Thứ Sáu, 22/11/2024, 21:38 (GMT+7)
Để góp phần hoàn thành mục tiêu gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với sản phẩm thủy sản khai thác trên biển của nước ta, thời gian qua, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã nỗ lực, vượt khó, tăng cường chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định trên vùng biển được phân công.
Vùng Cảnh sát biển 2 được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật trên vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Định, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và một phần phía Bắc quần đảo Trường Sa. Hiện nay, cùng với bảo đảm an ninh chủ quyền biển, đảo, trật tự an toàn trên vùng biển được giao; quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, các hệ sinh thái biển,... việc phát huy vai trò nòng cốt trong ngăn chặn, loại bỏ hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), phát triển nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững, là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Đặc biệt, trong bối cảnh đặc điểm của địa bàn, hoạt động đánh bắt hải sản là nghề truyền thống, sinh kế quan trọng của nhân dân ven biển, với số lượng ngư dân và tàu thuyền đánh bắt cá chiếm tỷ lệ cao so với cả nước thì việc phòng, chống IUU lại càng có ý nghĩa quan trọng. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, những năm qua, đa số ngư dân đã quán triệt, chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam và quốc tế về đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một số ít tàu cá của ngư dân ta trên địa bàn Vùng quản lý vi phạm vùng biển nước ngoài; thậm chí có biểu hiện sử dụng thủ đoạn để né tránh lực lượng tuần tra, kiểm soát,… gây khó khăn cho công tác quản lý, điều tra, xác minh, xử lý của cơ quan chức năng.
Vì vậy, để góp phần chống khai thác IUU, triển khai thực hiện “180 ngày hành động” của Chính phủ, phấn đấu trong năm 2023 gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác của nước ta, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Đảng ủy Vùng, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn của trên; cụ thể hóa bằng những nội dung giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo hằng tháng, quý, năm sát với đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị mình. Bộ Tư lệnh Vùng yêu cầu chỉ huy các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể; triển khai, điều hành thực hiện nhiệm vụ quyết liệt, chặt chẽ, hiệu quả. Trong đó, chú trọng làm tốt công tác giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức về nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ, đề cao trách nhiệm, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm, nhất là đối với lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ. Quán triệt, thực hiện tốt phương châm chỉ đạo: “Tích cực, chủ động, tuyên truyền rộng rãi, hiệp đồng chặt chẽ, nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời, an toàn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, giữ vững ổn định trên vùng biển giáp ranh”; nâng cao chất lượng nắm, đánh giá tình hình; kịp thời phát hiện, điều tra, xác minh; tham mưu, xử lý hiệu quả, đúng quy định. Chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng tàu trước khi thực hiện nhiệm vụ; tổ chức duy trì nghiêm hệ thống trực, tăng cường nghiên cứu, phân tích nắm chắc tình hình, nhiệm vụ, đối sách và biện pháp xử trí các tình huống trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, chống khai thác IUU trên vùng biển được giao.
