Thứ Sáu, 22/11/2024, 21:34 (GMT+7)
Chiến dịch Tây Nguyên là chiến dịch mở đầu cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta để tiến tới chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh đổ hoàn toàn Chính quyền và Quân đội Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên là sự kết tinh, hội tụ của nhiều yếu tố hợp thành sức mạnh tổng hợp của quân và dân ta; trong đó, tinh thần quyết chiến, quyết thắng là nhân tố cực kỳ quan trọng, tạo nên sức mạnh to lớn, quyết định đưa đến thắng lợi giòn giã cho Chiến dịch. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trong Chiến dịch này vẫn còn nguyên giá trị, cần được phát huy trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Tấn công, đánh chiếm trại Mai Hắc Đế, thị xã Ban Mê Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên, tháng 3- 1975. (Ảnh tư liệu)
1. Chiến dịch Tây Nguyên - Biểu hiện sinh động tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta
Sau năm 1972, tuy bị thất bại liên tiếp về quân sự, chính trị, nhưng Quân đội Sài Gòn được Mỹ hà hơi tiếp sức vẫn ngoan cố theo đuổi mưu đồ dùng sức mạnh quân sự để lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Lợi dụng khi ta chấp hành nghiêm Hiệp định Pa-ri, chúng tăng cường lấn chiếm, tập trung giải tỏa đường giao thông và những vùng ta giải phóng trước ngày ngừng bắn; móc nối nhiều cơ sở ngầm để chỉ điểm cho máy bay, pháo binh địch đánh phá các mục tiêu nằm sâu trong vùng giải phóng của ta, nhằm sát thương sinh lực, triệt hạ kho tàng, ngăn chặn các tuyến vận chuyển cơ động, phá hoại sản xuất và dân sinh. Đồng thời, lập ra nhiều tổ chức phản động, vực dậy tổ chức FULRO, các đại đội chiến đấu trang bị vũ khí, cung cấp tiền bạc, ráo riết hoạt động lôi kéo đồng bào dân tộc ít người chống phá cách mạng.
Trên chiến trường Tây Nguyên, đầu năm 1975, địch tập trung một lực lượng khá lớn, bao gồm: lực lượng bộ binh của các đơn vị chủ lực, cùng với các lực lượng biệt động quân, xe tăng, xe bọc thép và không quân. Bộ Chỉ huy Quân đội Mỹ ở Sài Gòn nhận định: năm 1975 ta sẽ mở chiến dịch Bắc Tây Nguyên, đánh vào thị xã Kon Tum, vì địch lấy Kon Tum - Pleiku làm khu vực phòng ngự chủ yếu. Chúng đã bố trí ở khu vực này gần như toàn bộ lực lượng chủ lực ở Tây Nguyên (trừ Trung đoàn 53 giữ thị xã Buôn Ma Thuột).
Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chủ động nắm bắt thời cơ, so sánh tương quan lực lượng địch, ta quyết định mở chiến dịch Tây Nguyên, nhằm tiêu diệt bộ phận sinh lực quan trọng của địch (diệt sư đoàn, đánh thiệt hại nặng Quân đoàn 2 Quân đội Sài Gòn), phá vỡ hệ thống kìm kẹp, giải phóng tỉnh Đắc Lắc, Phú Bổn, Quảng Đức. Mục tiêu then chốt là thị xã Buôn Ma Thuột và ba quận lỵ quan trọng: Đức Lập, Cẩm Ga, Kiến Đức; thực hiện chia cắt chiến lược; kết hợp với địa phương đánh phá “bình định”, giành dân ở các khu vực trọng điểm và vùng đất bằng Tây Nguyên.
Sau 20 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, (từ ngày 04 đến ngày 24-3-1975) quân ta đã giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Tây Nguyên thể hiện rõ trong từng tình huống của Chiến dịch. Theo đó, với Tình huống 1, dù gặp nhiều khó khăn bởi địch hoạt động khá ráo riết nhưng lực lượng ta đã nỗ lực quyết tâm vượt qua và bảo đảm được yếu tố bí mật của Chiến dịch, đưa một lực lượng lớn từ xa và từ nhiều hướng vào chiếm lĩnh trận địa theo đúng ý đồ tác chiến Chiến dịch. Tình huống 2, lúc này địch đổ quân tăng viện hòng chiếm lại những điểm bị ta đánh chiếm, đến đây cuộc chiến càng diễn ra ác liệt hơn, song với tinh thần quyết chiến, quyết thắng quân ta liên tiếp tiến công tiêu diệt quân địch co cụm ở Phước An, cụm địch ở Khánh Dương và Chư Cúc, đập tan sự phản kích của Sư đoàn 23 Quân đội Sài Gòn. Thừa thắng, quân ta liên tiếp tiến công địch ở thị xã Buôn Ma Thuột, sân bay Hòa Bình, khu kho Mai Hắc Đế, tiêu diệt quân địch ở hậu cứ trung đoàn, trung tâm huấn luyện của Sư đoàn 23, cụm địch ở cầu Sê-rê-pốc, quận lỵ Buôn Hồ, điểm cao Chư Pao, ấp Đạt Lý, ấp Châu Sơn, quận lỵ Lạc Thiện. Tình huống 3, quân ta liên tiếp truy kích lực lượng quân địch co cụm và rút chạy trên Đường số 7 từ Cheo Reo đến Củng Sơn. Chiều ngày 24 tháng 3, Trung đoàn 64 tiến vào Củng Sơn, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, chỉ một số ít lính biệt động quân, 11 xe M113 chạy được về Tuy Hòa (Phú Yên). Trong khi đó, Sư đoàn 320, Sư đoàn 10, Sư đoàn 968 cùng lực lượng địa phương tiến công giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung (Quy Nhơn ngày 31 tháng 3; Tuy Hòa ngày 01 tháng 4; Nha Trang ngày 02 tháng 4). Phối hợp với hướng chính, từ ngày 17 đến ngày 23 tháng 3, ta tiến công giải phóng Kon Tum, Pleiku, An Khê, Gia Nghĩa, Kiến Đức. Đến ngày 25 tháng 3, toàn bộ Tây Nguyên được hoàn toàn giải phóng.
Tiếp đà thắng lợi, từ ngày 25 tháng 3 đến ngày 03 tháng 4 năm 1975, quân và dân ta tiến công, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng Quân đoàn 2 - Quân khu 2, giải phóng các tỉnh miền Nam Trung Bộ, tạo bước ngoặt đưa cuộc chiến tranh từ tiến công chiến lược đến Tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam. Thắng lợi to lớn trong Chiến dịch Tây Nguyên là cơ sở để Bộ Chính trị bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.
Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Tây Nguyên đã làm nên chiến thắng có ý nghĩa lịch sử, tạo ra sự thay đổi căn bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược có lợi cho ta, đẩy địch vào thế bị động, suy sụp và tan rã về chiến lược. Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên để lại nhiều kinh nghiệm quý về phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
2. Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong Chiến dịch Tây Nguyên vào xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.
Một là, tiếp tục phát huy kinh nghiệm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh trong Chiến dịch Tây Nguyên vào xây dựng Quân đội đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới. Sớm nhận thấy vị trí chiến lược và giá trị trọng yếu của địa bàn Tây Nguyên, ngay từ đầu tháng 5 năm 1964, Bộ Chính trị giao cho Quân ủy Trung ương tổ chức và quyết định thành lập Mặt trận Tây Nguyên, lấy phiên hiệu là B3, với nhiệm vụ xây dựng Tây Nguyên thành chiến trường đánh tiêu diệt lớn quân địch, có quân chủ lực mạnh làm nòng cốt, thúc đẩy lực lượng vũ trang nhân dân trên địa bàn đánh tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, tạo điều kiện cho đồng bằng và đô thị nổi dậy giành quyền làm chủ và phối hợp tác chiến với chiến trường Trị - Thiên, Khu 5, miền Đông Nam Bộ tiến công địch theo sự chỉ đạo của Trung ương. Khi thời cơ chiến lược xuất hiện, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Mặt trận B3 thường xuyên nắm chắc tình hình, chỉ đạo chặt chẽ việc bổ sung kế hoạch, tăng cường lực lượng, quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên, chọn mục tiêu then chốt chiến dịch là thị xã Buôn Ma Thuột. Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên cụ thể hóa phương châm và tư tưởng chỉ đạo tác chiến của Chiến dịch Tây Nguyên là: “Mạnh bạo, chắc thắng, chủ động, cơ động, linh hoạt, bí mật, bất ngờ”. Đồng thời, xác định rõ Quyết tâm Chiến dịch và Phương án tác chiến Chiến dịch sát với tình hình thực tiễn.
