QPTD -Thứ Hai, 29/03/2021, 07:56 (GMT+7)
Nghệ thuật tạo lập thế trận phản công trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào

Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (năm 1971) là chiến dịch phản công quy mô lớn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, làm thất bại “Cuộc hành quân Lam Sơn 719” của Mỹ, ngụy nói riêng, Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” nói chung, để lại nhiều bài học quý, nhất là nghệ thuật tạo lập thế trận.

Để hiện thực hóa Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, cuối năm 1970, đế quốc Mỹ và quân ngụy đẩy mạnh các hoạt động bình định, chuẩn bị tấn công trên toàn chiến trường, tập trung vào ba mục tiêu: “hủy diệt, giành dân và bóp nghẹt”. Theo đó, chúng mở ba cuộc hành quân lớn ra khu vực Đường 9 - Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và khu vực ngã ba biên giới, hòng triệt phá căn cứ hậu cần, cắt đứt hành lang vận tải chiến lược từ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa vào tiền tuyến lớn miền Nam và bóp nghẹt cuộc kháng chiến của nhân dân ta, cách mạng Lào và Campuchia; trong đó, “Cuộc hành quân Lam Sơn 719” đánh ra khu vực Đường 9 - Nam Lào có quy mô lớn nhất1.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào gấp rút triển khai toàn diện các mặt chuẩn bị chiến trường. Các đơn vị tham gia Chiến dịch chủ động làm tốt công tác chuẩn bị, như: xây dựng thế trận vững chắc, hiểm, sắc; xây dựng kế hoạch hiệp đồng với từng lực lượng chặt chẽ, tỷ mỉ, khoa học; vận dụng phương pháp tác chiến linh hoạt, sáng tạo, v.v. Vì thế, chỉ hơn 50 ngày, đêm chiến đấu dũng cảm, kiên cường, Chiến dịch đã kết thúc thắng lợi, tiêu diệt lớn quân địch2, làm thay đổi cục diện chiến trường. Thắng lợi của Chiến dịch có ý nghĩa chiến lược, mở ra triển vọng đánh bại Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, đánh dấu bước phát triển mới của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, nhất là nghệ thuật tạo lập thế trận tác chiến chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô lớn.

Pháo binh tiến vào Khe Sanh. Nguồn: baotanglichsu.vn

Vấn đề đầu tiên là, chủ động thiết lập thế trận tại chỗ bảo đảm vững chắc cả trước và trong Chiến dịch. Chiến dịch diễn ra trên địa hình rừng núi, địa bàn tác chiến rộng, ít dân, do vậy lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích không nhiều; trong khi đó, nhiệm vụ rất nặng nề vừa phải làm công tác chuẩn bị chiến trường, vừa phải chiến đấu bảo vệ địa bàn làm chỗ dựa vững chắc cho các lực lượng cơ động và phối hợp tác chiến với nhiều lực lượng. Vì đây là Chiến dịch hiệp đồng binh chủng nên có nhiều lực lượng, phương tiện tham gia, do đó ngay từ khi được giao nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh đã chủ động sử dụng lực lượng tại chỗ thuộc Đoàn 559, Mặt trận B5 cơ động triển khai rộng khắp tập trung tại những khu vực, địa bàn quan trọng. Như vậy, ta đã tạo được lực lượng tại chỗ rất mạnh, không những đủ sức giữ vững địa bàn, mà còn chủ động, tích cực đánh kìm chân, căng kéo, tiêu hao, tiêu diệt từng cánh quân của Mỹ, ngụy, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cơ động tác chiến. Đồng thời, tích cực củng cố, sửa chữa một số đoạn đường cũ: 10, 16, 18, 20; mở thêm một số đoạn đường mới, như: 16B, 16D, đường từ Cha Ki đến Alea, tạo thành hệ thống đường cơ động liên hoàn; xây dựng một số trận địa chốt, nhất là trận địa pháo binh ở các điểm cao tại khu vực Đường 9; triển khai mạng thông tin liên lạc thông suốt; chuẩn bị kho, trạm, bảo đảm đầy đủ vật chất hậu cần, kỹ thuật cho Chiến dịch, v.v. Đây là thành công lớn, làm cho quân địch hoàn toàn bất ngờ, bị động. Do vậy, khi quân địch triển khai đội hình tiến công (30/01/1971), lực lượng tại chỗ - Đoàn 559 và bộ đội Mặt trận B4, B5 đã tổ chức chặn địch ở khu vực phía Bắc và Nam Đường 9, tiến công liên tục, rộng khắp, bắn rơi nhiều máy bay, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh3, buộc địch phải co cụm, điều chỉnh lực lượng, phân tán, căng kéo đối phó. Lực lượng này còn tập kích vào sở chỉ huy địch ở Kế Sóc, Ba Lào, Bộng Kho, đánh phá căn cứ hậu cần ở Khe Sanh, Tà Cơn, Sa Mưu,… gây cho địch tổn thất lớn về lực lượng, phương tiện. Như vậy, việc lực lượng tại chỗ liên tục tiến công quân địch trên khắp chiến trường đã gây cho chúng nhiều thiệt hại, sức mạnh chiến đấu bị giảm sút; đồng thời, tạo thế, thời cơ để lực lượng chủ lực đánh những trận then chốt quyết định tiêu diệt lớn quân địch, làm nên thắng lợi của Chiến dịch.

