QPTD -Thứ Hai, 18/01/2021, 10:05 (GMT+7)
Vài nét về vùng biển chồng lấn

Vùng biển chồng lấn là một khu vực biển mà hai hay nhiều quốc gia đều có yêu sách hợp pháp theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982. Vùng biển chồng lấn thường xuất hiện giữa các quốc gia có bờ biển tiếp giáp hoặc đối diện nhau, nhưng khoảng cách giữa bờ biển các nước này không đủ để mỗi nước xác lập chiều rộng tối đa cho các vùng biển của mình mà không chồng lấn lên nhau. Tùy theo khoảng cách bờ biển của các nước nằm đối diện hay kế cận nhau đã tạo ra vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa chồng lấn; trong đó, do vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa có diện tích rộng hơn, nên khả năng xuất hiện vùng biển chồng lấn sẽ nhiều hơn. Tình trạng chồng lấn khi chưa được các bên liên quan tiến hành đàm phán, phân định ranh giới rõ ràng thì được xếp vào loại tranh chấp biển cần giải quyết giữa các quốc gia ven biển có liên quan. Loại tranh chấp này có nguyên nhân xuất phát từ việc giải thích và áp dụng các quy định của Công ước Luật biển năm 1982. Đây là loại tranh chấp được hình thành trong xu hướng thay đổi có tính chất cách mạng về địa chính trị, địa kinh tế trên phạm vi toàn thế giới.

Bẩn đồ khu vực Đông Nam Á và Biển Đông

Hiện nay, có khoảng 36% diện tích biển và đại dương đã có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia biển kể từ khi Công ước Luật biển năm 1982 ra đời, còn khoảng 416 tranh chấp về ranh giới biển, thềm lục địa cần được hoạch định; trong đó, khu vực Đông Nam Á có khoảng 15 tranh chấp. Tất nhiên trong các tranh chấp trên, người ta không tính đến tranh chấp được tạo thành bởi yêu sách không dựa vào các quy định, hoặc cố tình giải thích sai Công ước phục vụ cho tham vọng của quốc gia. Công ước cũng quy định rõ: Trong khi đàm phán hoạch định vùng biển chồng lấn, nếu chưa thống nhất được phương án cuối cùng, các bên có thể sử dụng giải pháp thỏa thuận, dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn “hợp tác khai thác chung” vùng biển chồng lấn, nhưng chỉ áp dụng giải pháp này cho vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn, còn các vùng chồng lấn khác không áp dụng. Các giải pháp mang tính tạm thời không ảnh hưởng đến kết quả đàm phán hoạch định cuối cùng.

Đối với nước ta, việc phân định biển với Trung Quốc và Thái Lan cơ bản ổn định, nhưng còn một số nước trong khu vực diễn biến tương đối phức tạp, cần kiên trì đàm phán, thương lượng, giải quyết. Trong đó, chúng ta đang có nhiều vùng biển chồng lấn với các nước. Với Campuchia, chúng ta đã ký được Hiệp định về Vùng nước lịch sử, việc phân định về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đang tiếp tục được giải quyết. Việt Nam và Malaixia đang tồn tại vùng biển chồng lấn về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý trong khu vực Vịnh Thái Lan hai nước thỏa thuận cùng khai thác. Với Indonexia, ta đã ký được Hiệp định phân định thềm lục địa, đang tiếp tục đàm phán giải quyết ranh giới vùng đặc quyền kinh tế, v.v.

Như vậy, để phân định ranh giới biển, giảm bớt các vùng biển chồng lấn, đòi hỏi các nước liên quan phải nỗ lực, tích cực đàm phán, giải quyết trên cơ sở Công ước Luật biển năm 1982. Trong điều kiện chưa ký được các hiệp định phân định ranh giới biển, các bên cần thương lượng, giải quyết bằng biện pháp hòa bình; thỏa thuận cùng khai thác chung trong vùng biển chồng lấn, tránh các hành động tranh chấp đơn phương vì mục đích chính trị, kinh tế của quốc gia, dân tộc mình, mà bỏ qua lợi ích của các nước, không tuân thủ luật pháp quốc tế, dẫn đến xung đột, ảnh hưởng an ninh, an toàn vùng biển, đảo và nền hòa bình khu vực.

Nguyễn Đức Phú thực hiện

Ý kiến bạn đọc (0)