Cùng với nguồn lợi thủy sản suy giảm, chi phí cho mỗi chuyến đi biển tăng cao, thì nhận thức pháp luật của ngư dân còn hạn chế là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng khai thác IUU. Nhận rõ điều đó, Vùng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về chống khai thác IUU cho ngư dân với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng. Để công tác tuyên truyền thành nền nếp, hiệu quả, ngoài các quy chế, chương trình phối hợp đã được ký kết với cấp ủy, chính quyền các địa phương, Vùng chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo các tỉnh trên địa bàn xây dựng, triển khai thực hiện chặt chẽ Kế hoạch phối hợp tổ chức Hội nghị tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài khi đánh bắt hải sản. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực đổi mới nội dung, phương pháp hình thức tuyên truyền; chú trọng tuyên truyền cho chủ phương tiện, thuyền viên, nhất là các đối tượng có nguy cơ vi phạm cao nắm chắc các quy định của pháp luật về khai thác, đánh bắt thủy sản; khu vực, ranh giới vùng biển được phép đánh bắt; vận động nhân dân vừa vươn khơi bám biển phát triển kinh tế, vừa chấp hành nghiêm pháp luật và tham gia bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo. Vùng cũng đã đưa nội dung tuyên truyền chống khai thác IUU vào Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” và công tác dân vận “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo” để tăng diện tuyên truyền, hướng đến nhiều đối tượng hơn. Mỗi năm, Vùng tổ chức gần 50 đợt tuyên truyền cho hàng nghìn lượt cán bộ, nhân dân, ngư dân trên địa bàn; cấp phát hàng chục nghìn tờ rơi về Luật Cảnh sát biển Việt Nam, các quy định về IUU, v.v. Trong đợt cao điểm tuyên truyền IUU vừa qua, Vùng đã thực hiện 04 đợt tuyên truyền tại các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định; tặng 2.500 lá cờ Tổ quốc và phát 3.500 tờ rơi tuyên truyền IUU; chủ trì, phối hợp cùng chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các địa phương tổ chức chuyến đi thị sát, nắm tình hình thực tế trên biển để chỉ đạo công tác này quyết liệt, hiệu quả hơn. Bằng nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, với sự nỗ lực, vào cuộc trách nhiệm của các lực lượng, sự kiên trì bám sát cơ sở của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển, nhận thức, trách nhiệm của ngư dân được nâng lên, góp phần thay đổi cách thức đánh bắt theo hướng bền vững, vừa khai thác vừa bảo tồn nguồn lợi thủy sản.
Công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản luôn được Bộ Tư lệnh Vùng chú trọng, thực hiện tốt. Các cơ quan, đơn vị triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường trinh sát nắm tin tức, tình hình tàu cá vi phạm IUU; thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, tập trung vào địa bàn trọng điểm, những dấu hiệu nghi vấn, các đối tượng có nguy cơ vi phạm cao, các tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu thuyền sang vùng biển nước ngoài. Vùng đã chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng: Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, 3, 4; Đoàn Trinh sát số 1, 2; Vùng 3, Vùng 4 Hải quân; cấp ủy, chính quyền các địa phương; Công an; Biên phòng; Chi cục thủy sản và các nghiệp đoàn nghề cá,… để trao đổi, phối hợp kiểm tra, chia sẻ thông tin, nắm chắc tình hình tàu cá vi phạm IUU trên địa bàn, vùng biển đơn vị quản lý, kịp thời phát hiện tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài, làm rõ các đường dây môi giới đưa phương tiện sang vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép, v.v. Qua đó, xác định phương hướng, biện pháp quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động của tàu cá trên biển và các hành vi vi phạm, tội phạm khác, không để bị động, bất ngờ. Thường xuyên khai thác thông tin tàu cá có dấu hiệu vi phạm (vượt qua ranh giới, tắt hệ thống VMS,...) trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá toàn quốc, kịp thời cập nhật cho các tàu Cảnh sát biển đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên vùng biển đơn vị quản lý để kiểm tra, ngăn chặn và xử lý hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng quản lý, theo dõi chặt chẽ các tàu cá ra, vào bến, kiên quyết không cho xuất cảng đối với các tàu cá không lắp đặt hoặc không duy trì hoạt động thường xuyên thiết bị giám sát hành trình. Tiến hành điều tra, xử lý triệt để các hành vi vi phạm khai thác IUU, trọng tâm là các hành vi tháo, gửi, tắt thiết bị giám sát hành trình; môi giới đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Cùng với đó, Vùng triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu để nắm chắc tình hình tội phạm, vi phạm và tình hình tàu cá vi phạm IUU; bám nắm địa bàn; xây dựng cơ sở mật; mở mới và bổ sung thường xuyên các hồ sơ điều tra cơ bản IUU tại những địa bàn trọng điểm. Tăng cường rà soát, lập danh sách về tàu, thuyền viên có “nguy cơ cao” vi phạm IUU; thống kê tàu thuyền hoạt động đánh bắt xa bờ; phân loại phương tiện theo công suất máy, chiều dài, vùng biển hoạt động, ngư trường truyền thống; lập danh sách tàu cá chưa lắp hoặc đã lắp thiết bị VMS, các tàu thường xuyên mất kết nối trên biển; thông tin cụ thể, chi tiết của chủ tàu, thuyền trưởng; số tàu vi phạm bị bắt giữ, xử lý; phương thức, thủ đoạn vi phạm, v.v. Đồng thời, tổ chức trực ban trinh sát, trực trinh sát kỹ thuật theo đúng quy định để thu thập thông tin về an ninh chủ quyền, trật tự, an toàn xã hội trên vùng biển quản lý.
Thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển rộng, với lực lượng, phương tiện hiện có, Vùng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trển biển. Duy trì nghiêm túc, hiệu quả hoạt động của Trung tâm chỉ huy, trực trinh sát và các tàu trực trên thực địa; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; kết hợp tuần tra, kiểm soát thường xuyên, cố định với cơ động, đột xuất, bảo vệ các hoạt động khai thác hải sản hợp pháp của ngư dân ta, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm quy định về IUU của phương tiện tàu thuyền nước ngoài. Chú trọng theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá đi khai thác tại vùng biển xa, hoạt động trên vùng biển giáp ranh, vùng chồng lấn,… nhằm chủ động tuyên truyền, ngăn ngừa vi phạm. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Vùng yêu cầu các đơn vị quán triệt thực hiện đúng phương châm, đối sách trên biển theo Hướng dẫn số 5181/HD-BTL, ngày 12/5/2020 của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về thực hiện công tác pháp luật, kiểm tra, xử lý đối với các tàu cá vi phạm khai thác IUU và xử trí các tình huống trên biển; đồng thời, vận dụng đúng biện pháp xử trí tại Mục 6, Phần III của Kế hoạch số 11868/KH-TM, ngày 25/8/2021 của Bộ Tham mưu đã được Tư lệnh Cảnh sát biển phê duyệt; tránh tư tưởng đơn giản, chủ quan, nóng vội, mất bình tĩnh, làm phức tạp thêm tình hình. Thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền và Ban Chỉ đạo IUU các địa phương tổ chức tuần tra liên ngành trên biển; triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh trên thực địa để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đưa người, phương tiện sang vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép. Kiên quyết xử phạt nghiêm, đúng thẩm quyền với các phương tiện, tàu cá có hành vi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài để vừa răn đe, vừa tuyên truyền hiệu quả. Năm 2022 và 06 tháng đầu năm 2023, Vùng đã tổ chức, triển khai gần 50 lượt tàu, xuồng thực hiện nhiệm vụ trực tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý hàng nghìn lượt tàu cá nước ngoài và tàu cá nước ta vi phạm.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần tập trung cao độ, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 2 luôn chủ động, quyết liệt trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp trên vùng biển được giao, góp phần quan trọng trong nỗ lực chung của cả nước hoàn thành mục tiêu gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với sản phẩm thủy sản khai thác của nước ta.
Đại tá TRẦN QUANG TUẤN, Tư lệnh Vùng
Vùng Cảnh sát biển 2,gỡ “thẻ vàng”,khai thác thủy sản,phòng,chống IUU,
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An 14/11/2024
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo 07/11/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU 24/10/2024
Bộ đội Biên phòng Quảng Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển 17/10/2024
Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 27/09/2024
Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Hải quân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc 23/09/2024
Đoàn Đặc nhiệm số 2 nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên biển 19/09/2024
Lữ đoàn 131 thi đua thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu 09/09/2024
Đôi nét về tiềm năng phát triển của cảng Cái Lân 28/08/2024
Lữ đoàn Đặc công 126 tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” 12/08/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An