QPTD -Thứ Ba, 14/04/2020, 22:26 (GMT+7)
Nghệ thuật kết hợp tác chiến của các binh đoàn chủ lực với phong trào nổi dậy của quần chúng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là kết quả của nhiều yếu tố; trong đó, nghệ thuật kết hợp tác chiến của các binh đoàn chủ lực với phong trào nổi dậy của quần chúng là nội dung quan trọng, tạo sức mạnh tổng hợp, đập tan chính quyền tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết - Lộc Ninh
(tháng 4/1975). (Ảnh tư liệu/TTXVN)

Vận dụng sáng tạo và phát huy truyền thống “cả nước đánh giặc” trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng ta chủ trương tiến hành phương thức chiến tranh nhân dân; trong đó, xác định: “Tiến công quân sự phải đi trước một bước để hỗ trợ và kết hợp với nổi dậy của quần chúng”1, nhằm tiêu diệt địch và giành quyền làm chủ. Thực hiện chủ trương đó, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 nói chung, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nói riêng, chúng ta đã thực hiện thành công nghệ thuật kết hợp tác chiến của các binh đoàn chủ lực với phong trào nổi dậy của quần chúng, tạo sức mạnh tổng hợp đưa cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân ở miền Nam đến thắng lợi hoàn toàn. Trong sự kết hợp đó, các đòn tiến công quân sự của bộ đội chủ lực đã “châm ngòi”, làm “đòn bẩy” thúc đẩy quần chúng vùng dậy đấu tranh; ngược lại, lực lượng quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh đa dạng về quy mô, phong phú về hình thức, lấy đấu tranh chính trị, nổi dậy khởi nghĩa, giành chính quyền là mục tiêu cao nhất, tạo thế, lực, thời cơ, địa bàn,… hỗ trợ lực lượng vũ trang ba thứ quân, đặc biệt là bộ đội chủ lực thực hiện các trận then chốt quyết định, chiến dịch quyết chiến chiến lược giành thắng lợi.

Đối với nhân dân Sài Gòn - Gia Định, vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh chống chế độ tàn bạo Mỹ - Diệm diễn ra liên tục, bền bỉ, rộng khắp, gặp khí thế chiến thắng to lớn, dồn dập ở Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh cách mạng thành phong trào sôi nổi, mạnh mẽ, kết hợp với sức mạnh của lực lượng vũ trang, đặc biệt là bộ đội chủ lực làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy “long trời, lở đất”, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sự kết hợp đó được thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau.

Trước hết, kết hợp chặt chẽ giữa tạo lập thế trận tác chiến của các binh đoàn chủ lực với thế trận nổi dậy của quần chúng trong tổ chức chuẩn bị Chiến dịch. Theo chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, các quân khu 6, 7, 8, 9 ở miền Nam đẩy mạnh hoạt động tác chiến tạo thế ở vùng phụ cận Sài Gòn. Tại khu vực miền Đông Nam Bộ, ta tổ chức lực lượng tác chiến tạo thế, đánh cắt Đường 1, áp sát Trảng Bom, sẵn sàng cắt tiếp Đường 15, khống chế Vũng Tàu, làm tê liệt sân bay Biên Hòa. Từ đầu tháng 4-1975, Quân đoàn 4 triển khai lực lượng tập trung đánh lớn vào Sư đoàn 18 ngụy ở thị xã Xuân Lộc (tỉnh Long Khánh). Trên hướng Tây và Tây Nam Sài Gòn, lực lượng ta đã bám sát, chuẩn bị cắt đứt trục đường huyết mạch số 4 (Sài Gòn - đồng bằng sông Cửu Long). Binh đoàn 232 cùng các lực lượng vũ trang, chính trị địa phương tiến đánh Tân An, Bến Lức,… triển khai thế trận tiến công Sài Gòn từ phía Tây Nam, sẵn sàng chặn đường rút lui của địch từ Sài Gòn về Cần Thơ. Đồng thời, bí mật bố trí 04 tiểu đoàn, nhiều đội biệt động ở ngoại thành, 60 tổ biệt động, 300 quần chúng vũ trang do lực lượng biệt động chỉ huy ở nội thành; triển khai Trung đoàn Thành đội Sài Gòn ở Gia Định và các đại đội, tiểu đoàn bộ đội địa phương theo phương án đánh địch. Trên hướng Tây Bắc và Bắc, quân ta tập kết lực lượng ở Nam Sông Bé và Dầu Tiếng; công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, nhất là hệ thống đường hành lang nối liền các cánh quân, hướng đánh đầy đủ, sẵn sàng tổng tiến công.

