QPTD -Thứ Ba, 27/07/2021, 08:43 (GMT+7)
Vị trí, vai trò của Biển Đông đối với thế giới, khu vực và Việt Nam

Biển Đông là biển nửa kín1, ven lục địa có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, là một trong những biển lớn nhất trên thế giới, nằm giữa từ vĩ độ 00 đến vĩ độ 250 Bắc và từ kinh độ 1000 Đông đến kinh độ 1210 Đông; trải dài từ bờ biển Việt Nam ở phía Tây đến các đảo Luzon, Palauwan và Borneo ở phía Đông và từ Trung Quốc ở phía Bắc đến Indonesia ở phía Nam. Ở phía Bắc, Biển Đông nối liền với biển Hoa Đông qua eo biển Đài Loan; ở phía Đông Bắc nối với biển Philippines của Thái Bình Dương qua các eo biển Luzon; ở phía Tây Nam nối với biển Andaman của Ấn Độ Dương thông qua các eo biển Singapore và Malacca; ở phía Nam thông ra biển Java qua các eo biển Karimata.

Biển Đông, tuyến đường ngắn nhất nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, cửa ngõ giao thương quốc tế. Tại đây có eo biển Malacca với chiều dài 600 hải lý và chiều rộng ở chỗ hẹp nhất chỉ 1,2 hải lý, nối liền các cảng biển của Đông Bắc Á, bờ Tây châu Mỹ với Nam Á, châu Phi, Trung Đông, Nam Âu, được dự báo sẽ trở nên quá tải hơn nữa do sự gia tăng thương mại toàn cầu và nhu cầu năng lượng của các quốc gia. Tuyến đường vận tải quốc tế qua Biển Đông được coi là nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Địa Trung Hải), chiếm hơn một nửa trọng tải vận chuyển thương mại hàng hải toàn cầu, sự sống còn không chỉ với các quốc gia và vùng lãnh thổ bao quanh, mà còn đối với khu vực Đông Á và thế giới.

Ngoài ra, trữ lượng dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản và hải sản ở Biển Đông có thể đảm bảo một phần đáng kể an ninh năng lượng, lương thực cho các nước ven bờ. Theo đánh giá sơ bộ của các nhà khoa học, trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tại đây có thể vượt cả trữ lượng dầu mỏ và khí đốt ở khu vực Trung Đông. Các khu vực được cho là có triển vọng nhất về dầu mỏ là thềm lục địa quần đảo Trường Sa, khu vực quần đảo Hoàng Sa và vịnh Bắc Bộ. Đối với nguồn lợi hải sản, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, Biển Đông là vùng biển được xếp hạng thứ 4 trong số 19 khu vực đánh cá tốt nhất thế giới về tổng sản lượng đánh bắt cá hằng năm. Nguồn lợi hải sản ở Biển Đông được cho là có khoảng hơn 1.000 loài cá, 90 loài tôm và 70 loài thân mềm. Khai thác hải sản là một ngành kinh tế rất quan trọng đối với các quốc gia ven Biển Đông. Mỗi năm có khoảng 06 triệu tấn hải sản được đánh bắt tại đây, tương đương 10% tổng khối lượng hải sản được đánh bắt trên toàn thế giới.

Đối với Việt Nam, Biển Đông có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Không chỉ cung cấp nguồn thức ăn cho cư dân ven bờ từ hàng nghìn năm nay, Biển Đông còn tạo điều kiện để phát triển các ngành kinh tế và là cửa ngõ để Việt Nam giao thương với thị trường khu vực và quốc tế, nơi trao đổi và hội nhập của nhiều nền văn hóa. Đồng thời, là không gian sinh tồn để Việt Nam phát triển bền vững các ngành kinh tế mũi nhọn, như: thủy sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tàu, du lịch, v.v. Ngoài ra, ven biển Việt Nam còn chứa đựng tiềm năng to lớn về quặng sa khoáng, như: than, zircon, thiếc, vàng, đất hiếm,... trong đó cát nặng, cát đen là nguồn tài nguyên quý giá của đất nước. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở trung tâm Biển Đông, thuận lợi cho việc đặt vị trí xây dựng các trạm thông tin, kiểm soát không lưu, hàng hải, dừng chân và tiếp nhiên liệu cho tàu, thuyền,... trên tuyến hàng hải này và có ý nghĩa đặc biệt về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trên hướng biển.

PHẠM BÌNH (thực hiện)
______________

1- Là biển được bao bọc bởi hai hay nhiều quốc gia, nối liền với các biển khác thông qua một lối đi nhỏ, bao gồm toàn bộ hoặc chủ yếu lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven bờ.

Ý kiến bạn đọc (0)