Thứ Bảy, 23/11/2024, 12:20 (GMT+7)
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954), đất nước ta tạm thời chia làm hai miền: Nam - Bắc với hai chế độ chính trị khác nhau. Theo đó, các vùng lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 về phía Nam (bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) do chính thể Việt Nam cộng hòa kiểm soát. Thực hiện các điều khoản trong Hiệp định, năm 1956, sau khi Pháp buộc phải rút hết quân khỏi Việt Nam, Chính quyền Sài Gòn đã phái lực lượng hải quân tiếp quản và thực thi chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cùng với đó, các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác sản vật, khoáng sản và nghiên cứu khí tượng, thủy văn cũng được Chính phủ Việt Nam cộng hòa triển khai. Trong đó, Sở Hầm mỏ, Kỹ nghệ và Tiểu thủ công nghiệp miền Nam đã tổ chức nhiều hoạt động, như: khảo sát trên 4 đảo (Hoàng Sa, Quang Ảnh, Hữu Nhật và Duy Mộng) và thăm dò, khai thác phốt-phát ở Hoàng Sa. Tiếp đó, tháng 7-1973, Viện Khảo cứu nông nghiệp thuộc Bộ Phát triển nông nghiệp và điền địa Sài Gòn đã khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về trồng trọt tại đảo Nam Yết (quần đảo Trường Sa), bước đầu đạt kết quả nhất định.
Mặt khác, để tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, từ năm 1961 đến 1963, Chính phủ Việt Nam cộng hòa đã lần lượt xây bia chủ quyền trên các đảo chính, như: Trường Sa, An Bang, Song Tử Tây,… và tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu quốc tế, nhằm phục vụ đời sống dân sinh trên một số đảo. Về mặt quản lý nhà nước, Chính quyền Sài Gòn đã ra nhiều nghị định về đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy (năm 1956); quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam (năm 1961) và thành lập ở đây xã đảo Định Hải; đồng thời, lần lượt bổ nhiệm các ông Nguyễn Bá Thược và Hoàng Yêm làm Phái viên hành chính Hoàng Sa. Năm 1967, tại Nghị định số 809-NĐ-DUHC của Chính phủ Việt Nam cộng hòa, ông Trần Chuân được cử làm Phái viên hành chính xã đảo Định Hải (Quảng Nam), v.v.
Tuy nhiên, do Pháp rút hết quân đồn trú ở Hoàng Sa và Trường Sa đã để lại khoảng trống bố phòng không nhỏ ở Biển Đông, nhân cơ hội đó, lực lượng nước ngoài đã xâm phạm, chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc hai quần đảo này. Trước tình hình đó, Chính quyền Sài Gòn vừa cực lực lên án, phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền, vừa tích cực đấu tranh trên trường quốc tế. Ngày 02-7-1974, tại kỳ họp của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS III) ở Ca-ra-cát (Vê-nê-xu-ê-la), đại diện Việt Nam cộng hòa đã cực lực lên án Trung Quốc xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực và tuyên bố chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra tuyên bố lập trường 3 điểm về việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ (ngày 26-01-1974)1; đồng thời, khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Đặc biệt, tháng 2-1975, Chính quyền Sài Gòn đã cho công bố Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và nhận được phản hồi tích cực của cộng đồng quốc tế. Bà Monique Chemillier Gendreau, giáo sư công pháp và khoa học chính trị Đại học Pa-ri – nguyên chủ tịch Hội luật gia châu Âu nhấn mạnh: việc chiếm đóng bằng vũ lực này không thể là cơ sở của một quyền2 (theo luật pháp quốc tế).
Như vậy, với vị thế là nhà nước kế thừa chủ quyền của Việt Nam cộng hòa đối với Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam là quốc gia duy nhất sở hữu, quản lý hai quần đảo trên một cách liên tục, hòa bình, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Văn Doanh thực hiện _________
1 - Lập trường 3 điểm gồm: Chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc; Vấn đề biên giới và lãnh thổ là vấn đề mà giữa các nước láng giềng thường có những tranh chấp do lịch sử để lại; Các nước liên quan cần xem xét vấn đề này trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt và phải giải quyết bằng thương lượng.
2 - Trần Công Trục, Dấu ấn Việt nam trên Biển Đông, Nxb Thông tin và Truyền thông, H. 2012, tr. 388.
Hoàng Sa,Trường Sa,1954 - 1975
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An 14/11/2024
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo 07/11/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU 24/10/2024
Bộ đội Biên phòng Quảng Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển 17/10/2024
Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 27/09/2024
Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Hải quân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc 23/09/2024
Đoàn Đặc nhiệm số 2 nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên biển 19/09/2024
Lữ đoàn 131 thi đua thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu 09/09/2024
Đôi nét về tiềm năng phát triển của cảng Cái Lân 28/08/2024
Lữ đoàn Đặc công 126 tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” 12/08/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An