Với quyết tâm chính trị đúng đắn và chủ trương lãnh đạo kịp thời, sát thực tế chiến trường của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã phát huy cao độ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Tây Nguyên làm nên thắng lợi của toàn bộ Chiến dịch. Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên cho thấy, trước hết, phải thường xuyên quán triệt quan điểm, đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở, bảo đảm cho Quân đội luôn là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân cần thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giáo dục, quán triệt quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và chỉ thị, mệnh lệnh công tác quân sự hằng năm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Quá trình quán triệt cần tập trung làm rõ mục tiêu, nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tập trung quán triệt sâu sắc Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chiến lược Quốc phòng Việt Nam; Chiến lược Quân sự Việt Nam, v.v. Qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức trong toàn quân đối với những quan điểm cơ bản của Đảng: Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang, với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại vào bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, quán triệt sâu sắc đường lối độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tác, đối tượng, góp phần định hướng xây dựng Quân đội và từng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới.
Quân đội Việt Nam Cộng hòa thất bại tháo chạy hỗn loạn khỏi Tây Nguyên (Ảnh tư liệu)
Hai là, phát huy kinh nghiệm công tác tư tưởng trong Chiến dịch Tây Nguyên, tiếp tục coi trọng và làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm, quyết chiến, quyết thắng bảo đảm cho bộ đội luôn chủ động vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Do tính chất khẩn trương, quyết liệt của Chiến dịch Tây Nguyên, nên Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch cũng như cấp ủy, chỉ huy, cán bộ chính trị, cơ quan chính trị các đơn vị luôn đặc biệt coi trọng việc giáo dục, động viên tư tưởng, củng cố ý chí quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ trong suốt quá trình tác chiến, chiến đấu. Đặc biệt, luôn đi sâu nắm chắc mọi diễn biến tư tưởng của bộ đội cả khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn, kịp thời cổ vũ động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội, nhất là tuyên truyền, phổ biến kịp thời đến cán bộ, chiến sĩ tất cả các thư khen, thư động viên của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh chiến dịch, truyền tin chiến thắng, gương chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ cùng những thất bại của địch trên các hướng, mũi tiến công trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch. Đồng thời, làm cho cán bộ, chiến sĩ luôn giữ vững ý chí, quyết tâm chiến đấu, chủ động khắc phục khó khăn, tạo sự đoàn kết, nhất trí cao trong toàn lực lượng tham gia chiến dịch.
Phát huy kinh nghiệm công tác tư tưởng trong Chiến dịch Tây Nguyên vào đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng hiện nay, Quân ủy Trung ương cũng như cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng các cấp trong toàn quân cần chủ động tiếp thu, kế thừa những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư và những kết quả nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận của Đảng để đổi mới nâng cao chất lượng công tác tư tưởng trong tình hình mới. Theo đó, cần bám sát thực tiễn nhiệm vụ và tình hình tư tưởng của bộ đội để xác định chính xác nội dung, vận dụng linh hoạt hình thức, phương pháp công tác tư tưởng; kịp thời khắc phục những biểu hiện giáo điều, rập khuôn, máy móc trong công tác tư tưởng. Chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục chính trị, tăng cường giáo dục lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội. Tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị 124-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương và Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới” vào đổi mới nội dung, chương trình giáo dục chính trị cho các đối tượng. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp công tác văn hóa quần chúng và công tác thi đua - khen thưởng; kịp thời cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ phát huy sáng kiến, công hiến tài năng vươn lên thực hiện tốt các nội dung, chỉ tiêu thi đua. Đồng thời, thực hiện có nền nếp công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác thi đua, khen thưởng; đánh giá đúng thành tích, bình xét khen thưởng bảo đảm tính khách quan, công bằng, chính xác, dân chủ, kịp thời, công khai, minh bạch, đúng người, đúng thành tích.
