Thứ Bảy, 23/11/2024, 04:01 (GMT+7)
1. Khát vọng Hồ Chí Minh - khát vọng Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Một trong những điểm mới, nổi bật và bao trùm trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là nhấn mạnh tới khát vọng Việt Nam, khát vọng phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước. Đó chính là khát vọng, hoài bão, tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng, của toàn dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp của Người đã hiến dâng trọn vẹn cho dân tộc Việt Nam. Người là hình ảnh của dân tộc, là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là hiện thân sinh động và cảm động nhất của khát vọng Việt Nam.
Sinh thời, Người đã nói: cả đời tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, được học hành, được sống hạnh phúc. Trong “Tuyên ngôn độc lập”, Người khẳng định những quyền cơ bản, thiêng liêng của con người và của cả dân tộc Việt Nam, đó là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Là Chủ tịch Chính phủ và Chủ tịch Nước, Người đã cùng với toàn Đảng và toàn dân gây dựng chính thể cộng hòa dân chủ đầu tiên ở nước ta, xây đắp nền móng cho chế độ mới, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hy sinh từ những ngày đầu dựng nước Việt Nam mới. Trong những phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Người đề nghị tập trung giải quyết ngay sáu vấn đề cấp bách liên quan trực tiếp tới cuộc sống của dân: chống giặc đói, diệt giặc dốt, soạn thảo Hiến pháp đầu tiên và tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội để khẳng định địa vị pháp lý của nhà nước dân chủ cộng hòa, sửa đổi tâm lý, tính cách và giáo dục lại tinh thần nhân dân sau ngót một thế kỷ nô lệ; tuyên bố tự do tôn giáo, tín ngưỡng và đoàn kết toàn dân, tạo thành sức mạnh xây dựng chế độ và bảo vệ đất nước.
Trong công việc kiến thiết quốc gia, Người chỉ đạo thực hiện những việc cần làm ngay: làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, được học hành. Làm những việc đó để vì dân, để dân được hưởng quyền tự do, dân chủ và xứng đáng là người chủ của chế độ mới. Người kỳ vọng “dân tộc Việt Nam nhất định phải trở thành một dân tộc thông thái”. Ngay vào lúc vận nước gian nan, chiến tranh xâm lược của đế quốc thực dân đang đến gần mà Người vẫn nhạy cảm và mẫn tiệp suy nghĩ về vai trò của văn hóa. Trong Đại hội Văn hóa cứu quốc lần thứ nhất (năm 1946), Người nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Khát vọng Hồ Chí Minh biểu hiện thành một thông điệp phát triển, khai phóng dân tộc, khai trí quốc dân hướng tới tương lai.
Khát vọng Hồ Chí Minh cũng được Người cô đúc trong một mệnh đề nổi tiếng có ý nghĩa như Tuyên ngôn, có giá trị như Cương lĩnh chỉ đường khi Đảng ta ra hoạt động công khai, sau Đại hội II (năm 1951), “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và phú cường”. Di chúc để lại trước lúc đi xa, Người nêu rõ “điều mong muốn cuối cùng” như một tâm nguyện, như một khát vọng theo đuổi suốt đời, là: “toàn Đảng toàn dân đoàn kết một lòng, xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Người chỉ thay cụm từ “phú cường” bằng cụng từ “giàu mạnh” cho dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc để dễ làm và làm được mà thôi. Người còn là người truyền cảm hứng vĩ đại tới toàn dân tộc trên mỗi bước đi, mỗi việc làm, nhất là kỳ vọng rất nhiều ở thế hệ trẻ nước ta. Trong thư gửi các cháu học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên dưới chế độ mới, tháng 9 năm 1945 còn mãi lấp lánh tư tưởng giáo dục của Người - “Khoa học - Dân chủ - Nhân văn và Hiện đại” một nền giáo dục mới trong nhà trường mới sẽ đem lại cho các em “sự phát triển tự do hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”1. Có thể tìm thấy trong khát vọng phát triển của Người bắt đầu từ giáo dục, biểu đạt tinh tế tư tưởng coi giáo dục là quốc sách hàng đầu - đó là con đường chấn hưng dân tộc Việt Nam.
Khát vọng Hồ Chí Minh - khát vọng Việt Nam còn là khát vọng đổi mới thông qua hội nhập, phát huy nội lực từ đất nước - con người - dân tộc Việt Nam; đồng thời, thâu góp tinh hoa văn hóa nhân loại, thu hút ngoại lực từ quốc tế và thế giới để Việt Nam phát triển vượt trội, phát triển nhanh và bền vững. Khát vọng Hồ Chí Minh trong tư tưởng và di sản vĩ đại của Người đang được Đảng ta và nhân dân ta nỗ lực nhận thức và vận dụng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi dậy mọi tiềm năng, nêu cao quyết tâm và tín tâm, ra sức thực hành “Đoàn kết - Đoàn kết - Đại đoàn kết/ Thành công - Thành công - Đại thành công” để thực hiện tốt nhất khát vọng Việt Nam - Khát vọng phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước.
2. Khát vọng Việt Nam - khát vọng phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Tư tưởng về khát vọng Việt Nam được Đảng ta nêu rõ ngay trong việc xác định chủ đề Đại hội, được thể hiện tập trung và nổi bật trong Báo cáo Chính trị, trong đánh giá thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020) và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) cũng như trong Báo cáo về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và kiểm điểm việc thi hành Điều lệ Đảng. Việc Đảng ta nhấn mạnh tư tưởng khát vọng Việt Nam tại Đại hội XIII của Đảng có ý nghĩa sâu sắc về nhiều mặt.
