QPTD -Thứ Ba, 21/04/2020, 20:40 (GMT+7)
Mãi mãi khắc ghi vai trò của V.I. Lênin đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế

V.I. Lênin là nhà tư tưởng lý luận, nhà hoạt động thực tiễn đã có công lao vĩ đại trong bảo vệ, phát triển học thuyết Mác và sáng lập Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Di sản của Người để lại rất phong phú, có giá trị và trở thành tài sản chung của cả nhân loại trong tiến trình xây dựng một xã hội, một thế giới đại đồng, vì tự do, bình đẳng và hạnh phúc của con người. Di sản đó đang tiếp tục soi sáng sự nghiệp cách mạng của mỗi nước, cho nhân loại tiến bộ trong thời đại hiện nay. Một trong những cống hiến của V.I. Lênin mãi được khắc ghi, đó là vai trò và tầm ảnh hưởng sâu rộng của Người trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

1. V.I. Lênin bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác để chỉ dẫn hành động cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.

Nếu không có chủ nghĩa Mác thì phong trào cộng sản và công nhân quốc tế không thể giác ngộ được vai trò, con đường, phương pháp cách mạng, hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình là đấu tranh xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, xóa bỏ giai cấp tư sản với bản chất là duy trì chế độ áp bức, bóc lột, bất công để xây dựng xã hội bình đẳng, tự do, hạnh phúc cho nhân dân lao động. Ngược lại, nếu không có phong trào cộng sản và công nhân quốc tế thì không thể khái quát hệ thống lý luận thực sự khoa học từ hoạt động thực tiễn của C. Mác và Ph. Ăngghen là những lãnh tụ thiên tài vì đã đáp ứng yêu cầu về lý luận và thực tiễn làm cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân bước sang một bước ngoặt là chuyển từ tự phát sang tự giác. Kết quả sau khi có lý luận cách mạng dẫn đường đã xâm nhập vào giai cấp công nhân làm cho cuộc cách mạng vô sản tiêu biểu nổ ra là Công Xã Paris năm 1871. Mặc dù còn có những hạn chế nhất định, nhưng đây là sự kiện đánh dấu cuộc đấu tranh chính trị độc lập thực hiện mục tiêu lật đổ xã hội tư bản để xây dựng mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trong lịch sử nhân loại là Công xã. Hai ông đã tiếp tục tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận để chỉ dẫn cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân đi đúng hướng, thực hiện triệt để hơn nữa các nguyên lý cách mạng nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Nhưng điều đáng tiếc, khi C. Mác và Ph. Ăngghen qua đời thì phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bị thoái trào vì bị chủ nghĩa cơ hội, xét lại ở tổ chức Quốc tế II lũng đoạn.

V. I.  Lênin tại Đại hội Quốc tế Cộng sản (tháng 3/1919). Ảnh: Tư liệu

Kế tiếp sự nghiệp của C.Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin đã nhận thấy vai trò to lớn của lý luận tiên phong đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nói chung, ở một đảng nói riêng: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng... chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”1. Sự thiên tài của Người là đã tạo ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử là bảo vệ, phát triển sáng tạo học thuyết Mác trong điều kiện lịch sử mới (được gọi là chủ nghĩa Lênin và sau được vinh danh là chủ nghĩa Mác - Lênin). Đây là vũ khí tư tưởng tạo nên sức mạnh để đấu tranh không khoan nhượng và chiến thắng chủ nghĩa cơ hội, xét lại; là linh hồn của ngọn lửa đấu tranh ở thời kỳ cao trào của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế để hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử vẻ vang và mục tiêu của phong trào trong thời đại đế quốc chủ nghĩa. Đồng thời, là nền tảng cốt lõi vạch ra những chỉ dẫn để xây dựng đảng kiểu mới, với yêu cầu vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; nhân tố giữ vai trò kim chỉ nam cho hoạt động lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân ở mỗi nước, là điều kiện để hình thành tổ chức quốc tế mới của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

