Thứ Sáu, 22/11/2024, 17:55 (GMT+7)
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tình hình trên chiến trường miền Nam có những chuyển biến tích cực, có lợi cho ta. Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 21 (7/1973) xác định nhiệm vụ của cách mạng miền Nam; tháng 10/1974, Bộ Chính trị đề ra kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976 và sau đó đề ra kế hoạch thời cơ, giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Quán triệt sâu sắc quyết tâm chiến lược, Tổng cục Hậu cần đã chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch Hậu cần 3 năm (1973 - 1975) chuẩn bị cho “thời cơ lớn”. Theo đó, công tác chuẩn bị chiến trường về hậu cần được tiến hành toàn diện ở các cấp; trong đó, vận tải - khâu trung tâm, then chốt, được đặc biệt quan tâm. Nghị quyết số 21 chỉ rõ: “Tích cực xây dựng, phát triển và hoàn thiện các tuyến giao thông vận tải, bảo vệ hành lang và kho tàng, ra sức dự trữ lương thực, vũ khí, trang bị kỹ thuật, bảo đảm vật chất cho các lực lượng vũ trang trên các chiến trường”. Thực hiện định hướng đó, tranh thủ thời cơ khi địch giảm bớt hoạt động đánh phá, chúng ta đẩy mạnh sửa chữa đường, cầu, mở thêm tuyến mới, xây dựng, phát triển tuyến giao thông vận tải chiến lược; mở rộng, hoàn thiện mạng giao thông đường bộ, đường ống trên cả hai phía Đông và Tây Trường Sơn đảm bảo cho vận chuyển bằng cơ giới quy mô lớn, liên tục trong cả năm. Đồng thời, phát triển mạnh mạng đường chiến dịch, nhằm đưa vận tải cơ giới đến sát các khu vực tác chiến; chấn chỉnh tổ chức lực lượng vận tải chiến lược để vận chuyển lớn, tăng cường chi viện vật chất hậu cần, kỹ thuật cho các chiến trường.
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên (đội mũ vải) nghe báo cáo về kế hoạch triển khai tuyến xăng dầu khu vực 471. Ảnh: Tư liệu
Trên tuyến vận tải chiến lược 559, đến đầu năm 1973, đường Đông Trường Sơn đã được mở rộng, nhưng cơ bản vẫn là đường đất, chỉ vận chuyển được trong mùa khô; đường Tây Trường Sơn mới mở rộng và rải cấp phối đoạn từ Đường 9 vào đến địa đầu Khu 5. Để tăng tốc độ xe chạy, rút ngắn thời gian vận chuyển, đáp ứng yêu cầu vận chuyển lớn, tháng 02/1973, Quân uỷ Trung ương giao cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn trong 3 năm phải hoàn thành xây dựng cơ bản hệ thống đường chiến lược Đông Trường Sơn từ Đường 9 vào Đông Nam Bộ. Trước mắt, gấp rút hoàn thành đoạn từ Đường 9 vào Tây Nguyên và Khu 5; tiếp tục nâng cấp đường Tây Trường Sơn. Thực hiện kế hoạch đó, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã huy động 15 trung đoàn làm đường, 01 trung đoàn làm cầu và các tiểu đoàn công binh,… với tổng quân số trên 36.000 người (chiếm 36% lực lượng) cùng hơn 1.000 xe máy công trình và lực lượng của hậu phương chi viện. Với quyết tâm, nỗ lực cao độ, trong 02 năm (1973 - 1974), Bộ đội Trường Sơn đã mở thêm được 5.560 km đường bộ, đưa tổng chiều dài tuyến đường Trường Sơn lên 16.790 km, trong đó có 6.810 km đường trục dọc, 4.980 km đường trục ngang và 5.000 km đường vòng tránh. Xây dựng thêm 1.311 km đường ống và nối thông hai tuyến ống Đông - Tây Trường sơn ở Plây Khốc, kéo vào Bù Gia Mập, đưa tuyến đường ống phía trước lên 1.712 km với 101 trạm bơm và trữ lượng kho 27.000 m3 nhiên liệu, v.v. Các chiến trường cũng mở thêm hàng nghìn ki-lô-mét đường ô tô nối với tuyến vận tải chiến lược, tạo nên hệ thống giao thông vận tải cơ giới thông suốt từ hậu phương lớn miền Bắc đến các chiến trường, địa bàn tác chiến, liên hoàn giữa tuyến chiến lược với tuyến chiến dịch và giữa các chiến trường, hình thành thế trận vận tải vững chắc, tạo khả năng cơ động cao để bảo đảm hậu cần cho tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn.
