QPTD -Thứ Sáu, 22/04/2022, 07:34 (GMT+7)
Tiềm năng phát triển của hệ thống đảo ven bờ

Hệ thống đảo ven bờ của nước ta, gồm hơn 2.770 đảo lớn, nhỏ với diện tích khoảng 1.720 km2, phân bố rải rác trên các vùng biển, nhưng tập trung chủ yếu ở vùng biển ven bờ Vịnh Bắc Bộ, trong đó có một số đảo lớn, như: Cái Bầu, Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Cát Bà, Lý Sơn, v.v. Hệ thống đảo ven bờ có vị trí hết sức quan trọng, tạo không gian sinh tồn cho dân tộc, đất nước; là cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Ngoài ra, hệ thống đảo ven bờ còn là “tiền đồn”, “điểm chốt” cố định, tạo “bức tường thành” vững chắc để quản lý, kiểm soát, bảo vệ các tuyến giao thông, hoạt động kinh tế,… cùng vùng biển quan trọng ven bờ; đồng thời, là nơi triển khai, bố trí các lực lượng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ hướng biển.

Do đặc điểm phân bố, hệ thống đảo ven bờ có vai trò to lớn trong khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái đặc trưng vùng biển Việt Nam. Bên cạnh đó còn là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, vùng biển và là cửa ngõ giao lưu văn hóa, kinh tế với nước ngoài để Việt Nam vươn ra thế giới.

Tài nguyên thiên nhiên của hệ thống đảo ven bờ Việt Nam rất phong phú và đa dạng, gồm: khoáng sản, đất, hệ thực vật, động vật, tiềm năng du lịch, v.v.

+ Về tài nguyên khoáng sản có 05 nhóm chính (khoáng sản cháy, khoáng sản kim loại, sa khoáng không kim loại, khoáng sản vật liệu xây dựng, đá quý) với 30 loại.

+ Tài nguyên đất có 11 loại chính, được chia thành ba nhóm: nông nghiệp, lâm nghiệp và chuyên dùng. Đất trên đảo chủ yếu sử dụng để canh tác nông nghiệp, nhiều đảo không có người dân sinh sống, nhưng vẫn được sử dụng để trồng lúa, ngô, rau, củ, quả, v.v.

+ Hệ thống thực vật, động vật trên các đảo ven bờ cũng rất phong phú và có giá trị kinh tế lớn. Hệ thực vật có sự phân hóa so với đất liền và theo vĩ độ; trong đó, thực vật hạt kín đóng vai trò quyết định, tạo nên thành phần loài trong hệ sinh thái đảo. Do sự đa dạng của điều kiện tự nhiên, nên hệ động vật cũng phong phú, đa dạng và mang tính đặc thù của thiên nhiên ven bờ biển nhiệt đới, với 64 loài thú thuộc 24 họ, 08 bộ; 194 loài chim thuộc 50 họ, 20 bộ; 72 loài bò sát thuộc 17 họ, 03 bộ và 15 loài ếch, nhái thuộc 04 họ, 01 bộ.

+ Với ưu thế đặc biệt về cảnh quan, khí hậu, hệ sinh vật nhiệt đới,… hệ thống đảo ven bờ có tiềm năng du lịch rất lớn, các đảo thường được nhóm lại theo các vùng du lịch biển của nước ta, như: vùng du lịch biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Các vùng biển có các đảo Cô Tô, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Hòn Mê, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc, Nam Du,... là những ngư trường quan trọng và có giá trị khai thác lớn, một số đảo tại các vùng biển này đủ điều kiện để xây dựng cơ sở hậu cần nghề cá. Đặc biệt, Phú Quốc, Côn Đảo và Vân Đồn là những đảo tiền tiêu, gắn liền với các cuộc đấu tranh trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, riêng Vân Đồn trước đây còn là thương cảng sầm uất.

Như vậy, hệ thống đảo ven bờ của nước ta có giá trị, tiềm năng to lớn cũng như vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, v.v. Đây là điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành và địa phương, nhất là các địa phương ven biển đẩy mạnh nghiên cứu, đánh giá cụ thể, quy hoạch phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, vùng biển gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thực hiện: TRẦN TOÀN

Ý kiến bạn đọc (0)