QPTD -Thứ Hai, 04/06/2018, 08:40 (GMT+7)
Quân và dân miền Đông Nam Bộ hưởng ứng lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Quán triệt tinh thần thi đua ái quốc của Bác, trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng bào, chiến sĩ miền Đông Nam Bộ đã hăng hái tham gia các phong trào, như: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Con gà cứu quốc”, “Bụi chuối yêu nước”, v.v. Qua đó, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần hăng say lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm chống giặc đói; tích cực học tập chống giặc dốt; thi đua giết giặc lập công chống giặc ngoại xâm của quân dân miền Đông Nam Bộ. Với tinh thần “tự lực cánh sinh” phục vụ kháng chiến, chăm lo đời sống nhân dân, chính quyền kháng chiến đã một mặt khuyến khích phát triển sản xuất tùy điều kiện cụ thể của từng địa bàn; mặt khác, tích cực đấu tranh kinh tế với địch, phá vỡ âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của chúng; tích cực thi đua học tập xóa nạn mù chữ. Đặc biệt, theo Lời kêu gọi của Bác, hàng nghìn trí thức, công chức, công nhân lành nghề rời bỏ cuộc sống đầy đủ ở thành thị, thoát ly gia đình đi kháng chiến. Đây là nguồn nhân lực bổ sung vô cùng quý giá, nhất là cán bộ, công nhân lành nghề cho ngành Quân giới. Đến cuối năm 1949, ở Nam Bộ đã có 58 xưởng, tổ sản xuất vũ khí, với khoảng 9.000 cán bộ và công nhân. Trong điều kiện thiếu thốn về nguồn nguyên liệu, máy móc, thiết bị và cả về kiến thức, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, mọi người đều ra sức thi đua, phát huy sáng kiến, sáng tạo để sản xuất vũ khí ngày càng nhiều với chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu chiến đấu.

Trên chiến trường, quân dân miền Đông Nam Bộ phối hợp với cả nước, đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh địch rộng khắp; phục kích, tập kích, chặn, cắt giao thông; chủ động tiến công địch, mở rộng vùng giải phóng, làm nên những chiến công oanh liệt, như: trận Đất Cuốc, Đồng Xoài, La Ngà - Định Quán, chiến dịch Bến Cát, v.v. Đây cũng là giai đoạn mà phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị phát triển mạnh mẽ chưa từng có. Cuộc kháng chiến được đẩy mạnh trên mọi mặt, làm phá sản chính sách “bình định” của địch, góp phần quan trọng làm giảm áp lực trên tất cả các mặt trận, đập tan chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc chúng phải phân tán, đối phó, không thể tập trung lực lượng đủ mạnh để giành thắng lợi quyết định trên chiến trường miền Bắc. Chính tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường của quân và dân miền Đông Nam Bộ đã góp phần quan trọng cùng với toàn dân tộc làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở miền Nam đã bùng lên phong trào Đồng Khởi, đặc biệt là từ sau khi có Nghị quyết đẩy mạnh phong trào Thi đua ái quốc của Ban Bí thư, ngày 26-01-1961, các phong trào thi đua nở rộ trên khắp các mặt trận. Tiêu biểu, như: phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” nhằm động viên quân và dân ta đánh bại Chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ. Phong trào “Thi đua yêu nước, chống Mỹ” với 4 khẩu hiệu lớn là: Thi đua đoàn kết đấu tranh; thi đua giết giặc lập công; thi đua sản xuất tiết kiệm và thi đua học tập tiến bộ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày càng cam go, ác liệt, các phong trào thi đua lại càng dâng cao, như các phong trào: thi đua noi gương anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, biến căm thù thành sức mạnh, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; kiên quyết chiến đấu lập công, trả thù cho Nguyễn Viết Xuân, với “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, v.v. Tinh thần Thi đua yêu nước đã được vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng, trên từng địa phương, bám sát thực tiễn với các khẩu hiệu, như: “Bám đất, giữ làng”; “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Giết giặc lập công”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, “Bám thắt lưng địch mà đánh”, “Căng địch ra mà đánh, vây chúng lại mà diệt”, v.v. Các lực lượng vũ trang đã anh dũng vượt qua những năm tháng vô cùng ác liệt, vừa chiến đấu, vừa xây dựng và không ngừng phát triển, làm nên những chiến công mà lịch sử mãi mãi khắc ghi, như: chiến dịch Bình Giã, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phước Long, Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), v.v. Đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào Thi đua yêu nước không ngừng phát triển. Nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn miền Đông Nam Bộ trở thành trung tâm phát triển toàn diện, đầu tàu kinh tế, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tiêu biểu, như: tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung vào phát triển dầu khí, du lịch và kinh tế biển, hằng năm tạo ra khoảng 11% GDP và đóng góp trên 30% tổng thu ngân sách nhà nước; tỉnh Đồng Nai, Bình Dương với tinh thần “trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư” đưa nền công nghiệp phát triển vượt bậc, tăng trưởng hằng năm trên hai con số. Ngay trên thành phố mang tên Người, nhiều phong trào thi đua tiêu biểu, có sức lan tỏa ra cả nước, như: phong trào “Xóa đói giảm nghèo”, “Nhà Tình nghĩa”, “Nhà Tình thương”, “Thanh niên tình nguyện”, Thành phố đang nỗ lực để trở thành thành phố thông minh, có chất lượng sống tốt, nghĩa tình.