Cùng với phát triển mạng giao thông, xây dựng thế trận vận tải, hậu cần chiến lược chủ động tạo chân hàng và chỉ đạo điều chỉnh tổ chức vận tải ở hậu phương và Tuyến 559 theo hướng tổ chức các sư đoàn, trung đoàn ô tô, thực hiện vận tải tập trung quy mô lớn, “lấy vận tải cơ giới là chủ yếu, vận tải ô tô là chủ lực”, tổ chức vận chuyển ban ngày, từ cung ngắn sang cung dài, từ đội hình nhỏ sang đội hình trung đoàn, sư đoàn ô tô, nhằm đẩy mạnh chi viện chiến lược, đưa nhanh vật chất, phương tiện kỹ thuật ra phía trước.
Trên Tuyến vận tải chiến lược 559, từ năm 1973, ta đã cải tiến cơ cấu tổ chức: Từ 05 sư đoàn khu vực chỉ để lại 03 sư đoàn (470, 471, 472) bố trí trên các khu vực Đông, Tây Trường Sơn và chuyển Sư đoàn khu vực 473 thành Sư đoàn Công binh 473, Sư đoàn 571 thành Sư đoàn Ô tô 571; nhiều binh trạm được tổ chức thành các trung đoàn vận tải ô tô và công binh; các kho rải rác trên Tuyến được thu gọn thành các trung đoàn kho. Sang năm 1974, Sư đoàn khu vực 470 và 472 được chuyển thành các sư đoàn công binh để đẩy nhanh tiến độ mở đường; Sư đoàn khu vực 471 chuyển thành Sư đoàn Ô tô 471 cùng Sư đoàn Ô tô 571 tổ chức vận chuyển lớn, cung dài vào các chiến trường. Công tác bảo vệ vận tải cũng được hết sức coi trọng, một số đơn vị pháo cao xạ được tập trung để tổ chức thành Sư đoàn Phòng không 377 bảo vệ vùng căn cứ ở khu vực Đường 9 và tuyến Đông Trường Sơn; Sư đoàn 968 được sáp nhập một số đơn vị và tăng cường binh khí, kỹ thuật để bảo vệ tuyến Tây Trường Sơn. Vì vậy, tuyến vận tải chiến lược luôn đảm bảo thông suốt.
Trên tuyến hậu phương, ta giải thể tổ chức vận tải thống nhất ở các tỉnh; rút 11 binh trạm vận tải xuống còn 06 và sau đó còn 03; các tiểu đoàn xe được tập trung lại thành 02 đoàn vận tải ô tô (Đoàn 10 và 26 sau chuyển thành Trung đoàn 510 và 525) trực thuộc Cục Vận tải. Đoàn vận tải biển cũng được thành lập và đến tháng 5/1974 sáp nhập với Đoàn vận tải sông thành Đoàn vận tải Hồng Hà làm nhiệm vụ vận tải đường thủy. Các trạm giao liên chuyển thương được thu gọn thành các trạm lớn, đặt dọc đường quốc lộ 1A; các tiểu đoàn xe giao liên chuyển thương được tách khỏi các binh trạm để thành lập các trung đoàn giao liên cơ giới thuộc Cục Vận tải đảm nhiệm tuyến giao liên hành quân và chuyển thương binh ra miền Bắc, v.v.
Cuối năm 1972, Tổng cục Hậu cần thực hiện kế hoạch vận chuyển đặc biệt (ĐB1, 2, 3) đưa khối lượng lớn vật chất trang bị, chủ yếu là vũ khí, đạn vào Nam sông Bến Hải và qua biên giới Việt - Lào. Đặc biệt, trong 30 ngày của Kế hoạch ĐB3, đã huy động 10.391 xe ô tô vận tải (gồm 2.504 xe của Cục Vận tải, các quân binh chủng, tổng cục, quân khu và 7.887 xe của 19 công ty vận tải quốc doanh và các bộ, ngành) vận chuyển 52.829 tấn vũ khí từ hậu phương vào khu vực Cửa Việt, Đông Hà, Cam Lộ. Năm 1973 - 1974, hậu cần chiến lược còn sử dụng tàu thủy, tàu hỏa chuyển vào khu vực Cam Lộ 780.665 tấn hàng các loại.
