QPTD -Thứ Tư, 05/08/2020, 18:00 (GMT+7)
Đảng Cộng sản Việt Nam thay đổi vận mệnh đất nước, con người Việt Nam

Từ giữa thế kỷ XIX, dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu, nhà yêu nước, nhân dân Việt Nam ở mọi miền đất nước đã liên tiếp vùng lên đấu tranh, chống lại sự áp bức, bóc lột tàn nhẫn của thực dân Pháp xâm lược, nhưng do thiếu đường lối đúng, nên rốt cuộc các phong trào đấu tranh đều bị đàn áp đẫm máu. Đáp ứng yêu cầu bức thiết của thực tiễn, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo nhân dân Việt Nam lập nên nhiều kỳ tích mang tầm thời đại, bắt đầu bằng cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công, được quốc tế ghi nhận.

Ngày 03/02/1930, tại bán đảo Cửu Long, Hồng Kông, Trung Quốc, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản (Đông Dương cộng sản đảng và An Nam cộng sản đảng) dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc đã quyết định thống nhất các tổ chức cộng sản ở nước ta thành một đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ tóm tắt của Đảng và nhiều nội dung quan trọng khác. Về chủ trương, Chánh cương vắn tắt xác định: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”1; Điều lệ vắn tắt cũng chỉ rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ra để lãnh đạo quần chúng lao khổ làm giai cấp đấu tranh để tiêu trừ tư bản đế quốc chủ nghĩa, làm cho thực hiện xã hội cộng sản”2. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu cuối cùng và việc hợp nhất các tổ chức cộng sản ở trong nước là để xây dựng một tổ chức đảng có đủ khả năng lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng, đánh đổ đế quốc, thực dân, phong kiến, giành độc lập dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân và xây dựng xã hội mới - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Đây là bước ngoặt lịch sử, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối, tổ chức, tiến hành đấu tranh cách mạng và cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới ở Việt Nam.

1. Lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước

Sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, bám sát thực tiễn cách mạng Việt Nam, đề cao đoàn kết, tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin tưởng, đồng tình ủng hộ tiến hành các cao trào cách mạng làm cho kẻ thù khiếp sợ, suy yếu. Điển hình như: Cao trào (1930 - 1931), đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh; Cao trào đấu tranh dân chủ (1936 - 1939) và Cao trào giải phóng dân tộc (1939 - 1945). Khi thời cơ cách mạng chín muồi, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân cùng toàn thể dân tộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân, làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “long trời, lở đất”, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 02/9/1945, trước hàng chục vạn đồng bào có mặt tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”3. Như vậy, mới 15 tuổi, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành đấu tranh phá tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp, phát xít Nhật, lật đổ ngai vàng phong kiến. Dân tộc Việt Nam từ một dân tộc thuộc địa, nửa phong kiến, không có tên trên bản đồ thế giới trở thành một dân tộc độc lập, tự do và được cả thế giới công nhận. Nhân dân Việt Nam từ thân phận lầm than, nô lệ, bị áp bức, bóc lột tàn nhẫn trở thành chủ nhân của đất nước độc lập..

Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945 thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần hai; Quân đội nước Anh dùng danh nghĩa đồng minh vào giải giáp quân Nhật, nhưng đã cùng khoảng 6 vạn quân Nhật chờ giải giáp tiếp tay cho quân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng miền Nam (từ vĩ tuyến 16 trở vào). Cũng với danh nghĩa đó, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch từ Trung Quốc ồ ạt kéo đến miền Bắc (từ vĩ tuyến 16 trở ra) hòng tiêu diệt chính quyền cách mạng và Đảng ta. Trong khi Nhà nước mới ra đời, lực lượng còn non yếu, nền kinh tế kiệt quệ, đất nước bị bao vây từ nhiều phía, chính quyền cách mạng non trẻ ở vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”,... Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu với các khẩu hiệu: “Dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” và thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, xác định đường lối, tổ chức đấu tranh khôn khéo với kẻ thù, từng bước vượt qua hiểm nguy, giữ vững chính quyền, đưa cách mạng tiến lên. Qua 9 năm trường kỳ đấu tranh, rèn luyện trong khói lửa, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin về chiến tranh cách mạng, kế thừa giá trị truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc để phát triển đường lối chiến tranh nhân dân, tiến hành: kết hợp kháng chiến với kiến quốc; đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao; xây dựng, phát triển khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam,... và lãnh đạo quân, dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (ngày 21/7/1954), kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Từ cuối năm 1954, đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền, lấy vĩ tuyến 17 là ranh giới: miền Bắc tiến hành công cuộc cách mạng cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới; miền Nam, đế quốc Mỹ vào hất cẳng Pháp, dựng lên chính quyền tay sai, hiếu chiến, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng. Trước tình hình đó, Đảng ta nhận định, “chính sách phát - xít hóa của Mỹ, Diệm một mặt gây khó khăn to lớn cho cách mạng miền Nam, mặt khác, thể hiện thế yếu của kẻ thù. Chính sách đó khoét sâu mâu thuẫn giữa Mỹ - Diệm với nhân dân miền Nam. “Tức nước ắt sẽ vỡ bờ, nhân dân miền Nam nhất định sẽ vùng lên đánh đổ chúng”4. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, miền Bắc vừa nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa dốc sức làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với miền Nam - tiền tuyến lớn, quân và dân ta với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới đã kiên cường chiến đấu, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh mà đế quốc Mỹ áp dụng ở Việt Nam, đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30/4/1975. Thắng lợi đó đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt nhất trên thế giới (kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đến thời điểm đó). Nước Mỹ - đế quốc hùng mạnh nhất thế giới đã phải thay năm đời tổng thống, tiêu tốn hàng trăm tỷ USD, huy động hàng triệu lượt binh sĩ tham chiến, ném xuống hàng chục triệu tấn bom, rải hàng chục triệu lít chất độc, sử dụng những loại vũ khí, kỹ thuật mới nhất, tối tân, hiện đại nhất khi đó (trừ vũ khí hạt nhân),... nhưng rốt cuộc, vẫn thất bại thảm hại; chính quyền Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - một thất bại chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. Với cách mạng và nhân dân Việt Nam, đại thắng mùa Xuân năm 1975 là mốc son trong  lịch sử dân tộc: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”5.

