QPTD -Thứ Sáu, 19/03/2021, 11:27 (GMT+7)
Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 giá trị lịch sử và hiện thực

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào (1971 - 2021), sáng 19/3/2021, tại thành phố Đông Hà tỉnh Quảng Trị, Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 giá trị lịch sử và hiện thực”. Dự Hội thảo có Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo. Cùng dự có Thượng tướng Trần Quang Phương Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tỉnh Quảng Trị; đại biểu lãnh đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng, các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị trong toàn quân; đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương; các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong Quân đội.

Ban Chỉ đạo Hội Thảo
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 90 tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, địa phương, các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu trong Quân đội và các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử, v.v. Hội thảo luận giải, làm sâu sắc thêm và tiếp tục khẳng định giá trị lịch sử và hiện thực của Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971; trong đó, tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Một là, làm rõ bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và trong nước cuối năm 1970, đầu năm 1971; phân tích mục tiêu chiến lược, phương thức, thủ đoạn của Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, trực tiếp là kế hoạch hành quân “Lam sơn 719”; những nỗ lực ứng phó của Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn trước đòn phản công Đường 9 - Nam Lào của Quân đội ta. Đồng thời, phân tích, làm rõ quan điểm, chủ trương, quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trong đẩy mạnh kháng chiến, mở chiến dịch đập tan cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh ra Đường 9 - Nam Lào của địch, bảo vệ tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.

Hai là, luận giải những nhân tố cơ bản làm nên thành công của Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971: vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh. Đây chính là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa trực tiếp quyết định thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, góp phần từng bước đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn. Khẳng định sức mạnh chiến tranh nhân dân, đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, ý chí, tinh thần chủ động, sáng tạo của quân và dân ta; vai trò của các lực lượng tham gia chiến dịch, trong đó có quân và dân tỉnh Quảng Trị; đóng góp của lực lượng vũ trang và nhân dân trên các chiến trường phối hợp với Chiến dịch.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phân tích, làm rõ thêm những nét độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch phản công hiệp đồng binh chủng đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Kết quả Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đối với sự tiến triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Việt Nam, Lào và Campuchia; ý nghĩa, giá trị lịch sử và hiện thực của Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đoàn kết quốc tế hiện nay.

Hội thảo đã thành công tốt đẹp, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, một lần nữa khẳng định giá trị to lớn của Chiến thắng Đường 9 - Nam lào 1971, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu không chỉ trong lãnh đạo, chỉ đạo, đánh giá tình hình, tổ chức chuẩn bị, thực hành chiến dịch, đoàn kết quốc tế,… mà cả về tư duy chiến lược của Đảng, Quân ủy Trung ương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là cơ sở khoa học quan trọng để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển đường lối chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân; xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng; phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam, nhất là nghệ thuật tác chiến phản công trong điều kiện chiến tranh hiện đại, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, sẵn sàng đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc  Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tin, ảnh: DUY KHÁNH

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 giá trị lịch sử và hiện thực
Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng đường 9 - Nam Lào (1971 - 2021), sáng 19/3/2021, tại thành phố Đông Hà tỉnh Quảng Trị, Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chiến thắng đường 9 - Nam Lào 1971 giá trị lịch sử và hiện thực”.