Mùa khô 1974 - 1975, nhu cầu vận chuyển theo kế hoạch tác chiến chiến lược tăng 161% so với mùa khô 1973 - 1974. Trước yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện mới, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã tổ chức lại cung độ vận chuyển với 02 cung vận chuyển cơ bản dài và ngắn (từ Đông Hà đi Sê Sụ và từ Sê Sụ đi Đông Nam Bộ mỗi cung dài 450 km - 550 km và một số cung ngắn khoảng 200 km vận chuyển vào các chiến trường khác); đồng thời, bố trí đồng bộ lực lượng bảo đảm hậu cần - kỹ thuật, bốc xếp, chỉ huy vận tải đáp ứng yêu cầu vận chuyển lớn. Tháng 12/1974, sau khi Bộ Chính trị phê chuẩn kế hoạch tác chiến năm 1975, khối lượng vận chuyển của Bộ đội Trường Sơn tăng thêm 10% so với ban đầu. Để tăng khả năng vận chuyển đáp ứng yêu cầu kế hoạch tác chiến chiến lược, Bộ Quốc phòng huy động xe từ các cơ quan, đơn vị ở phía sau, gấp rút xây dựng Trung đoàn Ô tô 510B và tiếp nhận 1.100 xe ô tô Chính phủ cấp bổ sung cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Với những nỗ lực vượt bậc, từ đầu năm 1973 đến 4/1975, tuyến vận tải chiến lược đã vận chuyển trên 823.146 tấn hàng hoá các loại (gấp 1,6 lần khối lượng vận chuyển của 13 năm trước đó), trong đó giao cho các chiến trường 364.524 tấn (gấp 2,6 lần khối lượng vận chuyển của 13 năm trước đó), tạo lượng dự trữ lớn tiếp cận các địa bàn trọng yếu, sẵn sàng bảo đảm cho tác chiến quy mô lớn theo quyết tâm chiến lược.
Cùng với tổ chức vận chuyển vật chất hậu cần, kỹ thuật cho thời cơ lớn, tuyến vận tải chiến lược đã chủ động bảo đảm cho nhu cầu hành quân, chuyển thương binh. Trên tuyến Đông Trường Sơn, ta tổ chức 10 trạm giao liên với 10 cung (1.030 km). Tuyến Tây Trường Sơn tổ chức 05 trạm với 05 cung xe (840 km). Đồng thời, tổ chức một đường hành quân với hàng loạt các trạm giao liên chuyên phục vụ cho các đoàn binh khí, phương tiện kỹ thuật hành quân vào chiến trường. Trong hơn hai năm (1973 đến 4/1975), đã tổ chức cho 411.161 lượt người (có 25.989 cán bộ dân chính đảng), 149 đoàn binh khí kỹ thuật với 269 pháo mặt đất, 974 pháo cao xạ, 457 xe tăng và xe bọc thép vào chiến trường; chuyển 219.380 thương bệnh binh ra miền Bắc. Riêng từ tháng 11/1974 đến 4/1975, đã đưa vào chiến trường hơn 232.000 người, v.v.
Sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch hai năm ngay trong năm 1975; chỉ đạo: “Tập trung lớn và nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật, vật chất bảo đảm giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa”. Bám sát quyết tâm chiến lược và tình hình chiến trường, vận tải chiến lược phát động đợt vận chuyển thần tốc, tập trung mọi lực lượng để vận chuyển vật chất, cơ động lực lượng và binh khí kỹ thuật vào chiến trường. Cục Vận tải đã cùng với các lực lượng vận tải của các quân khu, quân chủng, binh chủng và lực lượng vận tải của các cơ quan nhà nước, hợp thành lực lượng vận tải tổng hợp, tổ chức thành hai mũi chủ yếu là đường biển và đường bộ đi thẳng vào chiến trường. Trên tuyến vận tải chiến lược, Bộ Tư lệnh 559 chỉ đạo “lật cánh”, chuyển lực lượng và phương tiện từ Tây sang Đông Trường Sơn, tập trung cao nhất mọi khả năng để hoàn thành nhiệm vụ cơ động lực lượng, vũ khí trang bị, đặc biệt là đạn hỏa lực bảo đảm cho tác chiến.
