QPTD -Thứ Năm, 12/12/2013, 22:20 (GMT+7)
Thông tin về biển, đảo Việt Nam
Quyền tài phán hình sự đối với tàu thuyền nước ngoài theo Luật Biển Việt Nam

Luật Biển Việt Nam, Điều 30 (Khoản 1 và 2) quy định:

“1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền tiến hành các biện pháp để bắt người, điều tra đối với tội phạm xảy ra trên tàu thuyền nước ngoài sau khi rời khỏi nội thủy và đang đi trong lãnh hải Việt Nam.

2. Đối với tội phạm xảy ra trên tàu thuyền nước ngoài đang đi trong lãnh hải Việt Nam nhưng không phải ngay sau khi rời nội thủy Việt Nam, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền tiến hành bắt người, điều tra trong các trường hợp sau đây: a) Hậu quả của việc phạm tội ảnh hưởng đến Việt Nam; b) Việc phạm tội có tính chất phá hoại hòa bình của Việt Nam hay trật tự trong lãnh hải Việt Nam; c) Thuyền trưởng hay một viên chức ngoại giao hoặc viên chức lãnh sự của quốc gia mà tàu thuyền mang cờ yêu cầu sự giúp đỡ của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; d) Để ngăn chặn hành vi mua bán người, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy”.

Về vấn đề này, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước về Luật Biển năm 1982), Điều 27 đã nêu rõ các trường hợp vi phạm cụ thể mà quốc gia ven biển được quyền bắt giữ, điều tra đối với tàu thuyền nước ngoài khi đang đi qua lãnh hải. Tại Khoản 2 của Điều này, Công ước còn khẳng định: “… quốc gia ven biển áp dụng mọi biện pháp mà luật trong nước mình quy định nhằm tiến hành các việc bắt giữ hay tiến hành việc điều tra ở trên con tàu nước ngoài đi qua lãnh hải, sau khi rời khỏi nội thủy”. Tiếp đó, Điều 30 của Luật Biển Việt Nam còn quy định:

“3. Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển không được tiến hành bất kỳ biện pháp nào trên tàu thuyền nước ngoài đang đi trong lãnh hải Việt Nam nếu như tàu thuyền đó xuất phát từ một cảng nước ngoài và chỉ đi trong lãnh hải mà không đi vào nội thủy Việt Nam, trừ trường hợp cần ngăn ngừa, hạn chế ô nhiễm môi trường biển hoặc để thực hiện quyền tài phán quốc gia quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 của Luật này.

4. Việc thực hiện biện pháp tố tụng hình sự phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên”. Công ước về Luật Biển năm 1982, Điều 27 (Khoản 5) quy định: “Trừ trường hợp áp dụng Phần XII hay trong trường hợp có sự vi phạm các luật và quy định được định ra theo đúng Phần V, quốc gia ven biển không được thực hiện một biện pháp nào ở trên một con tàu nước ngoài khi nó đi qua lãnh hải nhằm tiến hành bắt giữ bất kỳ người nào hay tiến hành bất kỳ việc điều tra nào đối với bất kỳ một tội phạm hình sự nào đã xảy ra trước khi con tàu đi vào lãnh hải, nếu như con tàu xuất phát từ một cảng nước ngoài, chỉ đi qua lãnh hải mà không đi vào nội thủy”. Như vậy, quy định về “Quyền tài phán hình sự đối với tàu thuyền nước ngoài” theo Luật Biển Việt Nam là thống nhất với Công ước về Luật Biển năm 1982.

Tạ Quang thực hiện  

Ý kiến bạn đọc (0)