QPTD -Thứ Hai, 20/04/2020, 08:07 (GMT+7)
Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I. Lênin về đảng của giai cấp công nhân vào xây dựng đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh
Là lãnh tụ thiên tài của cách mạng Nga và cách mạng thế giới, kế tục sự nghiệp của Mác - Ăngghen, V.I. Lênin đã sáng lập Đảng Cộng sản theo học thuyết Đảng kiểu mới, Đảng cách mạng mang bản chất giai cấp công nhân, đã lãnh đạo thành công Cuộc cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại và khai sinh ra chủ nghĩa xã hội hiện thực đầu tiên trên thế giới. Từ đây, chủ nghĩa Mác đã phát triển và mở rộng thành chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong di sản vĩ đại mà V.I. Lênin để lại, tư tưởng của Người về Đảng Cộng sản và xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền thật trong sạch, vững mạnh có một vị trí nổi bật và tầm quan trọng đặc biệt, ý nghĩa sâu rộng, phổ biến trong sự nghiệp cách mạng của các Đảng Cộng sản, các dân tộc trên thế giới, vì thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Tư tưởng đó, là một trong những giá trị bền vững của chủ nghĩa Lênin, vào lúc này càng có tính thời sự đối với Đảng ta, trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thật trong sạch để thật vững mạnh, xứng đáng với niềm tin cậy và tự hào của Nhân dân, để lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Lãnh tụ Đảng Bolshevich V. I. Lênin tuyên bố thành lập Chính quyền Xô Viết tại Đại hội Xô Viết toàn Nga (ngày 7-11-1917). Ảnh Tư liệu

1. Đẩy mạnh nghiên cứu di sản V.I. Lênin, đặc biệt là tư tưởng về Đảng Cộng sản và xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền mang bản chất giai cấp công nhân

Trung thành với chủ nghĩa Mác, vận dụng vào điều kiện cách mạng Nga, V.I. Lênin đã xây dựng học thuyết Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân với những điểm căn bản sau:

Đảng mang bản chất giai cấp công nhân, thực sự là đội tiên phong, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động. Đảng đó phải được vũ trang bởi chủ nghĩa Mác, là vũ khí tư tưởng lý luận sắc bén nhất giúp cho cách mạng tới thắng lợi hoàn toàn. V.I. Lênin nhấn mạnh rằng, “chỉ đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong”1. Cũng theo V.I. Lênin, không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng. Cách mạng là một phong trào xã hội rộng lớn, là đấu tranh chính trị tự giác và có tổ chức cho nên Đảng phải được tổ chức chặt chẽ, thống nhất, có vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu, hành động muôn người như một, kỷ luật hết sức chặt chẽ. Một Đảng như vậy, không chỉ chú trọng kết hợp trong cuộc đấu tranh vĩ đại của mình hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh kinh tế, mà còn hình thức thứ ba nữa, đó là đấu tranh lý luận phải xếp hình thức đấu tranh lý luận ngang với hai hình thức đấu tranh trên2. Coi trọng đấu tranh lý luận và đòi hỏi Đảng phải có lý luận tiên phong dẫn đường là thể hiện việc nhận thức rõ quy luật ra đời của Đảng cách mạng của giai cấp công nhân, “Đảng là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác (chủ nghĩa xã hội khoa học) với phong trào công nhân”. Do đó, Đảng phải kiên trì huấn luyện và giáo dục có hệ thống chân lý của chủ nghĩa Mác cho cán bộ, đảng viên trong tổ chức đảng. Chỉ có giai cấp công nhân mới có hệ tư tưởng tiên tiến, bởi giai cấp công nhân là giai cấp cách mạng triệt để nhất, phấn đấu đến cùng cho lợi ích của cả xã hội. Đảng là bộ phận ưu tú nhất, giác ngộ nhất trong giai cấp công nhân và phong trào công nhân. Do đó, Đảng thực sự mang bản chất giai cấp công nhân; luôn trau dồi lý luận cách mạng để trung thành với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc, trung thành với chủ nghĩa quốc tế chân chính của giai cấp công nhân. Chỉ có vậy, mới đảm bảo cho hoạt động của Đảng có cơ sở khoa học, đường lối rõ ràng. Một đảng cách mạng như thế, nên “chúng ta tin tưởng ở Đảng, chúng ta nhìn thấy ở đó trí tuệ, danh dựlương tâm của thời đại3.

Theo V.I. Lênin, Đảng được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc nhất định; trong đó, Người đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc tập trung dân chủ. Ông chỉ ra rằng, trong nguyên tắc cốt tử này có mối quan hệ giữa tập trung và dân chủ. Dân chủ là cơ sở và mục đích, còn tập trung là phương thức, cách thức, phương tiện. Tập trung phải dựa trên dân chủ và vì dân chủ. Để có dân chủ phải dựa vào tập trung, không tách rời tập trung. Trong tổ chức và hoạt động của Đảng, nguyên tắc này quy định thành chế độ lãnh đạo tập thể và chế độ trách nhiệm của cá nhân phụ trách, nhất là người đứng đầu các cơ quan lãnh đạo. Khi đã có chính quyền Nhà nước, Đảng lãnh đạo Nhà nước phải đảm bảo tập trung dân chủ và đòi hỏi Nhà nước, các tổ chức chính trị cũng phải hoạt động và tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng theo nguyên tắc này. Tập trung dân chủ phải được thể hiện đúng trong công tác tổ chức, trong hoạt động, nó phải tránh xa những biến dạng ở hai cực: Tập trung quan liêu ở bên trên và thái độ tự do vô chính phủ ở bên dưới. Khi Đảng đã cầm quyền, sức mạnh đoàn kết, nhất trí từ việc thực hiện nghiêm nguyên tắc này càng trở nên cần thiết, quan trọng để phối hợp nhịp nhàng giữa lãnh đạo, cầm quyền của Đảng với quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ, kiểm tra, giám sát, kiểm soát của Nhân dân, đảm bảo cho quyền lực do dân ủy thác không bị tha hóa.

Trong công tác xây dựng Đảng, V.I. Lênin rất coi trọng tổ chức công tác tổ chức, Người từng nói: Hãy cho tôi một tổ chức mạnh, tôi sẽ bẩy cả nước Nga đi! (ý nói tạo ra phong trào cách mạng làm chuyển động tích cực hướng tới bước nhảy vọt cách mạng). Đảng cần có tổ chức mạnh không chỉ trong đấu tranh giành chính quyền, mà khi có chính quyền, việc xây dựng đảng mạnh về tổ chức càng quan trọng, bảo đảm cho đảng đủ mạnh để lãnh đạo toàn xã hội cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới thành công. V.I. Lênin nhấn mạnh rằng, “nếu không có một tổ chức vững mạnh, thành thục đấu tranh chính trị trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời kỳ nào thì không thể nói đến một kế hoạch có hệ thống, được soi sáng bằng những nguyên tắc vững chắc và được thực hiện một cách triệt để”4. Tổ chức mạnh mới làm cho Đảng - đội tiên phong của giai cấp và của tất cả quần chúng chống lại những sự dao động tiểu tư sản, truyền thống lạc hậu, bệnh hẹp hòi phường hội, những thiên kiến, thói quen, v.v. Trong đó, “thói quen là điều đáng sợ nhất” - nó dẫn tới sức ì, sự tùy tiện, tự phát, cản trở quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa. Ý thức được lĩnh vực trọng yếu này, Ông dồn không ít tâm lực và trí lực cùng với Ban Chấp hành Trung ương tìm tòi lý luận, tổng kết thực tiễn để đưa ra các chủ trương, giải pháp xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức; tập trung giải quyết mối quan hệ không chỉ giữa kinh tế với chính trị mà còn giữa chính trị với tổ chức. Theo Người, không thể phân ranh giới dứt khoát đâu là vấn đề chính trị và đâu là vấn đề tổ chức. Bất cứ một vấn đề chính trị nào cũng có thể là một vấn đề tổ chức và ngược lại. Bởi thế, xây dựng Đảng về tổ chức cũng đồng thời là xây dựng Đảng về chính trị, không tách rời với một công tác trọng yếu của Đảng là nghiên cứu lý luận, lãnh đạo công tác lý luận và tổ chức công phu giáo dục lý luận trong Đảng. Phải làm cho lý luận, học thức thấm sâu vào đời sống, hoạt động của chúng ta, trở thành văn hóa lãnh đạo, quản lý mà những nhà lãnh đạo hơn ai hết phải thấm nhuần, thực hành ở trình độ cao.

Tổ chức, bộ máy lập ra là để phục vụ chính trị, phục tùng chính trị chứ chính trị không phục vụ, không theo đuôi bộ máy. Chỉ thị này của V.I. Lênin hết sức rõ ràng trong “cải tổ bộ máy”, “đổi mới phong cách lãnh đạo” rất cần cho sự vận dụng của chúng ta hiện nay. Người đòi hỏi phải phát triển dân chủ đến cùng. Mỗi bước tiến của dân chủ là mỗi bước tiến của chủ nghĩa xã hội. Dân chủ gắn liền chính trị - luật pháp - kỷ cương với đạo đức, văn hóa trong Đảng, mà một trong những biểu hiện của nó là đề cao trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân. Công thức mà V.I. Lênin đề ra trong Đảng và Nhà nước là “thảo luận thì chung, trách nhiệm thì riêng, riêng tới từng người một”. Phải như thế mới là Đảng hành động, Đảng chiến đấu, nói đi đôi với làm, làm việc tận tụy hết mình, không để những lợi ích, dục vọng tầm thường làm hỏng sự nghiệp, làm hoen ố thanh danh của Đảng. Đồng thời, vạch trần và chống lại ba kẻ thù nguy hiểm làm tha hóa Đảng và nhân cách đảng viên: bệnh kiêu ngạo cộng sản, nạn mù chữ, tệ quan liêu và nạn hối lộ5.

Một vấn đề cốt yếu, hệ trọng nữa đặt ra trong tư tưởng V.I. Lênin về xây dựng Đảng là vấn đề đảng viên, nhân cách đảng viên cộng sản, nhất là đạo đức, nhân cách của đảng viên giữ chức vụ, có trọng trách lãnh đạo, quản lý. Người đòi hỏi người đảng viên cộng sản phải giác ngộ lý tưởng, có tri thức khoa học, nắm vững lý luận, suốt đời phải “học, học nữa, học mãi”. Với những đảng viên cộng sản trẻ tuổi phải học chủ nghĩa cộng sản, gắn liền học tập với lao động, chiến đấu cùng với công - nông. Phải trung thựckhiêm tốn. Phải tự ý thức rằng, đảng và đảng viên chỉ là những giọt nước, những hạt cát trong cái đại dương mênh mông là cuộc sống, là quần chúng nhân dân. Kiêu ngạo, coi thường quần chúng là hoàn toàn không thể dung hợp được với bản chất cộng sản. Phải có dũng khí tự phê phán và phê phán trước những khuyết điểm, sai lầm. Tôn trọng sự thật, tính công khai, thừa nhận những yếu kém để nỗ lực tự vượt lên, đó là đạo đức, nhân cách, là tính Đảng Cộng sản, nhất là với các đảng viên lãnh đạo. Lòng trung thành với lý tưởng, giữ vững nguyên tắc, đề cao trách nhiệm, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù đủ mọi loại là thước đo nhân cách cộng sản và bản lĩnh chính trị của Đảng.

Đặc biệt là, từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Nga, V.I. Lênin ra “chỉ thị thanh Đảng”, với phương châm “thà ít mà tốt”, trọng chất lượng, trọng hiệu quả. Đảng phải hoàn toàn trong sạch, đội ngũ đảng viên phải là những người tiêu biểu cho trí tuệ, cho danh dự và lương tâm thời đại. Vì vậy, V.I. Lênin đòi hỏi người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về những sai lầm và sự hư hỏng của những người dưới quyền. Và phải nhớ một điều sơ đẳng, đối với những người cộng sản cần phải trừng phạt nặng hơn gấp ba lần so với những người ngoài Đảng. Tình hình đặt ra và Đảng phải đáp ứng là chọn đúng người, giao đúng việc, kiểm tra thường xuyên6; phải lựa chọn, bồi dưỡng những phần tử ưu tú, kiên nhẫn thử thách họ trong hàng loạt nhiệm vụ và công tác thực tiễn trước khi đề bạt họ vào những cương vị xứng đáng. Chỉ như thế, Đảng mới làm tròn sứ mệnh phục vụ nhân dân, xứng đáng với lòng tin cậy của nhân dân.

Tư tưởng về xây dựng Đảng làm cho Đảng thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm, danh dự của thời đại như V.I. Lênin khẳng định và như Hồ Chí Minh đã nói rõ “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, đã chỉ ra, xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền phải toàn diện, đồng bộ, hệ thống bởi các mặt: Chính trị - Tư tưởng - Lý luận - Tổ chức - Đạo đức và Văn hóa. Đó là những vấn đề cốt yếu trong tư tưởng xây dựng Đảng của V.I. Lênin, từ bản chất, mục đích, nguyên tắc tổ chức, yêu cầu về chất lượng cán bộ, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đến mối liên hệ giữa Đảng với Nhân dân. Trải qua thử thách của thời gian, tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị và rất hữu ích để chúng ta đẩy mạnh nghiên cứu, vận dụng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

2. Vận dụng tư tưởng V.I. Lênin về xây dựng Đảng vào công cuộc xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh hiện nay

Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập theo học thuyết Đảng kiểu mới của V.I. Lênin; lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng. Trải qua 90 năm lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang, 3/4 thế kỷ liên tục cầm quyền và khởi xướng, lãnh đạo sự nghiệp đổi mới trên ba thập kỷ nay, Đảng luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng. Đại hội XII xác định: Xây dựng gắn liền với chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, quyết tâm làm cho Đảng thực sự trong sạch để thực sự vững mạnh, xứng đáng là Đảng cầm quyền, Đảng cách mạng chân chính, Đảng phải tiêu biểu cho đạo đức và văn minh như chỉ dẫn của Bác Hồ.

Trong điều kiện và bối cảnh hiện nay, vận dụng tư tưởng V.I. Lênin về xây dựng Đảng vào xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh cần vận dụng những gì? Và vận dụng như thế nào? Đó chính là thấm nhuần nội dung và phương pháp xây dựng Đảng mà V.I. Lênin đã nêu ra, gắn liền lý luận với thực tiễn, thấm nhuần quan điểm thực tiễn, quan điểm phát triển rất đặc sắc của V.I. Lênin cũng như tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thể hiện đậm nét tư duy sáng tạo, đổi mới, hội nhập của Hồ Chí Minh, phép biện chứng thực hành của Hồ Chí Minh giữa chính trị với khoa học, với đạo đức và văn hóa để giải quyết có hiệu quả những nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) của Đảng.

Từ hơn mười lăm năm nay, Đảng đẩy mạnh Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đây là giải pháp chiến lược, lâu dài làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh. Chủ trương, giải pháp này đã thể hiện Đảng ta thấm nhuần và vận dụng sáng tạo tư tưởng V.I. Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác xây dựng Đảng. Cụ thể hóa vấn đề này, cần nhấn mạnh vào những điểm chủ yếu mà tinh thần chủ đạo là thống nhất lý luận với thực tiễn, chú trọng thực hành, thực hiện nói đi đôi với làm. Đây là điểm trùng hợp đặc sắc về phong cách giữa V.I. Lênin và Hồ Chí Minh.

Thứ nhất, phải tạo ra sự chuyển biến sâu rộng trong Đảng, kể cả trong dư luận xã hội về nhận thức. Đó là coi trọng việc học tập, nghiên cứu lý luận trong tình hình mới, nhất là sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương và các cấp ủy địa phương đối với công tác lý luận, đấu tranh tư tưởng lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. V.I. Lênin đã phê phán thói kiêu ngạo cộng sản. Hồ Chí Minh phê phán nghiêm khắc những cán bộ đảng viên, kể cả lãnh đạo mắc phải chứng bệnh nguy hiểm “coi khinh lý luận” và “coi khinh dân vận”.

Không sửa chữa triệt để khuyết điểm này, làm sao Đảng có thể đi tiên phong về lý luận, có lý luận tiên phong dẫn đường để làm tròn sứ mệnh tiên phong. Ra sức thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Bộ Chính trị về “trách nhiệm nêu gương”, về nghiêm chỉnh học tập, nghiên cứu và thực hành lý luận. Lười biếng học tập, ngại học lý luận chính trị, hoặc học một cách chiếu lệ, hình thức, với động cơ lệch lạc, học không phải vì hiểu biết, nâng cao trình độ, làm tốt nhiệm vụ được giao mà học để “thăng quan tiến chức”, vì danh vì lợi,… phải coi là suy thoái như Đảng ta đã nêu ra. Cần phải làm cho cán bộ đảng viên, nhất là cơ quan lãnh đạo, người lãnh đạo thấy hết tầm quan trọng của lý luận đối với Đảng. Yếu kém, lạc hậu về lý luận không thể bảo vệ được nền tảng tư tưởng của Đảng, không thể “giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa”, không thể có đột phá để phát triển, cũng không thể ngang tầm nhiệm vụ. Tóm lại, phải chú trọng tới lý luận, công tác tư tưởng lý luận của Đảng trong nội dung xây dựng Đảng hiện nay.

