QPTD -Thứ Năm, 24/12/2020, 07:44 (GMT+7)
Vai trò cầm quyền, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - thành tựu và tầm nhìn

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta ngày càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn vị trí, vai trò, nội dung, phương thức cầm quyền, lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề đảng cầm quyền và sự cầm quyền của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vẫn còn nội dung chưa được nhận thức đầy đủ, sâu sắc, nhất là việc giải quyết mối quan hệ giữa quyền lãnh đạo của Đảng với quyền lực của Nhà nước. Vì vậy, góp phần làm rõ hơn những vấn đề lý luận - thực tiễn Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền lãnh đạo có ý nghĩa rất quan trọng trước thềm Đại hội XIII của Đảng.

Sinh thời, C. Mác, Ph. Ăngghen đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảng cầm quyền và Đảng Cộng sản cầm quyền. Tuy nhiên, vào thời đại của các ông, trên thực tế, giai cấp vô sản chưa giành được chính quyền và do đó, chưa thể thành lập nhà nước của giai cấp vô sản. Vì thế, hai ông chưa có điều kiện đề cập sâu sắc và luận giải toàn diện vấn đề này mà tập trung phân tích, làm rõ hơn về giai cấp và đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội trong điều kiện xã hội có giai cấp đối kháng. Trên cơ sở đó, C. Mác và Ph. Ăngghen khẳng định sự cần thiết phải thành lập đảng chính trị của giai cấp vô sản và nhấn mạnh vai trò các đảng chính trị của giai cấp vô sản là phải giành và giữ được quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Từ thực tiễn phong trào công nhân quốc tế cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I. Lênin đã bổ sung, phát triển sáng tạo  tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăngghen về tính tất yếu phải xây dựng chính đảng của giai cấp vô sản. Qua đó nâng tầm cao tư tưởng ấy thành học thuyết khoa học, cách mạng về xây dựng đảng mácxít kiểu mới của giai cấp công nhân với tính cách là một đảng cầm quyền lãnh đạo cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo V.I. Lênin, tính tất yếu khách quan phải xây dựng và củng cố vững chắc vị thế, vai trò lãnh đạo của đảng mácxít kiểu mới của giai cấp công nhân là điều kiện tiên quyết, cơ bản, hàng đầu, nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp đấu tranh cách mạng, thực hiện khát vọng giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người.

Là người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền. Khái niệm Đảng Cộng sản cầm quyền lần đầu tiên được Người sử dụng để khẳng định “Đảng ta là một đảng cầm quyền” với tư cách là một đảng duy nhất trong hệ thống chính trị nắm giữ quyền lực chính trị và thực hiện vai trò lãnh đạo Nhà nước từ năm 1945, khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Đối với nhân dân ta, “đảng cầm quyền” đã chứa đựng trong đó ý nghĩa “đảng lãnh đạo”: Đảng nắm chính quyền và kiểm soát quyền lực nhà nước, Đảng hóa thân vào Nhà nước và dân tộc. Về thực chất, Đảng sử dụng Nhà nước, thông qua Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan quyền lực nhà nước và hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đem lại lợi ích cho nhân dân.

Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền thể hiện ở nội dung lãnh đạo thông qua cương lĩnh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng; về bản chất, những nội dung Đảng cầm quyền thể hiện rõ uy thế cầm quyền của một đảng duy nhất lãnh đạo, được nhân dân tin yêu, thừa nhận và Hiến pháp hiến định. Đảng không đứng trên pháp luật, ở ngoài pháp luật, không làm trái với quyền lực, lợi ích của nhân dân; không có đảng đối lập và cạnh tranh quyền lực. Việc xác định đúng đắn, hợp lý và tối ưu các nội dung cầm quyền lãnh đạo của Đảng phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, từng yêu cầu nhiệm vụ cụ thể để Đảng đưa cách mạng Việt Nam đi đến thành công. Điều đó đã khẳng định uy tín, vị thế cầm quyền của Đảng; biểu hiện sinh động tính đặc thù và tất yếu khách quan của cách mạng cần có sự cầm quyền thống nhất của Đảng, phù hợp với tiến trình lịch sử, tiến bộ xã hội và điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Đảng cầm quyền thông qua sự lãnh đạo các cơ quan công quyền chứ không tự mình biến thành Nhà nước, làm thay Nhà nước. Về nguyên tắc, Đảng không phải là cơ quan công quyền. Chính vì vậy, Đảng không lấn sâu vào các chức năng của cơ quan quyền lực công. Điều đó có nghĩa là, không thể và không được đồng nhất quyền lực của Đảng với quyền lực của Nhà nước, dẫu rằng trong thực tế, có mặt chứa đựng những bất cập về thực hiện vai trò cầm quyền lãnh đạo của Đảng, thậm chí tiềm ẩn khả năng mắc bệnh độc đoán, chuyên quyền, lộng quyền, quan liêu, tham nhũng, kìm hãm dân chủ,... cản trở sự phát triển của Đảng.

