Thứ Bảy, 23/11/2024, 09:17 (GMT+7)
Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XII của Đảng), chúng tôi có cuộc phỏng vấn Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, những kết quả nổi bật của quân đội năm 2020.
Phóng viên: Kính thưa Bộ trưởng, năm 2020, Quân ủy Trung ương đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Bộ trưởng có thể khái quát kết quả trọng tâm của đại hội và những mục tiêu được đại hội xác định nhằm xây dựng quân đội vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc? Đại tướng Ngô Xuân Lịch: Có thể khẳng định rằng, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã thành công rất tốt đẹp, như đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khẳng định: “Đại hội đã được chuẩn bị chu đáo, tổ chức chặt chẽ, đúng nguyên tắc, thực sự là đại hội mẫu mực, tiêu biểu, tạo sự lan tỏa tích cực trong toàn Đảng”. Với tinh thần “Đoàn kết-Trí tuệ-Bản lĩnh-Dân chủ-Kỷ cương”, đại hội đã tích cực thảo luận, tham gia nhiều ý kiến có chất lượng đóng góp vào các văn kiện của đại hội và dự thảo các văn kiện của Trung ương trình Đại hội XIII của Đảng; đồng thời lựa chọn, bầu đoàn đại biểu gồm 46 đồng chí (43 chính thức, 3 dự khuyết) cùng 18 đại biểu đương nhiên, thay mặt cho Đảng bộ Quân đội dự Đại hội XIII của Đảng. Đại hội đã đề ra một số mục tiêu chiến lược chủ yếu, đó là:
2. Phát huy tốt vai trò nòng cốt của Quân đội nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ các cấp vững chắc.
3. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành điều chỉnh tổ chức lực lượng “tinh, gọn, mạnh”; đến năm 2030, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại; phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại.
4. Nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục-đào tạo; tạo chuyển biến vững chắc về việc chấp hành pháp luật, kỷ luật. Hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu trên các mặt công tác, từng bước làm chủ công nghệ chế tạo, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng vũ khí trang bị công nghệ cao.
5. Hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng thực chất, hiệu quả, tạo môi trường quốc tế thuận lợi, góp phần củng cố vị thế chiến lược của đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
6. Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, Quân đội vững mạnh về chính trị, giữ vững và phát huy bản chất cách mạng, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Phóng viên: Kính thưa Bộ trưởng, năm 2020 là năm với nhiều kết quả nổi bật trong đối ngoại quốc phòng. BQP đã chủ trì, tổ chức thành công nhiều hội nghị, sự kiện quan trọng, góp phần xây dựng lòng tin chiến lược, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước và Quân đội, tạo thế chủ động để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Bộ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về những thành công này?
Đại tướng Ngô Xuân Lịch: Năm 2020, mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng BQP đã chủ trì, điều phối thành công 25 hoạt động, hội nghị quốc phòng, quân sự ASEAN trên cả hai hình thức tổ chức trực tiếp và trực tuyến. Đặc biệt, đã chủ trì, điều phối, tổ chức rất thành công Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN; Hội nghị Tư lệnh Lực lượng quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 17; Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 14; Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ 7. Cả 4 hội nghị đều ra được Tuyên bố chung, với sự thống nhất cao của các thành viên. Đây là kết quả rất ấn tượng, nổi bật, các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế đều đánh giá rất cao sự thành công và vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020.
Các hoạt động đối ngoại quốc phòng song phương với các nước láng giềng, các nước có ý nghĩa chiến lược, các nước ASEAN và bạn bè truyền thống tiếp tục được triển khai sâu rộng, thực chất, hiệu quả bằng các hình thức thích hợp. Quân đội ta đã đạt thành tích xuất sắc trong Hội thao quân sự quốc tế Army Games 2020 tại Liên bang Nga, để lại ấn tượng tốt đẹp; tích cực triển khai hợp tác quốc tế về phòng, chống dịch Covid-19, chủ trì tổ chức thành công Diễn tập trực tuyến Quân y các nước ASEAN về ứng phó với dịch Covid-19 tháng 5/2020.
Trong lĩnh vực Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 tại Nam Sudan, các cá nhân tham gia Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi, trụ sở Liên hợp quốc đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chúng ta đang khẩn trương chuẩn bị cho Đội Công binh, Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 đi làm nhiệm vụ trong năm tới. Các nước, nhất là Liên hợp quốc đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam trong tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Phóng viên: Kính thưa Bộ trưởng, năm 2020, Quân đội là lực lượng đi đầu trong tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống đại dịch Covid-19, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân, tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Vậy, Bộ trưởng có thể chia sẻ cho bạn đọc biết rõ hơn về sự tham gia tích cực đó? Đại tướng Ngô Xuân Lịch: Có thể khẳng định rằng, Quân đội đã phát huy tốt vai trò nòng cột, xung kích đi đầu trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường. Trước dự báo tình hình thiên tai diễn biến hết sức phức tạp, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo toàn quân kiểm tra, rà soát chặt chẽ các vị trí đóng quân, công trình chiến đấu, các trận địa phòng không bảo vệ hệ thống hồ đập trọng điểm trên toàn quốc; chủ động xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, duy trì, thực hiện nghiêm các chế độ ứng trực; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương kịp thời ứng phó khi có tình huống; đã huy động gần 330.000 lượt bộ đội, dân quân tự vệ, trên 11.000 lượt phương tiện thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, bão lũ, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn cả trên đất liền và trên biển; làm tốt công tác tư tưởng, giải quyết kịp thời các chính sách, ổn định đời sống, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Trong phòng, chống dịch Covid-19, toàn quân đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh hợp tác quân y với các nước; tổ chức diễn tập toàn quân về phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian ngắn; duy trì trên 1.600 tổ, chốt kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới đất liền và trên hướng biển; huy động lực lượng, phương tiện, cơ sở doanh trại để làm khu cách ly đúng quy định; tích cực tham gia xử lý môi trường tại một số địa phương. Kịp thời sản xuất bộ kit chẩn đoán nhanh; phối hợp nghiên cứu, sản xuất, đang thử nghiệm vaccine phục vụ hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19...
Cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, kịp thời có mặt ở những nơi gian khó, phối hợp xử lý có hiệu quả các tình huống; khẳng định vai trò của “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”, xứng đáng là quân đội của dân, do dân, vì dân, làm đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Phóng viên: Kính thưa Bộ trưởng, tại Kỳ họp thứ 10 vừa qua, với 100 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Vậy nghị quyết này có tầm quan trọng và ý nghĩa như thế nào đối với Quân đội ta?
Đại tướng Ngô Xuân Lịch: Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 130/2020/QH14 về tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nhằm thể chế hóa, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và hội nhập quốc tế, phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Việc ban hành nghị quyết này đã tạo khung pháp lý về việc tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; nâng cao hiệu quả quản lý chỉ huy, điều hành, thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm hợp lý chế độ chính sách; chuẩn hóa quy trình, thủ tục pháp lý trong chuẩn bị lực lượng, phương tiện, triển khai, điều chỉnh, rút lực lượng và xử lý những vấn đề phát sinh tại địa bàn. Đây là cơ sở rất quan trọng để Bộ quốc phòng tham mưu và triển khai thực hiện hiệu quả “Đề án tổng thể về Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình iên hợp quốc” trong thời gian tới.
Để giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với lực lượng tham gia Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Bộ quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, kinh phí bảo đảm và chế độ chính sách, kế hoạch thực hiện tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trình Chính phủ, Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định chủ trương cử mới, điều chỉnh, rút lực lượng theo thẩm quyền; đồng thời, thực hiện việc điều phối quốc gia và bố trí lực lượng luân phiên, thay thế tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Phóng viên: Kính thưa Bộ trưởng, với nỗ lực rất lớn của Ban soạn thảo, Bộ Quốc phòng, năm 2020, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Biên phòng Việt Nam với số phiếu tán thành rất cao. Vậy luật này có ý nghĩ gì đối với công tác xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới?
Đại tướng Ngô Xuân Lịch: Ngày 11/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Biên phòng Việt Nam, với số phiếu tán thành rất cao. Luật Biên phòng Việt Nam ra đời có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Luật Biên phòng Việt Nam là sự cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm, tư duy mới của Đảng, Nhà nước về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia toàn dân rộng khắp, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, mỗi người dân biên giới là một “cột mốc sống”. Luật Biên phòng Việt Nam là cơ sở pháp lý quan trọng để Bộ Quốc phòng tham mưu với Chính phủ chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng cùng các địa phương biên giới và các lực lượng liên quan tổ chức thực thi nhiệm vụ biên phòng, đầu tư hiện đại hóa các công trình trên biên giới; bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách đặc thù, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, đặc biệt là chính sách cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, cống hiến...; đồng thời, tiếp tục phát huy và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên biên giới.
Luật Biên phòng Việt Nam ra đời sẽ tạo “đòn bẩy” thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giúp đồng bào các dân tộc tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống, phát triển vùng biên giới ngày một giàu đẹp, góp phần xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phòng thủ vững chắc. Phóng viên: Để bảo đảm xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ, năm 2021, Quân ủy Trung ương, Bộ quốc phòng chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu nào, trong đó công tác xây dựng pháp luật được dự kiến xây dựng như thế nào, kính thưa Bộ trưởng?
Đại tướng Ngô Xuân Lịch: Công tác xây dựng pháp luật về quân sự, quốc phòng là nội dung quan trọng, góp phần phát triển tư duy lý luận, hoàn thiện đường lối, chính sách về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài. Năm 2021, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành văn bản về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, trong đó, công tác xây dựng pháp luật tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
1. Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng theo những nội dung định hướng trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và yêu cầu thực tiễn, chủ động rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực, ngành quản lý để đề xuất nội dung hoàn thiện pháp luật, kịp thời xử lý những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp với thực tiễn, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở pháp lý trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, cơ yếu, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, chỉ huy quân đội. 2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật. Xác định rõ cơ chế phân công, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thi hành pháp luật.
3. Nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, ban hành một số luật, văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về quân sự, quốc phòng, như: Luật Động viên công nghiệp, Luật Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Luật Công nghiệp Quốc phòng...
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn: qdnd.vn
Đại hội XIII của Đảng,Bộ đội Cụ Hồ
Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng 11/03/2021
Xây dựng Binh chủng Tăng thiết giáp ngang tầm nhiệm vụ 23/02/2021
Quán triệt Nghị quyết Đại hội đảng các cấp, thực hiện tốt công tác hậu cần năm 2021 17/02/2021
Khát vọng Việt Nam - Khát vọng phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước 11/02/2021
Quân đội nhân dân Việt Nam vững bước dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng 08/02/2021
Thư, điện chúc mừng Đại hội 02/02/2021
Lãnh đạo các Đảng, các nước gửi điện chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng 02/02/2021
Diễn văn bế mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng 02/02/2021
Thông cáo báo chí về phiên bế mạc của Đại hội XIII 01/02/2021
Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII thành công tốt đẹp 01/02/2021