Thứ hai, đề cao chỉnh đốn gắn liền với xây dựng Đảng đổi mới Đảng (đổi mới nội dung, phương thức, phong cách lãnh đạo, cầm quyền). Quán triệt phương châm “thà ít mà tốt”, “đông phải đi liền với mạnh”, “muốn vững mạnh trước hết phải trong sạch”, “muốn trong sạch phải tẩy sạch quan liêu, tham nhũng”, cắt bỏ những ung nhọt, khối u làm suy yếu cơ thể Đảng. Nói như Hồ Chí Minh “dù phải giết đi một vài con sâu để cứu cả cánh rừng xanh tốt vẫn phải làm” và như thế là nhân đạo, bởi bảo vệ dân là bảo vệ cái thiện lớn nhất, vì thế phải kiên quyết diệt trừ cái xấu, cái ác.

Phải kiên quyết loại bỏ ra khỏi đội ngũ, cơ quan lãnh đạo, nhất là ở cấp chiến lược những kẻ thoái hóa, biến chất, cơ hội, bè phái, tham nhũng, tham danh vọng địa vị, chạy chức, chạy quyền, nhất là trong bối cảnh Đại hội XIII của Đảng đang tới gần. Đội ngũ Đảng ta hiện nay đông tới năm triệu người mà Đảng vẫn không mạnh, vẫn chưa thật sự trong sạch bởi còn không ít đảng viên tầm thường, không quan tâm thiết tha với lý tưởng, không gương mẫu làm tròn trách nhiệm đảng viên, thậm chí bỏ sinh hoạt, coi thường tổ chức. Trên thực tế, họ chỉ còn danh nghĩa đảng viên chứ không còn phẩm chất cộng sản nữa.

Chúng ta chưa thực sự coi trọng chỉnh đốn Đảng, đó là một thiếu sót, phải kiên quyết khắc phục, trong toàn Đảng, từ cơ sở là chi bộ đến cơ quan đầu não ở cấp cao. Phát triển Đảng phải đặc biệt chú trọng tư cách đảng viên. Sinh thời, Hồ Chí Minh nói rất nhiều, rất kỹ về sáu tiêu chuẩn đảng viên, vào lúc này phải ra sức thực hiện. Đảng ta đã nêu rõ trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về ba tư cách đảng viên: “Người lao động giỏi, người công dân gương mẫu, người chiến sĩ tiên phong trong đổi mới”. Phải thấm nhuần quan điểm đó của Đảng để giáo dục, rèn luyện cán bộ đảng viên.

Thứ ba, phải ra sức thực hành dân chủ trong Đảng, tạo ra dân chủ thực chất chứ không hình thức từ trong Đảng đến trong dân. Đây là cơ sở để đoàn kết và đồng thuận trong Đảng, trong xã hội. Biết phát huy dân chủ thì sẽ thu hút được trí tuệ, tài năng, tâm huyết của toàn Đảng, toàn dân vào công cuộc xây dựng Đảng, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới và hội nhập. Có thực hành dân chủ rộng rãi và thực chất mới có sức mạnh chống quan liêu, tham nhũng.

Thứ tư, phải đẩy mạnh nghiên cứu lý luận về Đảng Cộng sản cầm quyền, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền trong điều kiện xã hội dân chủ, nhà nước pháp quyền, lại hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức chưa đủ. Phải chú trọng xây dựng Đảng về lý luận và xây dựng Đảng về văn hóa, nhất là văn hóa chính trị của Đảng cầm quyền. Phải thường xuyên giáo dục đạo đức, danh dự, lương tâm và liêm sỉ của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên lãnh đạo.

Thứ năm, toàn Đảng, tất cả cán bộ, đảng viên và công chức nhà nước phải thường xuyên làm công tác dân vận, tận tâm “thật thà nhúng tay vào việc” như Bác Hồ dạy để củng cố mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với Dân. Đó là cơ sở xã hội làm cho Đảng vững mạnh theo chỉ dẫn của V.I. Lênin và Hồ Chí Minh.

GS,TS. HOÀNG CHÍ BẢO
__________________

1 - V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 6, Nxb Tiến bộ, M. 1976, tr. 32.

2 - Sđd, Tập 6, tr. 32.

3 - V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 34, Nxb Tiến bộ, M. 1976, tr. 122.

4 - Sđd, Tập 6, tr. 59 - 60.

5 - V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 44, Nxb Tiến bộ, M. 1976, tr. 570 - 571.

6 - Sđd, Tập 44, tr. 452.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)