Để lãnh đạo các lực lượng tập trung, thống nhất, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định cùng với Trung ương Cục và Quân ủy Miền xây dựng, triển khai kế hoạch phối hợp nổi dậy của đồng bào Nam Bộ với hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang, tập trung phối hợp với các binh đoàn cơ động chiến lược; tăng cường số lượng ủy viên ban cán sự, bổ sung hàng trăm cán bộ, đảng viên, tuyên truyền viên, hàng nghìn đoàn viên, huy động hàng chục nghìn quần chúng sẵn sàng làm hạt nhân cổ vũ đồng bào nổi dậy đấu tranh. Đồng thời, tổ chức các cơ sở chính trị trong nội đô, nắm tình hình địa bàn, chuẩn bị phương tiện, vật chất (loa phóng thanh, cờ, khẩu hiệu,…) theo kế hoạch nổi dậy, giành quyền làm chủ; phối hợp với lực lượng tác chiến chiến lược tổng tiến công của 05 binh đoàn chủ lực, bộ đội đặc công, các đội biệt động, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, an ninh vũ trang,… hình thành thế trận áp sát, bao vây Sài Gòn trên 04 hướng chiến lược, sẵn sàng tổng công kích, chọc thủng tuyến phòng thủ vòng ngoài, chia cắt, thọc sâu đánh chiếm trung tâm thành phố, giải phóng Sài Gòn. Đây là sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật tạo lập thế trận chiến dịch, sự kết hợp khách quan giữa các binh đoàn cơ động chiến lược - lực lượng vũ trang tại chỗ - lực lượng chính trị, quần chúng trên địa bàn thành phố và các vùng ven đô, tạo sức mạnh vượt trội, bảo đảm cho chiến dịch quyết chiến chiến lược cuối cùng giành thắng lợi nhanh chóng.

Hai là, nghệ thuật kết hợp sức mạnh của các binh đoàn chủ lực với phong trào nổi dậy của quần chúng trong thực hiện phương pháp và kế hoạch tác chiến Chiến dịch. Quân ủy Trung ương xác định: “Để tạo điều kiện cho các binh đoàn đột kích thọc sâu nhanh và đánh trúng 05 mục tiêu đã định2, các trung đoàn, tiểu đoàn đặc công Sài Gòn - Gia Định sẽ đánh chiếm các cầu qua sông, các đội biệt động, các lực lượng an ninh vũ trang và tự vệ thành phố, các lực lượng chính trị của quần chúng tạo các bàn đạp cho các binh đoàn chủ lực tiến quân, dẫn đường cho các đơn vị bộ đội cơ động và phát động đông đảo quần chúng nổi dậy diệt tề điệp, trừ gian”3. Theo đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã xây dựng kế hoạch nổi dậy của quần chúng để phối hợp chặt chẽ với các đòn tiến công quân sự dồn dập, mãnh liệt của bộ đội chủ lực; đồng thời, bí mật, khẩn trương phổ biến đến các cơ sở chính trị, hướng dẫn hình thức, thời cơ nổi dậy, làm cơ sở huy động lực lượng quần chúng kết hợp với lực lượng vũ trang tiến hành tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi. Công tác vận động binh lính và nhân viên ngụy quyền cũng được triển khai rất khẩn trương. Trước ngày nổ súng tổng công kích vào Sài Gòn, ta công bố chính sách của cách mạng đối với tù binh, hàng binh, kêu gọi binh sĩ địch hạ vũ khí về với gia đình, lôi kéo cảnh sát, nhân viên chính quyền Việt Nam Cộng hòa đứng về phía nhân dân, không chống lại cách mạng, v.v. Nhờ đó, các đòn đột phá của 05 binh đoàn chiến lược trên 04 hướng đã phát triển tiến công thuận lợi, đi trước một bước, dọn đường, tạo đà để quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ ở cơ sở phường, khóm, đường phố, góp phần quan trọng bảo đảm cho Chiến dịch giành thắng lợi nhanh chóng, quyết định.

Ba là, nghệ thuật kết hợp sử dụng lực lượng quy mô lớn của ba mũi giáp công, tiến công mạnh về quân sự với nổi dậy hiệu quả của quần chúng trong Chiến dịch. Với chiến dịch quyết chiến chiến lược cuối cùng, ta xác định lấy các đòn tiến công quân sự của các binh đoàn chủ lực giữ vai trò quyết định; đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp lớn nhất cả quân sự, chính trị và binh, địch vận, kết hợp tiến công và nổi dậy để giành toàn thắng trong thời gian ngắn nhất. Các đòn tiến công quân sự nhanh, mạnh, tiêu diệt và làm tan rã phần lớn quân chủ lực địch, tạo điều kiện cho các cơ sở chính trị lãnh đạo, vận động quần chúng đứng lên đấu tranh giành chính quyền và bảo vệ cơ sở vật chất của thành phố bàn giao cho chính quyền cách mạng.