Thứ nhất, chúng ta đã tiến hành công cuộc đổi mới được 35 năm. Trong khoảng thời gian ấy, thế giới và trong nước đã có những biến đổi to lớn, cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng từ giữa thập niên 80 thế kỷ XX đã tác động mạnh mẽ đến nước ta. Chúng ta giải quyết thành công cuộc khủng hoảng đó sau một thập kỷ đổi mới, tạo thế vững chắc cho ổn định chính trị - xã hội và tạo tiền đề để bước vào thời kỳ phát triển mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tư duy mới, mô hình mới và cách làm mới. Điều đặc biệt quan trọng là trong xử lý khủng hoảng, Việt Nam đã không để xảy ra khủng hoảng chính trị mà nhiều nước đã mắc phải, dẫn tới đổ vỡ thể chế, đổ vỡ chế độ; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp hiện đại.
Thứ hai, dù đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng chúng ta đang phải nỗ lực vượt qua những điểm nghẽn trong phát triển. Đó là: về thể chế, nhất là thể chế phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; về hạ tầng kỹ thuật - công nghệ cũng như hạ tầng kinh tế - xã hội; về chất lượng nguồn nhân lực, để giải bài toán phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải ra sức tận dụng thời cơ và vượt qua thách thức trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Bởi vậy, phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại để đổi mới sáng tạo đang đặt ra với tất cả sự cần thiết của nó đối với Đảng và nhân dân ta. Chúng ta cần nhận thức khát vọng Việt Nam - Khát vọng phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước trên những điểm chủ yếu sau:
Một là, khát vọng Việt Nam nhấn mạnh trong chủ đề Đại hội có giá trị như một thông điệp phát triển mà Đảng tuyên bố trước toàn dân và bạn bè, đối tác quốc tế. Khát vọng Việt Nam là ý chí, sức mạnh Việt Nam, là sự đoàn kết chặt chẽ toàn Đảng, toàn dân để “tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”2. Đây là vấn đề hệ trọng, là trách nhiệm chính trị - đạo đức và pháp lý của Đảng cầm quyền đối với sự phát triển của dân tộc và cuộc sống của nhân dân. Khát vọng Việt Nam còn là sự cô đúc những tư tưởng cối lõi, là động lực tinh thần mãnh liệt, là cả sức mạnh nội sinh của văn hóa, con người Việt Nam thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu đổi mới và phát triển, nhằm phát triển nhanh và bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Hai là, khát vọng Việt Nam được Đảng ta xác định trong cả tầm nhìn dự báo và định hướng phát triển. Khát vọng phát triển muốn thực hiện và trở thành hiện thực phải phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là quan trọng nhất. Nó quy định một trong ba đột phá chiến lược của phát triển là “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực then chốt”3. Bởi thế, phải tiếp tục thực hiện phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu.
Ba là, khát vọng Việt Nam với nghĩa là khát vọng phát triển còn thể hiện trong các nhiệm vụ trọng tâm mà toàn Đảng, toàn dân ta dốc lòng thực hiện. Đảng nhấn mạnh “Khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam cường thịnh, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; thực hiện tốt chính sách xã hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”4.
Bốn là, khát vọng Việt Nam là khát vọng phát triển gắn liền với đổi mới và hội nhập quốc tế. Đây là một trong những tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh mà Người trù tính từ rất sớm. Ngày nay, Đảng ta ra sức thực hiện theo di huấn của Người, với tinh thần: “phải chủ động, nhạy bén, nắm chắc thời cơ, quyết vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, hoàn thiện thể chế, khơi dậy mọi khát vọng, tiềm năng, nguồn lực cho phát triển”5. Đó cũng chính là khát vọng vươn lên mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao đưa đất nước lập nên những kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam cường thịnh, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc.
Khát vọng Việt Nam đã và đang là nguồn cảm hứng, thúc giục ý chí và hoài bão lớn đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước từ nay đến giữa thế kỷ XXI.
GS, TS. HOÀNG CHÍ BẢO _______________
1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 35.
2 - Báo Nhân dân, số 23740, ngày 20/10/2020 Phụ trương đặc biệt, tr. 05.
3 - Sđd, tr. 05.
4 - Sđd, tr. 05.
5 - Sđd, tr. 05.
Khát vọng Việt Nam,Đại hội XIII của Đảng
Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng 11/03/2021
Xây dựng Binh chủng Tăng thiết giáp ngang tầm nhiệm vụ 23/02/2021
Quán triệt Nghị quyết Đại hội đảng các cấp, thực hiện tốt công tác hậu cần năm 2021 17/02/2021
Quân đội nhân dân Việt Nam vững bước dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng 08/02/2021
Thư, điện chúc mừng Đại hội 02/02/2021
Lãnh đạo các Đảng, các nước gửi điện chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng 02/02/2021
Diễn văn bế mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng 02/02/2021
Thông cáo báo chí về phiên bế mạc của Đại hội XIII 01/02/2021
Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII thành công tốt đẹp 01/02/2021
Công bố danh sách Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII 31/01/2021