2. V.I. Lênin là người cộng sản kiên cường tham gia đấu tranh loại bỏ ảnh hưởng của chủ nghĩa cơ hội, xét lại trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Người đã nắm vững quy luật phát triển của phong trào muốn phát triển thì phải đấu tranh không khoan nhượng chống bọn cơ hội, xét lại dưới mọi màu sắc trong Quốc tế II, cũng như ở nước Nga. Trong các tác phẩm “Chủ nghĩa cơ hội và sự phá sản của Quốc tế II”, V.I. Lênin vạch rõ bản chất của chủ nghĩa xã hội – sôvanh là chủ nghĩa cơ hội hoàn chỉnh, nó là “sự liên minh” công khai và thô bạo “với giai cấp tư sản và với bộ tổng tham mưu” và vạch trần nội dung chính trị của nó là truyền bá tư tưởng hợp tác giai cấp, từ bỏ cách mạng xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản. Đồng thời, V.I. Lênin phê phán không thương tiếc chủ nghĩa phái giữa đã thừa nhận và biện hộ cho sự phản bội của bọn xã hội - sôvanh đối với chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa xã hội - sôvanh của bọn phái giữa chỉ khác với chủ nghĩa cơ hội của bọn xã hội - sôvanh ra mặt ở những sắc thái trong biện pháp đạt tới một mục đích chung. Người chỉ ra rằng, so với chủ nghĩa cơ hội ra mặt thì chính sách của phái Cauxky, một thứ chính sách phái giữa, còn có hại và nguy hại cho giai cấp công nhân nhiều hơn gấp trăm lần. V.I. Lênin vạch trần nguồn gốc, bản chất, tác hại của chủ nghĩa cơ hội, xét lại là cơ sở quan trọng để tạo ra sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức và thực hiện đúng mục tiêu của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong giai đoạn mới.

3. V.I. Lênin là lãnh tụ thiên tài về tổ chức, kiến tạo con đường cách mạng và xây dựng mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.

Cùng với hoạt động lý luận, V.I. Lênin còn là nhà tổ chức và hoạt động thực tiễn thiên tài; sớm giác ngộ cách mạng, lãnh đạo tổ chức cách mạng của sinh viên, nhanh chóng tìm thấy con đường cách mạng để thay đổi nước Nga; tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác vào phong trào công nhân Nga, chuẩn bị thành lập Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân Nga. Năm 1895, Người đứng ra hợp nhất các tổ chức mác-xít của công nhân Pêtécbua thành “Hội liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân”; năm 1900, tổ chức tờ báo “Tia lửa” để tuyên truyền cương lĩnh của Đảng và giáo dục công nhân đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, tạo sự thống nhất tư tưởng trong những người xã hội - dân chủ. Sau nhiều năm chuẩn bị, tháng 7 năm 1903, Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân Nga được thành lập.

V.I. Lênin đã vận dụng sáng tạo các nguyên lý cách mạng của chủ nghĩa Mác cho phù hợp với thực tiễn nước Nga; lãnh đạo Cách mạng tháng Mười năm 1917 thắng lợi, sáng lập ra Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, mở ra thời đại mới cho sự phát triển của xã hội loài người. Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi đã thức tỉnh, cổ vũ phong trào cách mạng thế giới, tạo ra sự gắn bó giữa các dân tộc chống kẻ thù chung là chủ nghĩa tư bản; đánh dấu thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với các trào lưu xã hội, xét lại trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, mở đường cho học thuyết Mác xâm nhập mạnh mẽ hơn vào các nước và các dân tộc khác trên thế giới. Đồng thời, biến chủ nghĩa xã hội khoa học từ phương diện lý luận trở thành hiện thực và là điều kiện thuận lợi để hình thành tổ chức quốc tế mới của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

4. V.I. Lênin có vai trò xây dựng và chỉ đạo tổ chức quốc tế vững mạnh để lãnh đạo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong thời kỳ mới.

Sự phá sản của Quốc tế II làm cho phong trào công nhân thoái trào, bị chia rẽ về tổ chức, không còn một tổ chức thống nhất để chỉ đạo phong trào cách mạng thế giới. V.I. Lênin và những người Bôn-sê-vích đã sớm nhận rõ vai trò sứ mệnh lịch sử của mình, vừa đấu tranh chống lại những lực lượng phản bội trong Quốc tế II, vừa chuẩn bị các điều kiện, tạo sự đồng thuận và kêu gọi các đảng cộng sản ủng hộ để tiến tới thành lập Quốc tế cộng sản. Quốc tế Cộng sản ra đời trải qua bảy kỳ đại hội, với 24 năm tồn tại là khoảng thời gian không dài, tuy có những hạn chế nhất định nhưng với vai trò của V.I. Lênin đã để lại những dấu ấn thể hiện công lao và thành tựu to lớn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trong đó, xác định những nguyên tắc mác-xít, các vấn đề chiến lược, sách lược, tập hợp lực lượng tạo ra cao trào với sự lớn mạnh của ba dòng thác cách mạng là phong trào xây dựng chủ nghĩa xã hội; phong trào giải phóng dân tộc và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, là những xung lực làm cho chủ nghĩa xã hội từ một nước phát triển thành hệ thống thế giới.