Tiến công quân sự là hình thức tiến công quyết định với ba mũi giáp công trong chiến dịch tiến công vào thành phố, tạo sức mạnh tổng hợp, toàn diện. Ở những nơi mà cánh quân lớn của các binh đoàn chủ lực chưa tiến vào hoặc ở xa các trục đường tiến quân, quần chúng dưới sự lãnh đạo của các tổ chức đảng và sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang tại chỗ đã tranh thủ thời cơ, vừa vận động, vừa đe dọa, buộc binh lính địch đầu hàng; đồng thời, tổ chức đấu tranh, nhanh chóng nổi dậy giành quyền làm chủ. Tại nhiều địa phương, bộ đội tiến tới đâu, nhân dân nổi dậy tới đó, cùng với lực lượng vũ trang làm chủ địa bàn, thiết lập an ninh trật tự, truy quét tàn binh địch. Quy mô, phạm vi nổi dậy và các hình thức, phương pháp kết hợp giữa nổi dậy với tiến công quân sự đã phản ánh quy luật của khởi nghĩa trong chiến tranh, sự kết hợp ba mũi giáp công, trong đó nghệ thuật kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng phát triển đến trình độ cao trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Bốn là, nghệ thuật kết hợp đòn đánh quyết định của các binh đoàn cơ động chiến lược với nổi dậy của quần chúng và hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang tại chỗ, lấy đòn đánh lớn của bộ đội chủ lực làm trung tâm phối hợp. Đây là sự khác biệt, nét đặc sắc về nghệ thuật kết hợp sức mạnh giữa lực lượng vũ trang ba thứ quân với phong trào nổi dậy của quần chúng; trong đó, đòn đánh của các binh đoàn cơ động chiến lược giữ vai trò then chốt, quyết định thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 nói chung, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nói riêng.

Sự phối hợp hoạt động tác chiến quy mô lớn của bộ đội chủ lực trên các hướng của Chiến dịch với lực lượng vũ trang địa phương đã bao vây, tiêu diệt, truy kích và làm tan rã phần lớn các đồn bốt, chi khu, giải phóng một số tỉnh lỵ, hầu hết các quận lỵ, xã, ấp,… làm nòng cốt, đòn bẩy cho hành động nổi dậy của quần chúng. Đặc biệt, “Ở Sài Gòn, đã có 107 điểm quần chúng nổi dậy (31 điểm ở nội thành, 76 điểm ở ngoại thành), 32 điểm nổi dậy trước ngày 30 tháng 4; 30 điểm nổi dậy sáng 30 tháng 4 và 45 điểm nổi dậy sau khi Tổng thống ngụy quyền tuyên bố đầu hàng”4. Hành động nổi dậy của quần chúng có tác dụng hỗ trợ và phát huy thắng lợi của đòn tiến công quân sự, tiếp tục phát triển cùng hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang ba thứ quân. Trong đó, lực lượng vũ trang địa phương đã tích cực phối hợp, hỗ trợ bộ đội chủ lực trong trinh sát địa hình, cung cấp tình hình địch, dẫn đường; tổ chức các hoạt động tác chiến rộng khắp, đánh vào bên sườn, phía sau, trong lòng địch, làm căng kéo, phân tán đối phó của chúng trên các hướng, tạo bàn đạp, điều kiện cho bộ đội chủ lực tập trung lực lượng đánh các trận then chốt quyết định tiêu diệt các mục tiêu chủ yếu, làm tan rã lớn quân địch, đưa Chiến dịch đến toàn thắng.

Những nội dung trên luận giải, làm sâu sắc thêm nghệ thuật kết hợp tác chiến của các binh đoàn chủ lực với phong trào nổi dậy của quần chúng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; trên cơ sở đó, tiếp tục nghiên cứu, phát triển, vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng, TS. ĐẶNG QUANG MINH, Phụ trách Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng
____________________

1 - Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tổng kết tác chiến chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975), Nxb QĐND, H. 2005, tr. 621.

2 - Bộ Tổng Tham mưu ngụy, “dinh Độc Lập”, Biệt khu thủ đô, Tổng Nha cảnh sát và sân bay Tân Sơn Nhất.

3 - Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong 30 năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ (1945 - 1975), Nxb QĐND, H. 1995, tr. 509.

4 - Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong 30 năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ (1945 - 1975), Nxb QĐND, H. 1995, tr. 534.

Ý kiến bạn đọc (0)