Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:18 (GMT+7)
Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới trong bối cảnh “tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường”1. Để sự nghiệp cách mạng giành thắng lợi, cùng với tập trung xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải hết sức coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức cho xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh luôn là vấn đề cốt tử của cách mạng Việt Nam. Để làm được điều đó, vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức có một vị trí đặc biệt quan trọng. Ngay từ lúc chuẩn bị cho việc thành lập Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vấn đề tư cách, đạo đức của người cách mạng và đến lúc Người ra đi trong “Di chúc” để lại cho muôn đời sau, nội dung đó vẫn giữ một vị trí hết sức quan trọng. Theo Người, đạo đức cách mạng là: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”2.
Thấm nhuần tư tưởng của Người, nhiều thế hệ đảng viên đã không tiếc máu xương, xả thân vì dân, vì nước; luôn luôn đứng đầu trên các trận tuyến chống quân thù, để lại tấm gương sáng ngời, có sức cảm hứng mạnh mẽ được quần chúng nhân dân kính phục, tin cậy, noi theo. Đạo đức cách mạng chói sáng của các chiến sĩ cộng sản thực sự là nội lực và cội nguồn sức mạnh của cách mạng; nó động viên, cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân tin theo Đảng, cùng nhau đoàn kết một lòng, vượt qua gian lao nguy hiểm, đưa cách mạng ngày càng giành được nhiều thắng lợi vẻ vang.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đa số cán bộ, đảng viên vẫn giữ vững truyền thống đạo đức của Đảng, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm mà Đảng và Nhân dân giao phó. Nhiều tấm gương điển hình của cán bộ, đảng viên trong sản xuất - kinh doanh, hoạt động văn hóa - khoa học; trong bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; trong tham gia cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai,… được tôn vinh. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, thoái hóa, biến chất, quan liêu, tham nhũng, vi phạm pháp luật, Điều lệ Đảng, v.v. Những hành vi của họ đã xâm hại lợi ích chung của toàn Đảng, gây tác động xấu, làm phân liệt sức mạnh đoàn kết, thống nhất của từng đơn vị; làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, tổn thương tình cảm, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, v.v. Đây thực sự là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ!
Chính vì vậy, Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Dự thảo) đã dành một phần quan trọng bàn về xây dựng Đảng về đạo đức. Dự thảo đánh giá sâu sắc về những ưu điểm và khuyết điểm; đồng thời, đề ra các giải pháp đúng đắn nhằm xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức trong tình hình mới. Đây là lần đầu tiên Đảng đặt vấn đề xây dựng về đạo đức trước xây dựng về tổ chức.
Để thực hiện mục tiêu đó, trước hết, Dự thảo nhấn mạnh vào tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”3. Chỉ trên cơ sở đạo đức cách mạng trong sáng, thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng và tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng thì người đảng viên mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Còn nếu đảng viên quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh đất nước, sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, vấn đề tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng luôn đặt ra rất cơ bản và đòi hỏi tính tự giác, sự bền bỉ phấn đấu của cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”4. Quá trình đó, đòi hỏi rất cao trình độ trí tuệ, công sức cũng như phẩm chất, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, nhất là phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ trì, chủ chốt các cấp. Cùng với đó, “Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tự giác thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương theo quy định của Đảng; bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng để cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử.
Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng và phát huy vai trò giám sát của nhân dân. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã kiên quyết tiến hành cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng “từ trên xuống dưới”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cao cấp là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng; cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cán bộ dân sự và lực lượng vũ trang khi vi phạm bị xử lý nghiêm minh. Một số vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, xử lý theo luật định. Tuy vậy, “tham nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”5, tạo dư luận xấu làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhất là vấn đề đạo đức. Do đó, cùng với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, cần phát huy tốt vai trò giám sát của nhân dân, có cơ chế thích hợp để quần chúng nhân dân giám sát được cán bộ, đảng viên, “biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”6. Mặt khác, cần tạo ra được dư luận xã hội mạnh mẽ “khinh ghét tội tham ô, lãng phí, quan liêu”, làm cho lũ trộm cắp tài sản của Nhà nước và của nhân dân “không sống còn được”7.
Thứ ba, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên sai phạm, “không có vùng cấm”. Để phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả, trước hết phải chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tệ nạn đó. Các cơ quan chức năng cần tập trung nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi cán bộ, đảng viên trong cuộc đấu tranh đầy cam go này. Xây dựng cơ chế răn đe hiệu quả để không thể tham nhũng và không dám tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả quan hệ “lợi ích nhóm”; chống đặc quyền, đặc lợi, khắc phục “tư duy nhiệm kỳ”. Đưa ra xét xử nghiêm những vụ án tham nhũng, trước hết là những vụ nghiêm trọng, phức tạp, được nhân dân quan tâm. Đặc biệt, phải xử lý thật nghiêm những cán bộ, đảng viên thoái hóa về đạo đức, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước; rà soát, phát hiện và khắc phục kịp thời những sơ hở trong cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực tồn tại và phát triển.
Thứ tư, tăng cường đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phê phán các quan điểm, hành vi phi đạo đức; nhất là, đấu tranh phản bác có hiệu quả với những luận điệu xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, bản chất của chế độ ta. Cùng với đó, cần xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng mạng xã hội để đơm đặt, dựng chuyện, vu khống cán bộ, đảng viên tham nhũng, sách nhiễu nhân dân, hòng làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Tăng cường công tác đấu tranh phê phán những biểu hiện thoái hóa, biến chất, đề cao chủ nghĩa cá nhân, xa rời đạo đức cách mạng, tư tưởng “lợi ích nhóm”, lối “tư duy nhiệm kỳ”, mang nặng chủ nghĩa cá nhân của những người có chức, có quyền mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra. Phê phán tư tưởng chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn, trước mắt có lợi cho mình, tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ quản lý hoặc sắp xếp vào những vị trí có nhiều lợi ích để trục lợi.
Xây dựng Đảng về đạo đức là vấn đề lớn, có ảnh hưởng đến sự an nguy về vai trò cầm quyền của Đảng. Vì vậy, phải được tiến hành thường xuyên với thái độ kiên quyết và cầu thị. Qua đó, làm cho Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh đáp ứng yêu cầu lãnh đạo Nhà nước và xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Đại tá, TS. NGUYỄN VIẾT HIỂN và Thượng tá, ThS. ĐỖ ĐÌNH VĂN* ____________________________
* - Trường Sĩ quan Chính trị.
1 - Báo Nhân dân, số 23740, ngày 20/10/2020 – Phụ trương đặc biệt, tr. 16.
2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 603.
3 - Sđd, tr. 601.
4 - Sđd, tr. 612.
5 - Báo Nhân dân, số 23740, ngày 20/10/2020 – Phụ trương đặc biệt, tr. 17.
6 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 13, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 419.
7 - Sđd, Tập 7, tr. 369.
Xây dựng Đảng
Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng 11/03/2021
Xây dựng Binh chủng Tăng thiết giáp ngang tầm nhiệm vụ 23/02/2021
Quán triệt Nghị quyết Đại hội đảng các cấp, thực hiện tốt công tác hậu cần năm 2021 17/02/2021
Khát vọng Việt Nam - Khát vọng phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước 11/02/2021
Quân đội nhân dân Việt Nam vững bước dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng 08/02/2021
Thư, điện chúc mừng Đại hội 02/02/2021
Lãnh đạo các Đảng, các nước gửi điện chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng 02/02/2021
Diễn văn bế mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng 02/02/2021
Thông cáo báo chí về phiên bế mạc của Đại hội XIII 01/02/2021
Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII thành công tốt đẹp 01/02/2021