Ngay từ khi Quốc tế Cộng sản mới ra đời, V.I. Lênin đã nêu bật ý nghĩa và địa vị lịch sử quan trọng của nó: “là ở chỗ nó đã bắt đầu thực hiện khẩu hiệu vĩ đại nhất của Mác, khẩu hiệu tổng kết bước tiến trong một thế kỷ của chủ nghĩa xã hội và của phong trào công nhân, khẩu hiệu biểu hiện bằng khái niệm: chuyên chính của giai cấp vô sản”2. Quốc tế III đóng vai trò nổi bật trong cuộc đấu tranh vì lợi ích cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; khôi phục và tăng cường mối liên hệ giữa những người lao động tất cả các nước đã bị chia rẽ vì sự phản bội của những người xã hội - dân chủ trong Quốc tế II cũng như trong chiến tranh thế giới thứ Nhất. Đồng thời, bảo vệ học thuyết Mác - Lênin, chống lại sự xuyên tạc của bọn cơ hội chủ nghĩa, hoàn chỉnh các vấn đề lý luận của phong trào và cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, giữ vững và nêu cao ngọn cờ lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học và phổ biến lý luận đó trong quần chúng. Nó đóng vai trò to lớn trong việc rèn luyện và đào tạo những người lãnh đạo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, bằng cách lấy những tư tưởng của lý luận Mác - Lênin làm cơ sở cho việc đào tạo các đảng viên cộng sản; góp phần vào việc đoàn kết đội tiền phong của giai cấp, những đảng vô sản chân chính theo kiểu mẫu Đảng Cộng sản Liên Xô và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân. Lịch sử thế giới đã trải qua bao thăng trầm, với muôn vàn sự kiện đã diễn ra. Song, dù cho hơn một thế kỷ đã trôi qua, vẫn khắc sâu vai trò của V.I. Lênin trong sự kiện thành lập và hoạt động của Quốc tế Cộng sản như là sự kiện lớn nhất và ý nghĩa nhất trong dòng chảy lịch sử nhân loại ở thế kỷ XX. Với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Quốc tế Cộng sản xứng đáng là “Bộ Tham mưu” giữa hai cuộc đại chiến thế giới. Với nhân loại, Quốc tế Cộng sản xứng đáng là một bức tường thành ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, gìn giữ hòa bình.

5. V.I. Lênin tập hợp lực lượng cách mạng, gắn kết phong trào cộng sản và công nhân quốc tế với phong trào giải phóng dân tộc để chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc.

Nếu như C. Mác, Ph. Ăngghen đưa ra khẩu hiệu chiến lược: “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”3, thì V.I. Lênin đã bổ sung và phát triển thành: Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đoàn kết lại. Đây là khẩu hiệu mang tầm chiến lược của giai cấp vô sản thế giới, vì không những công khai tuyên bố tính chất quốc tế và kêu gọi tình đoàn kết của cách mạng vô sản; mà còn là ngọn cờ dẫn dắt ý chí và hành động trong cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc của giai cấp công nhân các nước chống lại sự áp bức, nô dịch của giai cấp tư sản. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng cũng như gắn với hoạt động của các kỳ đại hội đầu của Quốc tế Cộng sản, V.I. Lênin đã tích cực tham gia xây dựng luận cương về dân tộc, vấn đề dân tộc thuộc địa đã được Đại hội II của Quốc tế Cộng sản thông qua. Người đặt ra yêu cầu với các đảng cộng sản, tổ chức quốc tế phải giúp đỡ các dân tộc bị áp bức và phụ thuộc trong cuộc đấu tranh giải phóng của họ; tạo ra sự gắn kết giữa phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân với phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, tạo thành mặt trận thống nhất chống chủ nghĩa đế quốc. Đồng thời, giúp đỡ cho chiến sĩ cộng sản ở các nước, các dân tộc thuộc địa truyền bá chủ nghĩa Mác -  Lênin vào phong trào công nhân dẫn đến thành lập nhiều đảng cộng sản trên toàn thế giới. Nếu Đại hội I năm 1919, chỉ có 30 tổ chức, đảng cộng sản tham gia thì đến Đại hội VII năm 1935 đã có 75 đảng cộng sản và các tổ chức khắp bốn châu lục. Có thể nói, thắng lợi to lớn của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới cùng với ba dòng thác cách mạng đã tấn công làm sụp đổ chế độ thực dân kiểu cũ, hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ XX có công lao to lớn của V.I. Lênin.

Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong giai đoạn hiện nay đang tạm thời lâm vào thoái trào, do nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau. Song, những di sản của Người để lại mãi mãi ghi nhận công lao to lớn, ngọn hải đăng dẫn đường để phong trào vượt qua khó khăn và hướng tới một thời kỳ cao trào mới để tiếp tục hành trình hiện thực hóa nhiệm vụ lịch sử của nó. Vấn đề đặt ra cho phong trào cộng sản và công nhân trong những năm tới mà trực tiếp hạt nhân là đảng cộng sản và công nhân ở mỗi nước cần tiếp tục quán triệt, vận dụng tốt Di sản của V.I. Lênin với một số nội dung cốt lõi là:

Một là, đảng cộng sản và công nhân ở mỗi nước phải tự trưởng thành về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Bởi lẽ, hạt nhân tạo nên phong trào cộng sản và công nhân quốc tế là phụ thuộc vào sự vững mạnh của mỗi chính đảng thông qua việc xác định đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử ở nước mình; trên cơ sở đó, góp phần thực hiện sứ mệnh lịch sử thế giới của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Muốn vậy, mỗi đảng cộng sản và công nhân ở mỗi nước phải thường xuyên chú trọng làm tốt công tác xây dựng đảng, mỗi đảng viên là hạt nhân gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân; là tổ chức cao nhất, bộ tham mưu và là lãnh tụ của giai cấp công nhân.

Hai là, đảng cộng sản và công nhân ở mỗi nước phải trung thành, vận dụng sáng tạo các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn nước mình để đề ra đường lối lãnh đạo đúng đắn. Nhân loại tiến bộ đã nhất quán khẳng định rằng, từ khi chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời đến nay vẫn là học thuyết cách mạng, khoa học mà không thể có học thuyết nào tiến bộ hơn và có thể thay thế được. Song những chỉ dẫn về lý luận của C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin mang tầm nguyên lý cách mạng chung nhất; trong khi đó, điều kiện lịch sử thế giới và ở mỗi nước đã vận động biến đổi không ngừng. Vì thế, đảng cộng sản và công nhân ở mỗi nước phải là một chủ thể, lập ra một trận địa vừa bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin cho phù hợp với cách mạng từng nước thì mới giành được thành công.

Ba là, đảng cộng sản và công nhân quốc tế ở mỗi nước phải biết tập hợp lực lượng cách mạng, giải quyết hài hòa lợi ích chung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế với lợi ích riêng của quốc gia mình. Kiên quyết đấu tranh vô hiệu hóa những phần tử cơ hội, xét lại; giác ngộ những người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ nhưng không đẩy họ sang phía các thế lực thù địch. Đảng cộng sản khi đã giữ vai trò cầm quyền thì phải chăm lo lợi ích chính đáng của nhân dân lao động, đẩy lùi hiện tượng tham ô, tham nhũng; xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Kiên định với đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tích cực trao đổi, học tập kinh nghiệm để phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, các đảng cộng sản và công nhân thường xuyên phải đấu tranh chống lại những quan điểm sai muốn hạ thấp giá trị, vai trò của V.I. Lênin đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Chúng đưa ra quan điểm: Do thực hiện theo chủ nghĩa V.I. Lênin nên cách mạng tháng Mười đã bị đẻ non, sụp đổ và chỉ có giá trị lịch sử chứ không còn giá trị thời đại. Đây chỉ là một trong những luận điểm cơ hội, xét lại muốn phủ nhận sạch trơn công lao, vai trò to lớn của lãnh tụ V.I. Lênin cả về lý luận và thực tiễn lãnh đạo cách mạng nước Nga nói riêng, phong trào cộng sản quốc tế nói chung. Từ thành tựu đạt được trong quá trình lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như xu hướng vận động khách quan, chúng ta tin tưởng rằng phong trào cộng sản và công nhân quốc tế những năm tới sẽ phục hồi để chuyển sang giai đoạn cao trào, là lực lượng nòng cốt thúc đẩy tiến trình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nhiều nước trên phạm vi toàn thế giới.

Thiếu tướng, PGS, TS. NGUYỄN VĂN BẠO, Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
______________

1 - V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 6, Nxb Tiến bộ, M. 1974, tr. 30 - 32.

2 - V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 38, Nxb Tiến bộ, M. 1978, tr. 364.

3 - C. Mác và Ph. Ăngghen – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 646.

Ý kiến bạn đọc (0)