QPTD -Thứ Năm, 29/10/2020, 08:59 (GMT+7)
Tiềm năng và vai trò của du lịch biển đối với kinh tế Việt Nam

Vùng biển Việt Nam có điều kiện tự nhiên và tài nguyên hết sức phong phú, đa dạng về sinh học, các hệ sinh thái, thuận lợi cho phát triển du lịch biển, ven biển và đảo với nhiều quy mô, hình thức. Đáng chú ý là, địa hình ven biển tạo nên nhiều cảnh quan kỳ thú, hấp dẫn khách du lịch trên khắp chiều dài đất nước, như: đèo Ngang, đèo Hải Vân, đèo Cả,… xen kẽ giữa các mũi nhô ra và vũng, vịnh ven bờ có 126 bãi cát biển đẹp (trong đó có khoảng 20 bãi cát đạt tiêu chuẩn quốc tế), cùng hàng trăm bãi biển nhỏ, đẹp, nằm ven các vịnh tĩnh lặng, quanh các đảo hoang sơ có thể khai thác, phát triển loại hình du ngoạn, picnic, v.v. Vùng biển ven bờ có khoảng trên 2.500 đảo lớn, nhỏ; nhiều đảo, cụm đảo có giá trị du lịch cao, như: Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Cù Lao Chàm, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc, v.v. Đây là tiềm năng lớn mà chúng ta đã, đang và sẽ tận dụng, khai thác phát triển du lịch biển.

Nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế của địa lý, Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/02/2007 của Đảng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 xác định: du lịch biển, đảo là một trong 05 lĩnh vực kinh tế biển, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế biển nói riêng, kinh tế đất nước nói chung. Thực hiện chủ trương đó, những năm qua, ngành du lịch biển nước ta được ưu tiên đầu tư phát triển và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, tạo nhiều việc làm cho nhân dân các địa phương ven biển, bảo vệ tài nguyên, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh ven biển, trên biển, đảo. Hiện nay, nước ta còn nhiều khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển du lịch thuộc vùng ven biển chưa được đầu tư, khai thác tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là hệ thống đảo ven bờ. Tuy vậy, số lượng khách du lịch biển hằng năm vẫn chiếm từ 70% - 80% lượng khách du lịch, thu nhập từ hoạt động du lịch biển chiếm tỷ trọng cao trong thu nhập du lịch chung của cả nước. Điều này cho thấy, vai trò quan trọng của du lịch biển đối với sự phát triển kinh tế đất nước.

Thời gian tới, để khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng, lợi thế sẵn có phát triển du lịch biển, trước hết chúng ta cần tập trung quán triệt, thực hiện thắng lợi các chủ trương, khâu đột phá trong Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, du lịch và dịch vụ biển được xác định là ưu tiên hàng đầu: “Chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại các vùng ven biển; xây dựng, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới. Nghiên cứu thí điểm phát triển du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ; tăng cường năng lực tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; đẩy mạnh các hoạt động thám hiểm khoa học; chú trọng công tác giáo dục, y tế biển. Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, việc làm mới ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân”.

Theo đó, các cấp, ngành, địa phương, nhất là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển du lịch biển, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Đảng.

Nguyễn Đức Phú thực hiện

Ý kiến bạn đọc (0)