QPTD -Thứ Năm, 19/11/2020, 14:34 (GMT+7)
Xây dựng Công nghiệp quốc phòng Việt Nam theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng

 “Đẩy mạnh phát triển Công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng” là một nội dung trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng. Đây là định hướng quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Vấn đề độc lập, tự chủ về vũ khí, trang bị kỹ thuật là đích đến của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới; phụ thuộc nhiều yếu tố cả bên trong và bên ngoài, nhất là năng lực thực tế của mỗi quốc gia. Vì vậy, việc đưa thành tố “tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng” làm mục tiêu phát triển Công nghiệp quốc phòng Việt Nam vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII là sự phát triển mới so với định hướng xây dựng và phát triển Công nghiệp quốc phòng trong các nghị quyết trước đây của Đảng. Đây là vấn đề có tính cốt lõi, cần đạt được và là kim chỉ nam cho tất cả các hoạt động có liên quan đến Công nghiệp quốc phòng trong tương lai. Điều đó cũng hoàn toàn nhất quán với đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, định hướng phát triển kinh tế nước ta trong tình hình mới và xu hướng phát triển công nghiệp quốc phòng trên thế giới hiện nay.

Trước hết, về tiêu chí “tự chủ, tự cường”.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân ta cơ bản đều tự dựa vào sức mình để làm ra vũ khí chống giặc ngoại xâm, tạo nên ý chí “tự lực, tự cường” - đặc trưng trong văn hóa bảo vệ Tổ quốc nói chung và văn hoá quân sự nói riêng. Đặc biệt từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, vấn đề độc lập, tự chủ về vũ khí, trang bị kỹ thuật là tư tưởng chính trị xuyên suốt; cơ sở để hình thành các xưởng quân giới đầu tiên và phát triển thành ngành Công nghiệp quốc phòng ngày nay. “Tự lực, tự cường” là giá trị trường tồn, là quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân để kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha ta.

“Tự chủ” về vũ khí, trang bị phản ánh năng lực của Công nghiệp quốc phòng. Đó là năng lực đơn thuần trong điều kiện các yếu tố bên trong và bên ngoài cơ bản ổn định; nhiều công đoạn trong sản xuất vũ khí, trang bị có thể được cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, để “tự cường” thì yêu cầu vũ khí, trang bị phải nội địa hóa 100%, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu và có sự độc đáo, sáng tạo, bí mật, bất ngờ phù hợp với nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Do đó, “tự chủ” phải gắn với “tự cường” để tạo nên chuỗi khép kín: sản xuất, chuyển giao, huấn luyện, diễn tập tuyên truyền sức mạnh chiến đấu, giới thiệu những điểm độc đáo của vũ khí, trang bị “nội địa hóa” với bạn bè quốc tế và xây dựng lòng tin cho nhân dân. Điều đó được phản ánh rõ nét trong lĩnh vực chế tạo vũ khí, đạn của lục quân hiện nay. Việt Nam không chỉ có danh mục sản phẩm đa dạng mà còn tự chủ trong các khâu: nghiên cứu, chế tạo, cải tiến dây chuyền sản xuất; chế tạo nguyên liệu đầu vào;... cho tới tổng lắp, bắn kiểm tra, hình thành chuỗi sản xuất khép kín. Đặc biệt là, năng lực làm chủ những công nghệ nhạy cảm nhất, như: chế tạo thuốc phóng, thuốc nổ, ngòi nổ, hỏa cụ, liều phóng, v.v. Việc quyết tâm sản xuất, không mua của nước ngoài cho phép lục quân tiến lên hiện đại vào năm 2030 là minh chứng mạnh mẽ cho khả năng “tự chủ, tự cường” của chúng ta.

“Tự chủ, tự cường” không có nghĩa là tự ràng buộc mình bằng mô hình khép kín, biệt lập, mà phải tận dụng những lợi thế mới của đất nước, các mối quan hệ hợp tác quốc tế về chính trị, kinh tế, quốc phòng,... để thúc đẩy Công nghiệp quốc phòng hội nhập, kết nối vào thị trường vũ khí và công nghệ quân sự toàn cầu. Điều đó cho phép chúng ta chủ động lựa chọn đối tác có lợi; giảm bớt sự lệ thuộc vào đối tượng cung cấp; đa dạng hóa nguồn lực và giải pháp đầu tư phát triển Công nghiệp quốc phòng. Trong đó, cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hợp tác, liên doanh, liên kết,… thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm quân sự “Made in Vietnam”.

Nếu chiến tranh xảy ra, nước ta có nguy cơ cao bị đối phương chia cắt chiến lược, phong tỏa, cấm vận, tiến công hỏa lực, v.v. Sự “tự chủ, tự cường” là khả năng sinh tồn trong thời chiến; vũ khí, trang bị được sản xuất ra phải đáp ứng kịp thời các yêu cầu của chiến tranh. Do đó, cần quy hoạch thế bố trí, xây dựng cơ sở nghiên cứu, chế tạo vũ khí, trang bị trên địa bàn hậu phương chiến lược, gắn kết, đan xen, lồng ghép với công nghiệp quốc gia; tạo khả năng động viên công nghiệp, duy trì sản xuất trong điều kiện chiến tranh hoặc bị bao vây, cấm vận, phong tỏa, bảo đảm duy trì nguồn cung tại chỗ ổn định cho tác chiến.

Hai là, về tiêu chí “hiện đại, lưỡng dụng”.

Thế giới có nhiều mô hình phát triển công nghiệp quốc phòng khác nhau, như: dựa vào sự giàu có để ưu tiên phát triển vũ khí tối tân, hiện đại; hy sinh nhiều lợi ích kinh tế - xã hội, huy động tối đa nguồn lực để phát triển vũ khí, trang bị; lưỡng dụng hóa, phù hợp với tiềm lực quốc gia. Sự lựa chọn mô hình, hoặc kết hợp tối ưu nhiều phương thức khác nhau xuất phát từ tư duy chính trị, mục tiêu, điều kiện, hoàn cảnh, lịch sử, truyền thống văn hoá,… của mỗi nước. Nhưng phần lớn các nước đi theo mô hình lưỡng dụng để có được khả năng độc lập vũ khí theo cách riêng. Do đó, “hiện đại, lưỡng dụng” trong phát triển Công nghiệp quốc phòng là lựa chọn đúng đắn, phù hợp với quốc tế và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong đi tắt, đón đầu tận dụng cơ hội to lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Đó là hai tiêu chí quan trọng, gắn kết chặt chẽ, cho phép đánh giá tính hiệu quả quá trình phát triển Công nghiệp quốc phòng. Cách mạng công nghệ quân sự và Cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ đặt ra yêu cầu chiến lược là phải “vượt ngưỡng phát triển trung bình”. Tức là phải vươn lên từ trình độ thiết kế, chế tạo vũ khí “cơ khí” là chủ yếu, tiến tới các loại vũ khí mới, vũ khí công nghệ cao, vũ khí có điều khiển và vũ khí tích hợp hệ thống, v.v. Nếu công nghệ chế tạo vũ khí bộ binh cơ bản sử dụng trong lĩnh vực quân sự, thì công nghệ chế tạo vũ khí công nghệ cao lại có tính lưỡng dụng rất nổi trội. Công nghệ trong tên lửa, ra đa, máy bay quân sự rất tương đồng với công nghệ chế tạo tên lửa đẩy vệ tinh, ra đa khí tượng, hàng không, hàng hải, máy bay dân dụng, v.v. Việc chế tạo các bảng mạch điện tử, phần mềm điều khiển vũ khí, trang bị quân sự hoàn toàn tương thích với sản xuất sản phẩm, lập trình phần mềm thương mại. Vì thế, tiêu chí “hiện đại” không tách rời với các lợi ích “lưỡng dụng” trong Công nghiệp quốc phòng.

Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp của Việt Nam phát triển theo hướng ứng dụng nền tảng công nghệ số thì “hiện đại hóa” Công nghiệp quốc phòng tất yếu phải ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là xây dựng và phát triển trên nền tảng không gian số, kết hợp thực - ảo để hình thành phương thức sản xuất mới. “Hiện đại hóa” không chỉ riêng rẽ từng chủng loại vũ khí, trang bị mà phải hướng tới tích hợp hệ thống để tạo ra sức mạnh tổng hợp, đột phá về tính năng; hình thành hệ thống thông minh trên cơ sở tích hợp nhiều sản phẩm “vũ khí thông minh”. Do đó, cần có sự thông minh về công nghệ, nhân lực và quản trị. Để hướng tới mục tiêu dài hạn đó cần thực hiện 05 nội dung chủ yếu sau: (1) Phát triển thành công một số mô hình “Sản phẩm vũ khí thông minh” và “nhà máy Công nghiệp quốc phòng thông minh”; (2) Đổi mới, sáng tạo, phát triển hạ tầng công nghệ số và các lĩnh vực công nghệ cao, lưỡng dụng; (3) Chuyển đổi số đối với hệ thống quản lý ngành Công nghiệp quốc phòng và quản trị kinh doanh tại các đơn vị; (4) Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; (5) Kết nối, phân công, chuyên môn hóa trong nước, quốc tế và thúc đẩy xuất khẩu vũ khí.

