Thứ Bảy, 23/11/2024, 04:59 (GMT+7)
Từ một “bóng ma” ám ảnh châu Âu nửa đầu thế kỷ XIX, chủ nghĩa xã hội đã trở thành hiện thực sinh động từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga (1917). Tuy hiện nay, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có những “khúc quanh” thăng trầm, song niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội luôn sống mãi. Bởi, mạch sống của niềm tin đó bắt nguồn từ những luận cứ khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, sức sống mãnh liệt của lý tưởng cộng sản và những thành tựu của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nhiều nước trên thế giới. Trong đó, có Việt Nam.
Loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.
C. Mác và Ph. Ăngghen chỉ rõ: “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước tới ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”1 đó là sự vận động của nhân loại sẽ dẫn đến cái đích tất yếu là chủ nghĩa xã hội. Trong xã hội tư bản hiện đại, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản hiển nhiên và tất yếu bởi chính những mâu thuẫn cố hữu của chủ nghĩa tư bản. Trong cuộc đấu tranh đó, “sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”2. Đó là kết luận được chủ nghĩa Mác – Lênin đưa ra khi bóc tách khoa học và sâu sắc từng khía cạnh của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa; chỉ ra mâu thuẫn cố hữu không thể điều hòa giữa lực lượng sản xuất phát triển không ngừng với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dựa trên chế độ tư hữu lỗi thời. Để giải quyết triệt để mâu thuẫn ấy không có con đường nào khác con đường đấu tranh giai cấp và đấu tranh giai cấp tất yếu sẽ dẫn đến cách mạng xã hội.
Hiện nay, lợi dụng thành tựu của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, chủ nghĩa tư bản có sự điều chỉnh thích nghi, tạo ra những “giới hạn” mới để phát triển. Trước thực tiễn đó, không ít người dao động, mất phương hướng, hoài nghi vào lý tưởng cộng sản, giảm sút niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước.
Liệu rằng việc ứng dụng thành tựu cách mạng khoa học - kỹ thuật và một số điều chỉnh trong quan hệ sản xuất có giải quyết được triệt để mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa? Điều này được chủ nghĩa Mác – Lênin chứng minh rằng: giai cấp tư sản chỉ có thể giải quyết mâu thuẫn ấy bằng hai con đường: “Một mặt, bằng cách cưỡng bức phải hủy bỏ một số lớn lực lượng sản xuất; mặt khác, bằng cách chiếm những thị trường mới và bóc lột triệt để hơn nữa những thị trường cũ”3, điều đó, tất yếu đều “đi đến chỗ chuẩn bị cho những cuộc khủng hoảng toàn diện hơn, ghê gớm hơn”4, đó là cách mạng xã hội chủ nghĩa. Thực chất, chủ nghĩa tư bản vẫn mang trong mình những căn bệnh trầm kha, mà nguồn cơn của nó bắt nguồn từ những mâu thuẫn cố hữu giữa lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất lạc hậu dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu, gắn liền với bản chất “bóc lột công nhiên, vô sỉ, trực tiếp, tàn nhẫn”5. Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa với tư cách là hình thức xã hội của sản xuất, không những không còn phù hợp, trái lại nó trở thành “xiềng xích” đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại, với sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học - kỹ thuật. Do đó, càng đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật, lực lượng sản xuất càng phát triển, chủ nghĩa tư bản càng tiến nhanh đến bờ vực diệt vong tất yếu.
