Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Sáu, 13/01/2012, 07:04 (GMT+7)
“Mùa xuân Ả-rập” và bài học giữ nước ngay từ thời bình
 Từ đầu năm 2011, làn sóng biểu tình, nổi dậy khởi đầu ở Tuy-ni-di; tiếp đó, lan rộng tới các nước: Ai Cập, Li-bi, Xy-ri, Y-ê-men, Gioóc-đa-ni, Ô-man, Xu-đăng,… làm chấn động thế giới Ả-rập. Phương Tây gọi đó là “Mùa xuân Ả-rập”. Đây là hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, gợi cho nhân loại bao điều phải nghĩ suy, trong đó đáng chú ý là bài học “giữ nước ngay từ thời bình”.

 


Biểu tình đòi Tổng thống Assad từ chức tại Syria (nguồn: internet)
“Mùa xuân Ả-rập” phản ánh tính chất phức tạp của môi trường an ninh trong thế giới đương đại do sự đan xen các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống. Trong đó, những thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên có tác động rất trực tiếp và mạnh mẽ đến sự an nguy của đất nước. Những sai lầm về chiến lược trong xử trí các tình huống an ninh phi truyền thống có thể dẫn tới mất độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, sự sụp đổ của chế độ xã hội ngay trong thời bình; hoặc có thể chuyển hóa thành thách thức an ninh truyền thống để các thế lực thù địch lợi dụng can thiệp, kể cả gây xung đột vũ trang, tiến hành chiến tranh xâm lược.

Sự mất ổn định và lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng của một số quốc gia Ả-rập do tác động tổng hợp của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong và sự can thiệp từ bên ngoài; song, trước hết và chủ yếu là sự tha hóa, yếu kém của bộ máy lãnh đạo, quản lý đất nước, dẫn đến sự phân hóa xã hội và những bức xúc xã hội tích tụ kéo dài, ngày càng gay gắt, trở thành những mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Cùng với đó là những sai lầm nghiêm trọng về chiến lược khi xử trí các tình huống xảy ra, khiến cho tình hình vốn đã xấu càng trở nên tồi tệ.

Công bằng mà nói, những nhà lãnh đạo của các quốc gia Ả-rập nói trên từng có công lớn trong đấu tranh vì độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, kiến thiết đất nước. Li-bi từng là nước giàu nhất châu Phi, GDP bình quân đầu người năm 2010 là 12.000 USD. Tuy-ni-di từng là một trong những quốc gia phát triển thịnh vượng ở Bắc Phi, được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) coi là một điển hình kinh tế ở Châu Phi. Ai Cập là quốc gia đông dân nhất thế giới Ả-rập đã từng từ nghèo khó vươn lên trở thành một trong “Tám con sư tử châu Phi”…

Tuy nhiên, các thể chế “Nhà nước phúc lợi vì dân” mang màu sắc chủ nghĩa dân túy ở đây đã “tự chuyển hóa” thành chế độ gia đình trị, với uy quyền tuyệt đối của một nguyên thủ quốc gia tại vị kéo dài quá lâu và tham vọng cha truyền con nối vì những đặc quyền của gia tộc; nội bộ bị chia rẽ sâu sắc bởi những toan tính cá nhân và các nhóm lợi ích, nạn tham nhũng trầm trọng, tình trạng thất nghiệp và nghèo đói, sự phân hóa xã hội và bất bình của nhân dân ngày càng gia tăng.

Đáng chú ý là những bức xúc xã hội tích tụ, dồn nén ở các quốc gia Ả-rập được các thế lực bên ngoài “quạt gió, châm lửa” bùng phát thành làn sóng biểu tình, nổi dậy lật đổ chính quyền đương nhiệm, nhất là sự can thiệp của Mỹ và phương Tây nhằm tạo dựng chính quyền thích ứng với những lợi ích chiến lược của họ ở khu vực này, trong đó lợi ích về dầu mỏ là một trọng tâm.

Không chỉ kích động và hỗ trợ lực lượng biểu tình, viện trợ tài chính và vũ khí cho Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia (NTC) và quân nổi dậy, Mỹ và phương Tây còn trực tiếp can dự vào cuộc chiến ở Li-bi. Lợi dụng Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về thiết lập vùng cấm bay ở Li-bi, Liên quân Mỹ, Pháp, Anh đã sử dụng lực lượng lớn không quân, tên lửa và cả biệt kích đánh phá ác liệt nhằm tiêu diệt Ca-đa-phi và chế độ của Ông, tàn phá đất nước Li-bi.