Tính “lưỡng dụng” cũng thể hiện qua các yếu tố: năng lực công nghệ, nguồn nhân lực, hạ tầng, sản phẩm, thị trường. Thông thường, những thành tựu mới nhất của công nghệ được ứng dụng trong quân sự; quá trình sản xuất quốc phòng gắn với kinh tế là bước thử nghiệm để chuyển giao phục vụ dân sinh. Ngược lại, các sáng tạo công nghệ mới muốn được sử dụng trong sản xuất sản phẩm quốc phòng cần sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp của các viện nghiên cứu và các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nước. Nói cách khác, công nghiệp quốc phòng có vai trò như cầu nối giữa nền công nghiệp quốc gia và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Đặc thù của Công nghiệp quốc phòng Việt Nam là nhiều nhiệm vụ trong lộ trình công nghiệp hóa chưa được giải quyết; sự đa tầng về trình độ công nghệ phản ánh trong cơ cấu nguồn nhân lực; trong đó, tỷ lệ nhân lực chất lượng cao còn thấp là cản trở lớn đến lộ trình thực hiện mục tiêu nêu trên. Để khắc phục, phải xây dựng đề án chiến lược với những bước đi phù hợp, khả thi; không thể có công thức chung cho mọi đơn vị Công nghiệp quốc phòng mà phải chấp nhận “lộ trình đa tốc độ” tương ứng với xuất phát điểm “đa trình độ” hiện nay. Trong đó, sự phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm; một số mô hình đột phá đi thẳng lên trình độ 4.0; một số khác tập trung hiện đại hóa ở những công đoạn hay phân xưởng sản xuất.

Để đạt được các tiêu chí “tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng” cần có nhiều giải pháp thực thi hiệu quả. Trong đó, 03 yếu tố quan trọng nhất là: tiềm lực khoa học công nghệ, nhân lực và thể chế. Về tiềm lực khoa học công nghệ: ưu tiên ứng dụng có hiệu quả các thành tựu, tiến bộ khoa học công nghệ; chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0; thực hiện đi tắt đón đầu trong một số lĩnh vực công nghệ quân sự; công nghệ lưỡng dụng đặc thù; hiện đại hóa các dây chuyền công nghệ, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm và hạ tầng, phương tiện kỹ thuật,… tạo chuyển biến bước ngoặt về năng lực thiết kế, chế tạo các sản phẩm có tính đột phá về tính năng chiến thuật, kỹ thuật. Về nhân lực: để thu hút nhân tài, cần tập trung đổi mới chế độ, chính sách đãi ngộ và trọng dụng. Trong đó, tôn vinh, động viên, tin cậy và giao nhiệm vụ xứng tầm; có định hướng chiến lược và cơ chế đảm bảo nguồn lực ổn định, dài hạn; bảo đảm điều kiện, phương tiện nghiên cứu và cơ hội trải nghiệm thực tiễn; tạo cơ hội phát triển chuyên môn, cập nhật thông tin khoa học công nghệ trong và ngoài nước;... để các nhà khoa học tâm huyết, gắn bó với sự nghiệp. Về thể chế: cần đổi mới tư duy, cách làm và các chế tài liên quan, như: tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, quy hoạch thế bố trí,... theo hướng tiên tiến, hiện đại, hội nhập, tinh gọn, năng động. Doanh nghiệp Công nghiệp quốc phòng phải được tái cơ cấu để thích ứng với các yêu cầu gắn kết, phân công, chuyên môn hóa theo cơ chế quản lý của công nghiệp quốc gia và hội nhập quốc tế để có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Cùng với đó, Đảng, Nhà nước, Quân đội cần có quyết tâm chính trị cao; kiên định chiến lược dài hạn; xây dựng thể chế pháp lý vững chắc; chủ trương chính sách nhất quán, nhằm xây dựng một hệ thống tổ chức đồng bộ, phân công chuyên môn hóa hợp lý cả theo chiều dọc và chiều ngang, khép kín và đủ năng lực ở mọi khâu. Đó là những yếu tố then chốt để huy động năng lực tài chính, hạ tầng kỹ thuật, tiềm lực khoa học công nghệ, nguồn nhân lực,... phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thực hiện một lộ trình xuyên suốt, đúng tiến độ, phù hợp với từng giai đoạn, đưa Công nghiệp quốc phòng Việt Nam phát triển đúng định hướng, mục tiêu tới năm 2030 và các năm tiếp theo.

Thiếu tướng, PGS,TS. ĐOÀN HÙNG MINH

Ý kiến bạn đọc (0)

Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Ngày 9/3/2021, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị tới các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.