QPTD -Thứ Hai, 23/09/2019, 08:43 (GMT+7)
Quyền lợi và nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982

Ngày 10-12-1982, tại Ja-mai-ca, Việt Nam cùng 106 quốc gia khác đã ký Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đánh dấu sự thành công của Hội nghị Liên hợp quốc về Luật Biển lần thứ 3 với sự tham gia của 150 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế. Sau đó, ngày 23-6-1994, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn công ước này, biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển.

Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 có hiệu lực từ ngày 16-11-1994, được coi là bản “Hiến pháp về biển và đại dương” của thế giới; một văn kiện pháp lý đa phương đồ sộ (320 điều khoản và 9 phụ lục, với hơn 1.000 quy phạm pháp luật), đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng thế giới về một trật tự pháp lý quốc tế mới đối với tất cả các vấn đề về biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Đây là cơ sở pháp lý quốc tế khẳng định quyền lợi chính đáng của Việt Nam đối với các vùng nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Tổ quốc. Đồng thời, là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo: Hoàng Sa và Trường Sa. Cụ thể, sau khi gia nhập Công ước, Việt Nam được quốc tế thừa nhận có vùng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý và có thể mở rộng tới 350 hải lý, tính từ đường cơ sở hoặc 100 hải lý, tính từ đường đẳng sâu 2.500m; diện tích vùng biển và thềm lục địa mà Việt Nam được hưởng quyền lợi khoảng một triệu ki-lô-mét vuông, rộng gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất liền.

Từ khi tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Việt Nam luôn thể hiện là thành viên có trách nhiệm, tôn trọng và thực thi đầy đủ các quyền và nghĩa vụ. Theo đó, Việt Nam có quyền xác định các vùng biển và thềm lục địa theo Công ước, nhưng đồng thời cũng có nghĩa vụ tiến hành phân định các vùng biển và thềm lục địa ở những khu vực chồng lấn với các nước láng giềng. Thời gian qua, đặc biệt là sau khi Công ước có hiệu lực, Việt Nam đã giải quyết được nhiều vấn đề về phân định biển với các quốc gia láng giềng, như: phân định ranh giới biển với Thái Lan năm 1997; phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc năm 2000; phân định ranh giới thềm lục địa với In-đô-nê-xi-a năm 2003. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã thỏa thuận tiến hành hợp tác khai thác chung thềm lục địa chồng lấn với Ma-lai-xi-a năm 1992; vùng nước lịch sử với Cam-pu-chia năm 1982.

Căn cứ vào các quy định của Công ước, Việt Nam đã và đang tiến hành các hoạt động kinh tế biển trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý, phục vụ phát triển đất nước. Đồng thời, chủ động thúc đẩy hợp tác cùng các bên liên quan trong bảo vệ môi trường, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai và triển khai các biện pháp ngăn chặn tội phạm trên biển, góp phần thực hiện đầy đủ các quy định của Công ước, giữ gìn an ninh, an toàn trên biển. Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế được thành lập theo Công ước và ký kết nhiều hiệp định chung trong khuôn khổ hợp tác ASEAN liên quan đến vận tải biển và dịch vụ vận tải, v.v.

Những kết quả đó đã thể hiện quyết tâm và hành động thực tế của Việt Nam đối với việc tôn trọng, thực thi các quyền và nghĩa vụ theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam và giải quyết hòa bình các tranh chấp hiện nay ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế.

Phạm Bình thực hiện

Ý kiến bạn đọc (0)