Lợi dụng phê phán hệ thống nhất nguyên, một đảng cầm quyền, các phần tử cơ hội, phản động đã công kích Đảng ta, đòi đa nguyên, đa đảng; đòi thành lập một nhà nước “không cộng sản”. Đây là những điều phi lý, không thể chấp nhận. Thực tiễn chỉ ra rằng, trong một quốc gia - dân tộc, sự tồn tại một đảng hay nhiều đảng chưa phải là nhân tố để khẳng định quốc gia - dân tộc đó dân chủ hay không dân chủ. Vấn đề là ở chỗ, quốc gia - dân tộc đó đã bảo đảm thực thi dân chủ như thế nào, thực hiện quyền lực của nhân dân ra sao trong quá trình lãnh đạo nhà nước và xã hội. Thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam thực hiện vai trò của một đảng cầm quyền, Đảng ta luôn vì nước, vì dân; được nhân dân tin yêu, hết lòng ủng hộ, giúp đỡ. Nhờ đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, tiến hành công cuộc đổi mới thành công, giành những thành tựu lo lớn, có ý nghĩa lịch sử. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã kiểm chứng và xác nhận: khi chưa giành được chính quyền, nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Đảng là lãnh đạo nhân dân đấu tranh lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân. Khi thắng lợi, giành được chính quyền, trở thành đảng cầm quyền, Đảng ta hết sức quan tâm chăm lo đến lợi ích, làm cho người dân được thụ hưởng thành quả cách mạng mà họ đã hy sinh xương máu để giành lấy.

Là một đảng cầm quyền lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng mối đoàn kết, thống nhất trong Đảng và luôn yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; coi đó là lương tâm, trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân, là cách duy nhất làm cho vai trò cầm quyền lãnh đạo của Đảng luôn giữ vững vai trò quyết định. Đại đoàn kết toàn dân tộc không phải là sách lược mà là chiến lược lâu dài, nhất quán của Đảng cầm quyền. Để Đảng ta luôn xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên phải suốt đời “tận trung với nước, trọn hiếu với dân”, ra sức phấn đấu trở thành người lãnh đạo, “người đầy tớ” thật trung thành của nhân dân.

Trước đây, khi chưa có chính quyền, phải giấu mình hoạt động bí mật, Đảng hoàn toàn dựa vào nhân dân, sống trong lòng nhân dân, được nhân dân nuôi dưỡng, chở che, bảo vệ và giúp đỡ về mọi mặt; nhờ đó, Đảng gần gũi, gắn bó máu thịt với nhân dân, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Khi trở thành Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên được Đảng phân công giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội để nắm quyền lực, tài sản, tiền bạc của nhân dân,… nếu thiếu tu dưỡng, rèn luyện, cán bộ, đảng viên rất dễ biến thành “những ông quan cách mạng”, coi thường, hách dịch, sách nhiễu dân, làm cho dân bất bình, ai oán, mất lòng tin vào Đảng, Nhà nước và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, để phấn đấu trở thành người “đầy tớ thật trung thành” của nhân dân, không phụ lòng tin của nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên phải lo nỗi lo của nhân dân, đau nỗi đau của nhân dân, vui với niềm vui của nhân dân; nếu người dân còn bị đói nghèo, thì Đảng chưa làm tròn nhiệm vụ.

Một trong những nội dung quan trọng nhất thể hiện rõ vai trò Đảng cầm quyền là giải quyết thấu đáo, hài hòa mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện tốt cơ chế: Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ. Để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình, cùng lúc Đảng phải đồng thời lãnh đạo triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Một trong những giải pháp đem lại hiệu quả cao nhất là Đảng cầm quyền lãnh đạo Nhà nước bằng cách hóa thân vào Nhà nước, chọn lựa, đưa những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, đức và tài, có uy tín, được nhân dân tin yêu vào nắm giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy của Đảng, các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cơ sở; lãnh đạo các cơ quan đó vận hành theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng để thực hiện phương thức cầm quyền lãnh đạo của Đảng, làm cho các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc vận hành thông suốt, có hiệu quả, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm. Sở dĩ Đảng cầm quyền thành công bởi Đảng một lòng một dạ vì nước, vì dân, lãnh đạo Nhà nước và xã hội một cách dân chủ, công khai, minh bạch, phù hợp, khoa học; luôn đổi mới và sáng tạo, làm cho guồng máy của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội vận hành thông suốt, hiệu quả. Đảng quy tụ, tập hợp và phát huy tốt vai trò làm chủ trực tiếp, làm chủ thông qua Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”.

Trước dân tộc và toàn thể nhân dân, trước thời cơ, vận hội và khó khăn, thách thức, Đảng ta đang thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm về sự cầm quyền lãnh đạo của mình. Để làm được điều đó, Đảng cần phải: (1) Tiếp tục nâng cao tầm trí tuệ, uy tín, vị thế của mình; kiên định, sáng tạo hơn nữa trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; coi đó là “chìa khóa” mở đường đưa dân tộc tiến lên phía trước, đạt những thành tựu mới; (2) Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh để dẫn dắt dân tộc sớm trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập cao; (3) Tiếp tục đổi mới phương thức cầm quyền, lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, hệ thống chính trị và toàn xã hội để thực hiện khát vọng phát triển, bảo đảm “trong ấm, ngoài êm”; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước.

Để làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình, đòi hỏi Đảng phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức; sống mãi trong lòng nhân dân và dân tộc. Thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới khẳng định uy tín, vị thế, năng lực, trình độ, bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm của Đảng trước nhân dân và toàn thể dân tộc Việt Nam.

Thiếu tướng, PGS, TS. NGUYỄN BÁ DƯƠNG, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Ý kiến bạn đọc (0)

Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Ngày 9/3/2021, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị tới các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.