QPTD -Thứ Tư, 21/12/2022, 13:29 (GMT+7)
Vùng Cảnh sát biển 4 nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU

Công tác phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm đang được các cấp, ngành, lực lượng, địa phương,... và toàn dân đẩy mạnh triển khai thực hiện. Đây cũng là nội dung quan trọng được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, góp phần quan trọng để Liên minh châu Âu xem xét gỡ thẻ vàng đối với thuỷ sản Việt nam.

Vùng Cảnh sát biển 4 được giao quản lý và thực thi pháp luật trên vùng biển từ bờ Bắc cửa Định An thuộc tỉnh Trà Vinh đến mũi Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang. Đây là vùng biển rộng, tiếp giáp với vùng biển của các nước: Malaysia, Thái Lan, Campuchia, nên có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Cũng chính từ điều kiện tự nhiên đó, đã từ lâu, cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào nghề biển, với các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản phát triển mạnh; chỉ tính riêng tỉnh Kiên Giang đã có trên 9.000 tàu cá. Thêm vào đó, còn có nhiều tàu cá của các tỉnh: Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Quảng Ngãi cũng thường xuyên hoạt động khai thác trên vùng biển này. Với số lượng tàu cá hoạt động rất lớn, trong khi nguồn lợi thủy sản ngày một suy giảm, nên sản lượng khai thác có nhiều thời điểm thấp, giá trị thu được từ mỗi chuyến đi biển chưa tương xứng với tổng mức đầu tư. Đây chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tàu cá hoạt động trên vùng biển Tây Nam đã có hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác trái phép, có thời điểm diễn biến phức tạp.

Tháng 7/2021, Vùng được Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam giao nhiệm vụ chủ trì tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm tàu cá Việt Nam cố tình vi phạm về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU), đặc biệt là hành vi khai thác thủy sản trái phép tại các vùng biển nước ngoài. Với phương châm chỉ đạo: kiên quyết chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, góp phần quan trọng vào việc gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam nhập khẩu vào các nước Liên minh châu Âu (EU), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng đã ra nghị quyết chuyên đề tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng triển khai đồng bộ các biện pháp, xây dựng quyết tâm để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này. Theo đó, Vùng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lựa chọn nội dung trọng tâm, sát với đặc điểm tình hình; xây dựng kế hoạch tổ chức huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cảnh sát viên, trinh sát viên, cán bộ tàu, nâng cao kiến thức pháp luật, kinh nghiệm về phòng, chống khai thác IUU. Đồng thời, kiện toàn đầy đủ các kíp trực theo đúng quy định, ưu tiên lực lượng trực tại Trung tâm chỉ huy; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân, nhất là các chủ tàu cá, đối tượng “có nguy cơ cao” và yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm IUU.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Vùng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ trao đổi thông tin về vùng biển Tây Nam

Cùng với đó, Vùng chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương các tỉnh ven biển nhằm huy động mọi lực lượng, phương tiện; phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở địa phương, nhất là cấp ủy, chính quyền cơ sở để cùng vào cuộc, với quyết tâm cao, thực hiện đồng bộ, liên tục, hiệu quả các giải pháp về phòng, chống khai thác IUU. Trực ban Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Vùng thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện các tàu cá mất tín hiệu kết nối thiết bị giám sát hành trình, tàu cá vượt ranh để gọi điện trực tiếp cho từng chủ tàu, yêu cầu thuyền trưởng các tàu cá có dấu hiệu vi phạm phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Đối với các trường hợp không chấp hành yêu cầu, Vùng phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản các địa phương và ủy ban nhân dân cấp xã đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động chủ tàu chấp hành nghiêm pháp luật về thủy sản khi cho tàu cá hoạt động trên biển. Lực lượng trên thực địa tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhất là vào ban đêm; kiên quyết ngăn chặn, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm theo thẩm quyền hoặc chuyển hồ sơ vi phạm để chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh nơi đăng ký tàu cá xử lý các hành vi vi phạm về khai thác IUU.

Xuất phát từ thực trạng hiện nay, công tác quản lý tàu và thuyền viên của một số địa phương chưa chặt chẽ; nhiều tàu cá, thuyền viên hoạt động trên biển không có hoặc không có đủ giấy tờ, không đăng ký hành trình hoạt động; thậm chí, có tàu cá còn sơn biển giả, tự ý tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình,... để đối phó với cơ quan chức năng; có tàu đi biển nhiều tháng không về bờ, giấy phép khai thác hết hạn, v.v. Từ thực trạng đó, Vùng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân nắm chắc kiến thức về luật và các văn bản quy phạm pháp luật; kết hợp tuyên truyền, vận động với phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa các hành vi vi phạm, không để cho tàu cá Việt Nam vượt sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Đồng thời, sử dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền để tăng tính hiệu quả, như: tổ chức các lớp trực tiếp phổ biến quy định về phòng, chống khai thác IUU cho chủ tàu, thuyền viên; tuyên truyền qua máy liên lạc nghề cá kết hợp phát tờ rơi, trao cờ Tổ quốc cho ngư dân và yêu cầu thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm IUU. Các cơ quan, đơn vị triển khai sâu, rộng cuộc thi tìm hiểu “Em yêu biển, đảo quê hương”; Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” và phối hợp với các báo, đài Trung ương, địa phương tuyên truyền về kết quả hoạt động phòng, chống khai thác IUU của đơn vị. Đi liền với đó, Vùng quan tâm, chủ động phối hợp lực lượng làm tốt công tác quản lý việc sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá, quản lý phương tiện; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, trực chỉ huy, trực ban, trực trinh sát; kịp thời phối hợp xử trí tốt các tình huống, không để bị động, bất ngờ xảy ra.

Sau hơn một năm (từ tháng 7/2021 đến nay) được giao nhiệm vụ chủ trì tuần tra, kiểm soát trên vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam - Malaysia, Việt Nam - Thái Lan, Việt Nam - Campuchia, Vùng đã triển khai 08 đợt, với trên 60 lượt tàu, hơn 1.400 lượt cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương sở tại tuyên truyền pháp luật về thuỷ sản cho trên 15.000 ngư dân và yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá ký cam kết không vi phạm IUU; cảnh báo, nhắc nhở trên 3.500 tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình; phát hiện, ngăn chặn hơn 250 tàu cá có dấu hiệu vượt ranh sang vùng biển nước ngoài trái phép; xử lý 225 vụ, với gần 300 tàu; trong đó, có cả những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, với tổng mức phạt lên đến trên 1,3 tỉ đồng/vụ và tịch thu tàu cá vi phạm. Những việc làm đó đã có tác động tích cực, ý thức chấp hành pháp luật của chủ tàu và thuyền trưởng được nâng cao, không còn tình trạng tàu cá, ngư dân chống đối hoặc không chấp hành hiệu lệnh của tổ tuần tra, kiểm soát. Số lượng tàu cá Việt Nam cố tình vi phạm về khai thác IUU, nhất là hành vi sang vùng biển nước ngoài khai thác thuỷ sản trái phép đã giảm mạnh. Kết quả này góp phần quan trọng để EC xem xét, tiến tới gỡ bỏ "thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam nhập khẩu vào EU.

Tuy đã đạt được những kết quả khả quan, song hiệu quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo vẫn chưa có tính bền vững; hệ thống văn bản quy định pháp luật về xử lý vi phạm khai thác IUU, xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến thiết bị giám sát hành trình còn nhiều bất cập, chưa cụ thể, gây khó khăn cho việc trinh sát, xác minh, đấu tranh xử lý theo quy định. Vì vậy, để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển được giao, Vùng Cảnh sát biển 4 tập trung triển khai thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

1. Tiếp tục coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU. Tích cực đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, bảo đảm cho công tác này đi vào thực chất, hiệu quả hơn; hướng trọng tâm vào các đối tượng là chủ tàu, thuyền trưởng, đặc biệt là những chủ tàu “có nguy cơ cao” buộc phải ký cam kết không vi phạm IUU. Duy trì thường xuyên hoạt động phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát biển với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng có liên quan, như: Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản, Kiểm ngư, Công an, ... để theo dõi, giám sát việc thực hiện cam kết của các chủ tàu và thuyền trưởng các tàu cá.

2. Tăng cường hiệu quả hoạt động của Trung tâm Chỉ huy, trực trinh sát trong theo dõi, quản lý chặt chẽ vùng biển được phân công và phối hợp với các sở, ban, ngành, các lực lượng theo dõi, quản lý, kiểm tra, xử lý các hoạt động vi phạm về khai thác hải sản trên biển. Chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức điều tra cơ bản, chuyên sâu về tàu cá thuộc diện mất tích, có nguy cơ cao vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp; ngăn chặn các đối tượng, đường dây có dấu hiệu vi phạm pháp luật và kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm từng mặt công tác, đề xuất giải pháp khắc phục hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU.

3. Thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin về công tác quản lý, xuất, nhập bến, sản lượng thủy sản đánh bắt, danh sách thuyền viên, chủ tàu, lịch sử hành trình và nhật ký khai thác cũng như mọi hoạt động trong suốt quá trình khai thác trên biển. Theo định kỳ, 06 tháng/lần, các lực lượng chức năng cần cập nhật đầy đủ các thông tin về chủ tàu (họ tên, số điện thoại, hộ khẩu thường trú,…) để thuận lợi trong việc quản lý, giám sát. Qua đó, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm IUU, xử lý nghiêm các đối tượng, đường dây môi giới đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

4. Duy trì nghiêm lực lượng trực 24/24 giờ tại Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Vùng; lực lượng trên thực địa tăng cường tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, nhất là vào ban đêm, chủ động phát hiện tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình, tàu cá "có nguy cơ cao" để tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh báo cho chủ tàu, thuyền trưởng và phối hợp với địa phương nơi tàu cá đăng ký yêu cầu chủ tàu chấp hành nghiêm quy định của pháp luật khi hoạt động trên biển. Đồng thời, kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm pháp luật; có biện pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa, không để tàu cá Việt Nam vượt ranh sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

5. Chủ động làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với trên kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thuỷ sản, bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ, sát thực tiễn, hiệu quả cao khi triển khai thực hiện. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các hoạt động khai thác IUU; xây dựng, phát triển đội tàu cá gắn với củng cố thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc trên vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc.

Đại tá TRẦN VĂN LƯỢNG, Tư lệnh Vùng

Ý kiến bạn đọc (0)