Thứ Hai, 25/11/2024, 01:36 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
LTS: Biển, đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh đối với sự sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam XHCN nói chung, biển, đảo nói riêng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; trong đó, ngư dân đóng vai trò rất quan trọng. Nhằm góp phần làm sáng tỏ vấn đề này, Tạp chí Quốc phòng toàn dân giới thiệu chùm bài viết với chủ đề: “Phát huy vai trò của ngư dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc” của nhóm tác giả Hồng Lâm - Văn Bảy - Hoàng Trường.
I
Ngư dân - “cột mốc chủ quyền sống” trên biển
Việt Nam là quốc gia nằm bên bờ Biển Đông, có bờ biển dài trên 3.260 km từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; trung bình cứ 100 km2 đất liền có 01 km bờ biển, với hàng trăm cửa sông, lạch. Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nước ta có diện tích biển trên 01 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông1, bao gồm vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vùng biển nước ta có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 02 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa, được phân bố khá đều theo chiều dài bờ biển, với tổng diện tích khoảng 1.700 km2; trong đó, 23 đảo có diện tích trên 10 km2, 82 đảo có diện tích trên 01 km2. Cả nước có 11 huyện đảo2, đứng ở nơi đầu sóng ngọn gió, địa bàn chiến lược quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển.
Biển, đảo không chỉ là một phần lãnh thổ tự nhiên của Tổ quốc, mà cùng với đất liền tạo nên không gian sinh tồn, quần thể gắn kết chủ quyền của quốc gia, chỗ dựa sinh kế cho hàng triệu người ven biển; đồng thời, là “cửa mở” giao lưu, thông thương với các nước trên thế giới, đóng góp quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh CNH,HĐH và hội nhập quốc tế. Về kinh tế, biển nước ta chứa đựng nhiều tài nguyên phong phú và đa dạng, đặc biệt là dầu khí (trữ lượng khoảng 03 đến 04 tỷ tấn dầu quy đổi) và hơn 2.000 sinh vật biển sinh sống, với trữ lượng khai thác gần 02 triệu tấn cá hằng năm và nhiều nguồn hải sản khác. Các ngành kinh tế biển, hằng năm đóng góp khoảng 49% GDP cả nước, riêng khai thác hải sản khoảng 14% (trong các ngành kinh tế biển) và là ngành kinh tế mũi nhọn góp phần vào sự phát triển của đất nước. Về quốc phòng - an ninh, biển, đảo nước ta là không gian chiến lược đặc biệt quan trọng. Trong lịch sử dân tộc, hầu hết các cuộc chiến tranh xâm lược của nước ngoài đối với nước ta đều sử dụng và tiến hành từ đường biển. Điều đó cho thấy, việc phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Vùng biển là cương vực lãnh thổ của Tổ quốc, do nhân dân ta làm chủ, nhất định không để cho bất cứ ai xâm phạm trái phép dưới bất cứ hình thức nào. Và đó là điều đã được khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển. Vì bọn địch thường thả bọn mật thám, gián điệp vào tìm chỗ nấp ở miền biển. Nếu để nó lọt vào, thì người bị thiệt hại trước là đồng bào miền biển. Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”3.
Từ xa xưa, người Việt Nam đã gắn bó mật thiết với biển. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi, việc đánh bắt, khai thác sản vật biển là một nghề sinh sống của người Việt, tạo nên tầng lớp ngư dân đông đảo, ngày đêm bám biển, giữ vững cương vực và nghề truyền thống của ông cha. Hình chiếc thuyền khắc trên trống đồng Đông Sơn cho thấy, cư dân Việt cổ đã gắn bó với sông, biển từ rất sớm, lấy thuyền làm phương tiện giao thông, khai thác thủy sản phục vụ cho cuộc sống. Lịch sử phát triển của dân tộc cho thấy, các triều đại phong kiến nước ta đã chăm lo, phát huy vai trò ngư dân bảo vệ và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên các vùng biển, đảo. Thời Lý, Trần, Lê đã lập những Trấn, đặt Tuần Kiểm ở các xứ cửa biển, đảo,… để quản lý biển, thu thuế các tàu, thuyền nước ngoài qua lại các vùng biển của ta. Vào đầu thời chúa Nguyễn (thế kỷ XVII) đã lập ra các đội Hoàng Sa, Bắc Hải gồm những ngư dân trai tráng, khỏe mạnh ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra vùng Hoàng Sa, Trường Sa (khi ấy còn vô chủ) tuần tra, trấn giữ, khai thác sản vật, xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển, đảo. Điều này còn thể hiện sự đặc sắc của chính sách “ngụ binh, ư nông” - gửi lính trong nhà nông - xây dựng quân đội gắn liền với nông dân, nông nghiệp và ngư dân của các triều đại phong kiến Việt Nam. Thời bình, họ là những người dân sinh sống, sản xuất, đánh bắt hải sản; thời chiến, họ là những người lính bảo vệ đất nước. Nhờ tư tưởng kết hợp kinh tế với quốc phòng đó, ông cha ta đã phát huy được sức mạnh toàn dân tộc chống lại kẻ thù xâm lược mạnh hơn ta gấp nhiều lần, giữ vững nền độc lập dân tộc, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ngày nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các tỉnh ven biển, nghề khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân ngày càng phát triển cả về lực lượng lao động, phương tiện đánh bắt, kỹ thuật nuôi trồng, khai thác và năng suất sản phẩm. Đồng thời, giải quyết việc làm cho khoảng 04 triệu lao động; trong đó, lực lượng trực tiếp đánh bắt hải sản khoảng 850.000 người và hằng năm bổ sung từ 18.000 đến 20.000 người, với 128.000 