QPTD -Thứ Hai, 15/06/2020, 15:38 (GMT+7)
Bàn thêm về lĩnh vực kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Hệ thống dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh đất nước, là công trình khoa học tổng hợp cấp quốc gia, gồm nhiều nội dung; trong đó, cốt lõi, xuyên suốt là hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cụ thể là phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng, an ninh. Vì vậy, nghiên cứu, làm sâu sắc thêm hai vấn đề quan trọng này, là nội dung cần thiết trong giai đoạn chuẩn bị đại hội hiện nay.

Đã thành thông lệ, trước mỗi kỳ Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc, Ban Chấp hành Trung ương đều xây dựng, ban hành dự thảo các văn kiện tổ chức lấy ý kiến dân chủ, rộng rãi từ tổ chức cơ sở đảng, nhằm phát huy trí tuệ, trách nhiệm chính trị của mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức và hành động đối với chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng. Đây là công việc hết sức quan trọng và cần thiết, đảm bảo chủ trương, đường lối của Đảng phù hợp với tâm tư, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân, mang hơi thở, tiếng nói từ thực tiễn, cơ sở. Bởi lẽ, tổ chức cơ sở đảng, đặc biệt cấp chi bộ, là khâu trung gian, cầu nối giữa Đảng với nhân dân - nơi trực tiếp đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Mặt khác, nghiên cứu dự thảo các văn kiện còn là dịp để cán bộ, đảng viên thấm nhuần chủ trương, đường lối của Đảng, có cơ sở pháp lý để tham gia, đóng góp, thực hiện trách nhiệm của đảng viên, làm cho các văn kiện của Đảng ngày càng hoàn thiện, sâu sắc, có giá trị thực tiễn cao. 

Qua nghiên cứu kỹ hệ thống Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng cho thấy, Dự thảo các văn kiện được chuẩn bị công phu, bố cục chặt chẽ, toàn diện, khoa học. Nội dung các văn kiện thể hiện sâu sắc, trí tuệ, có tính khái quát, tính tổng hợp cao, với đầy đủ luận cứ, luận chứng, sát với đặc điểm tình hình đất nước, phù hợp với bố cục và phản ánh trung thực, khách quan kết quả đạt được, chưa đạt được so với các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XII và các chiến lược của Đảng đã đề ra. Các phương hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, khâu đột phá được hoạch định, đề cập trong chiến lược phát triển cả trước mắt (05 năm) và lâu dài (10 năm, vài chục năm), bảo đảm sát thực tiễn đất nước, thể hiện sự đồng thuận, quyết tâm chính trị và tư duy chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Tuy nhiên, để bảo đảm cho các văn kiện chặt chẽ, khoa học, có tính thực tiễn và tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, phạm vi bài viết xin đề cập một số nội dung trong hai lĩnh vực: kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh.

Thứ nhất, về lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội

Trong tóm tắt Dự thảo “Báo cáo Chính trị”, mục tầm nhìn và định hướng, về mục tiêu cụ thể Trung ương dự kiến 02 phương án. “Phương án 1, đến năm 2025: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2030: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045: trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Phương án 2, đến năm 2025: cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2030: trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045: trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao”1.

Để lựa chọn được phương án khả thi, phù hợp với thực tiễn đất nước, chúng ta phải căn cứ vào các chỉ tiêu hiện tại đã đạt được, khả năng trong tương lai và những tiêu chí cụ thể theo thông lệ quốc tế đặt ra. Các tiêu chí thường được các tổ chức quốc tế sử dụng để phân loại các nước là: thu nhập, trình độ phát triển, trình độ công nghiệp hóa. Theo Ngân hàng thế giới (WB) phân loại: “các nước thu nhập thấp có GNI bình quân đầu người dưới 995USD; các nước thu nhập trung bình thấp - từ 996USD đến 3.895USD; các nước thu nhập trung bình cao - từ 3.896USD đến 12.055USD; các nước có thu nhập cao - trên 12.056USD”2. Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) quy định, “Nước công nghiệp có tiêu chí: giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người từ 1.000 - 2.500USD,... nước công nghiệp phát triển có giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người trên 2.500USD”3.

Hiện nay, “GDP bình quân đầu người của nước ta ước đạt khoảng 3.000USD/người”4, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. “Dự kiến đến năm 2030 đạt khoảng 8.000USD/người, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao (nhưng chưa tiệm cận được với nhóm thu nhập cao). Về công nghiệp hóa, giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người của Việt Nam đến năm 2020 ở mức khoảng 900USD, dự kiến đến năm 2030 đạt trên 2.000USD; đạt tiêu chí trở thành nước công nghiệp của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) (từ 1.000 - 2.500USD)”5

Mặc dù trong thực tiễn, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta “Cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” được Trung ương đề ra từ Nghị quyết Đại hội VIII và kiên trì, nhất quán thực hiện trong các kỳ Đại hội cho đến Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vẫn kiên định mục tiêu này. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, đến nay chúng ta vẫn chưa đạt được. Về tổng thể là như vậy, nhưng đi vào chi tiết, thì phần lớn các tiêu chí chúng ta đã đạt được, còn một số tiêu chí đang tiếp tục phấn đấu. Điều này cũng dễ hiểu, bởi nghị quyết, mục tiêu, chỉ tiêu đưa ra không phải lúc nào cũng thực hiện được ngay trong một sớm, một chiều, mà có những mặt, những lĩnh vực cần phải có thời gian, thậm chí cả quá trình. Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng công nghiệp làm nền tảng thì việc kiên trì phấn đấu mục tiêu trở thành nước công nghiệp là yêu cầu bức thiết cả trước mắt và lâu dài.

Theo tính toán, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.000USD, tăng khoảng gần 2,6 lần so với năm 2010 (1.168USD), tăng trưởng GDP bình quân cả nước giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 6,78%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực. Nếu theo đà phát triển này, 10 năm sau (tức là năm 2030), chúng ta sẽ đạt khoảng gần 8.000USD/người. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta xác định chỉ tiêu, phương hướng trong 05 năm tới và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030).

Trên cơ sở so sánh, đối chiếu chỉ tiêu của các tổ chức quốc tế đưa ra với các chỉ tiêu thực tế của nước ta đạt được hiện tại và dự kiến có cơ sở trong tương lai (05 năm, 10 năm và dài hơn), chúng ta đủ lý lẽ để kiên định mục tiêu: “trở thành nước công nghiệp”. Với những lý do trên, để Phương án 2 là hợp lý. Tuy trong quý 1/2020 do hệ lụy của dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta sụt giảm mạnh, nhưng hiện nay về cơ bản chúng ta đã khống chế được dịch bệnh, Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép” giải quyết cả dịch bệnh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Hơn nữa, thời gian 01 - 02 quý quá nhỏ so với cả quãng thời gian 05 năm, 10 năm, mà chúng ta bàn tới.

Phương án 1, chúng ta đưa ra mục tiêu “Năm 2025: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2030: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại,...”, có thể thấy, trong 05 đến 10 năm tới vẫn để “là nước đang phát triển” thì chưa hợp lý. Bởi vì, hiện nay, nước ta đã “là quốc gia đang phát triển”6, mà mục tiêu đề ra 10 năm sau vẫn như vậy thì có nghĩa là chúng ta đứng im tại chỗ, không vận động, phát triển theo đúng nghĩa mục tiêu đặt ra để “phấn đấu” trong tương lai. Vì vậy, phương án 2 đề ra mục tiêu phát triển theo các cấp độ tăng dần cả trình độ công nghiệp và thu nhập là hợp quy luật phát triển.

Thứ hai, về lĩnh vực quốc phòng, an ninh

Trong mục (X) tóm tắt Dự thảo Báo cáo chính trị tại đại hội XIII của Đảng viết: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận lòng dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân”7. Nội dung này không nên đề cập “xây dựng thế trận lòng dân”, mà nên để“xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân” cho phù hợp với các văn bản, tài liệu pháp lý về quốc phòng khác. Bởi vì, trong Điểm (đ), Điều 7, Luật Quốc phòng (2018) có ghi: “… xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân trong phạm vi cả nước”; Sách trắng Quốc phòng năm 2019, chỉ rõ: “thế trận lòng dân” là một nội dung của “thế trận quốc phòng toàn dân”, nên đề cập đến “thế trận quốc phòng toàn dân” là đã bao hàm đầy đủ cả “thế trận lòng dân” ở trong đó. Nếu viết như Dự thảo thì “thế trận lòng dân” là một nội dung tương đương với “thế trận quốc phòng” và “thế trận an ninh”.

Nghiên cứu tổng thể cả mục (X) (Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa) trong tóm tắt Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII cho thấy, Dự thảo đã đề cập đến xây dựng nền quốc phòng toàn dân, trong đó có tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân, nhưng chưa thấy đề cập đến lực lượng quốc phòng toàn dân - một trong ba nội dung cốt lõi của nền quốc phòng toàn dân (tiềm lực, lực lượng, thế trận). Lực lượng quốc phòng toàn dân, gồm: lực lượng toàn dân và lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ); trong đó, lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt. Tuy nhiên, ở phần tiếp theo trong mục này, Dự thảo có đề cập đến xây dựng Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ,… nhưng chưa thấy bàn đến “lực lượng toàn dân” trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung thêm “xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân vững mạnh, nòng cốt là Quân đội nhân dân, dân quân tự vệ, trong đó tập trung vào nơi xung yếu trên tuyến biên giới, biển, đảo”. Bởi, sức mạnh quốc phòng, an ninh không chỉ có tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh mà phải xây dựng lực lượng quốc phòng, an ninh vững mạnh trên tuyến biên giới, biển, đảo, nhất là địa bàn trọng điểm để giữ “phên dậu” của Tổ quốc, sẵn sàng huy động cho đấu tranh quốc phòng trong thời bình và tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc khi chiến tranh xảy ra.

Trên đây là một số ý kiến cá nhân xin được trao đổi cùng ban đọc, với mong muốn làm sâu sắc thêm một số vấn đề trên hai lĩnh vực kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

DUY KHÁNH
__________

1 - ĐCSVN - Dự thảo các văn kiện trình đại hội XIII của Đảng, Nxb Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2000, tr. 12.

2, 3 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), Nxb Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2019, tr. 101.

4 - ĐCSVN - Dự thảo các văn kiện trình đại hội XIII của Đảng, Nxb Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2000, tr. 90.

5 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), Nxb Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2019, tr. 102.

6 - Sđd, tr. 34.

7 - Sđd, tr.28.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Ngày 9/3/2021, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị tới các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.