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay..
Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN HUY THỤC, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
________________
1 - Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Đường Hồ Chí Minh - Một sáng tạo chiến lược của Đảng, Nxb QĐND, H. 1999, tr.103.
2 - Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa Quân sự - Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, H. 2004, tr. 363.
3 - Lịch sử Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, H. 1999, tr. 287.
4 - Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị - Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước -Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 318.
5 - Sđd, tr. 318.
6 - Sức mạnh Việt Nam, Nxb QĐND, H. 1976, tr. 512.
tuyến chi viện,chiến lược Trường Sơn,Đường Hồ Chí Minh
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - thắng lợi của tư duy và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh 19/05/2019
Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn 19/05/2019
Binh đoàn 12 phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn trong giai đoạn mới 18/05/2019
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh với xây dựng thế trận hậu cần trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc 17/05/2019
Tỏa sáng tinh thần thanh niên xung phong Trường Sơn trong phong trào Thanh niên tình nguyện hiện nay 16/05/2019
Tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng đối với tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn 15/05/2019
Hội thảo khoa học cấp Quốc gia về “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh” 14/05/2019
Vận dụng bài học phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng Tuyến chi viện chiến lược 559 - Đường Trường Sơn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 13/05/2019
Xuất quân Liên hoan tuyên truyền lưu động tại Km số 0 đường Hồ Chí Minh 13/05/2019
Chương trình Giao lưu nghệ thuật "Huyền thoại một con đường" 10/05/2019