QPTD -Thứ Hai, 20/07/2015, 08:06 (GMT+7)
Thông tin về biển, đảo Việt Nam
Thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ năm 1975 đến nay
Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm, kiểm tra  quần đảo Trường Sa, Việt Nam (năm 1988). (Ảnh tư liệu)

Sau chiến thắng 30-4-1975, nước Việt Nam thống nhất, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quản lý toàn bộ lãnh thổ đất nước; trong đó, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo đó, cùng với tổ chức lực lượng quản lý, bảo vệ chủ quyền các vùng biển, đảo, Nhà nước Việt Nam ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Điển hình là Tuyên bố ngày 12-5-1977 của Chính phủ Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; Tuyên bố Việt Nam có quyền kiểm soát hoàn toàn đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (năm 1994) của Bộ Ngoại giao cùng các quyết định về thành lập đơn vị hành chính ở hai quần đảo này, v.v. Trên cơ sở đó, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, như: tổ chức triển lãm các hiện vật lịch sử; nghiên cứu, khảo sát điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; xây bia chủ quyền, thiết lập các ngọn đèn biển và đưa dân ra sinh sống trên các đảo. Đến nay, tại quần đảo Trường Sa, Việt Nam đã sở hữu 09 ngọn đèn biển (được Cơ quan Quỹ đạo quốc tế và Hiệp hội báo hiệu hàng hải thế giới ghi nhận trên hải đồ quốc tế); đồng thời, hình thành cụm dân cư trên các đảo với nhiều công trình thiết yếu, như: nhà ở, trường học, trạm y tế, cảng biển và các công trình văn hóa (thư viện, chùa chiền), v.v. Đây là biểu hiện sinh động nhất về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, được thế giới ghi nhận.

Về quản lý hành chính, năm 1982, Chính phủ Việt Nam thành lập huyện đảo Hoàng Sa (trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) và huyện đảo Trường Sa (trực thuộc tỉnh Đồng Nai). Hiện nay (sau khi điều chỉnh địa giới hành chính), huyện đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng, huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Để đáp ứng sự phát triển của thực tiễn, năm 2007, Chính phủ quyết định thành lập thị trấn Trường Sa cùng hai xã đảo: Song Tử Tây và Sinh Tồn trực thuộc huyện đảo Trường Sa.

Cùng với đó, Việt Nam liên tục đấu tranh khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa1 và Trường Sa trước sự chiếm đóng trái phép của nước ngoài. Tháng 9-1975, tại Hội nghị Khí tượng thế giới ở Cô-lôm-bô, cùng với việc tái khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam đăng ký Đài khí tượng tại Hoàng Sa vào hệ thống SYNOP của Tổ chức khí tượng quốc tế (với số hiệu 48.860) và được tổ chức này chấp thuận. Liên tiếp trong các hội nghị quốc tế về Khí tượng châu Á lần thứ 2 (tháng 6-1980); Địa chất quốc tế lần thứ 26 (tháng 7-1980); Thông tin vô tuyến điện thế giới (tháng 01-1983),… Việt Nam đã vạch trần và tố cáo Trung Quốc lợi dụng các diễn đàn này để tuyên truyền về cái gọi là chủ quyền của Bắc Kinh đối với Hoàng Sa, Trường Sa, đồng thời khẳng định rõ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Đặc biệt, tại Hội nghị Hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương (năm 1983) ở Sin-ga-po, khi Trung Quốc muốn lợi dụng việc chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa để mở rộng vùng thông báo bay (FIR) Quảng Châu xuống phía Nam đã bị Hội nghị phản đối và giữ nguyên trạng FIR ban đầu. Ngoài ra, liên tục trong các năm 1979, 1981 và 1988, Việt Nam đều công bố Sách trắng về chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được đông đảo dư luận quốc tế thừa nhận.

Tất cả những vấn đề nêu trên cho thấy, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tạ Quang thực hiện
_______

1 - Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ tháng 01-1974.

 

Ý kiến bạn đọc (0)