Từ thực tiễn Chiến dịch cho thấy, ở địa hình rừng núi, địa bàn thưa dân, cần coi trọng củng cố, xây dựng lực lượng tại chỗ đủ mạnh, nhất là bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, bộ đội biên phòng (khu vực biên giới, hải đảo). Ngoài ra, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung xây dựng thế trận khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên từng địa bàn, chú trọng địa bàn trọng điểm, chiến lược; không ngừng nâng cao khả năng phòng thủ đất nước theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị; Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ.

Vấn đề thứ hai là, bố trí, sử dụng lực lượng và chuyển hóa thế trận. Để hình thành thế trận đánh địch trên các hướng, Bộ Tư lệnh đã sử dụng Trung đoàn 24 - Sư đoàn 304, lực lượng Đoàn 559 cùng các lực lượng phòng không, pháo binh nhanh chóng cơ động triển khai tại các khu vực: Cô Rốc, Cô Bốc, Điểm cao 331, 351, cầu Cha Ki,… hình thành thế trận ngăn chặn, chia cắt và tiêu diệt địch. Lực lượng chủ lực cơ động phản công trên hướng chủ yếu bố trí ở Bắc Đường 9; hướng thứ yếu bố trí ở Nam Đường 9 và Tây Bản Đông đến Sê Pôn; lực lượng đánh địch phía sau bố trí từ Cửa Việt đến Hướng Hóa; các đơn vị bạn Lào tham gia phối hợp chiến đấu bố trí ở Tây Đường 9. Với việc bố trí, sử dụng lực lượng như vậy, hình thành thế trận bao vây vững chắc, bảo đảm đánh thắng địch trên các hướng. Khi địch triển khai lực lượng chuẩn bị tiến công, lực lượng chủ lực phối hợp chặt chẽ với lực lượng tại chỗ nhanh chóng chuyển hóa thế trận từ chốt chặn sang phản công, tiến công tiêu diệt địch. Đồng thời, tổ chức bao vây địch ở Bản Đông, ngăn chặn không cho thê đội 1 của chúng phát triển lên Sê Pôn, buộc chúng phải điều chỉnh lực lượng, đưa thê đội 2 vào thay thế và chuyển hướng tiến công chủ yếu xuống phía Nam. Chính việc điều chỉnh lực lượng của địch đã tạo điều kiện cho ta chuyển hóa thế trận bảo vệ Sê Pôn và tăng cường lực lượng cho cánh quân phía Nam, sử dụng Trung đoàn 1 - Sư đoàn 2 đánh những trận tiêu diệt lớn và tổng công kích quân địch trên toàn tuyến.