Thực tiễn công tác bảo đảm hậu cần trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 cho thấy, chúng ta đã giải quyết thành công nhiều vấn đề về chỉ huy, chỉ đạo, tổ chức bảo đảm, v.v. Trong đó, vận tải chiến lược đã thể hiện rõ vai trò, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mặc dù phải đảm bảo khối lượng vật chất, vũ khí, trang bị kỹ thuật rất lớn trong điều kiện cơ động thần tốc, các chiến dịch tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, diễn ra liên tiếp, xen kẽ nhau, trong thời gian ngắn, không gian rộng, trải khắp chiến trường miền Nam, nhưng vận tải chiến lược đã chủ động đi trước một bước, làm tốt công tác chuẩn bị cầu, đường, lực lượng, phương tiện vận tải đủ mạnh. Đồng thời, bám sát quyết tâm, tình huống chiến lược, chiến dịch, linh hoạt huy động, sử dụng có hiệu quả mọi phương thức, phương tiện vận tải, tổ chức vận chuyển theo cách đánh thần tốc, táo bạo nên đã giải quyết tốt mâu thuẫn chiến trường “không gian rộng”, “thời gian ngắn”, “khối lượng vận chuyển lớn”. Vận tải chiến lược đã “thọc sâu, vươn xa” bảo đảm, cùng hậu cần Bộ Tư lệnh Miền, hậu cần các chiến dịch, các quân khu, quân đoàn, thực hiện tốt nhiệm vụ cơ động chiến lược, kịp thời đưa các quân đoàn, sư đoàn chủ lực cùng binh khí kỹ thuật và hàng chục nghìn tấn vật chất vượt quãng đường hàng nghìn ki-lô-mét đến các hướng chiến trường, đáp ứng thời cơ chiến lược, yêu cầu tiến công đồng loạt, liên tục, tốc độ cao, góp phần tạo nên sự “thần tốc” và thắng lợi to lớn trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
Những bài học kinh nghiệm công tác hậu cần nói chung, công tác vận tải chiến lược nói riêng trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, kế thừa, phát triển phù hợp với điều kiện mới của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) sẽ là chiến tranh nhân dân phát triển cao chống lại chiến tranh xâm lược địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Để giành thắng lợi, chúng ta phải chủ động chuẩn bị đất nước toàn diện về mọi mặt. Về công tác hậu cần, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, quan điểm hậu cần toàn dân của Đảng; tăng cường xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần chiến tranh nhân dân, chủ động chuẩn bị trước về hậu cần ngay từ thời bình. Hiện nay, cần đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, nhằm xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần vững mạnh; chú trọng xây dựng hậu cần nhân dân rộng khắp làm cơ sở, hậu cần khu vực phòng thủ làm nền tảng. Tập trung xây dựng ngành Hậu cần Quân đội vững mạnh toàn diện, ngày càng chính quy, hiện đại, đủ khả năng làm nòng cốt trong bảo đảm hậu cần khi chiến tranh xảy ra; gắn kết chặt chẽ hậu cần tại chỗ với hậu cần cơ động, hình thành thế trận liên hoàn, vững chắc, có thể độc lập bảo đảm trên từng khu vực, hướng chiến lược trong mọi tình huống, v.v. Vận tải là khâu trung tâm của công tác hậu cần và là cầu nối đưa sức mạnh của hậu phương ra tiền tuyến; bởi vậy, phải quan tâm xây dựng tiềm lực, thế trận vận tải vững chắc. Từ kinh nghiệm công tác vận tải trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trong kháng chiến chống thực dân Pháp và tổ chức vận tải chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cần đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, bến, bãi; phát triển lực lượng, phương tiện vận tải của các thành phần kinh tế; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động, động viên nguồn lực vận tải bảo đảm cho quốc phòng trong điều kiện nền kinh tế thị trường; tổ chức luyện tập, diễn tập huy động lực lượng, phương tiện vận tải dự bị động viên trong khu vực phòng thủ để hoàn chỉnh kế hoạch, phương án, v.v. Đặc biệt, chú trọng xây dựng, kiện toàn tổ chức lực lượng vận tải quân sự theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, đồng bộ ở cả 03 cấp (chiến lược, chiến dịch, chiến thuật) và từng bước hiện đại hóa trang bị, phương tiện vận tải theo tiến trình hiện đại hóa Quân đội, để nâng cao khả năng cơ động và bảo đảm. Cùng với đó, làm tốt công tác tổng kết, nghiên cứu phát triển lý luận vận tải quân sự, phù hợp với sự phát triển của khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự, tổ chức biên chế, trang bị của lực lượng vũ trang trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc./.
Đại tá TRẦN ĐÌNH QUANG
Tuyến vận tải chiến lược,Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Lăng Bác nhân 45 năm thống nhất đất nước 30/04/2020
“Phát huy sức mạnh của ý chí thống nhất đất nước” 30/04/2020
Phát huy tinh thần ngày 30 tháng Tư, lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 29/04/2020
Phát huy tinh thần Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp 28/04/2020
Phát huy giá trị chiến thắng 30/4/1975 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 28/04/2020
Vai trò lãnh đạo của Đảng trong đại thắng mùa Xuân năm 1975 28/04/2020
Phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong chiến dịch Hồ Chí Minh vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 24/04/2020
Nghệ thuật tạo thế và lực trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 23/04/2020
Nghệ thuật kết hợp tác chiến của các binh đoàn chủ lực với phong trào nổi dậy của quần chúng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 14/04/2020
Tư tưởng chủ động tiến công trong Chiến dịch Tây Nguyên và cuộc Tổng tiến công chiến lược Xuân 1975 26/03/2020