tàu, thuyền các loại thường xuyên hoạt động khai thác và làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên ngư trường truyền thống. Sự hiện diện của ngư dân trên biển không chỉ đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế biển, mà còn khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Giữa đại dương mênh mông, nơi tận cùng hải phận của đất nước, mỗi tàu, thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân với lá Cờ đỏ sao vàng tung bay trước sóng gió là những “cột mốc sống”, khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Điều này còn cho thấy, trên vùng biển đó có con người Việt Nam đang sinh sống và làm việc, có khả năng, điều kiện để làm chủ, khai thác tài nguyên, khoáng sản phục vụ cho phát triển đất nước. Các tổ, đội đánh bắt hải sản như những “làng”, “bản” trên biển là cột mốc chủ quyền Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Trong quá trình đánh bắt hải sản, họ vừa là những người lao động cần cù, vừa là lực lượng cảnh giới, phát hiện, thông báo cho các cơ quan chức năng về tình hình trên biển và tham gia tìm kiếm cứu nạn, góp phần ngăn chặn sự xâm nhập trái pháp luật của tàu, thuyền nước ngoài trong vùng biển của Tổ quốc. Khi có tình huống phức tạp xảy ra, ngư dân là lực lượng hỗ trợ, phối hợp cùng các lực lượng chuyên trách (Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng, Hải quân) đấu tranh tại thực địa để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển. Bất chấp thiên tai, hiểm nguy, tài sản bị mất mát, tính mạng bị đe dọa, họ vẫn không nản chí, luôn thể hiện quyết tâm bám giữ biển, giữ nghề “cha truyền con nối”, làm chủ ngư trường truyền thống từ bao đời, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đang tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để khẳng định và bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ đất nước, trong đó có ngư dân. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới tiếp tục khẳng định: bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của cả nước, bao gồm sức mạnh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, của các lực lượng; kết hợp sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế và suy cho cùng sức mạnh của nhân dân là căn bản nhất. Nhưng sức mạnh đó huy động được đến đâu cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc còn tùy thuộc vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân. Do vậy, bảo vệ chủ quyền biển, đảo không chỉ trông cậy vào lực lượng chuyên trách, mặc dù đó là lực lượng nòng cốt, mà điều có ý nghĩa cơ bản, lâu dài là phát huy được vai trò của ngư dân, tổ chức cho họ vươn khơi, bám biển, thực hiện kết hợp kinh tế với quốc phòng là vấn đề có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, việc đánh bắt xa bờ của ngư dân hiện nay chủ yếu vẫn là đơn lẻ, nhóm nhỏ, chưa hình thành các đội sản xuất có quy mô lớn để hỗ trợ nhau trên biển. Giá trị đầu ra của ngư dân chưa được bảo đảm, làm giảm hiệu quả đầu tư tín dụng, tạo tâm lý e dè của các tổ chức tín dụng khi xem xét cho ngư dân vay vốn. So với diện tích biển thì phương tiện đánh bắt hải sản của ta còn ít về số lượng, nhỏ về công suất, lại chủ yếu là tàu vỏ gỗ, nên chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu đánh bắt hải sản ở vùng biển xa và khả năng chống chọi với những tình huống phức tạp trên biển, v.v.
Vì thế, việc tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân vươn khơi, bám biển dài ngày là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay. Đồng thời, đó cũng là cơ sở, môi trường quan trọng để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của đất nước về nguồn tài nguyên biển, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống ngư dân, khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát mà Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định: “phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp CNH,HĐH, làm cho đất nước giàu mạnh”4. Để làm được điều đó, chúng ta phải giải quyết nhiều vấn đề từ nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng, xác định đúng những vấn đề cấp thiết đặt ra; trên cơ sở đó, có hệ thống giải pháp đồng bộ. Trong đó, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân yên tâm gắn bó với nghề truyền thống, “quyết tâm bám biển, vươn khơi”, góp phần phát triển kinh tế biển và tham gia đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc là một giải pháp quan trọng, cấp thiết hiện nay.
HỒNG LÂM - VĂN BẢY - HOÀNG TRƯỜNG _______________
1 - Diện tích Biển Đông gần 3,5 triệu km2.
2 - Đó là các huyện: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh); Cát Hải, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng); Hoàng Sa (Đà Nẵng); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Trường Sa (Khánh Hòa); Phú Quý (Bình Thuận); Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Kiên Hải, Phú Quốc (Kiên Giang).
3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 311.
4 - Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương - Tài liệu nghiên cứu Các nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCHTƯ Đảng khóa X, Nxb CTQG, H. 2007, tr. 94 - 95.
(Số sau: II. Quyết tâm bám biển, vươn khơi)
Ngư dân,chủ quyền,biển,đảo
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng