QPTD -Thứ Hai, 17/08/2020, 08:38 (GMT+7)
Tư duy về xây dựng nền quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Quốc phòng, an ninh là một trong những vấn đề quan trọng nhất, nhằm bảo vệ chế độ chính trị, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Nhận thức sâu sắc vấn đề đó, trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta đã đưa ra nhiều nội dung quan trọng, bổ sung, phát triển về tăng cường quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

 1. Về mục tiêu của quốc phòng, an ninh

Dự thảo văn kiện xác định: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, đồng thời kết hợp với sức mạnh của thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc…”1. Tại Đại hội XII, Đảng ta đề cập phát huy “mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp”, nhưng trong Dự thảo Đại hội XIII, phát huy “cao nhất sức mạnh tổng hợp”, điều này gắn liền với chủ đề Đại hội: “phát huy ý chí khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc…”. Đây là sự bổ sung, phát triển tư duy lý luận trong việc xác định sức mạnh bảo vệ Tổ quốc khi tình hình khu vực và quốc tế dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Điều này thể hiện việc kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam trong khó khăn, thử thách thì ý chí, khát vọng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc được phát huy cao độ, tạo nên sức mạnh vô địch thực hiện mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mục tiêu bảo vệ Tổ quốc được xác định trong Dự thảo là: “…bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc….2, nội dung này đã được xác định trong kỳ Đại hội trước, đây là sự kế thừa, phát triển trong điều kiện cụ thể. Việc xác định: “bảo vệ toàn diện” có nghĩa là toàn diện cả phương diện tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội, văn hóa, môi trường sống, môi trường hòa bình, thống nhất, cả trong việc “phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp” trong một chỉnh thể thống nhất. Các nội dung thống nhất ở đây theo nghĩa thống nhất tổng thể từng yếu tố và các yếu tố với nhau chứ không chỉ thống nhất đơn thuần một lĩnh vực nào. Trong tình hình mới, nhiệm vụ tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh để bảo vệ Tổ quốc phải bảo đảm: “lợi ích quốc gia, dân tộc”, nên trong Dự thảo Văn kiện, Đảng ta một lần nữa muốn nhấn mạnh là trong hội nhập không được “quên lãng” hoặc “coi nhẹ” lợi ích trước mắt và lâu dài quốc gia, dân tộc, không vì hội nhập mà mất độc lập, chủ quyền. Đồng thời, giữ vững môi trường ổn định, hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho các nước trên thế giới hợp tác với Việt Nam và khi hợp tác luôn phải giữ vững ổn định để phát triển bền vững, lâu dài. Các nội dung về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trong Dự thảo Văn kiện lần này kế thừa, phát triển sáng tạo từ các kỳ đại hội trước, có quan hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau trong chỉnh thể thống nhất; bảo vệ lĩnh vực này cũng có nghĩa là góp phần bảo vệ lĩnh vực khác và ngược lại, không xem nhẹ hoặc tuyệt đối hóa một lĩnh vực nào.

2. Về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh

Trong Dự thảo Đảng ta xác định: “…Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và nhân dân ta, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng ta, tạo cơ sở quan trọng cho Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn quân xác định và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh theo chức năng, nhiệm vụ của mình, nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Khẳng định củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ “trọng yếu, thường xuyên”, Đảng ta nhấn mạnh, trong khi xác định đặt lên hàng đầu nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhưng không coi nhẹ nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, bởi vì củng cố quốc phòng, an ninh là cơ sở trực tiếp tạo thuận lợi cho nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế; ngược lại, kinh tế phát triển, đất nước mạnh lên sẽ là “phương thức hữu hiệu” để bảo vệ Tổ quốc. Đây là quan điểm lý luận cơ bản, chi phối, quy định toàn bộ các nội dung, quan điểm của Đảng về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Để thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, trong Dự thảo Đảng xác định: “…Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế…”. Đây là sự kế thừa kinh nghiệm quý, phương thức giữ nước đặc sắc của dân tộc và được bổ sung đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, phải củng cố quốc phòng và an ninh để có đủ sức mạnh “ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa…”, không để các thế lực thù địch lợi dụng tạo cớ, gây hấn để xảy ra chiến tranh hoặc xung đột.

