Thứ Sáu, 22/11/2024, 21:50 (GMT+7)
Thực thi pháp luật trên biển là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của lực lượng Cảnh sát biển nói chung, Vùng 3 Cảnh sát biển nói riêng, nhằm đấu tranh phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn vùng biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy, nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ này đã, đang được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Vùng Cảnh sát biển 3 được giao nhiệm vụ làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn; tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, tài nguyên, môi trường vùng biển, đảo từ Cù Lao Xanh (tỉnh Bình Định) đến bờ Bắc cửa Định An (tỉnh Trà Vinh), bao gồm cả khu vực Quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Đây là vùng biển rộng, môi trường hoạt động khắc nghiệt; tình trạng xâm phạm chủ quyền, thăm dò khai thác tài nguyên, đánh bắt hải sản trái phép của tàu, thuyền nước ngoài, các loại tội phạm, vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, tính chất, thủ đoạn, hình thức ngày càng tinh vi. Hiện tượng tàu thuyền nước ta vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác hải sản trái phép (vi phạm IUU) vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự, an toàn vùng biển và phát triển kinh tế biển.
Nhận thức rõ chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là những khó khăn, thách thức, thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng luôn quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên, trực tiếp là Ban Chỉ đạo 1389 Cảnh sát biển Việt Nam, đề ra nhiều giải pháp đồng bộ lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển cho cán bộ, chiến sĩ. Các cơ quan, đơn vị tập trung giáo dục nâng cao nhận thức về pháp luật kết hợp với bồi dưỡng nghiệp vụ cho các lực lượng; duy trì nghiêm công tác nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát trên biển; tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn trong thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân, học sinh, sinh viên1. Nhờ đó, nhận thức, trách nhiệm, năng lực của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên; luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, tăng cường bám nắm địa bàn, tuần tra, kiểm soát, đấu tranh trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển; góp phần giữ vững an ninh trật tự vùng biển, đảo quản lý, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội2.
Thời gian tới, dự báo tình hình vùng biển Đơn vị quản lý vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các nước trong khu vực tăng cường huy động tàu quân sự, chấp pháp neo đậu tại các vị trí đã chiếm đóng trái phép; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát nhằm khẳng định, bảo vệ các yêu sách chủ quyền tại vùng biển giáp ranh, khu vực chồng lấn. Bên cạnh đó, tình hình tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam; tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, đánh bắt hải sản trái phép có thể còn tiếp diễn phức tạp; các loại tội phạm, vi phạm trên biển diễn biến ngày càng tinh vi hơn, nhất là trong điều kiện kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa của các nước trên thế giới cũng như Việt Nam đang dần phục hồi, v.v. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển cho cán bộ, chiến sĩ và từng cơ quan, đơn vị; trong đó, tập trung thực hiện tốt mội số nội dung sau:
Một là, xây dựng Vùng vững mạnh về chính trị; cán bộ, chiến sĩ có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu, cơ sở để nâng cao năng lực, trình độ chỉ huy, hiệu quả thực thi pháp luật trên biển; nhất là trong điều kiện cán bộ, chiến sĩ thường xuyên hoạt động dài ngày trên biển, chịu đựng nhiều khó khăn, gian khổ, đương đầu với nguy hiểm và cả tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, v.v. Vì vậy, Đảng ủy, chỉ huy Vùng phải tiếp tục đẩy mạnh các chủ trương, giải pháp xây dựng đơn vị thực sự vững mạnh về chính trị; trong đó, chú trọng duy trì, thực hiện hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng, làm cho cán bộ chiến sĩ thấu hiểu đặc điểm yêu cầu, nhiệm vụ của Vùng, âm mưu thủ đoạn của đối tượng, các loại tội phạm, cùng những khó khăn, thử thách phải vượt qua,... để từ đó xây dựng bản lĩnh, ý chí, quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, tăng cường quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn đảng, về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; gắn xây dựng đội ngũ đảng viên với thực hiện tốt Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về “Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong thời kỳ mới; Chỉ thị số 212/CT-ĐU của Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào "Bốn tốt, bốn không, bốn chống"3, tạo cơ sở vững chắc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hai là, nâng cao kiến thức pháp luật, năng lực đấu tranh, xử lý các tình huống trên biển cho cán bộ, chiến sĩ. Đây là giải pháp quan trọng, trực tiếp quyết định năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn và chủ quyền biển, đảo. Thực tiễn hoạt động trên biển cho thấy, ở những tình huống phức tạp, cán bộ, chiến sĩ còn bộc lộ hạn chế, nhất là trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển, các hành vi vi phạm chủ quyền quốc gia. Vì vậy, Vùng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện phân cấp bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, năng lực, truyền đạt kinh nghiệm đấu tranh, xử lý các tình huống trên biển cho bộ đội. Trong đó, tập trung nâng cao kiến thức về pháp luật, quy trình, kinh nghiệm đấu tranh, xử lý các vụ việc trên biển liên quan đến chức trách, nhiệm vụ từng bộ phận, cá nhân. Các đơn vị tăng cường huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển, góp phần nâng cao năng lực thực tiễn, bảo đảm cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Ba là, tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ vùng biển và nâng cao hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn và chủ quyền biển, đảo trong tình hình Biển Đông vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, phức tạp, khó lường; nhiều hoạt động vi phạm thường liên quan đến yếu tố nước ngoài. Trên cơ sở quán triệt, nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế mà Việt Nam tham gia, Vùng tiếp tục tham mưu cho các cấp sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ biển, đảo và xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, đảm bảo cụ thể hóa các quyền, nghĩa vụ của nước ta và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát biển, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng của Vùng nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật trên vùng biển quản lý.
Bốn là, đề xuất bảo đảm vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật và các chính sách thực thi pháp luật trên biển. Bên cạnh con người là nhân tố quyết định thì vũ khí, trang bị cũng là yếu tố quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật trên biển của lực lượng Cảnh sát biển nói chung và của Vùng nói riêng. Cùng với quan tâm giáo dục nâng cao ý chí, quyết tâm, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ, Vùng duy trì chặt chẽ các chế độ quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các loại vũ khí, trang bị, khí tài, phương tiện hiện có. Đồng thời, đề xuất đầu tư mua sắm, biên chế vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật mới, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giữ gìn an ninh, chủ quyền biển, đảo, chống khai thác hải sản bất hợp pháp và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển; kịp thời xử lý hiệu quả các vụ việc, không để bị động, bất ngờ.
Năm là, hiệp đồng chặt chẽ; phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, phương tiện hoạt động trên vùng biển quản lý tiến hành đồng bộ, hiệu quả các biện pháp; đồng thời, hỗ trợ lẫn nhau trong xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trên biển. Theo đó, Vùng tăng cường phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng: Biên phòng, Hải quân, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Kiểm ngư,… trên địa bàn để chủ động trao đổi thông tin, kịp thời nắm chắc diễn biến tình hình hoạt động của các loại đối tượng, phương tiện vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh chủ quyền biển, đảo để có biện pháp xử lý kiên quyết, phù hợp. Cùng với đó, tăng cường phối hợp, hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao năng lực dự báo, tham mưu đúng, trúng, kịp thời và phát hiện, xử lý nhanh, hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định.
Sáu là, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân. Các cơ quan, đơn vị của Vùng cần thường xuyên phối hợp với các ban, sở, ngành địa phương trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp; chú trọng kết hợp tuyên truyền trực tiếp với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; tuyên truyền trong khi làm nhiệm vụ trên biển, v.v. Tập trung giáo dục, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ quyền, an ninh biển, đảo, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển để người dân hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo. Phát huy hiệu quả việc phát hiện, tố giác vi phạm, tội phạm của nhân dân, ngư dân,… cho lực lượng Cảnh sát biển góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn trên vùng biển được giao .
Thiếu tướng NGÔ BÌNH MINH, Tư lệnh Vùng __________________
1 - Năm 2021 và 2022 Đơn vị đã phối hợp tổ chức tuyên truyền biển, đảo, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 75.000 lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên, chủ phương tiện tàu cá, ngư dân và nhân dân làm ăn, sinh sống trên biển; phát hơn 72.000 tờ rơi các loại, 1.650 quyển sách pháp luật cho ngư dân, hơn 17.000 lá cờ Tổ quốc; hơn 5.000 suất quà, trị giá hơn 7,1 tỉ đồng.
2 - Từ năm 2021 đến hết năm 2022, Vùng đã ngăn chặn kịp thời 196 tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam; bắt giữ xử lý 25 vụ với 26 phương tiện mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển. Xử phạt vi phạm hành chính gần 1,8 tỉ đồng; tịch thu gần 2,6 triệu lít dầu DO, 1.650.000 bao thuốc lá và gần 500 m3 cát; phát mại hàng hóa tịch thu, sung công quỹ hơn 45 tỉ đồng, v.v.
3 - Bốn tốt: chính trị tư tưởng tốt; chuyên môn nghiệp vụ tốt; đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân tốt; nền nếp chính quy, dân chủ, kỷ luật tốt. Bốn không: không đánh cờ bài ăn tiền, đánh đề, cá độ, vay nợ tài sản không có khả năng chi trả; không đơn thư nặc danh, vượt cấp sai quy định; không vi phạm các quy định về an toàn giao thông, sử dụng rượu, bia sai quy định và sử dụng trái phép chất ma túy; không hút thuốc lá nơi làm việc, địa điểm công cộng. Bốn chống: chống can thiệp; chống tiếp tay; chống bao che; chống làm ngơ.
Vùng Cảnh sát biển 3,pháp luật trên biển,năng lực thực thi,Ban Chỉ đạo 1389
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An 14/11/2024
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo 07/11/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU 24/10/2024
Bộ đội Biên phòng Quảng Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển 17/10/2024
Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 27/09/2024
Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Hải quân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc 23/09/2024
Đoàn Đặc nhiệm số 2 nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên biển 19/09/2024
Lữ đoàn 131 thi đua thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu 09/09/2024
Đôi nét về tiềm năng phát triển của cảng Cái Lân 28/08/2024
Lữ đoàn Đặc công 126 tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” 12/08/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An