QPTD -Thứ Hai, 07/12/2020, 10:19 (GMT+7)
Kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh trên biển, đảo trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng

Kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là yêu cầu khách quan, nội dung cơ bản được Đảng ta thể hiện trong đường lối lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh trên biển, đảo là nội dung quan trọng, được Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng bổ sung, phát triển với nhiều điểm mới, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Kế thừa, phát triển quan điểm của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh qua các kỳ Đại hội, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát triển bền vững kinh tế biển phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, kiểm soát khai thác tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển, gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo1. Đây là điểm mới, phản ánh bước phát triển trong tư duy của Đảng ta về kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh trên biển, đảo. Quan điểm này hoàn toàn đúng đắn, cần thiết, phù hợp với thực tiễn quá trình xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Như chúng ta thấy, thế giới đang bước vào giai đoạn bùng nổ, phát triển mới; tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu, nhất là về năng lượng dẫn tới cạnh tranh thị trường, tranh chấp lãnh thổ và xung đột trở nên gay gắt hơn. Vì thế, vươn ra biển, khai thác đại dương đã trở thành mục tiêu mang tính chiến lược của các quốc gia có biển và cả các quốc gia không có biển. Vì vậy, có thể nói “Thế  kỷ XXI là thế kỷ của đại dương” và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.

Là quốc gia nằm ở ven Biển Đông, Việt Nam có bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam, với hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ; trong đó, có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với 28 tỉnh, thành phố ven biển. Vùng biển nước ta có nhiều tài nguyên, là nơi tập trung nhiều ngành kinh tế trọng điểm của đất nước; vùng ven biển có mật độ dân cư lớn, v.v. Nhận rõ tiềm năng, lợi thế đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, như: Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, v.v. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, đặc biệt là trên hướng biển, đảo. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Phát triển mạnh kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển đảo2; “Phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển đảo3. Trên thực tế, kinh tế biển có bước phát triển khá mạnh ở các tỉnh, thành phố ven biển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, như: du lịch biển, đảo; khai thác và chế biến hải sản; phát triển các khu kinh tế ven biển; hệ thống giao thông của các địa phương ven biển có sự đầu tư, phát triển nhanh, đồng bộ hơn. Theo đó, đời sống, mức sống của nhân dân ở ven biển và trên các đảo được cải thiện, nâng lên rõ rệt cả về vật chất, tinh thần. Đi đôi với phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh tuyến biển, đảo cũng được củng cố, tăng cường, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc, kiềm chế xung đột, tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mặc dù là một quốc gia biển, song Việt Nam chưa phải là một quốc gia mạnh về biển; chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của biển. Việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường biển chưa chặt chẽ, chưa bảo đảm hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển với bảo vệ, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái biển, ven biển; ô nhiễm môi trường biển có lúc, có nơi diễn ra nghiêm trọng. Tình trạng xả chất thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn ra biển đang diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế, đời sống, sinh kế của người dân ven biển. Một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức, đa dạng sinh học suy giảm; công tác ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn hạn chế. Bên cạnh đó, tình trạng tàu nước ngoài cố tình đâm, va tàu cá của ngư dân ta khi khai thác, đánh bắt hải sản hợp pháp trên vùng biển Việt Nam trong thời gian gần đây có chiều hướng diễn biến phức tạp. Hành vi này đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển năm 1972 và Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo các nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân. Do vậy, Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XIII xác định: “Phát triển bền vững kinh tế biển phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, kiểm soát khai thác tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển, gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Quan điểm này đã phản ánh tư duy mới của Đảng ta, hoàn toàn đúng đắn, cần thiết và phù hợp với thực tiễn hiện nay. Việc coi trọng phát triển kinh tế biển, đảo phải đi đôi với kiểm soát khai thác tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển để phát triển kinh tế biển một cách bền vững và luôn tuân thủ, giải quyết các vấn đề bất đồng, tranh chấp trên biển, đảo theo đúng luật pháp quốc tế. Những năm qua, Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực, có trách nhiệm đối với các vấn đề về biển và đại dương; cam kết xây dựng lòng tin của cộng đồng quốc tế trong thực thi các quyền, lợi ích hợp pháp trên Biển Đông, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiểm soát, tiến tới chấm dứt việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không đúng quy định (IUU). Đồng thời, mong muốn các nước có vùng biển giáp ranh cũng phải tuân thủ, giải quyết các vấn đề trên biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi cả thế giới đang “căng mình” phòng, chống đại dịch Covid-19 thì Biển Đông vẫn “dậy sóng”, bởi những toan tính của các nước lớn trong chiến lược cạnh tranh địa chính trị.

Cùng với đó, “nâng cao đời sống nhân dân vùng biển đảo” là điểm mới trong nội hàm phát triển kinh tế biển bền vững được Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định. Điểm này rất quan trọng, bởi lẽ nhân dân vùng biển, đảo chính là “cột mốc chủ quyền sống” của quốc gia trên biển, đảo; mặt khác, phát triển kinh tế biển bền vững, nâng cao đời sống cho nhân dân vùng biển, đảo sẽ bảo đảm ngày càng tốt hơn các nguồn lực, tạo cơ sở, điều kiện quan trọng củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” vững mạnh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp,  ngành, địa phương ven biển quan tâm, ưu tiên đầu tư, xây dựng, phát triển bền vững kinh tế biển, đảo, nhất là ở các huyện đảo, xã đảo tiền tiêu, xa bờ. Chú trọng phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ven biển, đảo, nhất là hạ tầng nghề cá có tính lưỡng dụng và kết nối đất liền với các đảo; đẩy mạnh phát triển các dự án, chương trình đánh bắt xa bờ, bảo đảm các nguồn lực, điều kiện cho ngư dân yên tâm gắn bó, vươn khơi, bám biển. Đồng thời, là cơ sở để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương “Điều chỉnh, bổ sung và nâng cao hiệu quả các khu kinh tế - quốc phòng ở các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo. Thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế biển, vùng ven biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh4.

Một điểm mới nữa trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII là Đảng ta đã khẳng định vai trò quan trọng, trực tiếp tham gia phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trên biển, đảo của lực lượng dân quân tự vệ biển. Thực hiện mục tiêu này, Dự thảo nêu rõ: “..., xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, coi trọng lực lượng dân quân tự vệ biển và dân quân tự vệ ở các địa phương trọng điểm5. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường trên Biển Đông đang đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu mới trong việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Vì thế, việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, đủ sức quản lý,  bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo; trong đó, đẩy mạnh hiện đại hóa lực lượng Hải quân, Phòng không - Không quân, Cảnh sát biển và một số lực lượng khác làm nhiệm vụ trên biển, đảo là hết sức quan trọng. Đây cũng là các lực lượng trực tiếp tham gia phát triển kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng, an ninh; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, nhất là lực lượng dân quân tự vệ biển, các hải đội dân quân biển thường trực. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các lực lượng tăng cường công tác phối hợp, hiệp đồng; hướng dẫn, giúp đỡ, tạo chỗ dựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển lao động, sản xuất, đánh bắt, khai thác hải sản, phát triển bền vững kinh tế biển, đảo.

Biển, đảo Việt Nam là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng, không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhất quán quan điểm chiến lược về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, chú trọng “Phát triển bền vững kinh tế biển phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, kiểm soát khai thác tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển, gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo” là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với xu hướng phát triển, yêu cầu xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Đại tá, TS. HOÀNG VĂN PHAI, Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự
____
____________

1 - ĐCSVN - Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Nxb CTQG, H. 2020, tr.73.

2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 94.

3 - Sđd, tr. 288.

4 - Đảng Cộng sản Việt Nam - Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Nxb CTQG, H. 2020, tr. 121.

5 - Sđd, tr. 80.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Ngày 9/3/2021, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị tới các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.