QPTD -Thứ Ba, 18/10/2022, 15:19 (GMT+7)
Vùng Cảnh sát biển 2 tích cực tham gia xây dựng vững chắc “thế trận lòng dân” trên biển

Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên địa bàn cả nước nói chung, ở từng vùng biển nói riêng là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là nội dung quan trọng, xuyên suốt, được Đảng ủy, chỉ huy Vùng Cảnh sát biển 2 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong thực thi pháp luật trên biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Công tác tuyên truyền, giáo dục là chủ đạo

Xây dựng “thế trận lòng dân”, thực chất là xây dựng yếu tố chính trị, tinh thần, mà cốt lõi là làm cho lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa được quy tụ một cách chủ động thành “thế trận”, làm nền tảng để phát huy sức mạnh của toàn dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn về vị trí, vai trò của biển, đảo, cũng như quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta và quốc tế về biển, đảo. Từ đó, nâng cao lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống của dân tộc, sự kiên trung, bất khuất của địa phương; xây dựng ý thức, trách nhiệm đối với việc thực hiện chủ trương, đường lối, mục tiêu phát triển kinh tế biển gắn liền với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của trên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng đã cụ thể hóa thành các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng; xây dựng kế hoạch thực hiện chặt chẽ, theo phân cấp. Trong đó, chú trọng xác định nội dung phù hợp, tích cực đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền theo hướng phong phú, đa dạng, sáng tạo, gắn với chức năng, nhiệm vụ của Vùng và từng đơn vị. Ngoài nội dung tuyên truyền cho ngư dân nắm được những kiến thức cơ bản của pháp luật quốc tế và Việt Nam về biển, đảo, như: Công ước Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Thủy sản; Luật Phòng chống tội phạm ma túy; Luật Cảnh sát biển Việt Nam,… Vùng còn tăng cường tuyên truyền theo chuyên đề về chống đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài, đánh bắt hải sản có tính chất tận diệt và phá hoại môi trường sinh thái biển; các chính sách của Đảng và Nhà nước trong khuyến khích, động viên nhân dân định cư, sinh sống trên đảo, tích cực bám ngư trường; tình hình biển, đảo; chức năng, nhiệm vụ, truyền thống của Cảnh sát biển Việt Nam và Vùng Cảnh sát biển 2, v.v. Về đối tượng tuyên truyền, tập trung chủ yếu vào ngư dân trực tiếp hoạt động trên biển, cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương ven biển, trên đảo, giáo viên, học sinh các trường; đồng thời, mở rộng đến đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo trên địa bàn.

Để đạt hiệu quả thiết thực, Bộ Tư lệnh Vùng đặt ra yêu cầu cao về tính đa dạng, trực quan, dễ hiểu, hấp dẫn, bám sát đối tượng trong các hình thức, phương pháp tuyên truyền. Theo đó, Vùng tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền miệng với các hình thức khác, như: thi tìm hiểu, giao lưu văn hóa, văn nghệ, hoạt động kết nghĩa; in tờ rơi, tờ gấp, phát hành sách, cẩm nang, xây dựng video theo chủ đề; cử các tổ, đội tuyên truyền theo nhiệm vụ; phát loa trên các tàu khi thực hiện nhiệm vụ trên biển,… kết hợp tuyên truyền tập trung với đi sâu vào từng đối tượng, từng địa bàn, từng thời điểm. Đặc biệt là tổ chức thành công nhiều cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” ở các trường học với nội dung phong phú, đa dạng, hấp dẫn, thu hút đông đảo giáo viên, học sinh tham gia, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Ngoài ra, Vùng còn quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương và là đơn vị đầu tiên trong toàn lực lượng Cảnh sát biển hoàn thành việc triển khai chuyên mục “Vì chủ quyền, an ninh, an toàn biển, đảo” hằng tháng trên sóng đài truyền hình  các tỉnh, thành phố ven biển trên địa bàn. Để công tác tuyên truyền được thường xuyên, hiệu quả, Vùng đã phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương trên địa bàn đóng quân ở tất cả các khâu, từ ký kết quy chế, xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện.

Từ năm 2021 đến nay, Vùng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền cho hơn 11.800 cán bộ, ngư dân, giáo viên, học sinh; cấp phát trên 17.300 tờ rơi các loại, 200 cuốn sách “Công tác thông tin tuyên truyền chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”, 100 cuốn cẩm nang về tín ngưỡng, tôn giáo,... cho hàng trăm tàu của ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển thuộc Vùng quản lý. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, sự kiên trì của các lực lượng trong công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội trong các tầng lớp nhân dân, khơi dậy và nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức  đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh, an toàn trên vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cùng nhà tài trợ tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân

Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ gắn với tăng cường công tác dân vận là nội dung cốt lõi để xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển

Là đơn vị thực thi nhiệm vụ trên vùng biển rộng, nhạy cảm, chưa có đường phân định trên biển với nước bạn, luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường và là vùng biển thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn, mất an toàn hàng hải do thiên tai và hành động đe dọa của tàu chấp pháp nước ngoài đối với ngư dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Vùng thường xuyên tổ chức tốt việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo. Qua đó, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi đánh bắt hải sản, thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép của tàu, thuyền nước ngoài trong vùng biển của ta; đấu tranh kiên quyết với những hành vi xua đuổi, đâm va, cướp ngư cụ, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn trên biển; đồng thời, trực tiếp hướng dẫn cho ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài. Sự có mặt của cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 2 thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thực hiện “chủ quyền dân sự” trên các ngư trường truyền thống của đất nước.

Cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn cho ngư dân được Bộ Tư lệnh Vùng xác định là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là mệnh lệnh trái tim đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ. Do vậy, bất luận điều kiện thời tiết khó khăn, mưa bão hoặc ở vùng biển xa, các lực lượng, phương tiện của Vùng vẫn có mặt kịp thời để cứu giúp ngư dân. Riêng từ năm 2020 đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng đã điều động 18 lượt tàu, xuồng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu kéo được 18 tàu, thuyền với 57 thuyền viên bị nạn. Các cơ quan, đơn vị của Vùng chủ động phối hợp với địa phương tổ chức tốt các lớp tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng công tác bảo đảm an toàn, phương pháp sơ cấp cứu người bị đuối nước cho ngư dân, tư vấn điều khiển tàu trong điều kiện thời tiết xấu. Tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, hỗ trợ sơ tán nhân dân đến nơi tránh trú an toàn, giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống. Đặc biệt, Bộ Tư lệnh Vùng đã làm tốt công tác phối hợp, hiệp đồng với cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trên địa bàn thực hiện tốt Nghị định số 30/2010/NĐ-CP, ngày 29/3/2010, Nghị định số 130/2015/NĐ-CP, ngày 18/12/2015 của Chính phủ và Thông tư số 153/2016/TT-BQP, ngày 30/9/2016 của Bộ Quốc phòng về huy động nhân lực tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển của Tổ quốc.

Cùng với đó, Bộ Tư lệnh Vùng tích cực tham mưu, giúp địa phương trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, phát triển kinh tế biển, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, tham gia xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn, nhất là những nơi khó khăn, các xã đảo, huyện đảo. Trong đó, xác định tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa nội dung, hình thức hoạt động, nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” là nội dung trọng tâm. Trước thực trạng di cư lao động cùng với những khó khăn, nguy hiểm trong mưu sinh trên biển làm cho nguồn nhân lực ngư nghiệp ngày càng sụt giảm, Bộ Tư lệnh Vùng phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động và hỗ trợ ngư dân giữ nghề truyền thống, yêu biển, bám ngư trường, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống bền vững.

Bộ Tư lệnh Vùng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động, tích cực phối hợp với các lực lượng trên địa bàn xã đảo, huyện đảo, ven biển thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới”, giúp nhân dân bằng những việc làm thiết thực, như: bê tông hóa đường liên thôn; tu sửa nghĩa trang liệt sĩ; vệ sinh đường làng ngõ xóm, bãi biển; trồng rừng chắn bão. Đồng thời, thường xuyên tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các xã đảo, huyện đảo; thực hiện chương trình “Chung tay làm sạch môi trường biển” với hàng nghìn lượt người tham gia. Để thực hiện có hiệu quả, Bộ Tư lệnh Vùng đã chủ động tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, nhà hảo tâm tham gia giúp đỡ cả vật chất và tinh thần, cùng cán bộ, chiến sĩ của Vùng đồng hành với ngư dân, kết nối trái tim của đất liền với đảo bằng nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, như: thăm hỏi, động viên, tặng quà gia đình chính sách, ngư dân nghèo, nhận đỡ đầu học sinh nghèo học giỏi; tặng cờ Tổ quốc; phao cứu sinh; dụng cụ y tế, vật tư phòng chống dịch và nhiều vật dụng thiết thực khác, v.v. Qua đó, giúp ngư dân giảm bớt khó khăn trong cuộc sống và lá Cờ Tổ quốc ngày một nhiều hơn, đỏ thắm trên các vùng biển nước ta như những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ toàn Đơn vị đã được đáp lại bởi tình cảm quý mến của người dân, để nhân dân thực sự là “tai mắt” rất quan trọng của các lực lượng chấp pháp trên biển, luôn tin tưởng, cung cấp những thông tin có giá trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền, an ninh, an toàn trên biển.

Những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả trên là tiền đề quan trọng để Vùng Cảnh sát biển 2 tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển vững chắc, làm nền tảng để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh, an toàn trên vùng biển được giao.

Đại tá LÊ HUY SINH, Chính ủy Vùng

Ý kiến bạn đọc (0)