Ba là, phát huy kinh nghiệm củng cố, kiện toàn các tổ chức, lực lượng, thực hiện thắng lợi mục đích, nhiệm vụ trong Chiến dịch Tây Nguyên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội trong tình hình mới. Nhận thức đầy đủ tính chất khó khăn, quyết liệt và mức độ thương vong có thể xảy ra trong Chiến dịch, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, dự kiến các phương án bổ sung, kiện toàn cấp ủy, chỉ huy bảo đảm giữ vững sự lãnh đạo, chỉ huy trong mọi tình huống. Thực tế cho thấy, cùng với sự lãnh đạo xây dựng quyết tâm chiến đấu, cấp ủy các cơ quan, đơn vị đã sớm chủ động xây dựng kế hoạch, kịp thời bổ sung cấp ủy, kiện toàn chỉ huy, dự kiến các phương án thay thế cán bộ các cấp nếu tình huống thương vong xảy ra. Hầu hết các cơ quan, đơn vị tham gia Chiến dịch, nhất là các đơn vị trên các hướng, mũi tiến công chủ yếu đều dự kiến từ 01 đến 02 phương án thay thế, bổ sung cán bộ, kiện toàn cấp ủy để thường xuyên giữ vững sự lãnh đạo, chỉ huy trong suốt quá trình tác chiến Chiến dịch. Các cấp đều nhận rõ vấn đề mấu chốt là phải phát huy sức mạnh của các cấp ủy, chi bộ, vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, ngay từ khi chuẩn bị Chiến dịch cũng như trong suốt quá trình tác chiến Chiến dịch, công tác xây dựng chi bộ, kiện toàn cấp ủy, phát triển đảng viên được đặc biệt coi trọng và tiến hành tích cực. Do đó, trong suốt quá trình Chiến dịch, các cấp, các cơ quan, đơn vị trên các hướng, mũi chiến dịch đều giữ vững sự lãnh đạo, chỉ huy trong mọi tình huống.
Cùng với việc kiện toàn, bổ sung các cấp ủy, chỉ huy, việc duy trì nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trên tất cả các hướng, mũi Chiến dịch được các cấp thực hiện nghiêm túc; phát huy tốt dân chủ, tập trung được trí tuệ của tập thể cấp ủy bàn bạc, thông qua phương án tác chiến và quyết nghị chủ trương, biện pháp lãnh đạo nhiệm vụ tác chiến thắng lợi. Sau khi kết thúc Chiến dịch Tây nguyên, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, các cơ quan, đơn vị cũng như các cơ quan tham mưu, chính trị, đội ngũ cán bộ các tổ chức quần chúng ở các cấp được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu tổ chức, biên chế và sự phát triển của nhiệm vụ chiến đấu tiếp theo.
Phát huy bài học trong Chiến dịch Tây Nguyên về chủ động kiện toàn các tổ chức, lực lượng vào xây dựng Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn quân cần nghiên cứu nghiêm túc, vận dụng sáng tạo vào quá trình xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy của cấp ủy, tổ chức đảng, người chỉ huy và nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Tập trung thực hiện thắng lợi Kế hoạch và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, nhất là Nghị quyết 109-NQ/QUTW, ngày 11-02-2019 của Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Kết luận 111-KL/QUTW, ngày 12-02-2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội giai đoạn mới. Quán triệt và thực hiện nghiêm Quy định 08-Qđi/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương và các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ trì các cấp. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tập trung xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Tiếp tục quán triệt, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 765 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo. Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, bảo đảm cho bộ đội sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị, nhất là vũ khí trang bị hiện đại; tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động, huấn luyện theo tình huống, diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng, diễn tập khu vực phòng thủ; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng vào huấn luyện, diễn tập. Coi trọng huấn luyện nâng cao khả năng sử dụng vũ khí, trang bị linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm địa hình, yêu cầu, nhiệm vụ chiến đấu làm cơ sở thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo dám đánh, quyết đánh, quyết thắng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.
Bốn là, phát huy bài học kinh nghiệm về công tác dân vận, chính sách trong Chiến dịch Tây nguyên vào đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, chính sách trong Quân đội hiện nay. Xuất phát từ mục đích chiến dịch Tây Nguyên đặt ra là phải tiêu diệt quân địch, giành quyền làm chủ, giải phóng nhân dân; đồng thời, tham gia giúp đỡ địa phương xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, nên hoạt động tác chiến chiến đấu của bộ đội liên quan đến rất nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tham gia Chiến dịch luôn đặc biệt coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác dân vận gắn với thực hiện tốt công tác chính sách trong chiến đấu. Mọi chính sách của Đảng, Nhà nước ta đều được cán bộ, chiến sĩ trên các hướng, mũi Chiến dịch tự giác chấp hành nghiêm túc.