Sự can thiệp của Mỹ vào các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” ở đất nước Kim Tự Tháp bị chính quyền của Tổng thống Mu-ba-rắc phản đối mạnh mẽ, Mỹ chuyển sang ủng hộ phe đối lập và các cuộc biểu tình, nổi dậy nhằm lật đổ chính quyền đương nhiệm, cùng các nước phương Tây gia tăng sức ép đòi Mu-ba-rắc từ chức.

Trước sức ép gia tăng ở trong và ngoài nước, nhất là khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra Nghị quyết 2014, Tổng thống A-li Áp-đu-la Xa-lê đã phải chấp nhận từ chức và cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình ở Y-ê-men.

Mỹ và phương Tây đã ra sức kích động biểu tình, hỗ trợ quân đội nổi dậy (FSA) và Hội đồng Quốc gia Xy-ri (SNC) tiến hành cuộc nội chiến chống Chính phủ của Tổng thống Ba-sa-ran Át-xát, cố tình tạo ra những vụ giết người trên đường phố và đổ vấy cho Chính phủ, đánh đồng tổn thất của quân nổi dậy với thương vong của dân thường để vu cáo, tạo ra “cơn bão ngoại giao, chính trị” chống lại Xy-ri…

“Mùa xuân Ả-rập” và hậu quả của nó đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Bước đầu có thể rút ra một số bài học bổ ích về giữ nước ngay từ thời bình.

 Một là, bộ máy lãnh đạo, quản lý đất nước phải gắn bó mật thiết với nhân dân, có đường lối, chủ trương, chính sách và các hoạt động thực tiễn hợp lòng dân, được nhân dân tin yêu và tín nhiệm, nắm chắc dân, động viên được sức mạnh của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 “Nước lấy dân làm gốc” là chân lý vĩnh hằng đối với mọi quốc gia, dân tộc trong mọi thời đại. Để lãnh đạo, quản lý đất nước có hiệu quả, những người lãnh đạo đất nước và bộ máy chính quyền phải gắn bó mật thiết với nhân dân, được lòng dân, nắm chắc dân và quy tụ được sức mạnh của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi lực lượng cầm quyền bị tha hóa, biến chất, xa dân, sách nhiễu dân, mối quan hệ với nhân dân bị rạn vỡ thì sẽ bị lật đổ, mất quyền lãnh đạo đất nước. Bộ máy lãnh đạo, quản lý đất nước phải có đường lối, chủ trương, chính sách hợp lòng dân, thực sự dân chủ, lắng nghe và tôn trọng những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nhà nước phải chăm lo phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là ở những nơi còn nhiều khó khăn, gian khổ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo; làm tốt công tác vận động nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tạo được sự đồng thuận xã hội. Phải chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời những bức xúc, bất bình của nhân dân, xử trí đúng pháp luật và an dân trước các vụ việc phức tạp nảy sinh, không để lan rộng và kéo dài.

Hai là, đặc biệt coi trọng xây dựng bộ máy lãnh đạo, quản lý đất nước trong sạch, vững mạnh, nội bộ đoàn kết thống nhất; lựa chọn và bố trí những người có đủ đức - tài nắm giữ những vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị, bảo đảm thực sự trung thành, tin cậy và có uy tín cao.

Nguyên nhân chính dẫn tới các cuộc “Cách mạng màu” là sự tha hóa, biến chất của bộ máy lãnh đạo, quản lý đất nước do chạy theo những toan tính cá nhân thực dụng vì đặc quyền của gia tộc và các nhóm lợi ích, nội bộ bị chia rẽ và phân hóa, làm suy giảm lòng tin, gây nhiều bất bình trong nhân dân. Các thế lực thù địch rất chú trọng lợi dụng tình trạng “bên trên không ổn” do bộ máy lãnh đạo, quản lý đất nước bị tha hóa; bên dưới “lòng dân không yên” để kích động quần chúng biểu tình, nổi dậy chống chính quyền, tạo dựng lực lượng đối lập ở trong nước, gây áp lực ngoại giao và tạo cớ can thiệp, thúc đẩy “Cách mạng màu” lật đổ chính quyền và làm sụp đổ chế độ xã hội. Đáng chú ý là việc trao quyền kế vị theo kiểu cha truyền con nối làm gia tăng những bức xúc xã hội và bất bình của nhân dân, là nguyên cớ bùng phát các cuộc biểu tình, nổi dậy trong “Mùa xuân Ả-rập”, nhất là khi người kế vị không hội tụ được những yếu tố cần thiết về đức - tài để lãnh đạo, quản lý đất nước.

Ba là, chăm lo xây dựng nền kinh tế ổn định, phát triển vững chắc, giữ vững độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả.

Sự ổn định và phát triển vững chắc của nền kinh tế là nền tảng vật chất bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Khi kinh tế lâm vào khủng hoảng và suy thoái, tình trạng thất nghiệp, nghèo đói gia tăng, đời sống của nhân dân lâm vào cảnh túng quẫn thì đất nước dễ rơi vào mất ổn định chính trị, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch bên ngoài lôi kéo và kích động nhân dân biểu tình, nổi dậy lật đổ chính quyền đương nhiệm, làm sụp đổ chế độ xã hội. Do vậy, cần phải giữ vững sự lãnh đạo của đảng cầm quyền, sự quản lý của nhà nước đối với nền kinh tế, bảo đảm đúng định hướng phát triển của quốc gia và chủ động hội nhập quốc tế có hiệu quả, không để các nhóm lợi ích hoặc các thế lực bên ngoài điều khiển, thao túng nền kinh tế; duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, ổn định, phát huy tốt năng lực nội sinh, tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập của người dân, bảo đảm công bằng xã hội và an sinh xã hội, tạo cơ sở vật chất vững chắc để đất nước ổn định, phát triển bền vững.

Bốn là, xử trí đúng đắn các quan hệ, các tình huống đối ngoại, nhất là quan hệ đối tác và đối tượng, hợp tác và đấu tranh, tạo dựng thế đối ngoại vững mạnh, góp phần tăng cường thế và lực của đất nước.

Trong xu thế đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ giữa các nước ngày càng gia tăng, đất nước cần đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển thế đối ngoại vững mạnh, rộng mở, năng động nhằm tạo môi trường hoà bình, ổn định, điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cần tỉnh táo trước xu thế các nước lớn cạnh tranh gay gắt trên các địa bàn chiến lược để tìm kiếm nguồn năng lượng, nguyên liệu, thị trường…, tranh giành ảnh hưởng về kinh tế, chính trị và quân sự, đồng thời có những mặc cả, thỏa hiệp về lợi ích gây phương hại đến lợi ích của các nước nhỏ và chậm phát triển. Lực lượng lãnh đạo, quản lý đất nước cần xử trí đúng đắn các quan hệ và các tình huống đối ngoại, tạo thế đan xen lợi ích của quốc gia với các nước và các tổ chức quốc tế, tránh rơi vào thế đối đầu, bị cô lập hoặc lệ thuộc.

Năm là, phải nắm chắc và đặc biệt chăm lo xây dựng quân đội và lực lượng an ninh, bảo đảm thực sự trung thành và tin cậy, có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Trong “Mùa xuân Ả-rập”, một nguyên nhân rất quan trọng làm cho các nhà lãnh đạo đất nước và chính phủ ở Tuy-ni-di, Ai Cập, Li-bi, Y-ê-men,… nhanh chóng bị lật đổ là do thiếu chăm lo xây dựng và không nắm chắc quân đội; một bộ phận không nhỏ binh lính, sĩ quan, thậm chí có cả tướng lĩnh đã ly khai chạy sang phía quân nổi dậy. Quân đội Xy-ri Tự do (FSA) ra đời ngày 29-7-2011 từ một lực lượng binh lính, sĩ quan quân đội Chính phủ Xy-ri, do Tướng Rít-át chỉ huy ngả theo phe đối lập. Thực tiễn đó càng khẳng định việc nắm chắc và chăm lo xây dựng quân đội và lực lượng an ninh vững mạnh, thực sự trung thành và tin cậy là một nguyên tắc chiến lược để giữ vững quyền lãnh đạo, quản lý đất nước, liên quan trực tiếp đến sự sống còn của quốc gia dân tộc và chế độ xã hội.

Từ “Mùa xuân Ả-rập”, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc tầm tư duy chiến lược và ý nghĩa thực tiễn của tư tưởng chủ động “Giữ nước ngay từ thời bình”, “Bảo vệ Tổ quốc từ xa” trong kế sách giữ nước của ông cha ta, trong Nghị quyết Trung ương tám, khóa IX và các văn kiện Đại hội XI của Đảng. Đó thực sự là một yếu tố vượt trội, đồng thời là nét đặc sắc trong văn hóa chính trị, văn hóa quân sự Việt Nam, cần được tiếp tục phát huy trong thời kỳ mới.

Trung tướng, PGS, TS. NGUYỄN TIẾN BÌNH

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.