3. Về sức mạnh bảo vệ Tổ quốc

Đảng ta xác định, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc: sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lần này, Đảng tiếp tục khẳng định sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhưng bổ sung, nhấn mạnh: đồng thời kết hợp sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Như vậy, lực lượng bảo vệ Tổ quốc là toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt. Đó là sức mạnh tổng hợp của các yếu tố: chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, đối ngoại; biểu hiện sức mạnh vật chất, tinh thần của toàn bộ nhân dân trong nước và kiều bào Việt Nam định cư ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc. Đó còn là sự kết hợp chặt chẽ sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Bởi vậy, cần  tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên để nhân dân thế giới và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu đủ về Việt Nam, qua đó đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, giúp đỡ, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc.

Để phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang, Đảng ta xác định: “…xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại…. Thực tế cho thấy, việc xác định xây dựng Quân đội, Công an hiện đại hay từng bước hiện đại luôn là sự lựa chọn không dễ dàng. Điều quan trọng là cần nghiên cứu một cách tổng thể, toàn cục, dựa trên cơ sở của nhiều yếu tố hợp thành để có sự lựa chọn đúng đắn, khoa học, có lợi nhất. Việc xác định phương hướng xây dựng Quân đội, Công an từng bước hiện đại cũng sẽ có những khó khăn nhất định về mặt nhận thức, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì phương hướng này được Đảng ta xác định và thực hiện từ Đại hội VII (năm 1991), tức là cách đây gần 30 năm, nhưng đến nay tiếp tục được khẳng định sẽ không khỏi có ý kiến băn khoăn. Xây dựng Quân đội, Công an hiện đại luôn là sự mong mỏi thiết tha, nguyện vọng chính đáng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trước hết và trên hết là cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân. Đây là khó khăn nữa trong việc lựa chọn phương hướng, trước diễn biến phức tạp mới ở Biển Đông kéo theo sự gia tăng đầu tư quốc phòng của một số nước trong khu vực, đang tạo áp lực, thách thức nhất định đối với nước ta về tăng cường quốc phòng, hiện đại hóa Quân đội, nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chính vì vậy, trong Dự thảo xác định một số quân chủng, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian trước mắt và lâu dài.

Dự thảo xác định cụ thể: “…xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên vùng, miền, trên biển…”. Quan điểm sức mạnh tổng hợp và lực lượng toàn diện bảo vệ Tổ quốc, phản ánh sâu sắc tính chất toàn dân, toàn diện của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới được Đảng ta tiếp tục khẳng định với nội hàm sâu, rộng thêm, cụ thể hóa lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ hùng hậu, các vùng miền và cụ thể trên biển. Trong lúc Biển Đông đang diễn biến phức tạp, khó lường, việc cụ thể hóa trong Dự thảo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên trên biển là đòi hỏi khách quan, vừa là sáng tạo, đột phá trong tư duy của Đảng về tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong mọi lúc, mọi nơi, mọi tình huống. Dự thảo Văn kiện nêu: “…có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh…”. Nội dung này, Đảng ta muốn nhấn mạnh việc hoàn thiện cơ chế huy động vì trên thực tế ta đã có cơ chế rồi nhưng đòi hỏi nhiệm vụ mới, tình hình mới trong tư duy cần có cơ chế hoàn thiện, hoàn chỉnh.

4. Sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước

Trong Dự thảo lần này, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh…”. Trong nhận thức lý luận cũng như trong tổ chức thực tiễn, Đảng ta luôn trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng để tổ chức, lãnh đạo và chỉ đạo sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước là cơ sở chắc chắn nhất bảo đảm cho Tổ quốc được bảo vệ vững chắc trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp ở khu vực cũng như quốc tế. Hiện nay, trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, hòng làm cho Quân đội và Công an mất phương hướng chính trị, xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu. Vì vậy, một trong những vấn đề vô cùng quan trọng là thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh nói chung, đối với Quân đội, Công an nói riêng và công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

TS. TRẦN QUỐC DƯƠNG, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
__________________

1 - ĐCSVN – Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, tháng 4/2020, tr. 49

2 - Sđd, tr. 49.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Ngày 9/3/2021, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị tới các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.