Chiến dịch diễn ra trên địa bàn Tây Nguyên, nơi có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, nên chính sách đối với đồng bào vùng dân tộc, vùng mới giải phóng cũng được các cơ quan, đơn vị coi trọng quán triệt, tổ chức thực hiện trong suốt quá trình chiến đấu. Khi tác chiến trên bất kỳ địa bàn nào ở thành phố, nông thôn, hay miền núi, các đơn vị đều quan tâm phổ biến kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước, phong tục, tập quán của đồng bào ở khu vực đó để cán bộ, chiến sĩ nghiêm túc chấp hành. Do vậy, trong suốt quá trình chiến đấu bộ đội ta luôn giữ nghiêm kỷ luật dân vận, nhất là khi vào thành phố, chấp hành nghiêm chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, bộ đội ta cơ động đến đâu, chiến đấu trên địa bàn nào cũng được nhân dân các dân tộc giúp đỡ ủng hộ nhiệt tình cả sức người, sức của; đây là nhân tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng toàn diện của Chiến dịch.
Ngay từ khi chuẩn bị Chiến dịch, căn cứ theo mục đích, phương châm chỉ đạo Chiến dịch và quyết tâm của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch, các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng làm công tác chính sách hết sức chu đáo; giáo dục, phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch học tập nắm chắc các chính sách có liên quan đến hoạt động tác chiến Chiến dịch. Quá trình chiến đấu là quá trình tiếp tục phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến hoạt động tác chiến. Do tính chất ác liệt của Chiến dịch, nên chính sách thương binh, liệt sĩ là vấn đề trực tiếp đặt ra đòi hỏi các đơn vị phải quan tâm giải quyết. Mặc dù trong điều kiện chiến đấu khẩn trương, liên tục nhưng chính sách thương binh, liệt sĩ, chính sách đối với tù hàng binh vẫn được các đơn vị quan tâm giải quyết chu đáo. Các đơn vị tham gia Chiến dịch đều coi trọng giáo dục và tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm túc chính sách chiến lợi phẩm trong chiến đấu.
Tiếp tục vận dụng kinh nghiệm về công tác dân vận và công tác chính sách vào xây dựng Quân đội trong tình hình mới, các cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng các cấp trong toàn quân cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác chính sách trong Quân đội. Tiếp tục đổi mới công tác chính sách đối với cán bộ Quân đội, bảo đảm tuân thủ theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ Quân đội cũng như từng cơ quan, đơn vị. Tích cực tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách, nhất là chính sách tiền lương, phụ cấp, nhà ở, chế độ an dưỡng, khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế cho cán bộ, thân nhân quân nhân phù hợp đặc thù quân sự theo hướng ngày càng được cải thiện và bảo đảm tốt hơn chất lượng theo sự phát triển của nền kinh tế. Tiếp tục đề xuất, bổ sung chế độ, chính sách mới cho các đối tượng làm nhiệm vụ đặc thù, nhiệm vụ mới; chính sách tinh giản biên chế; thu hút, khuyến khích nhân tài, cán bộ khoa học và nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trong Quân đội và đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
Xây dựng cơ quan chính sách và đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách có đủ phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác chính sách trong tình hình mới. Duy trì nghiêm nền nếp, chế độ công tác chính sách, coi trọng công tác xây dựng kế hoạch, chương trình công tác với những nội dung, biện pháp cụ thể; chủ động thực hiện tốt những nội dung, nhiệm vụ mới. Tiếp tục quán triệt quan điểm, chủ trương của Nghị quyết Đại hội XII và Nghị quyết 25 NQ/TW, ngày 03-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về vị trí, vai trò công tác dân vận, công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới.
Nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong công tác dân vận và công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng của đơn vị gắn với phong trào thi đua yêu nước của địa phương, phong trào “dân vận khéo” và các phong trào do Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phát động; nhân rộng các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong công tác dân vận, công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Thực hiện tốt Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa” tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, với tinh thần “ở đâu có bộ đội, ở đó có công tác dân vận”.
Thượng tướng NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
Chiến dịch Tây Nguyên,tinh thần quyết chiến,quyết thắng
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Lăng Bác nhân 45 năm thống nhất đất nước 30/04/2020
“Phát huy sức mạnh của ý chí thống nhất đất nước” 30/04/2020
Phát huy tinh thần ngày 30 tháng Tư, lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 29/04/2020
Phát huy tinh thần Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp 28/04/2020
Phát huy giá trị chiến thắng 30/4/1975 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 28/04/2020
Vai trò lãnh đạo của Đảng trong đại thắng mùa Xuân năm 1975 28/04/2020
Phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong chiến dịch Hồ Chí Minh vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 24/04/2020
Nghệ thuật tạo thế và lực trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 23/04/2020
Nghệ thuật kết hợp tác chiến của các binh đoàn chủ lực với phong trào nổi dậy của quần chúng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 14/04/2020
Tuyến vận tải chiến lược trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 09/04/2020