2. Lãnh đạo nhân dân trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.

Ngay sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng ta đã trung thành, vận dụng sáng tạo lý luận “cách mạng không ngừng” của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta bước vào thời kỳ phát triển mới - thời kỳ cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong điều kiện có nhiều thuận lợi xen lẫn khó khăn, thách thức, nhất là: năng lực, kinh nghiệm quản lý kinh tế, quản lý xã hội còn hạn chế; xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nhỏ, năng suất lao động thấp; sự tàn phá của chiến tranh để lại hậu quả vô cùng nặng nề về mọi mặt, tàn dư lạc hậu xã hội cũ để lại chưa được khắc phục. Trong khi đó, chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ thực hiện bao vây, cấm vận và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch; quân và dân ta tiếp tục phải đối mặt với hai cuộc chiến tranh quy mô lớn ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam; Quân đội ta phải tổ chức lực lượng thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, đánh đổ chế độ diệt chủng, giải phóng đất nước Campuchia, v.v. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng ta luôn xác định rõ vị thế, nhiệm vụ, thường xuyên tự kiểm điểm, xây dựng, chỉnh đốn, nâng cao năng lực thực tiễn, lãnh đạo nhân dân ta thu được nhiều thành tựu quan trọng.

Thời kỳ 1975 - 1986, do áp dụng mô hình “Kế hoạch tập trung, cơ chế hành chính bao cấp” nên kết quả đạt được về kinh tế - xã hội còn thấp. Nền kinh tế mất cân đối nghiêm trọng (có thời điểm lạm phát lên tới 774,7%), cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng gay gắt. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) đã nghiêm khắc kiểm điểm, phân tích rõ những sai lầm, khuyết điểm, nhất là khuyết điểm chủ quan, duy ý chí,... đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với sự đồng thuận cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong thực hiện đường lối đổi mới gần 35 năm qua, cách mạng nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, đưa nước ta từ một nước nghèo, kém phát triển, với nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, năng suất lao động thấp, thường xuyên thiếu về lương thực,... trở thành một nước có thu nhập trung bình, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; nền kinh tế phát triển tương đối cao (gần 3.000 USD/người năm 2019), ổn định, nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đã và đang gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa luôn đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, không để ai ở lại phía sau. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Hiện nước ta đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế; ký kết nhiều văn bản pháp lý, nhiều hiệp định với các đối tác và trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động của cộng đồng quốc tế, được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần hai (nhiệm kỳ 2020 - 2021) với số phiếu tín nhiệm gần như tuyệt đối; là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng các nước ASEAN (giữ vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020). Với “phép thử” bởi đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, kết quả phòng, chống ở nước ta đã kiểm chứng ý thức cộng đồng, những giá trị truyền thống của dân tộc, nghĩa đồng bào,... được phát huy mạnh mẽ. Cùng với đó, là sự hòa quyện chặt chẽ giữa “ý Đảng” với “lòng dân” tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn đưa đất nước vượt qua mọi nguy nan, thách thức. Những hình ảnh của mọi thành phần, lực lượng, tầng lớp nhân dân trên cả nước tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; trong đó, những cây ATM gạo miễn phí, những siêu thị “không đồng”,... ở cả ba miền: Bắc - Trung - Nam để hỗ trợ những đối tượng gặp khó khăn, yếu thế đã lan tỏa rộng rãi và trở thành biểu tượng đẹp đối với cộng đồng thế giới. Từ thành tựu đạt được và những đóng góp tích cực của Việt Nam mang tầm quốc tế, khu vực, nhiều chuyên gia nghiên cứu đã đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Điển hình, như: Hunter Marston, Nguyên trợ lý nghiên cứu cấp cao “Viện Brookings”6 khẳng định: “Với việc tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Việt Nam đã trở thành một phần trong tiến trình hòa bình, trở thành nhân tố kiến tạo, điều phối và xây dựng cấu trúc hòa bình ở châu Á, bên cạnh đó hội nghị lần này cũng sẽ thúc đẩy hình ảnh Việt Nam như một quốc gia lãnh đạo, một trung tâm của khu vực Đông Nam Á”.

Những thành tựu to lớn đó có cả những kỳ tích mang tầm thời đại của cách mạng Việt Nam luôn được khởi nguồn và gắn liền với sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta đã làm thay đổi vận mệnh của đất nước, con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Với bản chất và quyết tâm chính trị của một Đảng chân chính, đã được tôi luyện qua các giai đoạn cách mạng, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng vì nước, vì dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ luôn được củng cố, chỉnh đốn ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tốt sứ mệnh lịch sử giao phó.

VĂN THẢNH – Đại tá NGÔ VĂN LUYỆN*
___________

* - Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Hậu cần

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 1998, tr. 2.

2 - Sđd, tr. 7.

3 - Sđd, Tập 7, tr. 437.

4 - Bộ Giáo dục và Đào tạo – Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Giáo dục 2001, tr. 99.

5 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 37, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 471.

6 - Viện Brookings (thành lập năm 1916), là trung tâm nghiên cứu và đạo tạo hàng đầu của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực khoa học xã hội, nhất là về kinh tế, quy hoạch đô thị, quản trị đất nước, và chính sách đối ngoại.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Ngày 9/3/2021, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị tới các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.