Có thể nói, việc bố trí, sử dụng lực lượng và chuyển hóa thế trận trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào là nét nổi bật trong tác chiến chiến dịch hiệp đồng binh chủng. Hiện nay, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển mới, nên chúng ta phải xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cũng như đòi hỏi của thực tiễn. Trong đó, chú trọng huấn luyện nâng cao khả năng tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng ở từng khu vực phòng thủ, tác chiến phòng thủ quân khu, trên từng hướng chiến lược, chiến trường, chú trọng chiến trường biển đảo; đồng thời, điều chỉnh thế bố trí lực lượng của các quân khu, quân đoàn, quân chủng phù hợp với thế trận phòng thủ, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Vấn đề thứ ba, tập trung lực lượng tạo thế có lợi bẻ gãy từng cánh quân, tiến tới đánh bại hoàn toàn quân địch. Trong “Cuộc hành quân Lam Sơn 719”, địch tổ chức tiến công theo ba hướng: hướng chủ yếu Đường 9 - đoạn Bản Đông - Sê Pôn; hướng thứ yếu 1, thứ yếu 2: Bắc và Nam Đường 9, hình thành “gọng kìm” đánh chiếm Sê Pôn, cắt đứt tuyến vận tải chiến lược của ta. Đối phó với cuộc hành quân này, ta không dàn đều lực lượng đánh địch, mà tổ chức bao vây, cô lập chúng trên từng khu vực, tập trung lực lượng bẻ gãy từng cánh quân, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch. Lực lượng chủ lực phối hợp với lực lượng tại chỗ vây chặt địch ở Bản Đông. Bộ đội Đặc công, các đơn vị Mặt trận B5 và Binh đoàn 70 tích cực tạo thế, vây lấn, cô lập, tiến công tiêu diệt toàn bộ Lữ đoàn dù 3, Thiết đoàn 17 và đánh thiệt hại nặng Liên đoàn 1 biệt động quân của địch ở khu vực Bắc Đường 9. Lực lượng Đoàn 559 phòng ngự chốt chặn ở điểm cao 351, 311 tích cực ngăn chặn hiệu quả, bắn rơi nhiều máy bay, tạo điều kiện cho Sư đoàn 324 đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 1 ngụy ở phía Nam đường 9. Sau khi bị bẻ gãy cánh quân Bắc đường 9, đánh thiệt hại cánh quân Nam Đường 9. Lực lượng các Trung đoàn: 36, 64, 24, 102 và một bộ phận Trung đoàn 66 phối hợp chặt chẽ với lực lượng các binh chủng đánh trận then chốt quyết định ở Bản Đông, đồng thời bố trí lực lượng phục kích, đón lõng dọc Đường 9, sẵn sàng đánh địch rút chạy. Trước áp lực tiến công mạnh của địch hòng giành quyền chủ động, tạo ưu thế có lợi và bảo đảm chắc thắng, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chủ động, linh hoạt tập trung lực lượng thiết lập thế trận hợp lý chia cắt, ngăn chặn từng cánh quân, không cho chúng hợp quân, tiến tới tiêu diệt từng lực lượng, bẻ gãy từng cánh quân, nhất là quân địch trên Đường 9.

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) đối tượng tác chiến đều có sức mạnh vượt trội, khả năng cơ động nhanh, vũ khí, trang bị hiện đại, tác chiến đa dạng trên nhiều môi trường và là đội quân có nhiều kinh nghiệm, nên ở từng giai đoạn, thời điểm quyết định của cuộc chiến cũng như trên từng chiến trường để giành quyền làm chủ, ta cần phải tập trung mọi nỗ lực tạo ưu thế vượt trội cả về lực lượng, phương tiện, bảo đảm phản công, tiến công địch liên tục trên từng hướng, từng khu vực kết thúc thắng lợi chiến dịch góp phần kết thúc chiến tranh.

Thắng lợi Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào có ý nghĩa chiến lược to lớn, đồng thời để lại nhiều bài học quý, nhất là nghệ thuật tạo lập thế trận phản công.

Đại tá, ThS. PHẠM ĐỨC TRƯỜNG, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
___________________

1 - Gồm: 04 sư đoàn; 01 liên đoàn biệt động quân; 02 lữ đoàn thiết giáp; 21 tiểu đoàn pháo binh; 02 binh đoàn quân ngụy Lào; 700 máy bay các loại, v.v.

2 - Loại khỏi vòng chiến đấu hơn 21.000 tên địch; đánh thiệt hại nặng 02 lữ đoàn, 01 trung đoàn; bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, 528 xe tăng thiết giáp, 112 khẩu pháo và súng cối; thu 02 trực thăng, 24 xe quân sự, 78 khẩu pháo, hơn 2.000 súng bộ binh, v.v.

3 - Đoàn 559 bắn rơi và phá hủy 255 máy bay, 37 xe quân sự, tiêu diệt 2.369 tên địch; bộ đội B5 và đặc công Hải quân đánh chìm 09 tàu chở vũ khí ở Xuân Khánh, Quang Vinh.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 giá trị lịch sử và hiện thực
Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng đường 9 - Nam Lào (1971 - 2021), sáng 19/3/2021, tại thành phố Đông Hà tỉnh Quảng Trị, Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chiến thắng đường 9 - Nam Lào 1971 giá trị lịch sử và hiện thực”.