QPTD -Thứ Hai, 19/08/2019, 08:58 (GMT+7)
Vài nét về Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2019

Với diện tích hơn một triệu ki-lô-mét vuông và nguồn tài nguyên, khoáng sản quý giá, các vùng biển của Việt Nam có vị trí, ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tăng cường công tác trật tự, an ninh, an toàn, giữ vững chủ quyền các vùng biển, đảo của Tổ quốc, nhằm khai thác các nguồn lợi từ biển. Đáng chú ý là, chúng ta đã chủ động tham gia Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (năm 1982), ban hành Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (năm 1998) và nhiều văn bản, chỉ thị khác. Qua 20 năm thực hiện Pháp lệnh, lực lượng Cảnh sát biển đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự trên biển, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trước tình hình an ninh diễn biến hết sức phức tạp trên Biển Đông hiện nay, nhất là việc tranh chấp chủ quyền biển, đảo, buôn lậu, cướp biển, vi phạm lãnh hải trong khai thác thủy sản, hải sản,… và xu thế hội nhập quốc tế, đòi hỏi chúng ta phải có đạo luật cơ bản, tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng Cảnh sát biển thực thi pháp luật trên biển, góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn trên các vùng biển Việt Nam. Theo đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành, địa phương liên quan đã tích cực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Trung ương và ngày 19-11-2018, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam (có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2019). Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành, phát triển của lực lượng Cảnh sát biển nói riêng, ngành an ninh biển Việt Nam nói chung, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh pháp lý trên biển.

Luật Cảnh sát biển Việt Nam gồm 08 chương, 41 điều với nhiều nội dung chi tiết; trong đó, trọng tâm Luật đã quy định “Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển”; Cảnh sát biển Việt Nam có 03 nhóm chức năng, 07 nhóm nhiệm vụ, 10 quyền hạn. Ngoài ra, Luật còn quy định về tổ chức lực lượng Cảnh sát biển; hoạt động và quy chế phối hợp hoạt động; công tác bảo đảm, các chế độ, chính sách; công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan đối với Cảnh sát biển Việt Nam, v.v.

Để Luật Cảnh sát biển Việt Nam được thực thi hiệu quả, trước hết, chúng ta cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi không chỉ cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát biển, lực lượng vũ trang, mà còn đông đảo nhân dân, nhất là nhân dân các địa phương ven biển nắm chắc để phối hợp hoạt động. Tập trung cụ thể hóa, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam, bảo đảm phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, tình hình an ninh và yêu cầu bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế trên từng vùng biển. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện tổ chức, biên chế; huấn luyện, bồi dưỡng cho toàn lực lượng có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần vượt khó, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao để thực thi pháp luật trên biển; đồng thời, chú trọng đầu tư ngân sách mua sắm vũ khí, trang bị, phương tiện chuyên ngành, quyết tâm xây dựng Cảnh sát biển “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Nâng cao khả năng phối hợp hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng liên quan (Hải quân; Kiểm ngư; dân quân, tự vệ biển; Hải quan; An ninh,…). Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong quá trình triển khai thực hiện Luật Cảnh sát biển Việt Nam, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, cùng nhau giải quyết các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển.

Nguyễn Đức Phú thực hiện

Ý kiến bạn đọc (0)