QPTD -Thứ Hai, 05/10/2020, 09:48 (GMT+7)
Xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị

Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội ta. Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định rõ vấn đề này trên cơ sở khoa học.

Quan điểm xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị trong Dự thảo dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn

Về lý luận, chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ, giai cấp vô sản muốn giành chính quyền thì phải tổ chức ra một quân đội kiểu mới; được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Xây dựng sức mạnh chiến đấu của quân đội cách mạng cần quan tâm toàn diện đến con người, vũ khí, trang bị, nghệ thuật, cách đánh, v.v. Trong đó, chính trị - tinh thần của quân đội là yếu tố quan trọng. V.I. Lênin nhấn mạnh: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”1. Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”2.

Về thực tiễn, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của quân và dân ta, xét về tiềm lực kinh tế, quân sự, ta không thể mạnh bằng đối phương, nhưng lại giành thắng lợi. Đó là nhờ sức mạnh của tiềm lực chính trị - tinh thần mà yếu tố đặc biệt tạo nên sức mạnh đó là Quân đội ta luôn vững mạnh về chính trị. Thấy rõ vai trò của nhân tố chính trị trong sức mạnh của Quân đội ta, thời gian qua, các thế lực thù địch không ngừng tăng cường các biện pháp chống phá hòng “phi chính trị hóa” Quân đội. Điều đó đặt ra và đòi hỏi phải tiếp tục quan tâm, chăm lo xây dựng Quân đội nói chung, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị nói riêng. Trước yêu cầu thực tiễn xây dựng Quân đội hiện nay, Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; vững mạnh về chính trị, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống”3. Theo đó, nội hàm của quan điểm, phương hướng trong Dự thảo vừa có tính kế thừa nội dung của các nhiệm kỳ trước, vừa có sự phát triển nhận thức của Đảng ta về quan điểm, chủ trương xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, trong đó lấy xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở là hoàn toàn đúng cả về lý luận và thực tiễn.

Nội dung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị hiện nay

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Quân đội trong tình hình mới, vấn đề xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị đặt ra một cách toàn diện trên các mặt. Thực chất xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị là giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, đảm bảo cho Quân đội luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu xứng đáng với truyền thống: Quân đội ta trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Trước những vấn đề thực tiễn liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, Dự thảo khẳng định xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị có nội hàm rộng hơn, toàn diện hơn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Do việc xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị đứng trước cả thời cơ và thách thức, trước những tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch nhằm “phi chính trị hóa” Quân đội, nên cả hệ thống chính trị càng phải quan tâm, chăm lo xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức để góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp đủ khả năng hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Cùng với đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra cơ hội và thách thức đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trước hết là vấn đề hiện đại hóa vũ khí, trang bị, nhưng cũng đặt ra yêu cầu đối với con người trong hoạt động quân sự và chiến tranh, sự kiểm soát của nhân tố chính trị - tinh thần, khả năng điều khiển đối với các loại vũ khí thông minh, v.v. Điều đó tất yếu tác động toàn diện đến công tác chuẩn bị con người ngay từ thời bình bằng các nội dung, biện pháp tiến hành công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ, chính sách,... góp phần làm cho Quân đội vững mạnh toàn diện; trong đó, chính trị - tinh thần là cơ sở, nền tảng cho các yếu tố khác. Vì thế, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng Quân đội có cơ cấu tổ chức biên chế phù hợp, tinh, gọn, hoạt động hiệu quả, sức cơ động và sức chiến đấu cao, có khả năng xử lý tốt mọi nhiệm vụ, tình huống trước sự phát triển và ứng dụng của khoa học và công nghệ là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.

