QPTD -Thứ Hai, 21/09/2015, 09:08 (GMT+7)
Thông tin về biển, đảo Việt Nam
Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa
Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa

Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nằm ở khu vực Bắc Biển Đông, từ khoảng 15o45’ đến 17o15’ vĩ Bắc, 111o đến 113o kinh Đông, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 120 hải lý. Đây là một quần thể san hô, gồm 37 đảo, bãi cạn, bãi đá ngầm, cồn san hô, được chia thành hai nhóm đảo. Nhóm đảo phía Đông (nhóm An Vĩnh) gồm 12 đảo, bãi cạn; trong đó có hai đảo lớn là Phú Lâm và Linh Côn, mỗi đảo rộng khoảng 1,5 km2. Nhóm đảo phía Tây gồm nhiều đảo xếp thành hình vòng cung (nhóm Lưỡi Liềm); trong đó có các đảo Hoàng Sa (diện tích gần 1 km2), Quang Ảnh, Hữu Nhật, Quang Hòa, Duy Mộng, Chim Yến, Tri Tôn, v.v.

Phần lớn các đảo của quần đảo Hoàng Sa có độ cao trung bình dưới 10 m so với mặt nước biển và có diện tích nhỏ (dưới 1 km2). Tổng diện tích toàn bộ phần nổi của quần đảo khoảng 10 km2. Trong số đó, đảo Phú Lâm (nằm ở khoảng 16o50,2’ vĩ Bắc và 112o20’ kinh Đông) có chiều dài 1,7 km, chiều rộng 1,2 km và giữ vị trí quan trọng nhất trong cụm đảo An Vĩnh và cả quần đảo Hoàng Sa. Đảo Linh Côn (ở vị trí khoảng 16o40,3’ vĩ Bắc và 112o43,6’ kinh Đông) có độ cao trung bình khoảng 8,5 m, trên đảo có nước ngọt quanh năm. Đặc biệt, đảo Hoàng Sa, tuy có diện tích không lớn nhưng có giá trị về quân sự và hậu cần nghề cá. Trên đảo này từng có bia chủ quyền, Miếu Bà,… cùng một trạm khí tượng do chính quyền bảo hộ Pháp và nhà Nguyễn (Việt Nam) xây dựng, hoạt động từ năm 1938, được Tổ chức Khí tượng thế giới (WVO) công nhận và đặt số hiệu 48860 trong mạng lưới khí tượng quốc tế. Ngoài các đảo, còn có các cồn và vành đai san hô bao bọc, tạo thành một đầm nước lớn giữa biển; trong đó có cồn dài tới 30 km, rộng khoảng 10 km như cồn Cát Vàng.

Khí hậu ở quần đảo Hoàng Sa tương đối phức tạp, có chế độ gió mùa biến đổi thường xuyên trong năm, do ảnh hưởng của địa hình lục địa Việt Nam và Trung Quốc. Nhiệt độ không khí thấp nhất từ 22o đến 24oC (trong tháng 1), tăng dần cực đại tới 29oC (trong các tháng 6, 7) và giảm từ từ xuống 25oC (vào tháng 12). Lượng mưa trung bình hằng năm thấp, từ 1.200 mm đến 1.600 mm, chủ yếu tập trung vào mùa hè. Thảm thực vật ở Hoàng Sa rất đa dạng, phần lớn thuộc các loài có nguồn gốc từ miền duyên hải của Việt Nam. Về hải sản, nơi đây có nhiều loài quý, hiếm, như: tôm hùm, hải sâm, đồi mồi, vích, ốc tai voi,… và loại rau câu rất có giá trị trên thị trường quốc tế.

Từ nhiều thế kỷ nay, Việt Nam đã xác lập và thực hiện chủ quyền đối với Hoàng Sa khi quần đảo này còn vô chủ. Việc quản lý, thực thi chủ quyền này được Việt Nam tiến hành một cách liên tục, hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Tuy nhiên, vào các năm 1956 và 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (khi đó do chính quyền Sài Gòn quản lý). Hiện nay, Trung Quốc vẫn chiếm giữ quần đảo này. Đây là hành động sai trái, vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc, các chuẩn mực của luật pháp quốc tế.

Văn Doanh thực hiện

Ý kiến bạn đọc (0)