QPTD -Thứ Hai, 14/02/2022, 08:18 (GMT+7)
Xây dựng, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho cư dân biển, ven biển

Nghị quyết số 26/NĐ-CP, ngày 05/3/2020 của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm nhiều nội dung, giải pháp, trong đó có nội dung, giải pháp về nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển.

1. Kế hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Bổ sung và xây dựng đầy đủ hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục tại các đảo. Bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, hải đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng; thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về đảm bảo y tế cho hoạt động trên biển; tiếp tục thống kê, đánh giá chỉ số phát triển con người tại 28 tỉnh, thành phố có biển, v.v.

Xây dựng, hoàn thiện và phát triển các thiết chế văn hóa cho cộng đồng dân cư biển và ven biển. Duy trì, phục hồi và phát triển các lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa; bảo tồn không gian văn hóa, kiến trúc và di sản thiên nhiên, duy trì, phát triển các trung tâm văn hóa đặc trưng tại các tỉnh, thành phố có biển. Phổ biến nền tảng kiến thức khoa học về các hệ sinh thái biển và hải đảo; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của biển và đại dương trong phát triển kinh tế - xã hội.

Giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết cho học sinh, sinh viên về biển, đại dương, v.v. Xây dựng cơ chế đồng bộ trong việc quản lý hành lang bảo vệ bờ biển, bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển tại các tỉnh, thành phố có biển.

2. Kế hoạch đến năm 2025

Xây dựng các giải thưởng về biển và đại dương nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tham gia các hoạt động về biển, hải đảo.

Thống kê, đánh giá chỉ số phát triển con người tại 28 tỉnh, thành phố có biển và so sánh với chỉ số phát triển con người trung bình của cả nước. Rà soát, đánh giá hiện trạng; bổ sung và xây dựng đầy đủ hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là điện, nước ngọt, y tế, giáo dục,… trên các đảo có dân sinh sống.

Ban hành bộ tiêu chí chuẩn về y tế cho vùng biển, đảo, phấn đấu 100% xã đảo độc lập có trạm y tế đạt chuẩn; 70% bệnh viện, trung tâm y tế huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa, được trang bị hệ thống trợ giúp y tế; 04 trung tâm cấp cứu đủ khả năng phối hợp cấp cứu, vận chuyển cấp cứu trên biển; 06 bệnh viện có trung tâm thu nhận và điều trị bệnh đặc thù; đóng mới 01 tàu biển có chức năng là tàu bệnh viện, v.v.

Nâng cao điều kiện làm việc và nhận thức về an toàn, an ninh hàng hải cho người đi biển và ngư dân. Đánh giá hiện trạng và xây dựng các giải pháp nhằm duy trì thiết chế văn hóa cho cộng đồng dân cư biển và ven biển. Phục hồi, nâng cấp và xây dựng mới các trung tâm văn hóa biển đặc trưng tại các tỉnh, thành phố có biển. Biên soạn và đưa vào chương trình giáo dục các tài liệu về biển, đại dương, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng,… cho học sinh, sinh viên; nâng cao nhận thức về biển, đại dương cho cộng đồng dân cư tại các tỉnh, thành phố. Rà soát, đánh giá việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tại các tỉnh, thành phố có biển.

Đây là những nội dung, giải pháp có tính chiến lược, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, nhất là các địa phương có biển cần quán triệt, triển khai thực hiện, góp phần xây dựng đất nước ta trở thành quốc gia biển mạnh.

TRẦN TOÀN thực hiện

 

Ý kiến bạn đọc (0)