Mặt khác, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị cũng cần bám sát tình hình thực tiễn giải quyết những vấn đề về an ninh phi truyền thống hiện nay. Phát huy truyền thống tốt đẹp, thời gian qua, Quân đội đã làm tốt vai trò, chức năng, nêu cao trách nhiệm, đi đầu trong phòng, chống đại dịch Covid-19, tạo được tình cảm, niềm tin yêu của nhân dân và bạn bè quốc tế. Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải nhận thức sâu sắc, phát huy tốt hơn nữa trách nhiệm chính trị, phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” trong ứng xử, quan hệ với nhân dân. Qua đó, góp phần tăng cường đoàn kết quân - dân, cùng đồng hành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Trong hội nhập quốc tế, hợp tác quốc phòng với các nước càng phải tăng cường bản chất cách mạng của Quân đội. Việc thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng sẽ trực tiếp góp phần hiện thực hóa quan điểm của Đảng ta: Việt Nam “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”4. Trong đối ngoại quốc phòng phải giữ vững bản chất cách mạng của Quân đội, tiếp tục củng cố, xây dựng và phát triển bản lĩnh chính trị và tăng cường niềm tin của Quân đội nhân dân Việt Nam với quân đội các nước và quốc tế. Vì thế, cần bồi dưỡng về trình độ ngoại ngữ, kiến thức toàn diện cho cán bộ, chiến sĩ để họ đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này.

Tác động của kinh tế thị trường đến xây dựng Quân đội về chính trị theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Tình trạng vi phạm kỷ luật ở một số đơn vị vẫn còn, thậm chí là vi phạm kỷ luật nghiêm trọng ở một bộ phận cán bộ, chiến sĩ. Do đó, phải giáo dục, tổ chức, quản lý quân nhân ngày càng chính quy, bài bản hơn, trước hết là tập trung nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, pháp luật cho mọi quân nhân kết hợp với các biện pháp quản lý hành chính, kỷ luật để họ có khả năng tự kiểm soát, tự quản lý, không xảy ra vi phạm kỷ luật.

Phương hướng, biện pháp cơ bản xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới

Xây dựng Quân đội về chính trị trong tình hình mới đặt ra những yêu cầu, nội dung mới toàn diện và đầy đủ hơn so với trước đây. Dự thảo chỉ rõ: tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là nguyên tắc trong xây dựng Quân đội. Để thực hiện được, cần tiếp tục xây dựng nền tảng tư tưởng của Đảng, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc trong Quân đội. Tập trung xây dựng hệ thống tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng, các cơ quan vững mạnh toàn diện. Xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng chính trị cho cán bộ, chiến sĩ. Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp phải bám sát đặc điểm, tình hình để đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, quản lý đơn vị cho phù hợp.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng cho bộ đội; thực hiện nghiêm Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”. Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục chính trị ở các đơn vị cần đi vào thực chất và thiết thực hơn gắn với chức trách, nhiệm vụ của mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị. Khắc phục triệt để tình trạng ở một số cơ quan, đơn vị “khoán trắng” việc giáo dục chính trị cho cơ quan chính trị, cán bộ chính trị; phải cụ thể và xác định nội dung giáo dục chính trị thiết thực với từng nhóm đối tượng. Các cơ quan, đơn vị cần coi trọng, đổi mới, nâng cao chất lượng và phát huy vai trò, hiệu quả của hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp phải quan tâm toàn diện về nội dung, biện pháp, hình thức tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, bảo đảm phù hợp với đặc điểm của đơn vị. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống  hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chủ động đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội. Mỗi cán bộ, chiến sĩ là một pháo đài vững chắc để chủ động đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trước âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng hiện nay, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ Quân đội phải kịp thời phát hiện, chủ động trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống “phi chính trị hóa” Quân đội.

Tích cực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận làm cơ sở để đề ra giải pháp phù hợp đối với xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Bởi, phương hướng, quan điểm của Đảng ta đều trên cơ sở lý luận và thực tiễn. Do đặc điểm, tình hình hiện nay biến đổi nhanh chóng, phức tạp liên quan trực tiếp đến vấn đề xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, nên phải tổ chức tốt công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận và quan tâm đầu tư nghiên cứu, vận dụng nghệ thuật quân sự phù hợp, sáng tạo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp cần tiến hành đồng bộ những chủ trương, biện pháp  giáo dục, huấn luyện, quản lý bộ đội, tạo sức mạnh tổng hợp, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới.

Đại tá, PGS, TS. LƯƠNG THANH HÂN, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
________________

1 - V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 41, Nxb CTQG, H. 2005, tr. 147.

2 - Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 217.

3 - ĐCSVN Dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, tháng 4/2020, tr. 50.

4 - ĐCSVN Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 35.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Ngày 9/3/2021, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị tới các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.