Cần nhấn mạnh rằng, những thách thức lớn nhất mà chủ nghĩa tư bản phải đối mặt không phải là từ chủ nghĩa xã hội, mà từ chính chủ nghĩa độc đoán đang sinh sôi trong lòng xã hội, từ nguy cơ lũng đoạn của các tập đoàn lớn nắm giữ nền chính trị và sự bất bình đẳng ăn sâu tận gốc rễ. Chủ nghĩa tư bản đang ngày càng yếu đi do vắt kiệt nguồn đầu tư, khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, khủng hoảng kinh tế kéo dài, v.v. Trật tự xã hội tư bản chủ nghĩa, thay vì trở nên nhân từ và ôn hòa hơn, thì lại trở thành tàn nhẫn và cực đoan hơn bao giờ hết. Sự ca tụng về nền dân chủ tư bản cũng đang trở thành điểm bấu víu yếu ớt, khi trong thế giới tư bản đang đầy rẫy bất bình đẳng về của cải và quyền lực, chiến tranh ngang ngược, sự bóc lột thậm tệ, tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá; sự mất tự do được ngụy tạo bằng hình thức tự do; vô trách nhiệm với sự tồn vong của nhân loại, v.v. Trong toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng 4.0 hiện nay, dù cố gắng thay đổi để tiến bộ, hay cố che đậy bằng những hành động ngụy tạo chủ quan, song những mâu thuẫn cố hữu trong lòng chủ nghĩa tư bản vẫn ngày càng sâu sắc và lan ra phạm vi rộng hơn mà giai cấp tư sản không thể tự khắc phục. Và nếu có thể đạt được những tiến bộ nào đó, thì chẳng qua chủ nghĩa tư bản buộc phải cố hết sức để tồn tại có giới hạn mà thôi.
Sức sống mãnh liệt của lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
Trong chặng đường thăng trầm của mình, lý tưởng xã hội chủ nghĩa gắn liền với các vấn đề nhân quyền cơ bản nhất, như: ăn ở, mặc, chăm sóc sức khỏe, chăm lo giáo dục không mất tiền, ai cũng có công ăn việc làm,… đã hiển nhiên trở thành vấn đề cốt lõi nhất, thiêng liêng nhất, khơi dậy động lực cho nhân loại tự giác đấu tranh giành lấy cho chính mình. Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về tình đoàn kết thế giới đã được diễn dịch thành những suy nghĩ nhân văn đơn giản nhất, của những người bình thường nhất, giúp chúng được khắc sâu, khiến người ta cảm thấy cuộc đời thật ý nghĩa. Chủ nghĩa xã hội thực sự trở thành phong trào cải cách mạnh mẽ nhất mà lịch sử đã từng chứng kiến, là khuynh hướng tư tưởng đầu tiên không chỉ bó hẹp trong một bộ phận nhân loại mà được ủng hộ bởi người dân đủ mọi sắc tộc, quốc gia, tín ngưỡng và nền văn minh. Lý tưởng ấy là động lực thôi thúc nhân loại hành động cách mạng, phá bỏ xiêng xích nô lệ, đứng lên giành độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực với những thành tựu to lớn.
Thực tiễn cho thấy, hệ thống xã hội chủ nghĩa hiện thực với Liên Xô là trụ cột đã có đóng góp hết sức to lớn cho nhân loại. Chính nhờ sự tồn tại của hệ thống xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, hàng trăm dân tộc bị nô dịch, áp bức đã vùng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc. Đồng thời, đạt được nhiều thành tựu trong bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, như: ăn ở, chăm sóc sức khỏe, học hành, hưởng thụ văn hóa, việc làm đầy đủ và những dịch vụ xã hội thiết yếu, cùng với một mức độ công bằng và đầy đủ về vật chất mà không một quốc gia tư bản nào thời điểm đó có thể sánh được. Các nước: Liên Xô, Đông Đức đã đạt được một trong những hệ thống chăm sóc trẻ em tốt nhất thế giới; Liên Xô giữ một vai trò quan trọng trong việc chống lại chủ nghĩa phát xít tàn bạo, ghi tạc một mốc son chói lọi vào tiến trình phát triển văn minh nhân loại. Đáng nói hơn, khi tất cả các nước xã hội chủ nghĩa đều xây dựng một nền kinh tế từ những mức rất thấp. Đây là một nhiệm vụ vô cùng vất vả và dễ nản lòng, nhưng các nước xã hội chủ nghĩa đã làm được và vươn lên để đủ sức bảo đảm những quyền lợi thiết yếu của người dân.
Sau gần 30 năm mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu không còn nữa, nhưng vẫn có nhiều người nuối tiếc thời vàng son ấy; những lý tưởng xã hội chủ nghĩa vẫn còn sống rất mạnh mẽ trên khắp thế giới.
Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.
Thực tiễn lịch sử Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua cho thấy, tiến lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu khách quan của dân tộc là chân lý, động lực xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Từ đêm trường nô lệ, lầm than, trở thành một quốc gia độc lập, tự do; từ thân phận nô lệ, nhân dân Việt Nam đã trở thành chủ nhân thực sự của đất nước hòa bình, ai cũng có cơm ăn, có áo mặc, được học hành. Từ một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, trở thành đất nước có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có vị thế ngày càng quan trọng trên trường quốc tế, mở ra kỷ nguyên mới hội nhập và phát triển để sánh vai với các cường quốc năm châu. Điều đó đã khẳng định, đi lên chủ nghĩa xã hội là vấn đề cốt lõi, tất yếu, gắn liền với vận mệnh của dân tộc. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được điều này, vẫn còn những quan điểm phủ nhận hoặc xuyên tạc về con đường phát triển của đất nước.
Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn gian khổ, lại với một xuất phát điểm thấp và phải trải qua những tàn phá nặng nề của chiến tranh, cộng thêm sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, đã khiến một số người thiếu kiên nhẫn, đốt cháy giai đoạn, thậm chí hoang mang, hoài nghi, dao động, giảm sút niềm tin. Đó còn là: sự nghiệp đổi mới đất nước là sự nghiệp chưa có tiền lệ, vừa học, vừa làm, vừa tổng kết, vừa rút kinh nghiệm, những thiếu sót là không thể tránh khỏi; viên vào cớ đó các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá, xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu, thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm, cố tình quy kết một cách sai trái những yếu kém, khuyết điểm đó là do chủ nghĩa Mác – Lênin, do Đảng ta, do định hướng xã hội chủ nghĩa. Thậm chí họ cho rằng, đổi mới phải là đổi hướng, phải từ bỏ chủ nghĩa xã hội, từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi đa nguyên, đa đảng,… làm cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội thêm bội phần khó khăn.
Song, vượt lên mọi sóng gió, với chủ trương đúng đắn, sự ủng hộ của nhân dân, Đảng và Nhà nước ta luôn chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam để đổi mới toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp: luôn tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Nhờ đó, sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước đã đạt những bước tiến rất quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tích cực thể chế hóa thành pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho nền kinh tế vận hành có hiệu quả. Tuy có nhiều yếu tố bất lợi, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm của nước ta luôn đạt mức cao của khu vực và thế giới. Đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Quan trọng hơn, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển; việc tăng trưởng kinh tế luôn gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện an sinh, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, chăm lo sức khỏe của nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước ta ưu tiên hàng đầu. Đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, với phương châm “chống dịch như chống giặc”, “sức khỏe của người dân là trên hết”, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp hiệu quả, được quốc tế đánh giá rất cao. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, Chính phủ ban hành kịp thời gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho những người yếu thế, chịu tác động nặng nề của đại dịch vượt qua khó khăn, quyết không để ai bị bỏ lại phía sau.
Những thành tựu tiêu biểu đó là tiền đề quan trọng để cách mạng Việt Nam vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội; là cơ sở, nền tảng vững chắc để củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, với chế độ - nhân tố quan trọng để xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”6; đồng thời, là minh chứng bác bỏ những xuyên tạc của các phần tử chống đối, thù địch.
Thượng tá NGUYỄN CÔNG KHƯƠNG và Thiếu tá THÁI ĐÌNH DÂN, Trường Quân sự Quân khu 5 ________________________
1- C. Mác và Ph. Ăngghen - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 596.
2 - Sđd, tr. 613.
3, 4 - Sđd, tr. 605.
5 - Sđd, tr. 600.
6 - Hồ Chí Minh - Toàn tập,Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 131.
Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
V.I.Lê-nin - Nhà tư tưởng vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới 22/04/2020
Mãi mãi khắc ghi vai trò của V.I. Lênin đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế 21/04/2020
Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I. Lênin về đảng của giai cấp công nhân vào xây dựng đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh 20/04/2020
V.I. Lênin bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác 15/04/2020
Di sản tư tưởng của V.I. Lênin - giá trị và sức sống trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam 13/04/2020