Cùng với cả nước, phong trào Thi đua ái quốc của Quân khu 7 đã góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, làm cơ sở để xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn vững chắc. Ngoài đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, lực lượng vũ trang Quân khu 7 còn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành và chính quyền các tỉnh, thành phố trên địa bàn lồng ghép phong trào Thi đua Quyết thắng của Đơn vị với phong trào Thi đua yêu nước của địa phương. Các cơ quan, đơn vị tích cực tham gia hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, gắn với phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Chính phủ phát động, với nhiều cách làm hay, thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, thực hiện tốt công tác cứu hộ cứu nạn, tham gia đấu tranh, xử lý các vấn đề an ninh, xã hội phức tạp nảy sinh ở cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, lực lượng vũ trang Quân khu còn thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội, thường xuyên làm công tác dân vận, cùng nhân dân trên địa bàn thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc. Phong trào Thi đua Quyết thắng của lực lượng vũ trang Quân khu đã thực sự đồng hành cùng với nhân dân và chính quyền các địa phương trên địa bàn, bám sát nhiệm vụ chính trị, được nhân dân và chính quyền địa phương đánh giá cao.

Những năm tới, Quân khu tiếp tục đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo động lực thúc đẩy các đơn vị hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ; trong đó, tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác thi đua - khen thưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ. Các cơ quan, đơn vị cần quán triệt tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ quốc phòng về phong trào Thi đua yêu nước, phong trào Thi đua Quyết thắng và công tác thi đua - khen thưởng. Trong đó, tập trung quán triệt sâu sắc tư tưởng Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Chỉ thị 34, ngày 07-4-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đổi mới công tác thi đua - khen thưởng, nhằm xây dựng động cơ, quyết tâm thi đua đúng đắn, khơi dậy ý thức tự lực, tự giác, sức sáng tạo, tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ, phấn đấu bền bỉ, liên tục trong từng tập thể, cá nhân, tạo không khí thi đua sôi nổi trong mọi lĩnh vực hoạt động.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, đề cao trách nhiệm của cán bộ chủ trì và cơ quan chức năng, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện công tác thi đua - khen thưởng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào nhiệm vụ trọng tâm, lấy kết quả công tác thi đua là một tiêu chí để đánh giá cán bộ. Các tổ chức đảng cần phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, thực sự là hạt nhân của các phong trào thi đua. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu, hướng dẫn của cơ quan chính trị, thực hiện chức năng tư vấn của hội đồng (tổ) thi đua - khen thưởng và vai trò xung kích của các tổ chức quần chúng trong tổ chức phong trào thi đua.

Ba là, phong trào Thi đua Quyết thắng phải có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, đột phá vào những khâu yếu, việc khó, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Tập trung vào nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc; nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; xây dựng khu vực phòng thủ, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên các tuyến biên giới, biển, đảo. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ phong trào Thi đua Quyết thắng của các đơn vị với phong trào Thi đua yêu nước của địa phương trên địa bàn, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội; tham gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo; thực hiện tốt công tác dân vận, gắn bó mật thiết với nhân dân, tỏa sáng phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

Bốn là, tích cực đổi mới phương thức tổ chức phong trào Thi đua Quyết thắng phù hợp với yêu cầu mới. Trên cơ sở nắm vững mục đích, yêu cầu, nội dung, chỉ tiêu thi đua, các cơ quan, đơn vị cần xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện sát với thực tiễn, kết hợp sáng tạo cả về nội dung, hình thức, tạo ra sự phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, chức năng của mình; phù hợp với nguyện vọng, tình cảm, tâm lý của từng giới, từng lứa tuổi. Đồng thời, gắn phong trào Thi đua Quyết thắng với các phong trào, các cuộc vận động lớn, như: “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Lực lượng vũ trang Quân khu 7 tham gia xây dựng nông thôn mới”, Cuộc vận động “Quản lý vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn tiết kiệm và An toàn giao thông”, “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”,... làm cho phong trào thi đua thực sự lôi cuốn, phát triển toàn diện, trở thành công việc hằng ngày của mỗi cán bộ, chiến sĩ.

Năm là, tích cực phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến, gắn thi đua với khen thưởng. Qua các phong trào thi đua, kịp thời phát hiện những nhân tố mới, mô hình mới, cách làm sáng tạo, điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” để tuyên truyền, tôn vinh và nhân rộng. Hội đồng (tổ) thi đua - khen thưởng phối hợp với các cơ quan chức năng, Báo đài Quân khu xây dựng chương trình, kế hoạch công tác tuyên truyền, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, phim tài liệu,… về phong trào Thi đua yêu nước, Thi đua Quyết thắng. Công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo. Đồng thời, làm tốt công tác sơ kết, tổng kết phong trào thi đua nhằm phát huy những sáng kiến, cách làm sáng tạo, hiệu quả để áp dụng rộng rãi; kịp thời điều chỉnh, uốn nắn những hạn chế, thiếu sót.

Thực hiện tốt những nội dung trên là cơ sở quan trọng để lực lượng vũ trang Quân khu 7 tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, đoàn kết cùng nhân dân trên địa bàn đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, gắn với phong trào Thi đua yêu nước tạo động lực quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trên địa bàn.

Trung tướng PHẠM VĂN DỸ, Chính ủy Quân khu 7

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa