QPTD -Thứ Năm, 19/02/2015, 01:36 (GMT+7)
Thông tin về biển, đảo Việt Nam
Thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa thời Pháp thuộc (1884 - 1945)

Bia chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam thời Pháp thuộc dựng năm 1938
tại đảo Hoàng Sa của quần đảo Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền
của Việt Nam trên quần Đảo. (Ảnh tư liệu)

Năm 1884, Hiệp ước Bảo hộ (Hiệp ước Pa-tơ-nốt) được ký giữa Pháp với triều đình nhà Nguyễn, Pháp trở thành đại diện quyền lợi hợp pháp của Việt Nam trong quan hệ đối nội, đối ngoại và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Điều này càng được khẳng định khi lần lượt các năm 1887 và 1895, Pháp đã đại diện cho Việt Nam ký với nhà Thanh Hiệp ước và Hiệp ước bổ sung về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Cũng trong khuôn khổ của cam kết chung đó, Pháp tiếp tục thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo đó, từ năm 1920, dưới sự bảo trợ của Pháp, các tàu hải quan Việt Nam đã tăng cường hiện diện, tuần tra ở vùng biển Hoàng Sa để ngăn chặn việc buôn lậu. Năm 1925, lần đầu tiên, Viện Hải dương học và Nghề cá Nha Trang với nhiều nhà khoa học đầu ngành của Pháp đã thực hiện chuyến khảo sát ở Hoàng Sa để nghiên cứu về địa chất các bãi ngầm, hệ sinh vật biển và ảnh hưởng của gió mùa, v.v. Tiếp đó, ngày 19-3-1926, Thống đốc Nam Kỳ đã cấp giấy phép nghiên cứu mỏ ở đảo Trường Sa cho Công ty phốt phát Bắc Kỳ, v.v. Các hoạt động có tính chất dân sự này là biểu hiện cụ thể về việc quản lý liên tục, hòa bình đối với Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.

Từ năm 1930 đến năm 1938, Pháp liên tục cử các đơn vị hải quân luân phiên đồn trú tại các đảo Hoàng Sa (thuộc quần đảo Hoàng Sa); đảo An Bang, nhóm Song Tử, Loại Ta và Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa) để làm nhiệm vụ tuần phòng, xây bia chủ quyền1 và bảo vệ đảo; đồng thời, gửi thông báo ngoại giao cho các cường quốc về việc Pháp đóng quân tại hai quần đảo trên của xứ An Nam. Để khẳng định thêm với thế giới về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, “năm 1937, nhà đương cục Pháp cử kỹ sư công chính Gau-thai-ơ ra quần đảo Hoàng Sa nghiên cứu chỗ xây dựng đèn biển, lập bãi thủy phi cơ”2 và các điều kiện định cư ở quần đảo này. Thực hiện dự án này, một năm sau (năm 1938), Pháp đã xây dựng xong một ngọn Hải đăng (với số đăng ký quốc tế là OMM-48860), một trạm vô tuyến TSF (ở đảo Hoàng Sa) và hai trạm khí tượng; trong đó, một trạm ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) và một trạm ở đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa)3. Các công trình này đã được quốc tế công nhận và được sử dụng thường xuyên trong suốt thời kỳ này.

Với tư cách là đại diện cho Việt Nam trên các lĩnh vực, cùng với luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, Pháp cũng kiên quyết phản kháng những hành động xâm phạm chủ quyền từ bên ngoài đối với hai quần đảo này. Những sử liệu nêu trên góp phần khẳng định: Hoàng Sa, Trường Sa là bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.

Hải Bằng thực hiện
__________

1 - Năm 1938, Pháp cho dựng Bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, trên bia có hàng chữ: “Cộng hòa Pháp, Vương quốc An Nam, quần đảo Hoàng Sa, 1816 - đảo Pattle - 1938”.

2 - Bộ Ngoại giao, Ủy ban Biên giới quốc gia - Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb Tri Thức, H. 2013, tr. 22, 23.

3 - Trần Công Trục - Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông, Nxb Thông tin và Truyền thông, H. 2012, tr. 104.

Ý kiến bạn đọc (0)